1. Kyiv cho biết Nga chịu tổn thất về xe tăng và quân lính cao nhất trong nhiều tuần
Theo Kyiv, quân đội Nga tiếp tục phải trả giá đắt cho cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa về mặt nhân sự và trang thiết bị, trong đó ước tính mới nhất cho thấy tổn thất về quân số lớn nhất kể từ tháng 5 và tổn thất về xe tăng cao nhất kể từ tháng 7.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hôm thứ Bảy rằng trong 24 giờ qua, Nga đã mất 1.440 quân. Theo Kyiv, con số này nâng tổng số quân kể từ khi bắt đầu chiến tranh lên 640.920, và con số này là “ước tính” bao gồm cả những người thiệt mạng và bị thương.
Con số mới nhất là con số cao nhất kể từ ngày 27 tháng 5, khi ghi nhận 1.460 tổn thất của Nga. Mặc dù các con số không được chia nhỏ theo địa điểm, nhưng con số này được thống kê trong thời gian Ukraine xâm nhập vào khu vực Kursk của Nga và Mạc Tư Khoa tiến vào khu vực Donetsk của Ukraine để giành trung tâm hậu cần Pokrovsk.
Số liệu của Kyiv cũng cho thấy rằng trong ngày trước đó, Nga đã mất 21 xe tăng chiến đấu chủ lực—là mức cao nhất kể từ ngày 25 tháng 7 với tổng số 8.746 xe tăng trong cuộc chiến.
Việc xác định chính xác số lượng quân lính thiệt mạng là rất khó khăn vì cả hai bên đều không công bố ước tính chính thức và Mạc Tư Khoa cũng không cập nhật số người chết kể từ tháng 9 năm 2022 khi họ cho biết chỉ dưới 6.000 binh lính của mình đã thiệt mạng.
Tờ Wall Street Journal gần đây đưa tin rằng 200.000 quân Nga đã thiệt mạng và 600.000 người bị thương, trích dẫn ước tính giấu tên của tình báo phương Tây.
Báo cáo của Wall Street Journal cũng ghi nhận rằng tổn thất của Ukraine, mặc dù thấp hơn đáng kể, chỉ ở mức 80.000 người thiệt mạng và 400.000 người bị thương.
Kyiv chưa cập nhật số liệu thương vong kể từ khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố vào tháng 2 rằng 31.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng.
Theo thống kê của trang tin tức độc lập Mediazona và chương trình tiếng Nga của BBC, hơn 70.000 binh lính Nga được xác nhận đã thiệt mạng ở Ukraine.
Số liệu được công bố vào thứ sáu dựa trên thông tin nguồn mở như tuyên bố chính thức, cáo phó trên báo và bài đăng trên mạng xã hội, do đó các cơ quan này cho biết con số của họ có thể thấp hơn nhiều.
Các cơ quan truyền thông cho biết cứ năm người Nga thiệt mạng thì có một người đã ký hợp đồng với Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, gọi tắt là Rosgvardiya, sau khi chiến tranh bắt đầu, và hơn một nửa không liên kết với quân đội trước ngày 24 tháng 2 năm 2022.
[Newsweek: Russia Suffers Highest Tank and Troop Losses in Weeks: Kyiv]
2. Israel đã phá hủy máy nhắn tin và máy bộ đàm của Hezbollah như thế nào?
Hàng ngàn máy nhắn tin và máy bộ đàm đã phát nổ trong tay các chiến binh Hezbollah trong tuần này, khiến thế giới phải đặt câu hỏi: Chuyện đang xảy ra vậy?
Trong một màn thể hiện trí thông minh và sức mạnh công nghệ phi thường, các cơ quan an ninh Israel được cho là đã tấn công nhóm khủng bố có trụ sở tại Li Băng bằng cách đồng thời kích nổ một lượng nhỏ thuốc nổ được giấu trong hàng ngàn thiết bị cầm tay.
Các máy nhắn tin, tiếng Anh gọi là pager, bắt đầu kêu bíp bíp ngay sau 3:30 chiều tại Li Băng vào thứ Ba, báo cho các điệp viên Hezbollah biết có tin nhắn từ lãnh đạo của họ. Nhưng chỉ trong vài giây, các thiết bị phát ra cảnh báo đã phát nổ, giết chết và làm bị thương những người ở gần đó trên khắp Li Băng.
Ngày hôm sau, cuộc tấn công thứ hai nhắm vào máy bộ đàm, tiếng Anh gọi là walkie-talkies.
Theo Bộ Y tế nước này, hai vụ tấn công phối hợp đã giết chết 37 người và làm bị thương hàng ngàn người trên khắp Li Băng, bao gồm cả trẻ em.
Reuters đưa tin, đầu năm nay, sau khi các chỉ huy cao cấp bị giết trong các cuộc không kích có mục tiêu của Israel, giới lãnh đạo Hezbollah đã chuyển sang dùng các thiết bị như máy nhắn tin, và máy bộ đàm, hơn là điện thoại cố định và điện thoại di động nhằm ngăn chặn hoạt động giám sát tinh vi của đối phương.
Chiến dịch ném bom dữ dội tuần này dường như đã làm suy yếu và cản trở nhóm khủng bố.
“Cuộc tấn công chưa từng có này đã làm suy yếu lòng tin của Hezbollah vào thiết bị điện tử truyền thông và chuỗi cung ứng của bên thứ ba rộng hơn của họ”, Rob Muggah, giám đốc của SecDev Group, một công ty tư vấn rủi ro mạng, cho biết. “Nó cũng làm giảm nghiêm trọng khả năng truyền thông của Hezbollah. Mặc dù Hezbollah sẽ trả đũa, nhưng vẫn chưa rõ các bước tiếp theo của họ sẽ là gì”.
Sau đây là năm điều chúng ta biết về vụ tấn công.
Thứ nhất, Israel có thể cho nổ tung điện thoại của tôi không?
Câu trả lời ngắn gọn: Không. Các chuyên gia an ninh tin rằng máy nhắn tin và máy bộ đàm là hàng giả hoặc đã bị can thiệp trước khi đến tay Hezbollah, và về cơ bản chúng là những quả bom đang chờ kích nổ.
Thứ hai, làm sao máy nhắn tin nhỏ như thế lại chứa được thuốc nổ?
Lior Tabansky, chuyên gia công nghệ và bảo mật tại Trung tâm nghiên cứu mạng liên ngành Blavatnik, cho biết, mặc dù pin lithium có thể phát nổ, nhưng chúng không có đủ sức mạnh để gây ra thiệt hại như vậy. Hơn nữa, pin sẽ quá nóng trước khi phát nổ, vì vậy người sử dụng thiết bị sẽ nhận thấy có điều gì đó không ổn.
Tabansky cho biết: “Loại tấn công này có nghĩa là đã có một hoạt động tình báo bí mật kéo dài nhằm tìm ra chuỗi cung ứng của Hezbollah và sau đó tìm cách xâm nhập các thiết bị”.
Các thiết bị này cũng được thiết kế để không phát nổ một cách tự phát mà chỉ phát nổ khi có lệnh cụ thể.
“Trong trường hợp này... là để kích hoạt một vụ nổ,” Tabansky nói.
Ông nói thêm rằng nếu các cơ quan tình báo “gặp nhiều rắc rối” để can thiệp vào các thiết bị liên lạc, thì cuộc tấn công có thể không phải là mục tiêu duy nhất và rằng thủ phạm có thể cũng đã thu thập thông tin tình báo về tổ chức và các hoạt động hàng ngày của Hezbollah.
Reuters đưa tin rằng Hezbollah đã nhập khẩu tới 5.000 máy nhắn tin cách đây khoảng năm tháng.
Thứ ba, máy nhắn tin và máy bộ đàm có đi qua Âu Châu không?
Trong trường hợp máy nhắn tin, công ty Đài Loan Gold Apollo ban đầu bị cáo buộc sản xuất các thiết bị này nhưng cho biết họ đã ủy quyền cho một công ty khác, BAC Consulting có trụ sở tại Budapest, sử dụng thương hiệu của mình để bán sản phẩm ở một số khu vực nhất định. Gold Apollo tuyên bố họ không liên quan gì đến hoạt động sản xuất của BAC.
Chính quyền Hung Gia Lợi báo cáo rằng BAC Consulting chỉ là một bên trung gian, không có cơ sở sản xuất hoặc chế tạo nào tại Hung Gia Lợi. Thay vào đó, họ tuyên bố rằng Hezbollah đã mua số máy nhắn tin từ một công ty được ghi danh tại Bulgaria, có tên là Norta Global.
Hôm Thứ Năm, 19 Tháng Chín, cơ quan an ninh nhà nước DANS của Bulgaria đã ra tuyên bố cho biết không có hồ sơ hải quan nào liên quan đến việc xuất khẩu những hàng hóa như vậy.
Dấu vết của các công ty cho thấy nỗ lực che giấu nguồn gốc và làm lu mờ chuỗi cung ứng các thiết bị cuối cùng rơi vào tay Hezbollah.
Mặt khác, các máy bộ đàm giống với những máy do công ty Icom của Nhật Bản sản xuất, các chuyên gia an ninh chỉ ra. Nhưng Icom cho biết mẫu máy này “đã ngừng sản xuất khoảng 10 năm trước và kể từ đó, nó không được công ty chúng tôi vận chuyển nữa”
Thứ tư, tại sao lại cho nổ tung chúng vào lúc này?
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước do cuộc chiến kéo dài 11 tháng của chính phủ ông tại Gaza.
Theo Alex Younger, cựu giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài MI6 của Vương quốc Anh, Netanyahu cần chứng minh với liên minh cánh hữu của mình rằng ông đang giải quyết vấn đề khủng bố mà Israel đang phải đối mặt: “Đây là một hành động khiêu khích lớn của Netanyahu và cho thấy thiện chí thực sự muốn gia tăng mức độ đe dọa”, Younger nói với tờ POLITICO.
Thứ năm, liệu các cuộc tấn công có làm thay đổi cuộc chiến không?
Younger cho biết mặc dù có những trường hợp cuộc tấn công vào Hezbollah “leo thang thảm khốc”, ông không thấy đó là kết quả có thể xảy ra.
“Điều này thực sự đáng xấu hổ đối với họ, nhưng Hezbollah không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel,” ông nói. “Điều đó sẽ làm suy yếu khả năng của họ.”
Muggah cho biết ông tin rằng hoạt động của Israel có thể gây ra sự trả đũa, nhưng cũng có thể thúc đẩy Hezbollah quay lại đàm phán hòa bình.
Vài giờ sau khi làn sóng nổ thứ hai rung chuyển Li Băng vào thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết cuộc chiến đang bước vào “giai đoạn mới” và tuyên bố quân đội Israel sẽ được di chuyển đến phía bắc đất nước.
Đáp lại, Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah phát biểu trước công chúng hôm thứ Năm rằng mặc dù mục đích của Israel có thể là ngăn chặn xung đột với các lực lượng ở Li Băng, nhưng điều đó đã không xảy ra.
“Nhân danh những người tử vì đạo và tất cả những người đã ủng hộ Gaza, chúng tôi nói với Gallant và Netanyahu: Mặt trận Li Băng sẽ không dừng lại cho đến khi cuộc xâm lược ở Gaza chấm dứt.”
[Politico: How did Israel blow up Hezbollah pagers?]
3. Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc ra tuyên bố chung kêu gọi hòa bình ở Ukraine
Các nhà lãnh đạo Tứ Cường bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã kêu gọi “một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài” tại Ukraine trong một tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bộ tứ vào ngày 21 tháng 9.
Các nước Tứ Cường — Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc — hình thành một liên minh chiến lược dành riêng cho các lợi ích kinh tế và an ninh chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cuộc họp ngày 21 tháng 9 đánh dấu hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ tư của nhóm.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã họp tại Wilmington, Delaware để thảo luận về sự hợp tác đang diễn ra của họ.
Tuyên bố chung của họ bao gồm lời kêu gọi hòa bình ở Ukraine.
“Chúng tôi nhắc lại nhu cầu về một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, tuyên bố viết.
“Chúng tôi cũng lưu ý những tác động tiêu cực của cuộc chiến ở Ukraine đối với an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu.”
Tuyên bố cũng cho biết việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là “không thể chấp nhận được” trong bối cảnh chiến tranh.
Tuyên bố không lên án rõ ràng Liên bang Nga về cuộc xâm lược toàn diện, thay vào đó, nhắc lại rằng “tất cả các quốc gia phải kiềm chế việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”.
Tuyên bố của Tứ Cường được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Hoa Kỳ trước thềm kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 79 tại Thành phố New York.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy sẽ trình bày kế hoạch chiến thắng của mình cho Ukraine với Tổng thống Biden bên lề Đại hội đồng. Ông cũng được cho là sẽ gặp Kishio của Nhật Bản trong chuyến thăm Hoa Kỳ
Thủ tướng Ấn Độ Modi đã đến thăm Kyiv vào ngày 23 tháng 8, đánh dấu lần đầu tiên một thủ tướng Ấn Độ đặt chân đến Ukraine kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập cách đây hơn 30 năm.
Chuyến thăm của Modi diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến đi của Modi tới Mạc Tư Khoa, nơi ông có cuộc hội đàm với Putin. Ấn Độ đã duy trì quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Mạc Tư Khoa kể từ tháng 2 năm 2022, với thương mại song phương đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023.
[Kyiv Independent: US, India, Japan, Australia issue joint statement calling for peace in Ukraine]
4. Chỉ huy cao cấp của Hezbollah thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel vào Beirut
Một chỉ huy quân sự cao cấp của Hezbollah đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào thủ đô Beirut của Li Băng vào thứ sáu, trong một động thái leo thang thù địch lớn ở Trung Đông.
Hôm Thứ Bẩy, 21 Tháng Chín, phát ngôn nhân Lực Lượng Phòng Vệ Israel, Đề Đốc Daniel Hagari, cho biết lực lượng Phòng vệ Israel loại khỏi vòng chiến Ibrahim Aqil, một thành viên cao cấp của cơ quan quân sự hàng đầu của Hezbollah. Đề Đốc Hagari cho biết Aqil là một trong số nhiều quan chức cao cấp của Hezbollah thiệt mạng trong cuộc không kích hôm thứ Sáu.
Trong một tuyên bố Hezbollah xác nhận cái chết của Aqil, gọi ông là “liệt sĩ vĩ đại” và “một trong những thủ lĩnh thánh chiến vĩ đại”, theo các báo cáo của phương tiện truyền thông. Nhóm chiến binh này thừa nhận rằng một số thành viên khác của Hezbollah cũng đã thiệt mạng trong vụ tấn công.
Lực Lượng Phòng Vệ Israel cho biết Aqil và các mục tiêu khác của cuộc không kích đang “ẩn náu trong dân thường Li Băng, sử dụng họ làm lá chắn sống”.
Các quan chức Li Băng cho biết ít nhất 14 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ tấn công nhằm vào khu vực đông dân cư ở Beirut.
Cuộc không kích của Israel diễn ra ngay sau khi Hezbollah phóng 140 hỏa tiễn vào miền bắc Israel.
Cuộc tấn công hôm thứ sáu là sự leo thang mới nhất trong cuộc xung đột giữa Israel và các chiến binh Hezbollah, với nỗi lo sợ ngày càng tăng về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn trong khu vực. Tuần này đã chứng kiến vụ nổ máy nhắn tin và các thiết bị liên lạc khác được các thành viên Hezbollah sử dụng và nhiều cuộc không kích của Israel vào Li Băng.
Một quan chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo vào hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Chín, rằng tình hình thù địch ở Trung Đông đang có nguy cơ leo thang đến mức chưa từng có.
“Chúng ta có nguy cơ chứng kiến một cuộc xung đột có thể làm lu mờ cả sự tàn phá và đau khổ đã chứng kiến cho đến nay”, Rosemary DiCarlo, nhà lãnh đạo các vấn đề chính trị của Liên Hiệp Quốc, nói với Hội đồng Bảo an. “Tôi cũng kêu gọi mạnh mẽ các quốc gia thành viên có ảnh hưởng đến các bên hãy tận dụng nó ngay bây giờ”.
Chính quyền Mỹ và Anh đã kêu gọi công dân của họ không đi du lịch đến Li Băng. Tòa Bạch Ốc cho biết họ đã tham gia vào hoạt động ngoại giao mạnh mẽ để ngăn chặn sự leo thang của cuộc xung đột dọc biên giới Israel-Liban.
[Politico: Senior Hezbollah commander killed in Israeli strike on Beirut]
5. 'Đàn ông ai lại làm như thế': Lãnh chúa Chechnya tuyên bố Elon Musk đã vô hiệu hóa chiếc Tesla của mình
Nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov cáo buộc tỷ phú công nghệ Elon Musk đã tắt chiếc Tesla Cybertruck của ông từ xa, mặc dù ông nhiều lần khẳng định đây là món quà từ Ban Giám đốc Tesla.
Tháng trước, vị lãnh chúa này đã đăng một đoạn video quay cảnh ông ta lái chiếc Cybertruck, được trang bị một tháp súng máy, quanh khuôn viên dinh tổng thống của mình. Ông nói rằng chiếc xe là “món quà” từ Musk — nhưng ông chủ Tesla đã phủ nhận tuyên bố này. Sau đó, Kadyrov cho biết chiếc Cybertruck sẽ được gửi đến khu vực chiến sự ở Ukraine để quân đội Nga sử dụng.
Nhưng vào hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Chín, Kadyrov đã viết trên mạng xã hội rằng chiếc xe mà ông khẳng định đã hoạt động “tuyệt vời” trên chiến trường đã bị Tesla vô hiệu hóa từ xa và phải được kéo ra khỏi chiến tuyến.
“Elon Musk đã cư xử tệ. Anh ta tặng những món quà đắt tiền từ tận đáy lòng rồi sau đó ngắt kết nối từ xa”, Kadyrov cho biết.
“Điều đó không nam tính chút nào, đàn ông không ai lại làm như thế” ông ta nói thêm, hỏi một cách buồn bã: “Sao anh có thể làm thế, Elon?”
Là đồng minh trung thành của Putin, Kadyrov cai trị bằng nắm đấm sắt ở Chechnya, nơi chính phủ của ông bị cáo buộc vi phạm nhiều quyền con người và luật pháp quốc tế.
[Politico: ‘That’s not manly’: Chechen warlord claims Elon Musk disabled his Tesla]
6. Iran ra mắt hỏa tiễn đạn đạo mới, máy bay điều khiển từ xa Shahed được nâng cấp
Theo hãng thông tấn nhà nước Iran, Quân đội Iran đã giới thiệu các loại vũ khí sản xuất trong nước, bao gồm máy bay điều khiển từ xa Shahed-136B hiện đại và hỏa tiễn đạn đạo mới, tại một cuộc duyệt binh ở Tehran vào ngày 21 tháng 9.
Iran là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho quân đội Nga và đã cung cấp cho Mạc Tư Khoa hàng ngàn máy bay điều khiển từ xa cảm tử Shahed kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Tehran đã tiết lộ máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn mới cùng với các hỏa tiễn nội địa khác trong cuộc diễn hành ngày 21 tháng 9, khởi động một tuần trình diễn tôn vinh quân đội Iran.
Shahed-136B được cho là phiên bản nâng cấp của Shahed-136, một loại máy bay điều khiển từ xa được Nga sử dụng trong các cuộc tấn công gần như hàng ngày chống lại Ukraine. Phiên bản mới có tầm hoạt động 4.000 km, gọi tắt là 2.500 dặm, theo Iran.
Hỏa tiễn đạn đạo “Jihad” hay “Thánh Chiến” của Iran là hỏa tiễn nhiên liệu rắn có tầm hoạt động 1.000 km, gọi tắt là hơn 600 dặm. Vũ khí mới được công bố tại cuộc diễn hành, nơi nó là một trong 21 hỏa tiễn đạn đạo được trưng bày.
Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 9 đã xác nhận rằng Iran đã chuyển hỏa tiễn đạn đạo Fath-360 đến Nga. Fath-360 là hỏa tiễn đạn đạo tầm gần có đầu đạn nặng 150 kg.
Ukraine và một số nước phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran sau các báo cáo về việc chuyển giao hỏa tiễn.
Mạc Tư Khoa và Tehran đã tăng cường hợp tác quân sự và chính trị kể từ tháng 2 năm 2022.
[Kyiv Independent: Iran unveils new ballistic missile, upgraded Shahed drone]
7. Ukraine xác nhận các cuộc tấn công vào kho vũ khí của Nga qua đêm
Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine xác nhận vào chiều Thứ Bẩy, 21 Tháng Chín, rằng quân đội và lực lượng an ninh nước này đã tấn công hai kho vũ khí của Nga vào rạng sáng cùng ngày.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó cùng ngày tuyên bố rằng lực lượng của họ đã bắn hạ và đánh chặn 101 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trong đêm, trong khi các vụ nổ được báo cáo tại các kho đạn dược ở Krasnodar Krai và Tver.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine xác nhận một cuộc tấn công vào kho vũ khí Tikhoretsk ở Krasnodar Krai, nơi được coi là một trong ba kho đạn dược lớn nhất ở Nga và là “một trong những cơ sở lưu trữ quan trọng trong hệ thống hậu cần của quân đội Nga”.
“Theo thông tin có sẵn, vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, một đơn vị khác đang ở trong lãnh thổ của kho vũ khí, nơi đã chuyển ít nhất 2.000 tấn đạn dược, bao gồm cả đạn từ Bắc Hàn”, báo cáo của Bộ Tổng tham mưu viết.
Theo quân đội Ukraine, hệ thống radar Podlet của Nga hỗ trợ phòng không cho kho vũ khí cũng đã bị phá hủy trong cuộc tấn công.
Thống đốc khu vực Veniamin Kondratyev đã báo cáo vào sáng sớm ngày 21 tháng 9 rằng một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa ở quận Tikhoretsk thuộc vùng Krasnodar Krai của Nga đã gây ra các vụ nổ “đối tượng nổ” tại một cơ sở không xác định.
Các đơn vị phòng không Nga đã chặn hai máy bay điều khiển từ xa trên quận Tikhoretsk, Kondratyev cho biết. “Các mảnh vỡ rơi xuống của một trong số chúng đã gây ra hỏa hoạn lan sang các đối tượng nổ. Một vụ nổ bắt đầu.”
Kondratyev cho biết sau đó cùng ngày, chính quyền địa phương đã di tản 1.200 cư dân khỏi khu vực gần vụ nổ. Không có thương vong nào được báo cáo.
Nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Estonia cho biết cuộc tấn công của Ukraine vào kho vũ khí của Nga đã phá hủy số đạn dược đủ dùng trong 3 tháng
Vài giờ sau vụ tấn công, Andrii Kovalenko, nhà lãnh đạo Trung tâm Chống thông tin sai lệch do nhà nước Ukraine điều hành, đã viết rằng một kho vũ khí đã được “phi quân sự hóa” ở quận Tikhoretsk của Nga và công bố các video được cho là cho thấy hậu quả của cuộc tấn công.
Kovalenko cho biết thêm rằng hỏa tiễn KN23 do Bắc Hàn sản xuất, đạn pháo và đạn dược cho bệ phóng hỏa tiễn Smerch được lưu trữ tại kho Tikhoretsk.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine cũng xác nhận một cuộc tấn công vào một kho đạn dược ở Tver đã được các kênh Telegram của Nga đưa tin trước đó. Theo Bộ Tổng tham mưu, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã tấn công vào kho vũ khí số 23 của Tổng cục Pháo binh thuộc Bộ Quốc phòng Nga gần làng Oktyabrsky ở Tver.
Chính quyền địa phương ở Tỉnh Tver báo cáo rằng một số lượng máy bay điều khiển từ xa không xác định đã bị bắn hạ trong khu vực nhưng không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về hậu quả của cuộc tấn công.
Cơ sở này nằm gần một kho vũ khí ở Toropets, một trong những kho vũ khí lớn nhất của Nga, nơi đã bị máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công vào ngày 18 tháng 9.
Bộ Tổng tham mưu cho biết thêm, đã ghi nhận hỏa hoạn và tiếng nổ ở khu vực kho vũ khí quân sự Tikhoretsk và Oktyabrsky.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, 53 máy bay điều khiển từ xa đã bị chặn trên vùng Bryansk, 18 trên vùng Krasnodar, 16 trên biển Azov, 5 trên vùng Kaluga và 9 trên vùng Kursk và Smolensk và Crimea bị Nga tạm chiếm.
Tờ Kyiv Independent không thể xác minh những tuyên bố này.
Một nguồn tin trong SBU nói với hãng truyền thông Hromadske rằng lực lượng SBU cũng tấn công phi trường quân sự Shaykovka ở Kaluga, nơi máy bay chiến lược TU-22M đồn trú. Nga sử dụng máy bay TU-22M để tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Ukraine.
[Kyiv Independent: UPDATED: Ukraine confirms overnight strikes on Russian arms depots]
8. Ukraine hạn chế sử dụng Telegram cho chính phủ, quân đội, cơ sở hạ tầng quan trọng
Trung tâm điều phối an ninh mạng quốc gia Ukraine, gọi tắt là NCCC, đã hạn chế việc sử dụng ứng dụng nhắn tin Telegram.
Vào ngày 20 tháng 9, Trung tâm điều phối an ninh mạng quốc gia Ukraine đã hạn chế việc sử dụng ứng dụng nhắn tin Telegram đối với các cơ quan chính phủ, quân đội và các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Telegram vẫn là một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất đối với người dân Ukraine. Một cuộc thăm dò vào tháng 9 năm 2023 của Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv chỉ ra rằng 44% người dân Ukraine sử dụng Telegram để nhận thông tin và tin tức.
Ứng dụng này cũng được Nga, lực lượng quân sự và các cơ quan tình báo tích cực sử dụng để phá hoại nỗ lực chiến tranh của Ukraine và thúc đẩy nỗ lực của chính họ. Giám đốc tình báo quân sự Ukraine, Kyrylo Budanov, trước đó đã gọi ứng dụng nhắn tin này là “có hại” và là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chúng tôi”.
Trong cuộc họp gần đây của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia, Budanov đã đưa ra “bằng chứng xác thực” rằng các cơ quan tình báo Nga có quyền truy cập vào thư từ cá nhân của người dùng Telegram, thậm chí cả tin nhắn đã xóa và dữ liệu cá nhân của họ.
Budanov cho biết: “Tôi luôn ủng hộ quyền tự do ngôn luận, nhưng vấn đề của Telegram không phải là vấn đề tự do ngôn luận, mà là vấn đề an ninh quốc gia”.
Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, và Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine cho biết Telegram đang được Nga tích cực sử dụng để tấn công mạng, phát tán lừa đảo và nhu liệu độc hại, xác định vị trí địa lý của người dùng và điều chỉnh các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào các thành phố và làng mạc của Ukraine.
Do đó, trung tâm an ninh mạng của Ukraine đã quyết định cấm ứng dụng Telegram trên các thiết bị chính thức của quan chức chính phủ, quân nhân, nhân viên ngành an ninh và quốc phòng và các doanh nghiệp cơ sở hạ tầng quan trọng.
Theo tuyên bố, ngoại lệ duy nhất sẽ là những người sử dụng ứng dụng nhắn tin này “là một phần nhiệm vụ chính thức của họ”.
Sự phổ biến của Telegram ở Ukraine tăng vọt sau khi cuộc xâm lược bắt đầu vào năm 2022, đặc biệt là do các kênh ẩn danh của ứng dụng này giúp truyền bá nội dung rộng rãi tới người ghi danh trong khi vẫn bảo đảm tính ẩn danh hoàn toàn của người xuất bản.
Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Telegram Pavel Durov đã bị giam giữ một thời gian ngắn tại Pháp và sau đó bị buộc tội “tiếp tay cho việc quản lý một nền tảng trực tuyến để cho phép một nhóm có tổ chức thực hiện các giao dịch bất hợp pháp” cùng các tội danh khác.
Durov sinh ra ở Nga đã tuyên bố rằng ông là một kẻ bị ruồng bỏ và thực tế đã bị trục xuất khỏi Nga, nhưng vào ngày 27 tháng 8, có thông tin cho biết ông đã đến thăm Nga hơn 60 lần kể từ khi rời khỏi đất nước.
[Kyiv Independent: Ukraine restricts Telegram use for government, military, critical infrastructure]
9. Cuộc tấn công của Nga vào tòa nhà chung cư ở Kharkiv làm 21 người bị thương, bao gồm cả trẻ em
Theo Thống đốc Oleh Syniehubov, lực lượng Nga đã nhắm vào một tòa nhà chung cư nhiều tầng ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, vào hôm Chúa Nhật, 22 Tháng Chín, khiến 21 người bị thương.
Ông Syniehubov cho biết những người bị thương bao gồm một trẻ em 8 tuổi và hai thanh niên 17 tuổi.
Hơn 60 người đã được di tản khỏi tòa nhà cao tầng và tám người bị thương đã phải vào bệnh viện.
Thị trưởng Ihor Terekhov đã báo cáo qua kênh Telegram chính thức của mình rằng vụ tấn công liên quan đến một quả bom dẫn đường và các nỗ lực cấp cứu đang được tiến hành tại hiện trường. Syniehubov sau đó nói rằng Nga đã tấn công tòa nhà bằng một quả bom trên không FAB-250.
Syniehubov xác nhận hai cuộc tấn công riêng biệt đã xảy ra tại thành phố. Ít nhất bốn chiếc xe đã bốc cháy sau cuộc tấn công và 20 chiếc khác bị hư hại.
Kharkiv đã liên tục bị Nga tấn công trong hơn hai năm kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Một vụ tấn công bằng bom có điều khiển vào ngày 20 tháng 9 đã làm ít nhất 15 người bị thương.