Theo Catholic World News, trong bản tin ngày 23 tháng 9, 2024, trong bài phát biểu dài (5,100 từ), đầy nhiệt huyết và bao quát tại Hội nghị Encuentro Mundial de Movimientos Populares lần thứ 3 (Hội nghị Thế giới lần thứ 3 của các Phong trào Bình dân), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thúc giục các phong trào tiếp tục ủng hộ, thông qua các cuộc biểu tình bất bạo động, cho "ba chữ T" (tierra, techo và trabajo, hay đất đai, nhà ở và công việc).



Bộ Phát triển Con người Toàn diện đã tổ chức cuộc họp để kỷ niệm 10 năm bài phát biểu đầu tiên của Đức Giáo Hoàng trước các phong trào bình dân. Một cách bất thường, Vatican không công bố bất cứ bản dịch nào về bài phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha của Đức Giáo Hoàng, được đưa ra vào ngày 20 tháng 9, mặc dù Vatican News đã cung cấp bản tóm tắt bằng tiếng Anh về một số chủ đề của bài phát biểu.

Trong bài phát biểu của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ca ngợi các phong trào bình dân vì không "là những nạn nhân ngoan ngoãn" khi ngài bảo vệ sự tập chú của chính ngài vào người nghèo.

"Không phải Đức Giáo Hoàng, mà là Chúa Giêsu, đã đặt họ vào vị trí trung tâm, ở vị trí đó", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói. "Đó là vấn đề về đức tin của chúng ta, và không thể thương lượng được. Nếu anh chị em không chấp nhận điều đó, anh chị em không phải là Ki-tô hữu".

"Nếu không có chính sách, chính sách tốt, chính sách hợp lý và công bằng giúp củng cố Công lý xã hội [viết hoa trong bản gốc] để mọi người đều có đất đai, nơi ở và công việc, để mọi người đều có mức lương công bằng và các quyền xã hội đầy đủ, nếu không có điều đó, luận lý học của sự lãng phí vật chất và lãng phí con người sẽ lan rộng, để lại bạo lực và sự hoang tàn", Đức Giáo Hoàng cảnh cáo.

Kêu gọi tăng thuế đối với các tỷ phú, Đức Giáo Hoàng chỉ trích lòng tham của những người giàu có chỉ muốn tích lũy ngày càng nhiều, coi thường người nghèo và đã quên mất nguyên tắc về đích đến chung của hàng hóa.

"Cạnh tranh mù quáng để có ngày càng nhiều tiền không phải là một động lực sáng tạo, mà là một thái độ bệnh hoạn, một con đường dẫn đến sự diệt vong", Đức Giáo Hoàng nói. “Hành vi vô trách nhiệm, vô đạo đức và phi lý này phá hủy sự sáng tạo và chia rẽ con người. Chúng ta đừng ngừng lên án nó.”

Đức Giáo Hoàng cũng lên án chủ nghĩa Darwin xã hội đã dẫn đến việc xóa sổ enanos (người lùn), có lẽ là thông qua phá thai.

Đức Giáo Hoàng hỏi, “Anh chị em có thấy nhiều người lùn trên đường phố không? Có nhiều người lùn không? Họ biến mất. Khi tôi còn trẻ, họ đã được nhìn thấy. Bây giờ không còn nữa. Khi họ nhìn thấy một người lùn đến, vào thùng rác.”

Ngài tiếp tục:

Chỉ có thể hiểu được việc loại bỏ, việc lựa chọn nhân loại mà không có tình yêu. Nếu tình yêu bị loại bỏ như một phạm trù thần học, phạm trù đạo đức, kinh tế và chính trị, chúng ta sẽ lạc lối. Trong phép tính tham lam của sự tiện lợi, của chủ nghĩa cá nhân và tích lũy thì không có chỗ cho điều đó. Với tấm màn đen của sự thiếu tình yêu, chúng ta luôn rơi vào một số hình thức của “chủ nghĩa Darwin xã hội”. Và anh chị em có biết đó là gì không? Chủ nghĩa Darwin xã hội là luật của kẻ mạnh nhất, biện minh cho sự thờ ơ trước tiên, sau đó là sự tàn ác và cuối cùng là sự hủy diệt. Và điều đó luôn đến từ Kẻ Ác.

“Văn hóa nhân bản của một dân tộc được thể hiện qua cách họ chăm sóc con cái và cách họ chăm sóc người già của mình,” Đức Giáo Hoàng nói thêm. “Nếu những người già của họ bị gửi đến viện dưỡng lão và bị bỏ mặc chết một mình vì đau buồn, thì dân tộc đó không có văn hóa nhân bản. Nếu trẻ em không được chào đón, không được chăm sóc, không được giúp đỡ để phát triển, thì dân tộc đó không có tương lai.”

Đức Giáo Hoàng cũng than thở về nạn tham nhũng và cờ bạc trực tuyến và mô tả đề xuất về thu nhập cơ bản toàn dân—để “không ai bị loại khỏi những hàng hóa cơ bản cần thiết cho sự tồn tại”—là “hoàn toàn công bằng”.