1. Tổng Giáo phận thủ đô Mexico kêu gọi bảo vệ các linh mục

Tổng Giáo phận thủ đô Mexico kêu gọi chính phủ bảo vệ an ninh cho những linh mục bị nguy hiểm.

Dư luận tại Mexico vẫn còn xúc động về vụ cha Marcelo Pérez, 51 tuổi, bị sát hại trong tuần qua tại bang Chiapas, miền nam Mexico, vì tranh đấu bênh vực các quyền con người.

Báo chí địa phương cho biết, vụ sát hại xảy ra sau một thánh lễ tại Cuxtitali, Chiapas. Vị linh mục cùng với người bênh vực nhân quyền bị những kẻ giết mướn sát hại trong lúc đang đi trên xe. Hình của báo chí cho thấy có những lỗ đạn trên mặt kiếng của xe hơi.

Bài xã luận đăng trên báo Desde la Fe, (Từ đức tin), tiếng nói chính thức của Tổng Giáo phận Mexico, viết rằng: “Có nhiều câu hỏi: Bao nhiêu những linh mục khác thì sao? Nếu mỗi lần một linh mục tranh đấu cho sự thật thì bị nguy hiểm đến tính mạng, thì linh mục ấy càng bị đe dọa trong một cộng đoàn khác, bị các tổ chức bất lương đe dọa, bao nhiêu linh mục và các công dân khác sẽ bị giết trước khi tiếng kêu của họ đòi công lý và hòa bình được lắng nghe? Cách đây hơn hai năm, cha Joaquín Mora và cha Javier Campos, hai linh mục Dòng Tên, đã bị giết và điều này vẫn còn làm cho chúng ta đau lòng. Giờ đây, trong tuần lễ này, đến lượt cha Marcelo Pérez. Trong một môi trường sự sống và phẩm giá con người liên tục bị đe dọa, bao nhiều người khác sẽ phải ngã gục, trước khi các chính phủ và xã hội phản ứng lại?

Trưa Chúa nhật vừa qua, ngày 27 tháng Mười, trong buổi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến vụ sát hại cha Pérez và nói rằng:

“Tôi hiệp với Giáo hội yêu quý tại San Cristobal de las Casas, thuộc bang Chiapas, đang khóc thương linh mục Marcello Pérez Pérez, bị ám sát hôm Chúa nhật, ngày 20 tháng Mười vừa qua. Cha là người nhiệt thành phục vụ Tin mừng và dân trung thành của Thiên Chúa. Ước gì sự hy sinh của cha cũng như của các linh mục khác bị giết vì trung thành với sứ vụ, là hạt giống hòa bình và cho đời sống Kitô”.

2. Giám mục cho biết Giáo hội tại Ukraine đã mất một nửa số giáo xứ ở những khu vực bị Nga tạm chiếm

Đức Cha Maksym Ryabukha, giám mục Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương mới của giáo phận Donetsk, cho biết hơn hai năm rưỡi sau cuộc xâm lược của Nga, Giáo hội tại Ukraine đã mất hơn một nửa số giáo xứ ở các vùng bị tạm chiếm.

Phát biểu với tờ báo Ý Avvenire, vị giám mục 44 tuổi cho biết “tình hình ngày càng đáng lo ngại” kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

“Chúng tôi đã mất hơn một nửa số giáo xứ. Và với sự tiến quân của quân đội Nga, hàng chục nhà thờ khác đã được di tản”, Ryabukha, người có giáo phận nằm dưới sự kiểm soát một phần của Mạc Tư Khoa, bị chia cắt bởi hơn 483 km chiến hào, cho biết thêm.

Theo phương tiện truyền thông Ý, tại các nhà thờ Pokrovsk, Mirnohrad và Kostiantynivka — những khu vực bị quân đội Nga xâm lược — không còn đồ đạc, ghế ngồi hay đồ trang trí phụng vụ nào còn sót lại.

Vị giám mục mới của giáo phận Donetsk cho biết các linh mục “luôn gần gũi với người dân và thăm hỏi những người tị nạn đã rời bỏ nhà cửa”. Trong trường hợp của mình, ngài cho biết hiện ngài là “một giám mục trong thời kỳ đau thương, bi kịch, bất công và bất lực” khi chứng kiến Giáo hội của mình đau khổ.

Đức Cha Ryabukha cho biết rằng ở những khu vực bị Nga tạm chiếm, “những người công khai tự gọi mình là người Công Giáo biến mất: Một số bị bắn, những người khác bị bỏ tù. Không có quyền tự do tuyên xưng đức tin. Các tín hữu của chúng tôi vẫn nói: 'Chúng con đang chống đỡ, nhưng giống như bị nhốt trong tù vậy.'“

Trong số những trải nghiệm đau thương, vị giám mục nhớ lại việc giam cầm các linh mục Bohdan Geleta và Ivan Levitskyi, những người đã bị giam giữ hơn một năm sau khi bị quân Nga bắt giữ tại Berdyansk.

Cả hai đều được thả vào tháng 6, và Đức Cha Ryabukha cho biết câu chuyện của các ngài “cho thấy sức mạnh của lời cầu nguyện là sự hỗ trợ quan trọng trong bối cảnh của những hành động tàn bạo”.

“Hai linh mục của chúng tôi cảm thấy sự gần gũi của Giáo hội cho phép các ngài chống chọi với sự độc ác, sự tra tấn, sự vô nhân đạo mà các ngài đã trải qua trong các phòng giam của Nga. Và với lời cầu nguyện, tôi cũng có thể gần gũi với các cộng đồng mà người Nga ngăn cản tôi đến thăm. Mỗi ngày, tôi cầu xin Chúa bảo vệ các tín hữu của tôi”, ngài nói.

Vị giám mục, người thường xuyên đến thăm những người lính Ukraine, cho biết rằng nhiều người trong số họ, trước chiến tranh, “là những người cha đơn giản hoặc thậm chí là cựu học sinh Salêdiêng. Họ gác lại mọi kế hoạch cá nhân để bảo vệ đất nước”.

“Chúng tôi biết rằng chiến tranh sẽ kết thúc. Nhưng tất cả chúng tôi đều muốn điều này xảy ra càng sớm càng tốt và với hòa bình nhân danh công lý,” ngài nói thêm.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y O'Malley: Giáo Hội thừa nhận thiệt hại do lạm dụng nhưng 'độc thân không phải là nguyên nhân'

Đức Hồng Y Seán O'Malley, Tổng giám mục Boston và là chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, nhấn mạnh rằng “độc thân không phải là nguyên nhân gây ra nạn ấu dâm” nhưng nhấn mạnh nhu cầu cần có nhiều cải cách hơn nữa trong Giáo hội để áp dụng đường lối lấy nạn nhân làm trung tâm nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Sau khi Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên công bố báo cáo thường niên đầu tiên về bảo vệ trẻ vị thành niên vào thứ Ba, Đức Hồng Y O'Malley tuyên bố rằng ngài “chưa bao giờ thấy bất kỳ nghiên cứu nghiêm chỉnh nào chỉ ra rằng độc thân và lạm dụng tình dục có liên quan”.

“Đúng vậy, chúng tôi nhận thức được thiệt hại to lớn mà tội lỗi lạm dụng tính dục đã gây ra cho uy tín của Giáo hội và khả năng của chúng ta trong việc lên tiếng nói tiên tri trong xã hội,” Đức Hồng Y cho biết như trên khi trả lời câu hỏi của một nhà báo về “mối liên hệ tiềm ẩn giữa việc độc thân và lạm dụng tình dục” tại cuộc họp báo ngày 29 tháng 10.

“Và điều đó chỉ nhấn mạnh thêm tính cấp thiết của Giáo hội trong việc cải cách chính mình để chúng ta có thể tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô và trở thành dấu chỉ tình yêu của Người. Và vương quốc của Thiên Chúa là về công lý và sự thật, và đây là những giá trị cốt lõi mà chúng ta đang nói đến ở đây,” ngài nói thêm.

Các thống kê đều cho thấy tình trạng lạm dụng tính dục phổ biến nhất là trong bối cảnh gia đình, nơi rõ ràng các thủ phạm không phải là những người độc thân. Khó khăn của Giáo Hội là có nhiều Giám Mục cấp tiến muốn đảo chính luật độc thân linh mục. Để đạt được chương trình nghị sự của mình, họ đã gán ghép một liên hệ nhân quả giữa luật độc thân linh mục và tội lỗi lạm dụng tính dục. Tiến Trình Công Nghị Đức là một ví dụ. Hậu quả là trong xã hội tồn tại một nhận thức cho rằng tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề đặc thù của hàng giáo sĩ Công Giáo, vì chỉ có chúng ta mới đề cao luật độc thân linh mục. Uy tín và thẩm quyền luân lý của Giáo Hội bị chà đạp nghiêm trọng bởi các nghị trình cấp tiến.

Maud de Boer-Buquicchio, một luật gia và luật sư quốc tế về quyền trẻ em được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm thành viên Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên vào năm 2022, cũng tuyên bố rằng bà không thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc độc thân và hành vi lạm dụng tình dục trẻ em.

“Tôi không thấy có mối liên hệ nào cả”, bà nói. “Quan hệ tình dục với trẻ em là một tội ác và những người thực hiện hành vi này có vấn đề, liên quan đến trạng thái tâm lý của họ”.

“Không có ngoại lệ nào cho điều này, không có lý do gì để bào chữa cho tội ác này. Trẻ em phải được tôn trọng về sự toàn vẹn của chúng — về thể chất và tinh thần. Vì vậy, dù có độc thân hay không, điều đó không quan trọng. Trẻ em phải được bảo vệ”, bà nói.

Đức Hồng Y O'Malley tuyên bố rằng mục tiêu của ủy ban giáo hoàng mà ngài đứng đầu kể từ khi thành lập vào năm 2014, là “làm mọi thứ có thể” để giải quyết tình trạng thiếu công lý và thiếu sự công nhận từ những cấp thẩm quyền trong Giáo hội.

“Nỗi đau khổ và vết thương của các bạn đã mở mắt chúng tôi ra trước sự thật rằng — với tư cách là một Giáo hội — chúng tôi đã không chăm sóc các nạn nhân, rằng chúng tôi đã không bảo vệ các bạn, và rằng chúng tôi đã không chịu hiểu các bạn khi các bạn cần chúng tôi nhất,” ngài phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Ba.

“Chúng tôi hy vọng rằng báo cáo này — và những báo cáo sắp tới — được biên soạn với sự giúp đỡ của các nạn nhân và người sống sót tại trung tâm, sẽ giúp bảo đảm cam kết chắc chắn rằng những sự kiện này sẽ không bao giờ xảy ra nữa trong Giáo hội.”

Theo Đức Cha O'Malley, báo cáo bảo vệ hàng năm - nêu rõ các chính sách và thủ tục của Vatican về việc bảo vệ trẻ vị thành niên - nhằm mục đích bổ sung cho vai trò vận động của ủy ban cũng như hỗ trợ công việc của Bộ Giáo lý Đức tin.

“Công việc của Bộ Giáo Lý Đức Tin đóng vai trò trung tâm trong việc thực thi công lý trong lĩnh vực lạm dụng tình dục, và nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng đưa chiều kích mục vụ vào vấn đề này và tiếng nói của các nạn nhân”.

Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên kỷ niệm 10 năm thành lập vào năm nay. Hiện tại, đây là một tổ chức thường trực trong Vatican có nhiệm vụ đồng hành và hỗ trợ các mục vụ bảo vệ của Giáo hội địa phương thông qua việc đào tạo và huấn luyện.


Source:Catholic News Agency