BÌNH AN CỦA CHÚA ĐÃ CÓ TRONG TÔI?
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Mở đầu cho Tin Mừng Chúa nhật II Phục Sinh, Chúa nhật kính lòng Chúa thương xót, thánh Gioan cho biết Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với môn đệ đoàn. Giuwã lúc các ông còn đầy sợ hãi, đầy hoang mang, đầy khiếp nhược thì lời đầu tiên của Chúa là: "BÌNH AN CHO CÁC CON".

Nhớ lại cách đó chưa lâu, trong nhà tiệc ly, trước khi chia tay các môn đệ để vào thụ nạn, Chúa cũng trao bình an: "Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban BÌNH AN CỦA THẦY cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng" (Ga 14,27).

I. CẢM NHẬN BÌNH AN CỦA CHÚA.

Bình an của Chúa là hồng ân mà không ai trong chúng ta không cần đến. Trong cuộc sống, đã quá nhiều chúng ta than thân trách phận. Gặp một chút phiền toái, ta bực dọc. Thấy mình kém tài hơn người khác, ta không vui. Thấy mình thua thiệt người xung quanh điều gì, bản thân thất vọng về mình. Thấy người này người nọ làm được chuyện này chuyện kia to tát, ta đễ bi quan cho mình…

Bởi không chấp nhận bản thân, cuộc sống chúng ta không hạnh phúc. Không hạnh phúc, không phải Chúa keo kiệt hạnh phúc với ta, nhưng chỉ do ta vô ơn với hạnh phúc Chúa ban.

Yêu mình cách sai trái, yêu mình bằng cái nhìn bi quan, ta không nhận ra nơi mình, nơi cuộc đời mình có quá nhiều thứ để cảm tạ Chúa, để yêu Chúa, để yêu con người. Không nhìn thấy hồng ân của Chúa trên chính sự sống của mình, ta dễ cắng đắng với bản thân. Không nhận ra hạnh phúc, thì cũng không có hạnh phúc. Không có hạnh phúc, cuộc sống luôn vắng nụ cười, chỉ toàn cau có, gắt gỏng…

Tôi từng đọc Thánh vịnh 77: “Phải chăng Chúa ruồng bỏ đến muôn đời, chẳng bao giờ còn dủ lòng thương đoái? Tình yêu Chúa phải chăng nay cạn hẳn, và thánh ngôn chấm dứt đời đời? Hay Thiên Chúa đã quên thương xót, vì giận hờn mà khép kín từ tâm?” (Tv 77, 8-10), mà quay quắt, mà xót xa cho bản thân. Lời Thánh vịnh, lẽ ra phải là lời cầu nguyện trong đức tin, trong lòng mến, thì tôi đã từng biến nó thành lời than thở, dù vẫn cầu nguyện, nhưng hình như cầu nguyện trong cay đắng.

Những năm phục vụ trại phong, tiếp xúc với bệnh nhân phong, hoặc có dịp tiếp xúc với người đau khổ, tôi chợt nhận ra, họ đau khổ hơn tôi. Nhất là có biết bao nhiêu anh chị em bất hạnh, thậm chí bất hạnh tận cùng nhưng vẫn trung thành sống và diễn tả đức tin, đã khiến tôi thức tỉnh.

Tôi nhận ra bình an của Chúa ban cho mình tràn ngập. Tôi thấy mình hạnh phúc. Cuộc sống của mình trải đầy thảm đỏ. Tôi cũng thấy mình có lỗi lớn với Chúa, vô ơn với Chúa. Sao tôi dám tủi phận, muộn phiền? Không chỉ một đôi lần, nhưng còn nhiều lần chỉ quay quắt với bản thân, không nhìn thấy anh chị em xung quanh, không nhìn những hoàn cảnh của anh chị em.

Mỗi lần nhận phép lành của Chúa, phải là mỗi lần phải giật mình, tự hỏi, tôi đã thực sự giữ lấy phép lành của Chúa chưa? Tôi thực sự ấp ủ phép lành của Chúa nơi bản thân và trao phép lành ấy đến người xung quanh? Ai có phép lành của Chúa, người đó sẽ có bình an nội tâm sâu thẳm.

Nhìn lại tôi thấy mình còn nhiều vướng bận quá, nhiều những lo toan quá, mà không có chút hình ảnh nào của Chúa trong tâm trí. Điều đó là dấu hiệu chưa có bình an của Chúa trong tôi.

Việc đầu tiên để lấy lại bình an tận trong tâm hồn là cầu nguyện, là tìm về với phụng vụ của Hội Thánh, là đến gần bí tích Thánh Thể. Ngoài ra, tôi còn phải ăn năn tội, xưng thú tội lỗi và dành thêm thời gian suy tư nhiều hơn về những gì mình đã sống, đã thể hiện…

Là linh mục của Chúa, tôi mong mỏi bình an của Chúa phủ đầy trên tôi. Mong bình an của Chúa lọt vào tận hồn tôi. Bởi nếu không, tôi chỉ là cái máy, chứ không phải là người ban bình an của Chúa đúng nghĩa. Vì nếu linh mục không có bình an, làm sao có thể trao ban bình an cho ai khác?

Như nắng trải rộng, chiếu soi mọi nơi. Nhưng ta đóng chặt cửa nhà, ánh nắng không thể lọt vào nhà. Bình an của Chúa là ánh nắng rộng rãi ban phát. Bình an của Chúa luôn tưới gội chan chứa. Bình an của Chúa luôn có sẵn và chảy tràn trề. Nhưng như cánh cửa nhà đóng kín, lòng tôi cũng đóng kín bởi còn đó nhiều tham vọng, nhiều nhen nhúm của thói hư tật xấu, nhiều những mầm mống tột lỗi…, do vậy, bình an của Chúa không thể lọt vào hồn.

Bình an của Chúa đã có sẵn nhưng lòng tôi không đủ điều kiện đón nhận. Vì thế, mãi mãi, tôi vẫn đứng ngoài ơn bình an của Chúa. Cũng chính vì thế, đau khổ trong tôi vẫn hoài đau khổ, mà không hề cảm nếm một chút ngọt ngào nào. Tội nghiệp biết bao nhiêu cho người giàu có mà không biết mình giàu có, không hề được hưởng nhờ sự giàu có của chính mình…

Tôi cần khám phá bình an của Chúa từng ngày. Có như thế, bản thân sẽ thầy mình sống vui hơn, thanh thản hơn.

Đọc Thánh vịnh 77, một khi đã đón nhận ơn Chúa, đã có bình an nội tâm, tôi không còn thấy Thánh vịnh như chỉ nói về mình cách cắng đắng nữa. Nhưng nhờ lời Thánh vịnh, tôi đặt mình vào những đau khổ của từng anh chị em mà cầu nguyện cho họ, mà yêu thương họ, và phục vụ họ cách nhiệt tâm hơn…

Tôi biết ơn quá đỗi những người đau khổ mà tôi phục vụ. Chính họ đã tặng tôi niềm vui. Chính họ cho tôi thấy bình an của Chúa. Chính họ giúp tôi vui sống, vui tin yêu, vui đón nhận, vui thi hành trách vụ trong thánh chức của mình từng ngày. Anh chị em đau khổ mà tôi đang phục vụ là ân nhân của tôi.