Một Cảm Tưởng

về tác phẩm Sấm Truyền Ca của Lm. Lữ Y Đoan


Hãn Nguyên Nguyễn Nhã

Sấm Truyền Ca thật kỳ thú, thật mạnh bạo, một ý thức Việt hóa tuyệt vời Thánh Kinh, một công trình văn chương rất Việt Nam ở thế kỷ XVII, gây kinh ngạc và xúc động cho người đọc.

“Sấm Truyền Ca” thể hiện rõ nét tư tưởng hòa đồng của dân tộc, trong đó đan xen những ngôn từ nhà Phật như: “vô thường, hỉ xả, tiền định, chống sát sinh”... và ngôn từ nhà nho như: “âm dương, ngũ hành, hiếu trung, thiên thời, địa lợi, nhân tâm (hồn)” hoặc “dịch tượng quẻ kiền, cửu hào, thái ất...”

“Sấm Truyền Ca” còn là dấu tích, tác phẩm văn nôm lớn vào loại xưa nhất của nước ta.

Với những đặc điểm như thế, chắc chắn thừa sai, đương nhiên chẳng bao giờ chịu đứng dưới góc độ dân tộc, tất phải phê phán, dè dặt với “Sấm Truyền Ca”.

Tiếc rằng trong hoàn cảnh ngặt nghèo của lịch sử Việt Nam, một tác phẩm văn nôm quý giá như vậy đã bị lãng quên, không được quy trọng đúng mức, không được bảo lưu trọn vẹn.

Lữ Y Đoan phải có một tâm thức Việt Nam đích thực, yêu tiếng mẹ đẻ mãnh liệt và có tài năng hơn người mới thai nghén được một tác phẩm văn học như “Sấm Truyền Ca”.

Nếu ai cũng có ý thức Việt hóa mọi tư tưởng lớn của nhân loại, biến thành của mình, của người Việt mình, thì dân tộc Việt Nam sẽ là một dân tộc có bản lãnh cao cường, đóng góp vào di sản văn hóa chung của thế giới. Tinh thần hòa đồng nếu được phát huy đúng mức sẽ là một sức mạnh, một tương lai rực rỡ của dân tộc Việt Nam. Chúng ta nên có một chiến lược văn hóa ngàn năm: “Định hình và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong mọi địa hạt, ngay cả địa hạt tư tưởng, tín ngưỡng”.

Mong vậy thay!

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo