Thưa ngài chủ tịch

Kính thưa quý vị,


Để bắt đầu bài diễn văn trước Đại Hội Đồng này, trước hết tôi muốn bày tỏ với ngài, thưa ông Chủ tịch, lời cám ơn chân thành của tôi trước những lời tốt đẹp của ngài. Lời cám ơn của tôi cũng muốn được chuyển đến ngài Tổng Thư Ký Ban Ki-moon vì lời mời tôi đến thăm trụ sở của Tổ Chức này và những lời chào mừng dành cho tôi. Tôi chào các vị Đại Sứ và các Nhà Ngoại Giao từ các Quốc Gia Thành Viên, và tất cả những ai đang hiện diện nơi đây. Qua quý vị, xin cho tôi gởi lời chào đến những dân tộc mà quý vị đại diện cho họ nơi đây. Họ hướng nhìn về đây như một cơ chế thực thi khát vọng nền tảng là thiết lập một “trung tâm điều hòa những hoạt động của các quốc gia hầu đạt được những mục đích chung” là hòa bình và phát triển (x. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, điều 1.2-1.4). Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phát biểu vào năm 1995, Liên Hiệp Quốc phải trở nên “một trung tâm luân lý nơi mọi dân nước trên thế giới cảm thấy thân thuộc và là nơi mà họ phát triển một nhận thức chung là trở nên, như đã từng là, một ‘gia đình của các dân nước’” (Diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày Thành Lập, New York, 5 tháng Mười năm 1995, số 14).

Thông qua Liên Hiệp Quốc, Các Quốc Gia đã hình thành những mục tiêu phổ quát mà dù cho không trùng hợp hoàn toàn với thiện ích chung tổng thể của gia đình nhân loại đi nữa, chúng rõ ràng cũng đại diện cho một phần căn bản của thiện ích đó. Những nguyên tắc căn bản của Tổ Chức này – khát vọng hòa bình, việc mưu tìm công lý, sự kính trọng phẩm giá con người, sự hợp tác và trợ giúp nhân đạo – thể hiện những khát vọng chính đáng của tinh thần nhân loại, và hình thành những lý tưởng đáng lý phải củng cố những quan hệ quốc tế. Như các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô Đệ Lục và Đức Gioan Phaolô II đã nêu lên từ chính bục nói chuyện này, Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thánh theo dõi sát tất cả điều này với sự quan tâm, trong khi nhận thấy nơi hoạt động của quý vị một điển hình về cách thế làm sao những vấn nạn và những cuộc tranh chấp liên quan đến cộng đồng quốc tế có thể được giải quyết theo nguyên tắc chung. Liên Hiệp Quốc thể hiện khát vọng cho một “mức độ lớn hơn của trật tự quốc tế” (John Paul II, Sollicitudo Rei Socialis, 43), được linh hứng và hướng dẫn bởi nguyên tắc phụ đới, và do đó có khả năng đáp ứng các đòi hỏi của gia đình nhân loại nhờ những qui luật quốc tế hiệu năng và những cơ cấu có khả năng điều hòa đời sống thường nhật của các dân tộc. Điều này càng cần thiết hơn trong thời điểm hiện nay khi chúng ta đang cảm nghiệm một sự nghịch lý hiển nhiên: sự đồng thuận đa phương giữa các nước tiếp tục bị khủng hoảng vì nó còn phải tùy thuộc những quyết định của một thiểu số, trong khi những vấn đề của thế giới đòi cộng đồng quốc tế phải có những cuộc can thiệp dưới hình thức những hoạt động chung.

Thực vậy, những vấn đề an ninh, các mục tiêu phát triển, sự giảm bớt chênh lệch trên bình diện địa phương và thế giới, việc bảo vệ môi sinh, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khí hậu, đòi mọi vị hữu trách của đời sống thế giới phải hành động phối hợp với nhau, và chứng tỏ một sự sẵn sàng làm việc chân thành, trong niềm tôn trọng công pháp, để thăng tiến tình liên đới tại những miền mong manh nhất thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ đến một số nước tại Phi châu và tại các đại lục khác vẫn còn ở ngoài lề sự phát triển toàn diện đích thực, và do đó có nguy cơ chỉ cảm nhận được những hậu quả tiêu cực của sự toàn cầu hóa. Trong bối cảnh các quan hệ quốc tế, cần phải nhìn nhận vai trò hàng đầu của các qui luật và các cơ cấu, tự bản chất là nhắm thăng tiến công ích, và bảo tồn tự do của con người. Những qui luật ấy không giới hạn tự do, trái lại chúng thăng tiến tự do khi cấm đoán những thái độ và hành vi đi ngược lại công ích, cản trở sự thực thi hữu hiệu tự do và vì thế làm thương tổn phẩm giá của mọi người. Nhân danh tự do, cần phải có một sự tương quan giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Ở đây chúng ta hướng đến cách thức sử dụng những thành quả nghiên cứu khoa học và những tiến bộ của kỹ thuật. Tuy những tiến bộ ấy có thể mang lại ích lợi lớn lao cho nhân loại, nhưng một số trường hợp lại tiêu biểu cho một sự vi phạm tỏ tường trật tự tự nhiên, đến độ không những chúng trái ngược đặc tính thánh thiêng của sự sống, nhưng còn tước đoạt căn tính tự nhiên của con người và của gia đình. Cũng thế, việc bảo tồn môi sinh và bảo vệ những hình thái khác nhau của sự sống trên trái đất không nên chỉ giới hạn trong việc sử dụng hợp lý kỹ thuật và khoa học, nhưng còn phải bao gồm cả việc tái khám phá diện mạo đích thật của tạo vật. Điều này không bao giờ đòi hỏi một chọn lựa giữa khoa học và luân lý, nhưng đúng hơn là chấp nhận một phương pháp khoa học thực sự tôn trọng các qui luật của luân lý khách quan.

Sự nhìn nhận tính hiệp nhất của gia đình nhân loại, và sự chú ý đến phẩm giá bẩm sinh của mỗi người nam nữ ngày nay được nhấn mạnh trong nguyên tắc về nghĩa vụ bảo vệ. Điều này tuy chỉ mới được định nghĩa gần đây, nhưng nó đã hiện diện ẩn tàng nơi những nguồn gốc của Liên Hiệp Quốc, và giờ đây ngày càng trở nên nét đặc trưng trong hoạt động của cơ quan này. Mỗi Quốc Gia có trách nhiệm căn bản bảo vệ dân chúng của mình khỏi những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và kéo dài, cũng như những hậu quả của các khủng hoảng nhân đạo dù là do thiên nhiên hay do con người gây ra. Nếu các quốc gia không có khả năng thực hiện sự bảo vệ như thế, thì cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải can thiệp với những phương thế luật pháp đã được dự trù trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và trong các văn kiện công pháp quốc tế. Hành động của cộng đồng thế giới và các cơ chế phối thuộc không thể bị giải thích như một sự áp đặt bất công, hay một sự giới hạn chủ quyền quốc gia, miễn là hành động ấy tôn trọng các nguyên tắc nâng đỡ trật tự quốc tế. Trái lại, chính sự dửng dưng hoặc không can thiệp mới là điều gây thiệt hại đích thực. Điều cần thiết là một sự tìm kiếm sâu hơn những cách thế ngăn chặn và đương đầu với những cuộc tranh chấp qua việc tìm kiếm mọi phương thế ngoại giao khả thi, chú ý và khích lệ ngay cả dấu chỉ mong manh nhất của đối thoại hay ước ao muốn hòa giải.

Nguyên tắc của “trách nhiệm bảo vệ” đã được xem xét bởi luật dành cho các dân nước (ius gentium) thời xưa như nền tảng cho mỗi hành động của quan chức chính quyền liên quan đến người dân do họ cai trị: vào thời điểm khi khái niệm chủ quyền Quốc Gia đầu tiên được biết đến, Sư huynh Francisco de Vitoria, người đáng được gọi là vị tiền hô cho ý tưởng Liên Hiệp Quốc, đã mô tả trách nhiệm này như một khía cạnh của lý trí tự nhiên được chia sẻ bởi mọi dân nước, và như thành quả của một trật tự quốc tế có nhiệm vụ điều hoà quan hệ giữa các dân tộc. Ngày nay, cũng như vào thời đó, nguyên tắc này phải gợi lên ý tưởng con người như là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, gợi lên ao ước về sự tuyệt đối, và yếu tính của tự do. Như chúng ta biết, việc thành lập Liên Hiệp Quốc trùng hợp với những biến động sâu xa mà nhân loại đã trải qua khi những gì liên quan tới ý nghĩa của siêu việt tính và lý trí tự nhiên bị loại bỏ, và hệ quả là, tự do và nhân phẩm đã bị chà đạp nghiêm trọng. Khi điều này xẩy ra, nó đe dọa những nền tảng khách quan của những giá trị đang linh hướng và chi phối trật tự quốc tế và nó làm suy yếu đi tính chất thuyết phục và những nguyên tắc bất khả vi phạm được Liên Hiệp Quốc hình thành và củng cố. Khi đối diện với những thách đố mới và dai dẳng này thật là sai lầm khi quay trở về với sách lược thực dụng, giới hạn vào việc xác định “nền tảng chung”, nghèo nàn về nội dung, và chẳng đưa lại hiệu quả gì.

Việc tham chiếu đến phẩm giá con người này, là nền tảng và là mục tiêu của trách nhiệm bảo vệ, dẫn chúng ta tới chủ đề chúng ta đang đặc biệt chú trọng trong năm nay là năm đánh dấu 60 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Văn kiện này là thành quả của một sự hội tụ những truyền thống tôn giáo và văn hóa khác nhau, tất cả được tác động bởi một ước vọng chung là đặt con người vào tâm điểm của các cơ cấu, luật lệ và những hoạt động của xã hội, và coi con người là những gì chính yếu đối với thế giới văn hóa, tôn giáo và khoa học. Nhân quyền ngày càng được trình bày như là ngôn ngữ chung và là nền móng đạo lý trong các mối liên hệ quốc tế. Đồng thời, tính cách phổ quát, tính cách bất khả phân ly và tính cách liên thuộc của nhân quyền tất cả giúp vào việc bảo đảm nhân phẩm. Cũng hiển nhiên là các quyền được nhìn nhận và trình bày trong bản Tuyên ngôn được áp dụng cho tất cả mọi người, vì nguồn gốc chung của con người, vốn là cao điểm trong ý định sáng tạo của Thiên Chúa đối với thế giới và lịch sự. Các quyền ấy có nền tảng nơi luật tự nhiên được ghi khắc trong tâm can con người và hiện diện trong mọi nền văn hóa và văn minh khác nhau. Tách rời các quyền con người ra khỏi bối cảnh ấy có nghĩa là thu hẹp phạm vi của chúng và chiều theo một quan niệm duy tương đối, theo đó ý nghĩa và sự diễn dịch các quyền con người có thể thay đổi, và đặc tính phổ quát của các quyền ấy có thể bị phủ nhận nhân danh những quan niệm khác nhau về văn hóa, chính trị, xã hội và cả tôn giáo nữa. Sự dị biệt bao la giữa các quan điểm không được phép làm lu mờ sự kiện là không chỉ có các quyền là phổ quát, nhưng cả con người, chủ thể của những quyền ấy cũng là phổ quát.

Cuộc sống của các cộng đồng, cả quốc nội và quốc tế, minh chứng rằng sự tôn trọng các quyền, và những bảo đảm đi kèm, là những thước đo của thiện ích chung, được dùng để đánh giá quan hệ giữa công lý và bất công, giữa phát triển và nghèo đói, giữa an ninh và tranh chấp. Việc đề cao nhân quyền vẫn là phương sách hiệu quả nhất để loại trừ bất bình đẳng giữa các quốc gia và các nhóm xã hội, và để tăng cường an ninh. Thật vậy, những nạn nhân của lầm than và thất vọng, những người mà nhân phẩm bị tha hồ chà đạp, dễ trở thành mồi ngon cho lời mời gọi bạo lực, và rồi họ trở thành những kẻ phá hủy hòa bình. Tuy nhiên, thiện ích chung mà nhân quyền giúp hoàn thành không thể có được bằng cách đơn giản là áp dụng cách máy móc những thủ tục, hay thậm chí tệ hơn là chỉ mong đạt đến sự quân bình giữa các quyền lợi đối kháng. Điểm son của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là nó cho phép các nền văn hóa, các diễn đạt luật pháp và các mô thức cơ chế khác nhau hội tụ chung quanh một nhân tử căn bản các giá trị, và do đó là các quyền. Tuy nhiên, ngày nay, những nỗ lực cần được tái nhân lên gấp đôi trước áp lực đòi diễn dịch lại những nền tảng của Tuyên Ngôn này và tương nhượng sự hiệp nhất bên trong của nó hầu tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển từ việc bảo vệ nhân phẩm sang việc thỏa mãn những ích lợi đơn giản, thường là những ích lợi đặc thù. Tuyên Ngôn đã được chấp nhận như một “tiêu chuẩn thành tựu chung” (Tiền Đề) và không thể được áp dụng từng phần, theo những xu hướng hay những lựa chọn chỉ đem lại hiểm họa đối nghịch lại với sự hiệp nhất của con người và từ đó dẫn đến sự đối nghịch với tính cách bất khả phân ly của các quyền con người.

Kinh nghiệm cho thấy rằng luật pháp thường lấn lướt công lý khi việc nhấn mạnh trên những quyền này làm cho người ta lầm tưởng rằng những quyền ấy là hệ quả của những tiến trình luật pháp hay những quyết định được đưa ra bởi những cơ quan quyền lực khác nhau. Khi bị trình bày thuần tuý trên phương diện pháp lý, nhân quyền có nguy cơ trở thành những đề đạt yếu ớt tách rời khỏi chiều kích luân lý và hợp lý là căn bản và mục tiêu của chúng. Bản Tuyên Ngôn, trái lại, đã củng cố xác tín rằng việc tôn trọng nhân quyền bắt nguồn cơ bản từ công lý bất biến, cũng là cơ sở cho quyền lực bắt buộc của những tuyên bố quốc tế. Khía cạnh này thường bị xem nhẹ khi người ta mưu toan tước đoạt đi những quyền con người nhân danh một viễn kiến độc tài hẹp hòi. Vì quyền lợi và nghĩa vụ luôn đi đôi với nhau một cách tự nhiên trong ứng xử con người, người ta dễ dàng quên đi rằng chúng là hoa trái của một nhận thức chung về công lý được xây dựng chủ yếu trên tình liên đới giữa các thành viên trong xã hội, và do đó có giá trị ở mọi thời đại và cho mọi dân tộc. Trực giác này đã được diễn tả rất sớm ít nhất là vào thế kỷ thứ Năm bởi thánh Augustinô thành Hippo, một trong những bậc thầy của di sản tri thức của chúng ta. Ngài dạy rằng câu ngạn ngữ: Đừng làm cho kẻ khác điều mà bạn không muốn người ta làm cho mình “nhất thiết không thể thay đổi theo những nhận định khác nhau nổi lên trên thế giới” (De Doctrina Christiana, III, 14). Như thế, nhân quyền, cần phải được tôn trọng như một biểu hiện của công lý, chứ không chỉ đơn giản vì chúng được có hiệu lực nhờ ý muốn của các luật gia.

Thưa quý vị,

Theo dòng lịch sử, những tình huống mới phát sinh, và cố gắng đã được đưa ra để liên kết những tình huống này với những quyền mới. Sự sáng suốt, nghĩa là khả năng phân biệt thiện ác trở nên cần thiết hơn trong bối cảnh của những đòi hỏi liên quan đến chính những sinh mạng và hành vi của con người, của các cộng đoàn và các dân tộc. Khi đề cập đến chủ đề quyền con người, vì liên quan đến những tình huống quan trọng và những thực tại sâu xa, sự sáng suốt là một nhân đức vừa thiết yếu vừa đem lại lợi ích.

Sự sáng suốt chỉ ra rằng giao phó hoàn toàn cho mỗi Quốc Gia, với luật pháp và các cơ chế của họ, trách nhiệm chung cuộc thỏa mãn các khát vọng của con người, của các cộng đồng và toàn thể dân chúng, đôi khi có thể đem lại những hệ quả loại trừ khả năng của một trật tự xã hội tôn trọng phẩm giá và các quyền con người. Mặt khác, một viễn kiến đời sống bám víu chặt chẽ nơi chiều kích tôn giáo có thể đạt được điều này, vì sự nhìn nhận các giá trị siêu việt của mỗi người nam nữ làm thuận lợi cho việc hoán cải con tim, là điều dẫn họ đến dấn thân chống lại bạo lực, chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh, đề cao công lý và hòa bình. Điều này cũng đem lại bối cảnh thích hợp cho cuộc đối thoại liên tôn trong những lãnh vực khác của hoạt động con người. Đối thoại cần được nhìn nhận như phương thế qua đó những thành phần khác nhau của xã hội có thể nêu lên quan điểm của họ và xây dựng sự đồng thuận chung quanh sự thật liên quan đến những giá trị hay những mục tiêu đặc thù liên quan. Khi được tự do thực hành, các tôn giáo theo bản chất của mình có thể tự động dẫn đến một cuộc đối thoại giữa tư duy và cuộc sống. Nếu cả trên bình diện này, bầu khí tôn giáo cũng được tách biệt với hoạt động chính trị thì cá nhân và các cộng đồng sẽ được hưởng những lợi ích lớn lao. Mặt khác, Liên Hiệp Quốc có thể trông cậy vào những thành quả của việc đối thoại giữa các tôn giáo, và gặt hái được hoa trái nơi việc các tín hữu sẵn sàng mang kinh nghiệm của mình ra phục vụ cho công ích. Nghĩa vụ của họ là đề ra một nhãn quan đức tin không theo đường hướng bất khoan dung, kỳ thị và xung khắc mà là theo một đường hướng hoàn toàn tôn trọng sự thật, sự sống chung, quyền lợi và hòa giải.

Dĩ nhiên các quyền con người cũng phải bao gồm cả quyền tự do tôn giáo, được hiểu như một sự diễn tả chiều kích vừa cá nhân và cộng đoàn – một viễn tượng vừa làm nổi bật sự hiệp nhất của con người, đồng thời lại phân biệt rõ ràng giữa chiều kích công dân và chiều kích tín hữu. Hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong những năm gần đây đã bảo đảm rằng cuộc tranh luận công cộng phải có chỗ cho những quan điểm được linh hướng bởi một nhãn quan tôn giáo nơi tất cả mọi chiều kích của nó, bao gồm cả chiều kích lễ nghi, phụng tự, giáo dục, phổ biến thông tin và quyền tự do tuyên xưng đức tin và chọn lựa tôn giáo. Vì thế, không thể tưởng tượng được việc các công dân buộc phải đè nén một phần của chính mình, tức là niềm tin của họ, ngõ hầu có thể là những công dân tích cực. Không bao giờ cần phải chối bỏ Thiên Chúa để được hưởng các quyền của mình. Những quyền liên quan đến tôn giáo là những quyền cần được bảo vệ hơn hết nếu những quyền ấy đối nghịch với một ý thức hệ thế tục đang thịnh hành hoặc với những lập trường tôn giáo của đa số có tính chất loại trừ tôn giáo khác. Sự bảo đảm hoàn toàn tự do tôn giáo không thể bị thu hẹp vào việc tự do phụng tự, nhưng còn phải để ý đến chiều kích công cộng của tôn giáo và làm sao để các tín hữu có thể tham gia vào việc xây dựng trật tự xã hội. Cố nhiên họ đang thực sự thi hành điều đó, chẳng hạn qua sự dấn thân có tầm ảnh hưởng và quảng đại trong một mạng lưới rộng lớn các sáng kiến, từ các Đại Học, các học viện khoa học và trường học, cho đến các cơ sở chăm sóc y tế và các tổ chức bác ái, phục vụ những người nghèo khổ nhất và những người bị bỏ rơi. Từ chối nhìn nhận sự đóng góp cho xã hội ăn rễ nơi chiều kích tôn giáo và trong sự tìm kiếm Đấng Tuyệt Đối – mà tự bản chất của nó thể hiện một sự hiệp thông giữa con người với nhau - có nghĩa là dành ưu tiên cho thái độ cá nhân chủ nghĩa và như thế là làm băng hoại sự hiệp nhất của con người.

Sự hiện diện của tôi giữa Đại Hội Đồng này là một dấu chỉ nói lên lòng quí chuộng của tôi đối với Liên Hiệp Quốc và có ý bày tỏ mong ước rằng tổ chức này ngày càng trở nên một dấu chỉ đoàn kết giữa các Quốc Gia và là một dụng cụ phục vụ toàn thể gia đình nhân loại. Sự hiện diện này cũng biểu lộ thiện chí sẵn sàng của Giáo Hội Công Giáo đóng góp vào những quan hệ quốc tế trong cách thế sao cho mọi người và toàn thể các dân tộc cảm thấy tầm quan trọng của họ. Trong cách thế nhất quán với đóng góp của mình trong lãnh vực luân lý và đạo đức và với hoạt động tự do của các tín hữu, Giáo Hội cũng hoạt động cho việc nhận ra những mục tiêu này thông qua các hoạt động quốc tế của Tòa Thánh. Thật thế, Tòa Thánh luôn luôn có một chỗ tại Đại Hội Đồng các Quốc Gia, qua đó thể hiện đặc thù của mình như một chủ thể trên trường quốc tế. Như Liên Hiệp Quốc gần đây đã xác nhận, Tòa Thánh đưa ra những đóng góp của mình theo những thiết định của công pháp quốc tế, giúp xác định công pháp và đưa ra thỉnh cầu với luật quốc tế này.

Liên Hiệp Quốc tiếp tục là một nơi ưu tiên trong đó Giáo Hội cố gắng chia sẻ kinh nghiệm của mình về “tình nhân loại”, vốn đã được phát triển qua bao thế kỷ giữa các dân tộc thuộc mọi chủng tộc và văn hóa, và dành kinh nghiệm ấy cho mọi thành phần của cộng đồng quốc tế. Kinh nghiệm và hoạt động này, nhắm đạt được tự do cho mọi tín hữu và cũng nỗ lực làm cho các quyền của con người được bảo vệ một cách hữu hiệu hơn. Những quyền lợi này được đặt căn bản và được hình thành bởi bản tính siêu việt của con người, một bản tính giúp con người có thể theo đuổi hành trình đức tin của họ và việc tìm kiếm Thiên Chúa trên trần gian này. Việc nhìn nhận chiều kích này cần phải được củng cố nếu chúng ta còn muốn nuôi dưỡng niềm hy vọng của nhân loại về một thế giới tốt đẹp hơn, và nếu chúng ta còn muốn tạo được những điều kiện cho hòa bình, phát triển, hợp tác và sự bảo đảm về các quyền lợi cho các thế hệ tương lai.

Trong Thông Điệp gần đây của mình là Spe Salvi, tôi đã xác định rằng “mọi thế hệ đều có nhiệm vụ tham gia một cách mới mẻ vào việc miệt mài tìm kiếm con đường đúng đắn để sắp đặt trật tự công việc con người” (số 25). Đối với các Kitô hữu công việc này được tác động bởi niềm hy vọng được kín múc từ công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Đó là lý do tại sao Giáo Hội vui mừng được liên kết với hoạt động của Tổ Chức ưu tú này, một tổ chức có trách nhiệm cổ võ hòa bình và thiện chí khắp trái đất. Các Bạn thân mến, tôi xin cám ơn quý vị về cơ hội được ngỏ lời cùng các bạn hôm nay đây, và tôi hứa với các bạn sự hỗ trợ của tôi qua lời cầu nguyện khi các bạn theo đuổi thực hiện công cuộc cao quí này.

Trước khi rời Đại Hội Đồng này, tôi muốn gửi lời chào của tôi bằng những ngôn ngữ chính, đến tất cả mọi Quốc Gia được đại diện ở nơi đây.

Bình an và thịnh vượng với sự phù trợ của Thiên Chúa!

Peace and Prosperity with God’s help!

Paix et prospérité, avec l’aide de Dieu!

Paz y prosperidad con la ayuda de Dios!

سَلامٌ وَإزْدِهَارٌ بعَوْن ِ الله ِ!

因著天主的幫助願大家 得享平安和繁榮 !

Мира и благоденствия с помощью Боҗией!

Thank you very much.

Cám ơn các Bạn