Vatican (CNS) – Phát biểu hôm trước ngày khai mạc Diễn đàn Công giáo-Hồi giáo, Đức hồng y phụ trách cuộc đối thoại nói ngài hy vọng nó sẽ mở ra “một trang mới” trong lịch sử lâu dài về mối liên lạc Công giáo-Hồi giáo.

Đức hồng y người Pháp Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, hồi đầu tháng này đã được Đài phát thanh Vatican và nhật báo Pháp La Croix phỏng vấn.

Ngài phát biểu với Đài Phát thanh Vatican rằng cuộc họp từ ngày 4 đến 6 tháng 11 với đại diện của 138 học giả Hồi giáo, những người đã khởi xướng sáng kiến Lời Chung năm 2007, sẽ cho các tham dự viên một cơ hội giải thích đức tin của mình qua sự hiểu biết các giới răn yêu kính Thiên Chúa và yêu thương người lân cận,

Trong cuộc phỏng vấn hôm 3 tháng 11 của Đài Vatican, Ngài nói: Trong khi có những điểm thần học tiềm ẩn nơi cuộc thảo luận, nhưng “nói đúng ra, người ta không thể cho rằng chúng tôi tiến hành một cuộc đối thoại về thần học.”

Mà những cuộc đối thoại của Vatican với Hồi giáo đã tập chú vào những vấn đề luân lý, những hành động tâm linh và liên kết nhân danh người đau khổ.

Hôm 2 tháng 11 ngài phát biểu với báo La Croix: “Vào lúc này, cuộc đối thoại về thần học chưa bắt đầu. Trong Diễn đàn, khi nói về lòng yêu kính Thiên Chúa, chúng tôi sẽ coi xem chúng tôi có thể cùng nhau đi xa tới đâu. Điều quan trọng là biết được suy tư thần học của phía bên kia” và chia sẻ những điều phong phú nơi các truyền thống tôn giáo riêng biệt của chúng tôi.

Phiên họp ngày thứ hai sẽ tập trung vào phẩm giá con người cũng như sự tương kính, và Đức hồng y Tauran nói ngài hy vọng đó sẽ là cơ hội để Vatican cất tiếng nói lên những quan ngại về các hạn chế tự do lương tâm và sống đạo người Công giáo đang gặp phải nơi một số quốc gia Hồi giáo.

Đức hồng y Tauran nói rằng điều hiển nhiên là ai cũng muốn có sự nhân nhượng lẫn nhau và tin tưởng rằng nếu tự do là điều tốt đẹp cho các tín đồ Hồi giáo ở châu Âu chẳng hạn, thì tự do cũng tốt đẹp cho người Kitô hữu ở Trung Đông nữa.

“Nhưng xin coi chừng, cái nguyên tắc nhân nhượng lẫn nhau đó không phải là điều kiện tiên quyết trong đối thoại; đây không phải là thứ lý luận “Do ut des” (bánh ít đi bánh qui lại). Điều đó phản lại Kitô giáo.

Trái lại, ngài nói, bảo đảm có được sự tôn trọng tín ngưỡng và quyền lợi của nhau là kết quả của sự thay đổi thái độ từng bước một.

Trong khi những sáng kiến từ cấp cao cho ta niềm hy vọng rằng sẽ có những đổi thay, nhưng “vấn đề là những sáng kiến đối thoại đó dường như rất giống chuyện được-chăng-hay-chớ nếu đem so sánh với những chuyện bạo hành chống Kitô giáo hàng ngày tại nhìều nước. Vấn đề là làm cách nào chúng ta rót được những sự cởi mở thực sự từ những người ưu tú tinh nhuệ đó xuống tới lớp quảng đại quần chúng.”