Nội dung chính kỳ họp Quốc hội tập trung vào các dự án luật

Ngày 3-5, kỳ họp thứ ba của Quốc hội Việt Nam khóa 11 chính thức khai mạc tại Hà Nội với nghị trình dự định kéo dài một tháng.

Phần lớn thời gian, các dân biểu sẽ dành để xem xét và thông qua tổng cộng 17 dự án luật, một chi tiết chứng tỏ vai trò lập pháp của Quốc hội.

Ông Bùi Ngọc Thanh, chủ nhiệm văn phòng quốc hội cho biết kỳ họp này sẽ thông qua 8 đạo luật: Luật thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật biên giới quốc gia; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam; và Luật kế toán

Những đạo luật nói trên đều đã được thảo luận từ lần họp Quốc hội trước và ông Thanh nói ông hy vọng việc thông qua sẽ được tiến hành nhanh chóng.

Ngoài ra các đại biểu sẽ thảo luận, cho ý kiến về 9 dự án luật khác để có thể thông qua vào kỳ họp cuối năm.

Quốc hội Việt Nam gồm gần 500 đại biểu, mỗi năm họp hai phiên chính thức.

Ngoài các dự án luật, các đại biểu cũng còn bản thảo các vấn đề quan trọng về kinh tế và xã hội trong nước. Kỳ họp Quốc hội cũng có màn chất vấn, khi các bộ trưởng chính phủ phải đứng lên đối chất về các than phiền từ người dân.

Chính phủ Việt Nam coi đó là bằng chứng của quá trình dân chủ hóa ở trong nước, trong khi các nhà quan sát nước ngoài thì vẫn thường xuyên kêu gọi tiếng nói lớn hơn cho Quốc hội.