Giáo Xứ Cồn Dầu sắp được xóa sổ trên bản đồ GP Đà Nẵng mà còn làm Lễ Tạ Ơn để làm gì nhỉ ?
Lễ Tạ Ơn trước khi được san bằng thành bình địa, để thành lập khu du lịch sinh thái Hòa Xuân hay sao ?
Ai sẽ đi dự Thánh Lễ đó ? Giáo dân chăng ? Hay khách được TGM mời về tham dự ?
80 năm thành lập Giáo xứ, thời gian không dài, nhưng cũng đủ thấy được công lao người xây dựng nhiệt tâm như thế nào để có một Giáo xứ trù phú như hôm nay.
Tôi nhìn hình Giáo xứ mà thật đau lòng. Một giáo xứ rặt người Công giáo. Trước năm 75, ngày Chúa nhật đúng là ngày của Chúa, cả làng đều nghĩ lao động, không một ai bước ra đồng, ngoài việc đến nhà thờ dự Thánh Lễ, Cầu nguyện và thăm viếng hỏi han nhau.
Có người giáo dân Cồn Dầu email cho tôi: “Cám ơn vì không là giáo dân Cồn Dầu mà đã giúp lời bảo vệ, binh vực Giáo xứ giúp họ, khi họ không có điều kiện nói to lên tiếng nói của Cồn Dầu cho toàn thế giới biết …”
Tôi xin trả lời: Vào năm 1960 Ba Mẹ tôi mất sớm, chị em chúng tôi còn thơ dại, người chị lớn nhất của tôi năm đó được 16 tuổi. Chúng tôi là vị thành niên không có người Giám hộ. Sau khi được bên Nội tỏ lời trước Chính quyền là không đủ khả năng làm giám hộ cho các cháu, thì Cậu tôi dù lúc đó đang giữ chức Linh mục, đã vui lòng nhận làm Giám hộ cho 7 chị em chúng tôi và quản lý tài sản của Ba Mẹ chúng tôi để lại, cho đến ngày chúng tôi trưởng thành.
Cậu tôi chính là Cha Tadeô Nguyễn Hữu Mừng, Chánh xứ Cồn Dầu từ năm 1954 đến 24/8/2001 mới về hưu.
Cậu tôi là LM nên sự Giám hộ của Cậu cũng hạn chế. Cậu chỉ biết gởi chúng tôi vào những nơi Cậu tin tưởng để chăm sóc dạy dỗ chúng tôi thay Cậu, vì thế mà có thời gian tôi phải vào trại mồ côi của các Dì mến Thánh Giá Gò Thị trong 3năm liền sau ngày Ba Mẹ mất.
Khi tôi đủ tuổi vào Dòng Phaolô Đà Nẵng (11 tuổi), thì Cậu đưa tôi về lại Cồn Dầu và cho đi Tu với các giáo dân của Cậu. Năm đó là 1963 tôi và chị Thuận (vợ của anh Liễu cựu HĐGX) được Cậu đưa ra Bà Chín người thợ may kỳ cựu của Cồn Dầu để may quần áo quy định cho chúng tôi nhập Dòng.
Từ đó tôi thuộc giáo dân Cồn Dầu, mỗi khi Bề trên cho về phép, nghĩ Lễ là tôi chỉ được phép về Cồn Dầu (sau đó tùy ý của Cậu tôi), chứ không được về 77bis Trưng Nữ vương Đà Nẵng là nhà của Ba Mẹ tôi, và cũng không được về An Ngãi là nhà ông bà Ngoại tôi.
Vì ở nơi xa, ít về thăm quê, tôi cũng không ngờ Cồn Dầu lại bị giải tỏa. Đọc vội những hàng tin trên báo và gọi điện về hỏi thăm tôi mới biết sự thật. Tôi tiếc thương cho một làng quê xinh đẹp, yên bình lại bị xóa sổ. Nhiều năm không gần gũi với họ nhưng tôi vẫn gần bên họ, khi Cậu tôi vẫn xem đó là ngôi nhà chính của ông.
Sự thay đổi và lớn lên của Giáo xứ cũng theo đà lớn lên của chúng tôi. Làm sao không yêu thương được ? Làm sao không ghi nhớ lại được những con đường nhỏ hẹp ngày mưa trợt té, nay đã là con đường xi măng mà xe hơi đã vào tận nơi muốn vào?
Không phải là nơi chôn nhau cắt rốn mà tôi yêu thương đến thế, thì người dân Cồn Dầu, nói sao cho hết nỗi đau mất Làng, mất gốc của họ ???
Phá đi Làng Cồn Dầu là một sự tàn nhẫn và vô tâm không tả nỗi. Không là những nhu cần thiết thực của đất nước, của dân chúng như là đường sá, cầu cống. Mà chỉ là nỗi chơi ngông của những tên có tiền, biến hóa một làng quê yên bình thành một chỗ xa hoa phù phiếm. Mặc kệ dân làng bỏ công sức ổn định từ 80 năm qua … Rồi sẽ bao nhiêu năm để họ bắt đầu lại từ đầu ???
Mừng Lễ thành lập Giáo xứ 80 năm để rồi giao trả cho họ san bằng thành bình địa. Chi bằng GP cùng nhau đấu tranh giữ lại gia tài của Giáo Hội, giữ lại nền tảng Công giáo đã lưu truyền và tồn tại ngay tại giáo xứ này. Như thông tin vừa mới đọc: Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/82485.htm
Về đề nghị của Việt Nam là Toà Thánh ra thông báo cấm các cuộc tập trung cầu nguyện đòi đất đai, tài sản như thời gian vừa qua và can thiệp kịp thời như vụ cầu nguyện ở Toà Khâm sứ, phái đoàn Vatican trả lời rằng: đất đai, tài sản của Giáo hội sở hữu một cách hợp pháp, Toà thánh kiên quyết bảo vệ và vẫn dứt khoát nêu lại đòi hỏi của các Giám mục Việt Nam là đòi lại quyền sử dụng hợp pháp Toà Khâm sứ ở Hà Nội và Giáo hoàng học viện Đà Lạt.
Họ muốn đất nước xinh đẹp thì chúng ta cũng làm theo mô hình xinh đẹp của họ, mà không phải bán đi một mảnh đất nào của Giáo xứ. Giáo dân phải được thừa hưởng cái mô hình xinh đẹp đó khi Tổ tiên họ và chính họ đã bỏ biết bao công sức, biết bao mồ hôi, nước mắt trên mảnh đất phèn chua đó.
Có như thế Thánh Lễ mới đầy đủ ý nghĩa. Có như thế mới không hổ thẹn với Tiền nhân của Giáo hội, và có như thế mới dám ngước mắt nhìn lên hình Cha cố Nguyễn hữu Mừng treo ở nhà Xứ, nơi quý vị sẽ tổ chức tiệc mừng 80 năm thành lập Giáo xứ mà Cha cố đã dành cho nơi ấy 47 năm của đời mình để phục vụ, cho các vị có nơi để hội họp ăn mừng vào ngày 10/8 tới đây.
Sài gòn Lễ Thánh Ignatio Loyola 31/7/2010