CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH (2011)

"Còn bao nhiêu địa chỉ cần Chúa Thánh Thần"

Trên mọi nẽo đường trần thế của kiếp nhân sinh muôn nơi và muôn thuở, luôn thấp thoáng những bóng dáng của khổ đau, tăm tối, thất vọng, u buồn, bóng dáng của những hình thái “địa ngục trần gian”. Thật vậy, địa ngục chẳng cần ở đâu xa ; người ta có thể gặp thấy địa ngục ngay trên trần gian nầy trong những trại tập trung của Đức Quốc xã hồi đệ nhị thế chiến, hay nơi những trại lưu đày ở Siberi thời Lê Nin. Địa ngục có khi hiện diện ngay trong những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ là nơi mà con người đối đải với nhau chỉ là những thủ đoạn đê hèn của tranh giành quyền lực chính trị, của những mặc cả và âm mưu quái quỉ. Địa ngục cũng có thể hiện diện ngay trong những căn hộ hiền lành là nơi mà thay vì là mái ấm gia đình để nuôi lớn tình yêu, hạnh phúc, thủy chung…đã trở thành sào huyệt của phản bội, ngoại tình, phá thai, vô cảm…

Chẳng cần những cơn lũ chết người, những trận cuồng phong, sóng thần hay động đất kinh khiếp mới mang theo những địa ngục trần gian, mà chỉ cần một cái đầu ngông cuồng đồng bóng của một tên độc tài như Gaddafi cũng đã đẩy bao nhiêu người vào trong địa ngục của chiến tranh, bom đạn, đói nghèo, thương tật…

Đứng trước những “địa ngục trần gian” bủa vây giăng mắc khắp nơi trên thế giới hôm nay, là những người được tái sinh vào một Vương Quốc Nước Trời, những người mang danh Kitô hữu, chúng ta sống và trả lời làm sao về niềm tin của chính mình ?

Để trả lời cho vấn nạn trên, chúng ta thử đọc lại những trang sử của Giáo Hội thời sơ khai. Đã có một thời, từng đoàn Kitô hữu bị quẳng cho thú dữ xé thịt hay bị hành hình bằng mọi thứ hình khổ kinh khiếp khác nơi quảng trường địa ngục Côlôsêum. Thế nhưng, họ tiến ra pháp trường, họ đối diện với địa ngục mà họ vẫn hát ca với ánh mắt ngời sáng niềm tin yêu hy vọng, với nụ cười hân hoan thanh thản trên môi, như thể họ đang đi về thiên đàng. Dân Rôma ngạc nhiên, bạo chúa Nêrô ngỡ ngàng hét lên : Họ hát kìa – They are singing !

Làm sao họ có được niềm vui thanh thản như thế khi đang ở giữa hỏa ngục của khổ hình, đau đớn, tan nát xác thân ? Sức mạnh nào đã cho họ đứng vững trước một áp lực khủng khiếp như thế đè nặng trên chính cuộc sống ?

Đấng Bảo Trợ- Chúa Thánh Thần – Một sự hiện diện mới của Đức Kitô phục Sinh. Chắc chắn, nếu Chúa Kitô không đồng hành với họ, nếu Chúa Thánh Thần không ở trong họ thì Giáo Hội không bao giờ có những vị thánh Tử Đạo được kính nhớ.

Và Chúa Thánh Thần đã hoạt động như thế suốt 2000 năm nay và mãi cho đến ngày tận thế.

- Ngài hoạt động qua tình yêu chung thủy của tình nghĩa vợ chồng để nhờ đó đã giúp cho bao nhiêu tù nhân vẫn còn tồn tại sống sót trở về trong những địa ngục của những trại tù khắp nơi trên thế giới.

- Ngài hoạt động qua những người nam, người nữ sẵn sàng dấn thân vào những nơi rừng thiêng nước độc, bị đe dọa thường xuyên đến sự sống còn, đối diện thường ngày với bệnh tật, đói khát…để đem ánh sáng Tin Mừng, và niềm hy vọng cứu độ cho biết bao người ngồi trong bóng tối sự chết.

- Ngài hoạt động qua những con người như linh mục Maximilien Kolbê sẵn sang hy sinh tính mạng để cứu sống một bạn tù, như mục sự Luther King chấp nhận hiểm nguy đến mất mạng để đòi quyền bình đẳng cho những người da đen, như Mẹ Têrêsa thành Calcuta để ủi an, xoa dịu, đỡ nâng bao nhiêu kẻ khố cùng và bị xã hội vất bên lề cuộc sống, như Đức Gioan Phao lô II… xóa tan sự sợ hải, thất vọng cho thế giới để nhân loại tiến bước tới tương lại trong niềm hy vọng xây dựng một nền văn minh và sự sống.

- Ngài hoạt động trong trái tim đầy nhiệt huyết của những người trẻ như Anrê Phú Yên, Fanxicô Xavie, Têrêsa Hài đồng Giêsu…để họ sẵng sàng “lấy tình yêu đáp trả tình yêu, đem mạng sống báo đền mạng sống”, hầu xây dựng một thế giới mới trên nền tảng của tình yêu Thiên Chúa.

Và đó cũng chính là câu trả lời của chúng ta, những người Kitô hữu, cho những người, như thánh Phêrô hôm nay nhắc đến, “chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta”.(BĐ 2)

Chúng ta tin và hy vọng rằng, Thiên Chúa yêu thương và cứu độ chúng ta. Chúng ta tin rằng, đằng sau những cái giá của hy sinh và thập giá là Nước Trời, là hạnh phúc vĩnh cửu, là một Vương Quốc mà chỉ có những ánh mắt tâm linh sau một cuộc hành trình hoán cải trong khiêm hạ của người trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa mới kịp nhận ra. “Hôm nay nếu Ngài vào trong nước của Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Chúng ta tin vào lời Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay : "Thầy không để anh em mồ côi đâu... Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” .

- Đấng Bảo Trợ ở với chúng ta để soi sáng, giúp ta ngày càng hiểu rõ Đức Kitô và những lời dạy của Ngài hơn.

- Đấng Bảo Trợ ở với chúng ta để ban sức mạnh giúp chúng ta sống, sống một cách phi thường trong cuộc đời bình thường ; sống bình thản và lạc quan trong những lúc khó khăn ; sống quảng đại và yêu thương đang khi vác thập giá...

- Đấng Bảo Trợ ở với chúng ta để đổ tràn tình yêu Thiên Chúa vào lòng chúng ta biến cuộc sống chúng ta luôn là một màu hồng, cho dù khi thất bại, khi bị phụ bạc vô ơn, khi chịu đựng những tấn công của kẻ đố kị...

- Đấng Bảo Trợ ở với chúng ta để giúp chúng ta mỗi ngày “ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô” khi trung thành thực thi giới răn yêu thương là di chúc Ngài trối lại cho chúng ta : “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em gữ các điều răn của Thầy”.

Và như thế, nhiệm tích Rửa Tội, Thêm sức không chỉ khi được lãnh nhận một lần là đóng lại như một chuyện đã rồi, mà là một khai mở để tiếp nối con đường loan báo và làm chứng tá đức tin như tông đồ Philipphê, Phêrô, Gioan mà sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay tường thuật : “hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần…Hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (BĐ 1)

Không phải chỉ tại Samaria mà hôm nay còn biết bao nhiêu địa chỉ đang cần lời cầu nguyện và đặt tay để Chúa Thánh Thần lại đến. Trong chính ý nghĩa đó, chúng ta cùng cầu xin :

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, thế giới hôm nay luôn bị đe dọa bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh ; mạng sống con người bị coi rẻ. Xin cho chúng con biết say mê sự sống, và gieo vãi sự sống khắp nơi. Ước gì Chua ban cho nhân loại một lễ Hiện Xuống mới để con người có thể hiểu nhau hơn và đón nhận nhau trong yêu thương. Amen”.
LM. Giuse Trương Đình Hiền