Bốn thập niên kể từ khi Phụng Vụ được cải tổ từ Công Đồng Vatican II, bây giờ là thời điểm để duyệt xét đường lối thực hành việc cải tổ đó hầu tái phát động việc cải tổ. Đức Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã đưa ra nhận xét trên trong một lá thư gởi đến các tham dự viên của Tuần Lễ Phụng Vụ Quốc Gia Ý Đại Lợi, tổ chức tại thành phố Acireale. Cuộc hội thảo này đã kết thúc hôm thứ Sáu 29/08/2003.

Trong lá thư nhằm bày tỏ lời chào mừng của Đức Thánh Cha đến các tham dự viên, Đức Hồng Y Sodano đã trình bày các suy tư về hiến chế "Sacrosanctum Concilium" (Thánh Công Đồng) được các nghị phụ thông qua năm 1963.

“Bốn mươi năm sau, thật là chính đáng để xét xem chính việc cải tổ đã đem lại điều gì cho sự canh tân của các cộng đoàn Kitô Giáo, và tới mức độ nào mà phụng vụ, như đã được cải tổ theo những chỉ dẫn của công đồng, có thể làm trung gian giữa đức tin và đời sống, ngõ hầu các tín hữu có thể đưa ra những chứng tá nhất quán cho Tin Mừng”.

Cùng lúc đó, “thật là hữu ích để tự hỏi ta với sự rõ ràng và chân thành là có phải việc cải tổ đã gặp phải một số điểm yếu và ở chỗ nào, đồng thời, trên hết mọi sự, làm sao có thể tái phát động lại việc cải tổ này vì lợi ích của dân Chúa”.

Theo Đức Hồng Y, thách đố mà ngày nay Giáo Hội phải đương đầu là “chuyển dịch việc cải tổ vào trong đời sống người tín hữu, những người được kêu gọi để hội nhập chính họ vào sự hiệp thông mà Chúa Con mong muốn thiết lập với mỗi một người, một sự hiệp thông mà chúng ta cử hành thường xuyên trong phụng vụ”.

Đức Hồng Y đưa ra những vấn nạn trên với các tham dự viên của Tuần Lễ Phụng Vụ và mong muốn họ đưa ra câu trả lời chín chắn. Cùng lúc đó, ngài cũng đưa ra những chỉ dẫn cho những lời đáp trả.

“Mặc dù có thể nói được là việc cải tổ của Công Đồng Chung đã được thực hiện, vẫn cần có một chương trình phụng vụ mục vụ tiêu biểu cho một sự dấn thân thường xuyên nhằm giúp ta kín múc từ sự phong phú của phụng vụ sức mạnh thiết yếu lan truyền từ Đức Kitô tới các thành viên của Thân Thể, là Hội Thánh”.

Trong mối liên hệ này, “có lẽ một số nguyên tắc của hiến chế phải được hiểu rõ hơn và phải được thực thi trung thành hơn nữa”.

Cách riêng, Đức Hồng Y nhấn mạnh “thật là hữu ích để phân tích một số đề tài chuyên biệt, chẳng hạn, mối liên hệ giữa sự sáng tạo và sự trung tín, giữa việc thờ phượng thiêng liêng và cuộc sống, giữa giáo lý và việc cử hành Mầu Nhiệm, giữa vai trò chủ tế và vai trò của cộng đoàn, giữa việc đào tạo trong các chủng viện và việc bồi dưỡng thường xuyên các linh mục”.