Những người tự nhận là dân riêng khi nói đến người khác tôn giáo thường nói là quân vô đạo hay người thờ tà thần. Một số bất mãn cho câu nói trên là kiêu căng, khinh thường các tôn giáo khác. Số khác nhẹ nhàng hơn coi đây chỉ là thói quen khi nhắc đến tôn giáo khác mà trong tâm không có í khinh thường. Ngày nay danh từ thông dụng là các tôn giáo bạn. Riêng chữ bạn đủ nói lên í nghĩa của việc quí mến, coi trọng niềm tin khác tôn giáo.

Nhóm tự nhận là dân riêng không đồng nhất khi nói về chính họ. Người Do Thái cho rằng họ là dòng dõi tổ phụ Abraham, được Ya vê tuyển chọn và đặt Giao Ước. Như thế những ai không nằm trong Giao Ước đều không phải là dân riêng. Đế quốc Rôma thì coi những ai không là công dân của họ đều không phải là dân riêng. Tôn giáo tự nhận là thánh nhân hậu thế- The Latter Day Saints Church chỉ tín hữu của họ là dân riêng. Một số môn đệ Đức Kitô cho là những ai chưa lãnh nhận Thánh Thần thì chưa phải là dân riêng. Thánh Phaolô cho rằng những ai tin vào Đức Kitô sống lại từ cõi chết họ sẽ được ơn cứu độ. Theo Ngài thì không còn La Mã hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do, không còn phân biệt nam trọng hay nữ khinh mà tất cả đều là con Thiên Chúa. Roman 10,9-12 và Galatian 3,28.

Đức Kitô trong cuộc đời rao giảng Ngài luôn kêu gọi mọi người xám hối và tin vào Tin Mừng. Như thế Thiên Chúa chọn tất cả và những ai đón nhận Tin Mừng trở thành dân riêng. Điều này dẫn đến tình trạng có người đón nhận lời rao giảng cũng có kẻ từ chối chấp nhận. Như thế người tự loại ra ngoài dân riêng không phải là Thiên Chúa loại họ ra mà chính họ loại họ ra khỏi dân riêng.

Những người đón nhận lời kêu gọi xám hối và tin vào Tin Mừng mang theo họ nhiều ngày lễ mừng trong năm và sau này những ngày lễ đó trở thành đại lễ trong Giáo Hội Chúa. Mặc dù đã trở thành dân riêng nhưng chúng ta chưa dứt khoát chối bỏ tâm tình phục tùng tà thần tồn tại trong con người. Tinh thần thờ tà thần bị đè nén mà chưa hoàn toàn bị tiêu huỷ vì thế khuynh hướng tham vật chất, thích lợi nhuận và bả vinh hoa phú quí trần gian luôn là những cám dỗ mãnh liệt trong cuộc lữ hành trần thế. Tinh thần đó luôn khơi dậy cuộc chiến nội tâm. Khi mãnh liệt, lúc nhẹ nhàng trong tâm hồn. Nếu không có cầu nguyện để nhận sức mạnh ân sủng Chúa thì khó có thể tự sức mình chống lại các cám dỗ, rất khó thắng sức mạnh của ma quỉ trong cơn cám dỗ. Một khi bị lệ thuộc vào trần thế chúng ta mất tự do vì luật lệ tự nó có giới hạn. Do đó luật lệ giới hạn con người. Hơn nữa luật lệ thường chú trọng nhiều đến bảo vệ vật chất là lơ là việc cổ võ đời sống tâm tinh. Một số luật còn ngăn cấm, cản trở thực hiện đời sống tâm linh.

Bởi có những giới hạn nên tình trạng bị cám dỗ càng mạnh mẽ hơn. Cám dỗ dưới nhiều dạng thức như yêu Chúa nhưng không yêu tha nhân. Chúng ta được công chính nhờ lòng tin, không phải nhờ tự biện hộ cho mình nên công chính. Chúng ta thích kết án hơn là tha thứ, làm ngơ trước bất công và coi thường công bằng.

Dân riêng Chúa luôn tìm được tự do trong cuộc sống yêu thương, mến Chúa yêu người. Tình yêu Chúa mời gọi chúng ta yêu tha nhân như chính mình. Tình yêu này vượt khỏi mọi giới hạn mầu da, ngôn ngữ và chủng tộc. Sống trong tình yêu Chúa là sống trong tự do.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org