Trong mấy ngày qua có tin một phái đoàn của chính phủ Việt Nam có tới thăm Vatican và làm việc với Vatican. Tuy nhiên khi vào các trang thông tin của Tòa Thánh không thấy có thông cáo chung sau cuộc gặp gỡ như mọi khi.

Phái đoàn VN gặp Đức ông Camilleri
Sáng ngày hôm qua (19/9) chúng tôi có nhận được bài viết của Eglises d'Asie, với tựa đề “Vietnam: Une délégation du Bureau des Affaires religieuses du Vietnam en visite à Rome”. Đây là bài dịch lấy tin từ trang điện tử của Chính phủ Việt Nam, nên chúng tôi không vội đăng tin trên.

Tiép đến chúng tôi đọc bản tin của Fides, hãng tin này cho biết: “Cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Việt Nam tiếp tục trên một mối quan hệ và hợp tác tốt, trong khi có căng thẳng trong giáo phận Vinh, nơi cuộc biểu tình tiếp tục trong việc bắt giữ hai tín hữu của Giáo Hội tại giáo xứ Mỹ Yên, hiện còn trong tù kể từ tháng Sáu năm ngoái mà không có một lời buộc tội.”

Tin Fides cho biết thêm: “Các cuộc thăm viếng và gặp gỡ của đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam ở Vatican từ ngày 15 tới ngày 20 tháng 9 trong bầu khí thân thiện. Đoàn Việt Nam đã gặp Thứ trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, Đức ông Tadeusz Wojda và Thứ trưởng Bộ trưởng Quan hệ với các nước, Đức ông Antoine Camilleri. Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam nhấn mạnh rằng chính phủ Việt Nam cam kết đảm bảo quyền tự do tôn giáo và bày tỏ niềm hy vọng rằng các tín hữu Việt Nam tích cực tham gia trong việc xây dựng và phát triển đất nước”.

Tìm đọc bản tin của trang chính phủ Việt Nam thuộc Bộ Nội Vụ Đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam thăm, làm việc tại Vatican , chúng tôi thấy có vài điều không ổn. Thứ nhất, trong đó nêu ra là phái đoàn làm việc với Vatican trong 5 ngày “Đoàn công tác Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam gồm 7 thành viên do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng dẫn đầu có chuyến thăm và làm việc tại Vatican từ ngày 15-20/9”. Thứ hai, Bản tin có nói là “Tòa thánh Vatican cũng tiếp tục nhấn mạnh mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam, đồng thời cho rằng các giáo dân Việt Nam cần phải tôn trọng chính quyền và chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Việt Nam.”. Thứ ba, tìm các trang Web của Tòa Thánh không thấy có thông cáo chung về cuộc đàm phán này. Do vậy chúng tôi đã liên lạc với hai nguồn tin thân cận và đáng tin ở Roma, và được trả lời như sau:

  • 1. Cuộc gặp gỡ xẩy ra trong 2 lần vào ngày 15 và 16 tháng 9, 2013. Tiếp đến vào ngày 18 tháng 9, phái đoàn Ban Tôn giáo của chính phủ Việt Nam có tham dự cuộc tiếp kiến chung của Đức Giáo Hoàng vào thứ Tư như thường lệ. Cuối buổi tiếp kiến ĐGH có lời chào phái đoàn và bắt tay chào phái đoàn sau khi bắt tay các Hồng Y và các Giám mục hiện diện.


  • 2. Chuyến đi lần này của đoàn Việt Nam là của Ủy ban Tôn giáo thuộc Bộ Nội Vụ đến thăm hữu nghị, và đoàn Việt Nam đến là cố ý để trao đổi thông tin về hiện tình ở giáo phận Vinh và các sự kiện liên quan tới Dòng Chúa Cứu Thế. Thực chất không có cuộc họp làm việc nào giữa Tòa Thánh và đoàn Việt Nam, không phải là cuộc đàm phán chính thức, nên sau cuộc gặp gỡ không có thông cáo chính thức.


  • 3. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với các viên chức Vatican, Phái đoàn Tôn giáo của chính phủ Việt Nam muốn Tòa Thánh can thiệp vào hiện tình đang xẩy ra ở Giáo phận Vinh, nhưng Tòa Thánh nói Tòa Thánh chỉ mới nghe thông tin từ phía phái đoàn Việt Nam, Tòa Thánh cần phải nghe thông tin từ phía Giáo Hội Việt Nam nữa, của vị Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam nữa.


  • 4. Trong cuộc gặp gỡ với Phái đoàn Tôn giáo chính phủ Việt Nam, Tòa Thánh ghi nhận những phát triển tích cực trong quan hệ song phương, như việc chính phủ cho phép Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, được đi thăm viếng các nơi; việc thâu nhận đại chủng sinh vào chủng viện không còn hạn chế số lượng như cũ. Tuy nhiên Tòa Thánh nêu lên mong muốn của mình là vì lợi ích của dân chúng Việt Nam, Giáo Hội muốn tham gia vào lĩnh vực giáo dục, mở trường học, cơ sở giáo dục, và nhà thương, v.v… Được như vậy sẽ là một dấu hiệu sự thăng tiến hơn nữa trong quan hệ song phương.