Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
May mắn là chung quanh chúng ta vẫn có những chứng nhân anh hùng không vô cảm trước những bất hạnh của anh chị em mình, và những bất công trong xã hội. Họ giữ cho ký ức về Thiên Chúa luôn sống động trong lòng nhân loại qua những chứng tá bác ái rạng ngời.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Một trong những người như thế là Sơ Angelique Namaika ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo, là người mà ngày thứ Hai 30 tháng 9 vừa qua đã được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc trao tặng giải thưởng cao quý Nansen Refugee Award tại Geneva Thụy Sĩ.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi đoạn phim thu hình tại trụ sở Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc lúc người nữ tu anh hùng này được trao giải thưởng.
Tối nay chúng ta công nhận một anh hùng thực sự ...
Công việc của người đoạt giải năm nay cho thấy ngay cả một người cũng có thể tạo nên những khác biệt lớn lao đối với cuộc sống của nhiều người.
Năm nay, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã chọn sơ Angelique người điều hành Trung tâm Tái hòa nhập và phát triển thuộc Cộng Hòa Dân Chủ Congo, là người đã thay đổi cuộc sống của hơn 2000 phụ nữ và trẻ em gái .
Sơ Angelique là người chị và là người mẹ của nhiều phụ nữ. Sơ làm việc trong một vùng xa xôi của Congo nơi từ năm 2008 tới nay, hơn 320.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa của mình ở các tỉnh đông bắc của Cộng Hoà Dân Chủ Congo để giữ mạng sống mình và tránh khỏi rơi vào tay các loại thánh chiến Hồi Giáo đang gieo rắc kinh hoàng trong vùng. Trong các thứ thánh chiến Hồi Giáo, nguy hiểm và tàn bạo nhất là nhóm Quân đội Kháng chiến của Allah, thường được gọi tắt là LRA
Phương pháp của sơ Angelique đã giúp phục hồi hàng ngàn phụ nữ từ những chấn thương thể lý và tâm lý do bị hành hạ, hiếp dâm và bị buộc phải giết người.
Điều khiển chương trình văn nghệ trong buổi tối này là hai nhạc sĩ Mali Amadou và Mariam là những người đã giật giải Grammy.
Giải thưởng này minh chứng cho một cuộc sống tận hiến để giảm bớt sự đau khổ của hàng ngàn người.
Khi bạn nhìn vào Soeur Angélique, tất cả quan điểm của bạn cũng đột ngột thay đổi .... và bạn tin rằng sơ là bàn tay của Chúa.
Xin giới thiệu với quý vị,
Nữ tu Angelique người đoạt giải thưởng Nansen Refugee
Giải thưởng này, giải thưởng cao quý này, không chỉ dành cho tôi, nhưng cho tất cả các phụ nữ, trẻ em gái và những người đã bị LRA bắt cóc.
Tôi đã nói, trước sự can đảm của họ, tôi sẽ không bao giờ để tôi bị thối chí trong việc làm tất cả mọi thứ tôi có thể để hồi sinh hy vọng trong lòng họ. Một lần nữa, cảm ơn tất cả các bạn "
Bài hát tiếp theo này dành riêng cho những nghĩa cử cao thượng đáng kinh ngạc của chị Angélique và nó được gọi là 'Cờ trắng . "
Giải thưởng bao gồm 100,000 đô la Mỹ cho một dự án nhân đạo được lựa chọn bởi người đoạt giải trong sự hợp tác với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra chúng tôi biết là chị Angélique cũng sẽ có cuộc hội kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một vài ngày tới.
Từ năm 2008 tới nay, hơn 320.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa của mình ở các tỉnh đông bắc của Cộng Hoà Dân Chủ Congo để giữ mạng sống mình và tránh khỏi rơi vào tay các loại thánh chiến Hồi Giáo đang gieo rắc kinh hoàng trong vùng.
Theo báo cáo của Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, trong các thứ thánh chiến Hồi Giáo, nguy hiểm và tàn bạo nhất là nhóm Quân đội Kháng chiến của Allah, thường được gọi tắt là LRA, là những kẻ đã tấn công và cướp phá nhiều làng mạc, giết chết, làm bị thương, và bắt cóc trẻ em xung vào đội quân thiếu nhi và các nhóm lao công chiến trường. Phụ nữ thì bị bắt làm nô lệ tình dục trong khi nam giới bị tàn sát hoặc bị cưỡng bức gia nhập hàng ngũ binh lính.
Đón tiếp một lực lượng đông đảo người tị nạn, càng lúc càng nhiều, tại một đất nước mà các cường quốc phương Tây không “hứng thú”, vì quốc gia này chẳng có một vị thế chính trị hay kinh tế đáng kể nào, Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã rất vất vả với các nguồn viện trợ nhỏ giọt và thất thường.
Tuy nhiên, đã có những sáng kiến của Giáo Hội Công Giáo giúp cải thiện tình hình và vì thế ngày 21 tháng 9 vừa qua, Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã long trọng vinh danh nữ tu Công Giáo Angelique Namaika và trao tặng cho chị giải thưởng Nansen. Đây là giải thưởng cao quý của Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc để tôn vinh những người làm việc với những người tị nạn.
Chị Angelique Namaika đã giúp thay đổi cuộc sống của hơn 2.000 phụ nữ và các bé gái đã bị buộc phải rời nhà của họ sau khi bị nhóm Quân đội Kháng chiến của Allah lạm dụng trong những năm dài địa ngục của họ. Kể từ khi đến Dungu, một ngôi làng ở tỉnh Orientale, tương lai đã dần mở ra với họ.
Mai Hương xin giới thiệu với quý vị bộ phim sau do Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thực hiện để vinh danh chị Angélique.
Mới chín tuổi, chị Angélique đã biết rằng mình sẽ cống hiến cuộc đời để giúp đỡ cho người khác. Một nữ tu người Đức trong làng đã linh hứng cho chị tiến bước trên con đường này.
Nhiều thập kỷ sau, chị đang thực hiện chính xác ước mơ của mình. Chị làm việc trong một vùng xa xôi ở đông bắc Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi hàng trăm ngàn người đã trốn chạy các nhóm vũ trang Hồi Giáo, trong đó có nhóm Quân đội Kháng chiến của Allah, thường được gọi tắt là LRA.
Với nguồn tài nguyên ít ỏi, cụ thể là một chiếc xe đạp và hai bàn tay trắng, chị Angelique đã giúp hơn 2000 phụ nữ tị nạn và những cô gái đã sống sót qua những vi phạm nhân quyền khủng khiếp của LRA .
Người phụ nữ này tên là Julie. Đó không phải tên thật của cô để tránh cho người nhà của cô đang nằm trong tay bọn LRA không bị trả thù. Mới 13 tuổi, đã bị LRA bắt cóc làm nô lệ tình dục. Năm năm sau, cô đã trốn thoát và tìm được đường đến Dungu. Trong thời gian bị giam cầm, Julie đã sinh hai con và sống trong sợ hãi.
Julie cho biết:
“Mỗi buổi sáng khi thức dậy, tôi đã từng nghĩ đây là ngày tôi sẽ chết, hoặc có thể ngày mai. Nếu bạn nấu ăn cho họ và họ nhìn thấy một chiếc lá kỳ lạ trong thực phẩm, họ sẽ nói rằng bạn đầu độc họ. Ngay cả với một chiếc lá bình thường, họ cũng có thể sẽ nói bạn là một con mẹ phù thủy và đôi khi bạn phạm sai lầm và họ sẽ đánh đòn bạn, hay kinh khủng hơn, họ có thể sẽ giết chết bạn ngay."
Julie là một trong rất nhiều phụ nữ đã tìm thấy niềm an ủi nơi nữ tu Angélique.
Người nữ tu này giúp những người chạy trốn, những người bị bắt cóc hoặc những người đã mất người thân trong các cuộc tấn công giữa các phe phái. Chị Angelique cũng đã từng là một người chạy nạn và điều này đã thôi thúc chị nhiều hơn.
Những người trốn thoát khỏi tay LRA, mang theo những vết thẹo của gian truân mà họ đã phải kinh qua. Xa gia đình và mang theo những vết theọ khổ đau này, những phụ nữ và trẻ em gái thường sẽ mất hết phương hướng cuộc đời nếu không có sự hỗ trợ của chị Angelique.
Chị đã không cho phép họ trở thành những nạn nhân thụ động, thay vào đó chị cung cấp cho họ những kỹ năng sống. Chị mang đến cho họ sự tự tin bằng cách nói cho họ biết về quyền lợi của mình.
Đó là một ngày trọng đại cho Julie , đó là bài học đầu tiên của cô kể từ khi cô bị bắt cóc nhiều năm trước đây .
Chị Angélique Namaika cho biết:
"Vào ngày đầu tiên của cô trong các lớp học xóa mù chữ , tôi nghĩ rằng cô ấy rất siêng năng. Mỗi lần tôi hỏi một câu hỏi, cô đã không ngần ngại giơ tay. Ước mơ của tôi là họ có thể tiếp tục các lớp học xóa mù chữ."
Monique - không phải là tên thật của cô - đã bị bắt cóc vào năm 14 tuổi và vẫn còn bị ám ảnh bởi những kinh nghiệm hãi hùng. Bị giam giữ trong hai năm, cô đã bị hãm hiếp và bị bắt buộc phải giết người.
Cô nói:
"Có người đã cố gắng trốn thoát và họ nói chúng tôi phải giết anh ta. Họ đưa roi cho chúng tôi và bắt chúng tôi quất túi bụi vào anh ta cho đến chết. Chúng tôi bị buộc phải quất mạnh vào đầu anh ấy cho đến khi anh ấy lìa đời. Sau đó, họ tập trung chúng tôi lại với nhau và nói với chúng tôi rằng nếu chúng tôi mưu toan trốn thoát, họ sẽ bắt chúng tôi và giết chúng tôi theo cùng một cách chúng tôi vừa giết người anh em của chúng tôi vậy."
Dù thế, Monique cũng tìm được cách thoát khỏi những kẻ bắt cóc mình, cô tìm đến Dungu . Cô nhanh chóng nhận ra rằng cô đã mang thai. Đó là khi cô gặp chị Angélique và bắt đầu tham dự các lớp học may của mình.
Chị Angélique Namaika nói:
"Theo ý kiến tôi thì những người phụ nữ rất muốn học nghề may vá thuê thuà vì khi họ có cơ hội gặp nhau như thế này, họ chia sẻ những ý tưởng của họ và làm cho họ cảm thấy tốt hơn, như mở ra được những gì đè nặng trong lòng."
Đối với Monique, tham gia vào tổ hợp may của chị Angélique là việc ngoài sức tưởng tượng. Bây giờ cô ấy có thể hỗ trợ bản thân và con trai của mình bằng cách may vá và bán đồng phục học sinh.
Với chị Angelique, những nỗ lực của cô rất đơn giản, tầm thường. Nhưng đối với những phụ nữ đã mất tất cả - chị có nghĩa là cả thế giới đối với họ.
Mặc dù những ký ức đầy ám ảnh sẽ không bao giờ phai mờ hoàn toàn, họ biết chị Angélique sẽ luôn ở đó với họ.
Monique nói:
"Tôi coi chị Angélique là mẹ tôi, đặc biệt là vì tôi không có mẹ, tôi là một đứa trẻ mồ côi."
Patricia sẽ không bao giờ được chữa lành hoàn toàn. Hai con trai và cô con gái của cô đã bị bắt cóc. Một bé trai đã bị giết và hai đứa còn lại đã trốn thoát được với cô nhưng tâm lý vẫn còn đầy hoang mang sợ hãi.
Patricia nói:
"Tôi cố gắng quên đi với sự giúp đỡ của chị Angélique. Khi đến đây, chúng tôi nghe nói rằng chị ấy đã giúp đỡ những người phụ nữ. Vì vậy, chúng tôi đến trình diện. Chị ấy ân cần thăm hỏi tôi và các cháu. Tôi đã tâm sự với chị và cầu nguyện với chị như là biện pháp xoa dịu những đau thương trong trái tim tôi."
Monique, Julie và Patricia chỉ là ba phụ nữ trong số hàng ngàn người đã được giúp đỡ bởi chị Angélique. Đáng buồn là có rất nhiều người cần trợ giúp. Không nản lòng trước sự lan rộng của bạo lực, khó khăn và đau khổ xung quanh mình, chị Angélique, quyết tâm làm tất cả mọi thứ chị có thể.
Chị Angélique nói:
"Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi sẽ làm hết sức mình để mang lại hy vọng và khả năng hồi sinh cho họ."