Đường gắn liền với cuộc sống con người. Ngay khi tập đi ta đã tạo dựng những con đường. Đường này ngắn gọn, dẫn ta tới người thân. Những em bé trong gia đình khi tập đi chúng thường lần mò cạnh giường, cạnh bàn, cạnh ghế tiến đến mẹ. Con đường ấy không ai làm ra, cũng chẳng có tên gọi, và không có dấu vết gì để lại sau khi em đã đi qua. Nếu em bước ngang qua mà để dấu vết sau mỗi bước chân em đi qua là bà mẹ phải ba chân bốn cẳng, khẩn cấp chạy đi tìm giẻ lau. Con đường các em đi qua là con đường do chính các em làm ra. Nó không được vẽ trên bản đồ. Mục đích của nó là giúp em đi từ chỗ đang chơi đến chỗ em muốn đến hay là đến với cha mẹ, anh chị trong gia đình. Như thế con đường đầu tiên ta đi là con đường dẫn ta tới người thân quen. Đây là con đường ngắn nhất nhưng rất quan trọng trong cuộc sống vì nó diễn tả lòng khát khao đến với cha mẹ, anh chị trong tin yêu phó thác.

Lớn lên ta đi từ phòng này sang phòng kia, rồi lan dần ra cửa, ra sân và cuối cùng ra đường lớn. Con đường từ nhà ra đến cổng nối liền với đường phố hay đường làng, hay ngõ hẻm. Những đường này lại nối liền với trục lộ, xa lộ giao thông khác rộng lớn hơn, chạy nhanh hơn và cũng nguy hiểm hơn. Ngày nay người ta kẹt đường trong thành phố nên con người tạo ra không biết bao nhiêu là đường. Đường này nằm trên đường kia, đường kia vắt chéo qua đường nọ, tần tầng lớp lớp. Có đường một chiều hay đi ngược với nhau. Cứ thế con đường này nối tiếp con đường kia đưa ta đi từ cảnh lạ này đến cảnh lạ khác.

Các loại đường

Con người cũng biết lợi dụng thiên nhiên sẵn có để chế đường cho mình. Loại đường cổ xưa này đi lại rất tiện lợi và ngày nay vẫn còn thực dụng. Chúng phục vụ nhân loại trong nhiều năm dài của lịch sử từ xưa đến nay. Đặc biệt là trong vấn đề chuyên chở hàng hóa nặng nhiều tấn. Những nơi gần cảng đổ hàng quy tụ nhiều công nhân khuân vác, dân nghèo lao động. Con đường này mà trẻ em đến gần là nguy hiểm đến tính mạng vì sợ hà bá chào, bà thủy hỏi thăm. Đó là loại đường? Đường thủy.

Nhìn một cách rộng lớn hơn có con đường đi tới đâu bao xa chúng ta chẳng biết chỉ biết phó mạng trong tay người mang mình đi. Con đường này to lớn vĩ đại hơn nhiều người trong chúng ta có thể tưởng tượng ra được. Ranh giới của nó to nhỏ thế nào không biết, đường xuôi chiều hay ngược chiều chúng ta chẳng hay. Nhiều anh chị em trong chúng ta nhờ con đường này mà thoát nạn vô thần, đang ngồi đây nhớ lại thấy còn rùng mình và nếu có ai bảo đi lại con đường đó thì mấy ai không sợ. Nhiều anh chị em Việt Nam không may mắn đứt gánh giữa đường vì những trận cuồng phong, sóng cả, biển gầm, con thuyền lênh vô định và cuối cùng chìm sâu đáy nước. Thân nhân ngày nay chỉ biết tiếc thương cho số phận hẩm hưu đi không đến nơi về không đến chốn. Đó là đường? Đường biển. Đường vượt biên.

Có những con đường đưa chúng ta đi trên đó với những máy móc tinh vi, với kiến thức khoa học kĩ thuật cao vời. Con đường đưa ta đi mà ta không nhìn thấy, cũng chẳng vất vả chi, chẳng cần học cho biết cứ thế xách vali leo lên đi. Bảo lên thì lên, bảo xuống thì xuông. Phó mặc mạng sống trong tay người khác. Con đường này hầu như ai trong chúng ta cũng có lần đi qua. Xưa kia ở quê nhà khao khát được bước lên con đường đó nhưng không được. Có người thèm thuồng ngẩng mặt ngó trời cao mây xanh. Ngày nay nhiều người xử dụng con đường đó hàng năm. Đi vừa nhanh vừa tiện lợi cho việc di chuyển, thoải mái. Đường này chẳng ai thấy, cũng ít người học. Nếu muốn thấy đường này con người cần được học để nhìn nó trên bản đồ còn nhìn vào thực tế thì không phân biệt nổi đâu là đường nên đành phó thác. Con đường đó là đường hàng không.

Mục đích của đường

Dù là đường gì chăng nữa thì mục đích của chúng cũng là phục vụ con người. Muốn làm ăn sinh sống, con người cần di chuyển đi lại. Đường đưa chúng ta tới phố chợ, sở làm, đình chùa, rạp xi nê, trường học, nhà bạn bè, sân đá banh. Ngoài ra còn có những đường đưa đi du lịch, tham quan, thắng cảnh, du ngoạn. Con đường trước kia tại quê nhà chúng ta hay rủ nhau đi mỗi sáng Chúa Nhật. Gọi nhau đi vui lắm. Ngày nay nhất là ở Úc châu ít ai dám gọi nhau đi vì sợ mang tiếng. Các em thì cha mẹ dục, dọa, mắng nạt nộ cũng chẳng muốn đi trên con đường đó. Đó là đường đưa tới nhà thờ. Đường nào không giúp phục vụ con người đường đó là đường đưa đến diệt vong. Chính vì thế mà khi ta giận dỗi cắt đứt liên hệ với ai, không còn đến với người đó, nếu họ đến với ta, ta ngăn đường chắn lối vô nhà không đón tiếp. Đường cụt. Trên bình diện rộng lớn hơn cũng thế. Hai nước khi có sung đột, người ta thẳng tay cắt đôi nhịp cầu biên giới, chặn đứng quan hệ ngoại giao, thông thương bế tắc.

Mục đích thứ hai của đường là đưa ta tới vạn vật, ngoại cảnh chung quanh, thiên nhiên. Con đường đưa tới biển tắm mát, đưa đi câu vui thú, đưa đi bắt ngao sò, ốc hến vừa có thực phẩm ăn vui với bạn bè, vừa thưởng thức cái thú bắt được chúng. Đi đến thiên nhiên để tâm hồn được thảnh thơi, thoải mái. Vào rừng thông ta thấy cái tươi mát của thiên nhiên. Leo núi cao ta thấy cái hùng vĩ sừng sững của tạo hóa. Thả mắt dọc ven sông ta thấy cái cảnh xanh non của cỏ cây tràn đầy nhựa sống. Đảo quanh hồ nước ta thấy cái xinh đẹp của cảnh trời bát ngát. Mùa xuân thả hồn vào cánh đồng hoa dại thưởng thức cái vẻ đẹp man dại màu tím hoa xim. Bông hoa dại mềm yếu kia vừa bắt mắt vừa bắt mũi. Chẳng hay có người dị ứng phấn hoa nhảy mũi. Ta cũng biết được sức mạnh của thiên nhiên trong những bông hoa dại nhỏ bé tầm thường kia. Điều đó cho thấy cái kì diệu của thiên nhiên. Một tâm hồn rộng mở với thiên nhiên giúp ta tìm gặp Chúa trong cái thiên nhiên vây quanh ta. Từ ngoại cảnh đưa ta tới Đấng Tạo Hóa, qua thiên nhiên, qua cỏ dại, qua trời xanh, qua biển gầm sóng vỗ. Tất cả đều có hơi hám, hình ảnh, bàn tay vô hình, thần khí của Thiên Chúa Đấng ta tôn thờ. Làm sao để nhìn thấy Ngài trong cái nhỏ bé hay cái hùng vĩ của thiên nhiên. Người có đức tin nhìn thấy Chúa nơi tạo vật do Chúa dựng nên. Chính vì thế mà Chúa dậy ta làm chủ mọi loài do Chúa sáng tạo. Chúng ta được Chúa trao quyền làm chủ mọi loài. Học từ thiên nhiên để nhận biết Thiên Chúa. Xem qủa thì biết cây. Nhìn những vật trong vũ trụ thì biết đến Đấng tạo thành vũ trụ. Những kẻ yếu kém đức tin không chịu lập luận này. Thực ra kẻ không có đức tin chẳng chấp nhận bất cứ lập luận nào về Chúa.

Đường vô hình

Chúng ta đi trên những con đường. Chúng ta nhìn thấy những con đường. Trên mặt đất, dưới sông biển và trên không trung. Đi bộ, đi xe, đi thuyền đi máy bay thứ nào chúng ta cũng có dịp thử qua. Những con đường hữu hình ta đã rõ. Con đường vô hình khó nhận biết hơn. Chúng ta tin rằng có dù không nhìn thấy chúng. Nếu không tin có đường biển có lễ chúng ta chẳng dám vượt biên. Nếu không tin có đường trên trời có lẽ chúng ta không dám đi máy bay. Nhưng thử hỏi ai nhìn thấy đường trên trời máy bay bay. Chỗ nào cũng có mây che, ranh giới nào thấy nhưng ta đi vì ta tin có con đường dành riêng cho máy bay. Về phương diện tư cách con người cũng có những con đường. Đường vô hình dùng diễn tả tính nết, cách ăn nết ở của con người. Thí dụ nói như đường tốt, đường lành, đường ngay lẽ phải, đường công danh sự nghiệp, đường tình ái, đường xấu xa tội lỗi, đường trụy lạc, đường hư vong, đường diệt vong. Tất cả là những con đường không ai nhìn thấy chỉ nhận biết qua thành quả của chúng.

Đường lối, chính sách

Còn có cách diễn tả khác chỉ về đường như nói về đường lối, cách tổ chức của hội đoàn, tôn giáo khuynh hướng chính trị. Chúng ta nghe nói về đường lối của chính quyền, đường lối của Giáo Hội. Con người không biết đường đi là sẽ lạc đường. Đoàn thể xã hội không biết đường đi thì tan rã. Đoàn thể tôn giáo không biết đường đi sẽ sa đọa, lạc hướng gây nên tranh chấp, cãi vã, bất hòa và cuối cùng là mất đức tin. Xem thế đường lối rất gần và quen thuộc với chúng ta. Vấn đề quan trọng là biết tìm ra đường ngay nẻo chính. Tìm sai là đi vào đường lối gian tà. Người theo đường ngay nẻo chính được Chúa thương như thánh vịnh 1,6 nói:

Vì Chúa hằng che chở

Nẻo đường người công chính

Còn đường lối ác nhân

Đưa tới chỗ diệt vong.


Dấu đi đường

Trên con đường có những dấu hiệu chỉ cách xử dụng con đường ra sao. Ngoài xa lộ có ghi những thánh giá nhắc chúng ta biết điều gì đã xảy ra trước đó. Thánh giá đỏ bên đường nhắc lại có người trước đây bị thương nơi đó. Thánh giá trắng hay đen nói có linh hồn ai oán, ai than. Tại sao có tình trạng đó vì có. Theo như những cảnh cáo của cảnh sát thì 'drink and drive kill', 'Sleepy drivers die', 'Speeding leads to hospital and wheel chair', 'Wrong way go back'. Tương tự như vậy những người đi trên con đường tâm linh không may mắn hơn những người lái xe trên xa lộ. Giữ đạo dật dờ khó đi đến nơi an toàn. Giữ đạo nửa thức nửa ngủ khó sống sót. Giữ đạo kiểu chờ thời khó đi hết con đường đi theo Chúa. Giữ đạo tại tâm dễ đi 'wrong way'. Làm sao để trở về?

Chúng ta biết con đường đức tin đòi hy sinh, đòi dấn thân. Không ai thành công trên nhung lụa. Không ai lên thiên đàng bằng việc giữ đạo cầu may. Học thi có thể trúng tủ, giữ đạo không có thể trúng tủ vì đạo đòi cám ơn Chúa mỗi ngày. Holiday của chúng ta là nghỉ. Holiday của Chúa là cầu nguyện gấp đôi. Ai mong holiday trong Chúa xin dơ tay. Con đường hy sinh trong mùa Giáng Sinh là con đường ba vua Đông Phương đi. Họ theo ngôi sao lạ chỉ đường dẫn lối. Họ bỏ ngai vàng dấn thân ra đi, họ tìm tòi. Họ nhìn trời cùng tiến. Nhờ nhìn lên họ thấy dấu lạ. Nhờ lắng nghe họ thấy dấu lạ nơi Herode và họ đã tránh đường khác về nhà an toàn. Ban ngày lắng nghe tiếng nói từ bên ngoài đêm đến nghe tiếng nói trong tâm hồn. Họ đoàn kết đi chung với nhau, cầu nguyện chung với nhau, đồng hành với nhau. Họ thành công vì họ dám hi sinh, dám từ bỏ. Nhóm thứ hai chúng ta học được là các mục đồng, kẻ chăn trâu bò lừa. Khi nghe tiếng hát thiên thần họ không ngại sương gió tuyết đông. Nguyên bọn ra đi và họ đã gặp Hài Nhi. Đường theo Chúa Kitô đòi dấn thân như thế.

Để tìm được đường ngay nẻo chính chúng ta cần học hỏi từ người xưa, từ các thánh tổ phụ, từ các thánh nhân của Giáo Hội, từ các anh hùng tử đạo vì đức tin. Những tiền nhân khai đường dẫn lối vào chốn trường sinh. Những tiền nhân thành công trên đường lối vạch ra vì đường lối của họ đặt căn bản trên Lời Chúa, trên Kinh thánh, trên điều Chúa truyền dậy. Họ cứ thế thi hành, áp dụng triệt để vào trong cuộc sống và họ thành thánh nhân.

Sai đường

Trái lại có nhiều triết gia, chủ nghĩa cũng đưa đường dẫn lối. Nhưng đường lối họ vạch ra đưa con người vào vòng tranh chấp, chém giết, đấu tranh, hận thù vì đường lối họ họ vạch ra không đặt căn bản trên Phúc Âm nhưng dựa vào tài trí con người. Dựa vào lí luận sắc bén của khối óc. Khối óc dù sắc bén đến đâu cũng có cái cá nhân tính, cái tôi trong đó. Bởi vì có cái tôi cho nên cần bảo vệ cái tôi. Càng bảo vệ cái tôi chừng nào thì càng chủ quan chừng đó và đi đến chỗ tự kiêu, tự cao cho cái tôi là trên hết không ai sánh kịp. Đường lối đó sớm muộn gì cũng dẫn đến đấu tranh, bảo vệ con đường do chính họ vạch ra. Nghe chói tai vô cùng. Chính mình vạch ra đường rồi chính mình biện hộ cho mình là đúng rồi đi đến đấu tranh, tự biện hộ. Một khi tự biện hộ cho mình là dấu chỉ của sai trái, của trật đường. Nếu không có sai trái thì đâu cần thanh minh, thanh nga, đâu cần biện hộ. Vậy một khi tự biện hộ cho mình là bảo vệ đường lối mình. Người bảo vệ đường lối mình là người ngưng đi trên con đường mình đã vạch ra, không tiếp tục tiến trên con đường vạch ra ban đầu nhưng theo ngã rẽ. Theo ngã rẽ là bỏ chính lộ, đi đường hẻm. Người đi trong đường hẻm tối tăm, không nhìn thấy ánh sáng. Hoạt động trong đường hẻm thường đi đôi với đường lối gian tà. Kẻ theo đường lối gian tà quy tụ những kẻ gian tà như chính họ mong kết thành bè đảng, phe phái. Bè đảng không tồn tại nếu không có tiền và độc dược nuôi dưỡng. Đã là bè đảng phe phái thì bao giờ cũng muốn kinh tài, thủ lợi cho phe nhóm, cho đảng mình. Muốn cho đảng mình lên thì phải đạp phe nhóm khác xuống, phải cấm đoán, phải độc quyền phát biểu, độc quyền phê bình, độc quyền lãnh đạo. Bởi vì theo đường lối gian tà nên không thủ đoạn nào là xấu cả, miễn sao thu lợi điều muốn thu là coi như thành công. Đi theo đường lối gian tà chủ trương thành công mà không chủ trương thành nhân. Kẻ theo đường lối gian tà thường vừa đánh trống vừa ăn cướp, vừa khoe khoang. Chúa Giêsu gọi những người này là bọn giả hình. Chúng như mồ mả tô vôi.

Chủ trương thành nhân là người đi theo đường lối chân chính. Dù bị thua thiệt họ vẫn tôn trọng con người. Đề cao phẩm giá con người, tin theo đạo lí và sẵn sàng chịu thiệt thòi về đạo lí về tín điều họ theo đuổi, tin và trung thành với Đấng họ tôn thờ.

Luật hè phố

Trong các thành phố lớn thường có tắc nghẽn giao thông. Nhất là trong giờ cao điểm, giờ tan sở. Lí do là ai cũng thích đi theo một vài con đường khiến cho xe cộ đổ vào một lối, gây tắc nghẽn. Lí do khác là ai cũng muốn hơn người nên không tôn trọng luật đi. Khiến cho xe cộ nối đuôi nhau hàng loạt dài. Nếu biết tôn trọng nhau, nhường nhau trong việc đi lại thì vấn đề trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Lí do khác nữa là có người đậu xe sai chỗ, cản trở đường đi. Điều này thực tiễn cho việc sinh hoạt các đoàn thể trong sinh hoạt tôn giáo. Thành viên trong đoàn thể không chu toàn trách nhiệm giao phó chẳng khác gì tài xế đậu xe sai chỗ làm kẹt đường. Đi trễ, hẹn không đến đúng giờ làm cho nhiều người lo lắng chẳng khác chi người lái xe chen lấn ẩu, qua mặt coi thường mọi người. Nếu chúng ta tôn trọng nhau, thực thi đúng luật sinh hoạt đoàn thể thì đoàn thể không đi vào tắc nghẽn. Tập tành sinh hoạt không còn là gánh nặng cho các đoàn trưởng. Mọi sinh hoạt nhịp nhàng thì việc bầu bán cũng dễ dàng, tìm cộng tác viên cũng dễ. Lí do người lãnh đạo nhận được trợ lực của các hội viên và mọi người đều giữ luật đoàn thể. Một trong những khó khăn của cộng đoàn ta là chúng ta nể nhau nhiều quá, tình cảm nhiều quá hóa ra không có luật sinh hoạt chung. Sinh hoạt đoàn thể hay ở dở đi. Tình cảm nhiều quá, người nào cũng nể nhau cuối cùng thôi đừng sinh hoạt nữa cho êm chuyện, thế là mất một hội viên. Vài ba bữa nữa người khác nể nữa âm thầm đi vào bóng tối với lí do này nọ che đậy sự thật ngại nói ra. Đoàn thể trong cộng đoàn sập sình như lục bình trôi sông, sóng vỗ đâu cũng mặc. Khi thì tan tác trước sóng to khi thì trôi dập dính chùm trước ngọn đăng tôm cá. Làm sao tránh tình trạng này? Phải chăng chúng ta không có đường đi. Hay chíng ta thiếu luật sinh hoạt. Hay chúng ta không tôn trọng luật chơi trong đoàn thể. Chúng ta nên nhớ ở bất cứ nơi đâu cũng có luật phải theo. Ồn như cái chợ thế mà cũng có luật mua bán, gian hàng cũng có ngăn nắp, cũng có trả thuế. Luật lệ càng lỏng lẻo đoàn thể càng ì xèo dễ tan vỡ.

Đường dễ đường khó

Chỉ đường thì dễ. Đi đúng đường rất khó. Làm đường càng khó hơn. Trở thành con đường là khó nhất. Chỉ đường cần nói hay giơ tay chỉ hay hất hàm về hướng nào đó là người kia nhận ra ngay. Đi đúng đường cần nghiên cứu tìm tòi, xem phương định hướng rồi mới đi. Khi đi còn cần tìm những dấu tích cố định để xác định phương hướng. Cần có bản đồ chính xác, cần học cách coi bản đồ cho đúng mới hy vọng đi đúng đường. Bằng không đi sai mất công toi. Làm đường cần có kinh nghiệm cả lí thuyết lẫn thực hành. Hơn nữa cần tài chánh hỗ trợ cho việc làm của các chuyên viên làm đường. Cần có các cộng tác viên và điều hành cho công việc được hài hòa. Trở thành con đường đòi hủy mình đi. Đây là công việc khó nhất. Hủy mình đi cũng phải biết cách hủy nếu không thành hư mất. Chúa Giêsu đã hủy mình đi để thành con đường qua việc chết trên thập giá. Chúa chọn con đường khó nhất để đi. Ngài là Đấng chỉ đường. Ngài là Đấng đi đúng đường. Ngài là người tạo dựng con đường và cũng chính Ngài là con đường khi Ngài tuyên bố Ta là đường. Ngài tự hạ mình làm con đường để chúng sanh đi trên con đường đó. Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Câu này tóm gọn ý nghĩa chỉ đường, đi đúng đường, sáng tạo con đường và là chính con đường. Con đường Chúa chỉ và đi qua là con đường yêu thương, con đường hoàn thiện. Con đường này do chính Chúa sáng lập, chỉ đạo và là chính con đường. Con đường này có cửa ai qua cửa mà vào thì nhận biết Thiên Chúa. Đức Kitô là con đường Thiên Chúa đến với con người. Con đường nối liền trời với đất. Đất trời giao hòa khi Ngài sanh nơi hang Bethlem. Ngài là con đường đưa nhân loại về với Chúa khi Ngài nói Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta nhưng là làm theo ý Chúa Cha. Ý Chúa Cha là hễ ai thấy và tin ở Con của Người thì được sự sống đời đời.

Đức Kitô không chỉ muốn hướng dẫn, chỉ đường cho nhân loại đến với Thiên Chúa. Chúa Kitô là đường đưa con người đến với nhau. Điều này ghi rõ trong ngày phán xét chung: khi xưa Ta đói các con cho Ta ăn. Ta khác cho uốnng, Ta rách rưới mình trần cho mặc.... vì khi làm cho một rong những anh em hèn mọn là làm cho chính Ta. Con đường Chúa muốn chúng ta đi là đi đến với nhau trước trước khi đến với Chúa vì tất cả chúng ta đều là con cái Abraham. Đức Kitô không phải chỉ làm đường mà chính Chúa tự hạ mình làm con đường cho chúng ta đi về với Thiên Chúa.

Đời con đường

Con đường luôn luôn nằm dưới chân con người. Nó bị mọi người dẵm lên, chà đạp dưới chân. Nó là nơi hứng chịu mọi thứ rác rưới bẩn thỉu, bị con người khạc nhổ. Đi xe đò Việt Nam chúng ta vẫn nghe các lơ xe nhắc: Lưu ý, gần trạm công an xin đừng xả rác nghe quý bà con. Ai là người xả rác ra đường. Thưa không ai xa lạ mà là quý bà con. Trọn cuộc đời Chúa Giêsu là con đường. Chưa sanh ra người bị người cùng làng ruồng bỏ, xua đuổi. Sau khi sanh ra bị lệnh vua Herode ruồng bắt để giết đi. Cuộc đời giảng đạo bao phen bị xua đuổi, bị xô xuống vực thẳm nơi đỉnh đền thờ, bị mạ lị, bị chất vấn, bị hỏi móc, bị khinh chê là bạn với phường tội lỗi, ăn uống với bọn bất nhân. Sau bữa tiệc li bị phản bội bởi cái hôn của người thân tín, bị bán rẻ với giá 30 chục bạc cắc. Khi bị bắt quân lính vả mặt, phỉ nhổ trước tòa án Philato, bị nhạo báng và chết nhục hình. Chúa tự nhận mình là đường đi cho nhân loại, là đường chịu nằm dưới chân con người, quên mình cho mọi người, khiêm nhường vì mọi người.

Kết luận

Không ai biết rành đường bằng chính người làm ra con đường. Không ai hiểu thấu nỗi khổ của đường bằng chính con đường. Chúa Giêsu là đường là con đường. Chúng ta không tìm đâu được lời dậy bảo chính xác hơn bằng chính người tạo ra con đường đó. Ma quỷ chỉ là kẻ nghe biết về con đường Kito dậy. Ma quỷ chưa bao giờ đi trên con đường Chúa vạch ra. Nếu chúng đi trên con đường đó chúng không thể nào thành ma quỷ. Chúng không góp phần tạo ra con đường. Chúng dự phần vào việc phá hoại con đường. Nghe theo chúng là đi vào con đường sai trái, phá vỡ hơn là xây dựng.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org