VẺ ĐẸP CHIỀU SÂU

(Tĩnh tâm Linh mục đoàn Phát Diệm 2013)

Phát Diệm, một bầu khí trầm lắng tới mức mà người ta chỉ nghe thấy tiếng máy trộn bê-tông đang thi công cho công trình Nhà xứ Chính toà và trong khu Nhà hành hương của Toà giám mục Phát Diệm. Đây là tuần tĩnh tâm năm của Linh mục đoàn Phát Diệm từ 11 - 16/11/2013.

Nói đúng ra, đó không phải là sự trầm lắng, mà là Phát Diệm đi vào chiều sâu. Nói đến chiều sâu Phát Diệm, người ta nghĩ đến công trình trị móng Nhà thờ Chính toà, gồm hàng triệu cọc tre và tầng tầng lớp đất đá trị nện từ độ sâu lút đầu người đi lên. Không! Đấy là độ sâu kiến trúc, đây là chiều sâu tâm linh, cũng bắt đầu từ nền móng vững chắc theo cách diễn tả của thánh Phaolô tông đồ: "Anh em… đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su."(Ep 2,19-20). Nền móng này cũng là đề tài của Đức Cha phụ tá giáo phận Xuân Lộc Giuse Đinh Đức Đạo giảng phòng cho Linh mục đoàn Phát Diệm. Đức Cha đã đào sâu ơn gọi tông đồ, khởi đi tù ơn gọi của bốn tông đồ đầu tiên, tới ơn gọi của Lê-vi người thu thuế và sau nữa là ơn gọi Mười hai Tông đồ. Lược đồ giảng phòng bao gồm:

Ba sứ mệnh của tông đồ:

- Nhận thức Nước Thiên Chúa

-Sám hối.

-Tin vào Tin Mừng.

Mục đích: Để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô ( Pl 3,10)

Phương tiện: Học với Chúa Kitô chiến thắng cám dỗ, thắng vượt khó khăn trong đời sống ơn gọi tông đồ bao hàm những thái độ:

1. Hời hợt nhìn Chúa như người xa lạ.

2. Sự cứng lòng ví như lăng kính dị dạng làm cho ta có thiên kiến không nhận ra Chúa.

3. Khủng hoảng ơn gọi do dục vọng lôi cuốn, địa vị, thành công, tư lợi ...

Lời khuyên thích hợp nhất là người tông đồ phải biết lựa chọn để gieo hạt giống tốt. Vì hạt giống Nước Trời đích thực thì "Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên” ( Mc 4,27)

Từ nhận thức tới thực hành. Mầu nhiệm ơn gọi tông đồ phải được trở thành sự sống nơi các linh mục:

1. Vác Thánh giá mỗi ngày – một đòi hỏi theo sứ vụ.

2. Hiến mạng sống mình – một sứ điệp của mầu nhiệm ơn gọi tông đồ

3. Uống cạn Chén đắng của Thầy- chấp nhận đau khổ, sự chết.

Cuối cùng là đạt tới đời sống chứng nhân: làm tông đồ được sai đi.

Từ đó luôn " Khơi dậy sống động trong con ơn sủng của Chúa mà con đã lãnh nhận nhờ việc cha đặt tay trên đầu con" (2Tm 1,6).

Nội dung lược đồ và cung cách diễn tả của Đức Cha giảng phòng toát lên một niềm xác tín, một chiều sâu tích lũy trong cuộc đời và một tâm huyết "Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi"( 2Cr 5,14). Đức Cha Giuse giáo phận nhận xét:"Ngài giảng sâu và sắc nữa. Ngài xác tín và đầy Chúa nên chỉ giảng về Chúa mà đầy hấp dẫn. Chúng ta sợ giảng không hấp dẫn nên minh hoạ hàng trăm thứ, nhưng chính vì thế mà không còn hấp dẫn, vì chỉ có mình Chúa mới là sự hấp dẫn. Ước mong các cha sẽ tận dụng được để được biến đổi trong tuần tĩnh tâm này".

Tôi bỗng trào lên những cảm xúc về Đức Cha già Phaolô Bùi Chu Tạo kính yêu. Cùng một phong cách như Đức Cha giảng phòng hôm nay, các ngài không phải dùng những phương pháp thính thị hiện đại qua đồ họa vi tính (line show, power point …) nhưng bằng trực cảm và chứng từ cuộc sống, đã đi thẳng vào tâm huyết của người nghe. Để sau mỗi bài giảng người ta lại muốn trở về thay đổi một điều gì trong lối sống. Phải chăng đó là cách giảng của Phêrô thời Công vụ tông đồ, chỉ sau bài giảng đầu tiên đã tiếp nhận tới 3000 tân tòng? (Cv 2, 14-37).

Danh sách Linh mục đoàn Phát Diệm năm nay là 71 linh mục (kể cả các cha già hưu, nhưng chưa kể các cha du học). Thực tế về tĩnh tâm là 64. Con số này gấp 5 lần so với năm 1980, khi đó giáo phận Phát Diệm chỉ còn 12 cha, mười cha già và chỉ có hai cha trẻ vừa được thụ phong.

Thời gian qua đi, các cha già lần lượt như "Hạt lúa mì gieo xuống đất"( Ga 12,24)

Cha già Antôn Nguyễn Thế Vịnh qua đời ngày 18/12/1981

Cha già Giuse Vũ Bá Nghiễm qua đời ngày 17/12/1983.

Cha già Phêrô Vũ Hiếu Cúc qua đời ngày 19/06/1984

Cha già Gioan B. Khổng Đức Hậu qua đời ngày 1985

Cha già Phaolô Phạm Văn Ven qua đời ngày 1990

Cha già Phanxico X. Nguyễn Hữu Tường qua đời ngày 13/10/2001.

Đức Ông Phaolô J. Tịnh Quang Thiều qua đời ngày 12/08/2000.

Cha già Luca Trần Hùng Sỹ qua đời ngày 27/07/2005.

Cha già Phaolô Nguyễn Chu Trình qua đời ngày 24/05/2006.

Số các cha già hiện chỉ còn cha già Phêrô Trần Cao Vọng đang ở tại Sở hưu Phú Vinh thuộc TGM Phát Diệm. 62 linh mục trẻ hôm nay chưa bằng 1/2 số linh mục của giáo phận năm 1953 là 153. Đạt được con số trên, Phát Diệm phải chờ đợi thêm hơn chục năm nữa. Tuy nhiên, con số đó đã gợi lại những kỷ niệm đẹp về những số tương đương:

Năm 2009 Linh mục đoàn Phát Diệm cùng với hai giáo phận Thanh Hóa, Bắc Ninh do ba Đức Cha của ba giáo phận tổ chức tĩnh tâm chung tại Phát Diệm quy tụ 157 linh mục.

Năm 2012 Linh mục đoàn Thanh Hóa cùng với hai giáo phận Phát Diệm, Lạng Sơn do ba Đức Cha của ba giáo phận tổ chức tĩnh tâm chung tại Thanh Hóa quy tụ 156 linh mục.

Trong tuần tĩnh tâm, mười bốn ban trực thuộc Tòa Giám mục đã lần lượt báo cáo những hoạt động và định hướng cho tương lai. Đức Cha Giuse Nguyễn Năng trong tư cách chủ chăn giáo phận đồng thời là chủ tịch Ủy ban giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN đã nhấn mạnh tới việc mục vụ gia đình và quan tâm tới việc thành lập Thiếu nhi Thánh Thể tại các giáo xứ.

Tuần tĩnh tâm diễn ra trong khung cảnh êm đềm và thuận lợi, thời tiết hanh khô, các cha mạnh khỏe. Một sức mạnh toát ra từ tuổi trẻ của Linh mục đoàn giáo phận. Một sức sống tỏa ra trong bước đi và báo hiệu bình minh của ngày mới.

Con số 71 linh mục làm tôi liên tưởng tới con số tương đương là 72 môn đệ được Chúa Giêsu sai đi từng hai người vào các làng loan báo Tin Mừng. Các ông trở về hân hoan thưa với Chúa: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con." (Lc 10,17). Trong lúc cao hứng, tôi hình dung Chúa Giêsu rạng rỡ nhìn trời và trả lời: "Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời." (Lc 10,18,20).

Mở tiếp Tin Mừng Mt 5, 14-16 tôi bỗng hình dung thấy Chúa Giêsu quay lại và nghiêm giọng nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”. Từ khi Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm được Nhà Nước xếp hạng Di tích Lịch sử, Văn hóa vào ngày 18/01/ /1998, nhiều khách du lịch, hành hương về đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp “Bộ dạng đang qua đi”( 1Ga 2,17) của Phát Diệm. Giờ đây, muốn thấy được vẻ đẹp chiều sâu thì cần phải “lật vỉa” vấn đề. Công việc khó khăn như phải đi đoạn đường mà người ta vẫn nói: “Đoạn đường xa nhất là từ trán tới lòng bàn tay” – Từ lý thuyết tới thực hành. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Môisê ngày xưa đã lên núi gặp Chúa. Khi xuống, ánh sáng của Chúa đã rạng tỏa trên gương mặt ông. (Xh 34,29). Thì ra vẻ đẹp chiều sâu, thật bất ngờ, lại là vẻ đẹp “Để dưới đáy thùng” mà chỉ ai theo Môisê lên núi, đặt lại “Đèn trên giá hầu soi sáng cho mọi người trong nhà”(Mt 5,16) thì người ta mới được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đó và ngợi khen Cha trên trời.

Tĩnh tâm cũng được gọi là một cuộc lên núi theo bước chân Môisê. Hôm nay xuống núi, bước chân tôi chạm đất miền duyên hải Phát Diệm. Gió muối hương biển đậm đà thổi tràn trên tôi. Tâm trí tôi hiện lên rõ nét lời Chúa: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”( Mt 5,13).

Một cảm giác mặn đắng nghẹn trong cổ họng tôi. Không biết tôi nghẹn khi nói về muối mặn hay muối nghẹn khi thấm vào người tôi.

Tôi gác bút, xin cầu nguyện và đành chờ lời giải đáp vào tuần tĩnh tâm năm sau.

Lm Phêrô Hồng Phúc