“Nếu chúng ta mở cửa đời sống và con tim của chúng ta cho anh chị em mình, thì ngay cả cái chết của chúng ta cũng sẽ trở thành một cánh cửa giới thiệu chúng ta vào Thiên Đàng.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính nói về Cái Chết của Chúng Ta và chúng ta phải chuẩn bị thế nào.

* * *


Anh chị em thân mến,

Chào anh chị em và chúc mừng vì anh chị em vì can đảm ở quảng trường này trong sự lạnh lẽo. Tôi khen ngợi anh chị em rất nhiều.

Tôi muốn kết thúc loạt bài giáo lý về “Kinh Tin Kính”, được ban hành trong Năm Đức Tin, bế mạc Chúa Nhật tuần trước. Trong bài giáo lý này và những bài giáo lý tiếp theo tôi muốn nói về chủ đề sự sống lại của thân xác, theo hai khía cạnh như được trình bày trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, tức là sự chết và sống lại của chúng ta trong Đức Chúa Giêsu Kitô. Hôm nay tôi sẽ suy niệm về khía cạnh thứ nhất, “sự chết trong Đức Kitô.”

1. Thường trong chúng ta, có một cách nhìn sai lầm về cái chết. Tất cả chúng ta đều quan tâm đến cái chết, và nó chất vấn chúng ta một cách sâu xa, đặc biệt là khi nó chạm đến gần chúng ta, hoặc khi nó chạm đến những trẻ em, những người không thể tự vệ, một cách mà đối với chúng ta là “xấu xa”. Tôi luôn luôn tự hỏi: tại sao trẻ em phải chịu đau khổ? Tại sao trẻ em phải chết? Nếu cái chết được hiểu là chấm dứt tất cả mọi sự, thì nó thật đáng sợ, khủng khiếp, và biến thành một đe mối dọa phá vỡ mọi mơ ước, mọi quan điểm, mọi liên hệ và làm gián đoạn mọi con đường. Điều này xảy ra khi chúng ta coi cuộc sống của như như một khoảng thời gian bị giới hạn giữa hai thái cực: sinh và tử, khi chúng ta không tin vào một chân trời vượt trên cuộc sống hiện tại; và khi chúng ta sống như thể không có Thiên Chúa. Quan niệm này về cái chết là điều điển hình của tư tưởng vô thần, là tư tưởng giải thích cuộc đời như việc chúng ta hiện diện trên thế gian là một sự tình cờ, và đang đi về phía hư vô. Nhưng cũng có một chủ nghĩa vô thần thực tiễn, đó là một lối sống chỉ vì tư lợi và chỉ sống cho những điều trần tục. Nếu chúng ta để cho cái nhìn sai lầm về cái chết này bắt giữ, chúng ta sẽ không có sự lựa chọn nào khác hơn là che giấu cái chết, chối từ nó, hoặc tầm thường hoá nó, ngõ hầu nó không làm cho chúng ta sợ hãi.

2. Tuy nhiên, trước giải pháp sai lầm này, “quả tim” con ngưởi – lòng ước ao sự vô tận của nó, mà mỗi ngưởi chúng ta đều có, lòng khao khát cõi vỉnh hằng của nó, cũng ở trong mỗi ngưởi chúng ta – nổi loạn. Như thế, ý nghĩa Kitô giáo của cái chết là gì? Nếu chúng ta nhìn vào những giây phút đau đớn nhất của cuộc đời mình, khi chúng ta bị mất một người thân yêu - cha mẹ, một người anh em, một người chị em, vợ, chồng, một đứa con, một người bạn - chúng ta nhận ra rằng, ngay cả trong thảm trạng của sự mất mát, ngay cả khi bị tan nát bởi việc bị chia cách, một xác tín nảy sinh trong trái tim rằng tất cả mọi sự không thể nào là hết, rằng những điều tốt đã được cho đi và nhận được không phải là vô ích. Có một trực giác mãnh liệt trong chúng ta bảo chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta không kết thúc với cái chết.

Việc khao khát sự sống này đã tìm thấy câu trả lời thực tế và đáng tin cậy của nó trong sự Sống Lại của Chúa Giêsu Kitô. Sự Sống Lại của Chúa Giêsu không những chỉ cung cấp cho chúng ta sự chắc chắn về đời sống sau khi chết, mà còn soi sáng những mầu nhiệm về cái chết của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta sống kết hợp với Chúa Giêsu, trung thành với Người, chúng ta sẽ có thể đối diện với việc đi qua của cái chết với niềm hy vọng và sự thanh nhàn. Thật vậy, Hội Thánh cầu nguyện: “Nếu sự chắc chắn rằng mình phải chết làm anh chị em buồn phiền, thì anh chị em được an ủi bởi lời hứa về trường sinh”. Đây là một lời cầu nguyện rất đẹp của Hội Thánh! Một người có khuynh hướng chết theo cách mà người ấy sống. Nếu cuộc đời của tôi là một cuộc hành trình với Chúa, một con đường tín thác vào lòng thương xót vô hạn của Người, tôi sẽ được chuẩn bị để chấp nhận giây phút cuối cùng của cuộc đời dưới thế như sự phó thác dứt khoát và tin tưởng vào đôi bàn tay đón chào, trong khi chờ đợi để chiêm ngưỡng Thánh Nhan Người tận mặt. Đây là điều đẹp nhất có thể xảy ra cho chúng ta: chiêm ngưỡng tận mặt Thánh Nhan xinh đẹp của Chúa, để nhìn thấy Người như Người là, xinh đẹp, đầy ánh sáng, tràn đầy tình yêu, đầy dịu dàng. Chúng ta đi đến cùng đích này: nhìn thấy Chúa.

3. Trong bối cảnh này, chúng ta có thể hiểu được lời mời gọi của Chúa Giêsu là luôn luôn sẵn sàng, tỉnh thức, vì biết rằng cuộc đời dưới thế này được ban cho chúng ta để chuẩn bị cho đời sau, là đời sống với Cha trên trời. Và vì thế, có một cách chắc chắn: chuẩn bị tốt cho cái chết, bằng cách gần gũi Chúa Giêsu. Đó là sự an toàn: Tôi chuẩn bị mình cho cái chết bằng cách ở gần Chúa Giêsu. Anh chị em đang gần Chúa Giêsu như thế nào? Bằng cầu nguyện, các Bí Tích và cũng qua việc thực thi bác ái. Chúng ta hãy nhớ rằng Người hiện diện trong những người yếu đuối và thiếu thốn nhất. Chính Người đã đồng hóa Mình với họ, trong dụ ngôn thời danh về Phán Xét Chung, khi Người nói: “Vì Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát, các con đã cho Ta uống, là một người lạ, các con đã tiếp đón Ta, trần truồng, các con đã cho Ta mặc, đau ốm, và các con đến thăm Ta, ở tù, các con đã đến với Ta…. Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những anh em này của Ta, là các con đã làm cho Ta” (Mt 25:35-36,40 ). Vì vậy, một cách an toàn là để phục hồi ý nghĩa của việc bác ái Kitô giáo và chia sẻ huynh đệ là chăm sóc những vết thương về thể chất và tinh thần của những người lân cận của chúng ta. Sự đoàn kết trong việc cảm thông đau khổ và truyền hy vọng là tiền đề và điều kiện để thừa kế Vương Quốc được chuẩn bị cho chúng ta. Những người thực hành lòng thương xót không sợ chết. Hãy suy nghĩ về điều này: những người thực hành lòng thương xót không sợ chết! Anh chị em có đồng ý không? Chúng ta cùng nhau lập lại câu này để không quên nó được không? Những người thực hành lòng thương xót không sợ chết. Và tại sao họ lại không sợ chết? Tại vì họ nhìn vào nó trong những vết thương của anh chị em, và khắc phục nó với tình yêu của Đức Chúa Giêsu Kitô.

Nếu chúng ta mở cửa đời sống và con tim của chúng ta cho anh chị em mình, thì ngay cả cái chết của chúng ta cũng sẽ trở thành một cánh cửa giới thiệu chúng ta vào Thiên Đàng, quê hương hồng phúc của chúng ta, nơi mà chúng ta đang hướng về, với lòng khao khát được sống muôn đời với Cha chúng ta, với Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và các Thánh.

http://giaoly.org/vn/