Chúa Nhật II THƯỜNG NIÊN NĂM A

KHÔNG PHẢI CHIÊN - MÀ LÀ CHIÊN Thiên Chúa


Con chiên là con vật hiền lành. Vì thế, ngoài lợi nhuận kinh tế (chiên cho lông và thịt), nó còn là con vật tượng trưng sự đáng yêu, từ tâm, vô tội…

Trong tôn giáo Dothái, vì bản tính tốt lành của loài chiên, nó được chọn làm lễ vật hiến dâng Thiên Chúa, nói lên tấm lòng của người dâng lễ vật: khiêm nhường, trung thành với Thiên Chúa, yêu mến, thảo hiếu, biết ơn Thiên Chúa…

Dịp lễ Vượt qua hàng năm, người Dothái chọn một con chiên đực giết và ăn thịt nó, nhằm tưởng nhớ việc Chúa cứu các con trai đầu lòng của Người Dothái, cùng lúc họ cũng tạ ơn Chúa vì cuộc giải phóng mà Người đã thực hiện để cứu họ khỏi cảnh nô lệ Aicập…

Hoặc dịp lễ Đền tội, người Dothái bắt một con chiên đến gần bàn thờ mà họ vừa lập. Vị tư tế đọc một danh sách kể các tội lỗi mà toàn dân đã phạm và kêu gọi mọi người sám hối. Đọc xong, ông đặt tay trên đầu con chiên, có ý trút hết mọi tội lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Người ta cử hành nghi lễ sám hối này để xin Thiên Chúa xóa hết tội cho mình (x. Lêvi 1,4).

Tương tự hình ảnh con chiên – vừa hiền lành, vừa chấp nhận gánh lấy và chết thay con người, vừa trở thành hy lễ hiến dâng, vừa nói lên lòng biết ơn Thiên Chúa, vừa cho con người chính thịt mình, vừa là ân huệ Thiên Chúa tặng ban – Thánh Kinh không ngần ngại gọi Chúa Giêsu là “CHIÊN Thiên Chúa”.

Chẳng hạn: Hình ảnh Chiên Con trong Kh 5, 6tt: “Tôi lại thấy Chiên Con đứng giữa Ngai và bốn sinh vật, ngay giữa các trưởng lão. Chiên Con như đã bị giết, có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần linh mà Đức Chúa Trời sai đi khắp mặt đất. Chiên Con đến, lấy quyển sách trong tay phải của Đấng ngự trên ngai”.

Hôm nay, qua bài Tin Mừng, ta lại nghe thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xoá tội trần gian”. Lời giới thiệu của thánh Gioan giúp ta hiểu rằng:

- Như xưa, trong đêm lễ Vượt qua đầu tiên, người Dothái tế hiến chiên thế nào, Chúa Giêsu cũng trở thành “Chiên Thiên Chúa” tế hiến mình cho Thiên Chúa và cho con người như vậy.

- Như xưa, máu chiên Vượt qua bôi lên cửa nhà người Dothái là dấu chỉ cứu sống các con trai đầu lòng của họ thế nào, thì nay, Máu Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá cũng cứu từng người chúng ta như vậy.

- Như hình ảnh con chiên hiền lành, vô tội bị giết chết, Chúa Giêsu nhân từ, vô tội cũng vui lòng chịu mọi sỉ nhục, chịu đóng đinh, chịu chết đớn đau trên cây thập giá như vậy.

- Nếu con chiên vô tội gánh lấy tội của dân Dothái trong lễ Xá Tội hàng năm thế nào, thì Chúa Giêsu – Đấng“như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông” (Is 53, 7), Đấng hoàn toàn vô tội chịu thương khó – cũng gánh lấy tội nhân loại như vậy.

- Và như máu chiên đổ ra để cứu muôn người, Chúa Giêsu, “Chiên Thiên Chúa”, chịu sát tế, đã phục sinh, đã chiến thắng khải hoàn, mang về cuộc sống bất diệt, sự sống chiến thắng cho nhân loại.

- Ngoài ra, lời giới thiệu của thánh Gioan còn gợi nhớ hình ảnh Con chiên Vượt qua chịu sát tế, hình bóng báo trước Đấng Cứu thế mà tiên tri Isaia đã loan báo: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành… Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng… Ðức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn” (Is 53, 4-5.7.10).

“Đây là Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xoá tội trần gian”, lời giới thiệu này còn mang tầm mức khẳng định: Từ nay, nhân loại đã có Chúa Giêsu, Đấng tự nguyện hy sinh gánh lấy tất cả tội lỗi. Do đó, từng người hãy tin vào Chúa Giêsu, hãy tháp nhập đời mình vào thánh giá Chúa, hãy mở lòng đón lấy ơn tha thứ để được sạch mọi tội lỗi của mình.

“Đây là Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xoá tội trần gian”, còn là lời mời gọi ta hãy luôn mang trong đời mình lòng biết ơn vô cùng đối với Thiên Chúa, Đấng đã chấp nhận hiến dâng Con của Người, để sát tế vì ta, cho ta.

Một khi Thiên Chúa tế hiến Con Một Dấu Ái của Người, Người cũng thể hiện cho ta thấy tình yêu vừa huyền nhiệm vừa vô cùng của Người. Chính trong tình yêu lớn lao ấy, Người chấp nhận tế hiến chính mình cho ta, trong Chúa Giêsu, Con Một Người.

“Đây là Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xoá tội trần gian”, cũng là lời an ủi hết sức trìu mến xuất phát nơi lòng Thiên Chúa. Bởi chúng ta có một Thiên Chúa không đứng ngoài những thử thách, khổ đau, nhưng đã cảm biết, đã sớt chia mọi nỗi đau khổ đến tận cùng của kíp người nơi mỗi chúng ta.

Hãy biết ơn Thiên Chúa. Hãy ăn năn chừa tội để nên xứng đáng hơn với tình yêu của Người.

Hãy đến cùng Chúa Giêsu, để Người dẫn đưa chúng ta đi vào sự sống trong chính cung lòng của Thiên Chúa.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG