Tựa hoa sớm nở tối tàn,
Đời như vó ngựa vội vàng qua song (Hc 30,8).


NĂM NGỌ: NGÓ CHUYỆN NGỰA DỰA THEO KINH THÁNH

Chúng ta ai cũng biết, năm Ngọ cầm tinh con ngựa. Ngựa là con vật có lẽ được thuần hóa sớm trở thành gia súc. Theo các sử gia ở Ukraine, ngựa đã được dùng làm phương tiện di chuyển từ 4000 năm trước công nguyên, nếu đúng như vậy thì trước Tổ phụ Abraham đến 20 thế kỷ, ngựa đã được con người nuôi dùng. Nhân năm con Ngựa, chúng ta thử tìm xem trong Kinh Thánh đã nói đến ngựa như thế nào.

Ngựa trong Ngũ Kinh

Ngũ Kinh là năm quyển sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh, thời Cựu Ước gọi là Sách Luật. Ngay cuốn đầu tiên là Sách Sáng thế đã ghi có ngựa trong tài sản của ông Giacóp. Khi Giacóp ở rể tại nhà ông Laban, Giacóp đã gây dựng được một sản nghiệp riêng trở nên giầu có quá chừng, có nhiều đoàn súc vật, tôi tớ trai gái, lạc đà, lừa ngựa. (x.St 30, 43).

Qua thời gian, khi thiên tai làm bẩy năm mất mùa, khắp nơi đói kém, gia tộc Giacóp phải di sang Ai Cập ở, trong thời gian Giuse, con trai thứ 11 của Giacóp làm Tể tướng Aicập. Sau những năm dài sống nơi đất khách, Giacóp đã mãn phần tại đó. Đám táng Giacóp có cả kỵ binh của Pharaô cưỡi ngựa hộ tống. (x. St 50,9).

Đến sau dân Itraen được giải phóng khỏi Ai Cập. Khi ông Môisen dẫn dân ra đi, Pharaon cho thắng ngựa vào sáu trăm chiến xa tốt nhất của ông và tất cả chiến xa của Ai-cập. Rồi từng đoàn rượt theo để bắt dân Itraen lại làm nô lệ cho chúng. Nhưng tất cả chiến mã với kỵ binh do Pharaô chỉ huy đều đã bị chết chìm trong biển Sậy. (x.Xh 14, 9 & 15, 1).

Thế là dân Itraen thoát vòng nô lệ, họ vào được đất hứa sinh cơ lập nghiệp. Rồi họ xin phong vương để có vua cai trị. Các vua đều giầu có. Nhất là vua Salômôn có rất nhiều ngựa. Nhà vua có tới bốn ngàn ngăn chuồng chứa ngựa và xe, với mười hai ngàn ngựa cỡi để ở các thành có xe và để ở cạnh vua tại Giêrusalem. Ngựa của vua Salômôn là giống ngựa nhập từ Ai Cập và từ khắp mọi nước. (x.2Sb 9, 25+28).

Các lái buôn của hoàng gia nhập ngựa về với giá nhất định là mỗi con ngựa phải trả một trăm năm mươi đồng seken. (2 Sb 2, 17).

Theo tiên tri Êdêkiên đường mậu dịch hàng hoá thời đó rất phồn thịnh. Có nhiều nước giao thương với nhau bằng đường thuỷ. Người gia tộc Thôgô nhập cảng ngựa chiến, ngựa kéo xe, ngựa cỡi…vào thị trường, (Ed 27, 14), còn người dân Đêđan thì trao đổi hàng bằng vải để làm yên cỡi ngựa. (Ed 27, 20).

Ngựa hồng như lửa

Trong Kinh Thánh, cũng nói đến những trận đánh có dùng kỵ binh ngựa chiến. Như trận chiến với vua Aram. Vua Aram cậy có nhiều ngựa xe để chiến đấu. Phía Itraen có ngôn sứ Êlisa cố vấn, biết hết chiến thuật của vua Aram, vì thế vua Aram thua hoài. Vua Aram tưởng có nội gian bắn tin cho địch. Sau mới biết tin tức hành quân đều do tiên tri Êlisê biết trước, nên vua Aram đang đêm cho một đạo quân lớn, gồm cả ngựa xe tới vây thành Đôthan để bắt Êlisê.

Tảng sáng, thức dậy sớm, người giúp việc cho Êlisê thấy xe ngựa địch quân đã bao vây tứ phía. Anh ta hoảng hồn vào báo cho tiên tri. Êlisê trấn an anh ta và xin Chúa mở mắt cho anh ta thấy đầy rẫy những ngựa xe đỏ như lửa đang sẵn sàng bảo vệ cho Êlisê. (x.2V6, 8-17).

Thấy vô số ngựa xe như vậy, người giúp việc cho Êlisê chắc đã nhớ lại chuyện thầy mình:

Ngày ấy Êlisê được theo tiễn Êlia về trời, các ông vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe hồng hoả có những con ngựa đỏ như lửa kéo chạy vun vút tách hai người ra và Êlia lên trời trong cơn gió lốc. Lúc ấy, ông Êlisa chỉ còn biết kêu lên: Cha ơi, cha ơi, hỡi chiến xa và chiến mã của Itraen. (x.2V2, 11+12 ).

Tuấn mã từ trời

Đền thờ Giêrusalem được xây dựng thời vua Salômôn, dòng dã suốt hai mươi năm. Đền thờ có một công khố cất giữ những báu vật và cũng nhận ký gửi cả những của cải của các cô nhi quả phụ, và một vài vị thế giá, vì thế nên kho ấy có rất nhiều vàng bạc châu báu. Simon, vị quản đốc đền thờ, vì xích mích với thượng tế nên đã đi tố cáo với tổng đốc rằng kho đền thờ có rất nhiều của cải. Tổng đốc trình lên vua. Vua sai đặc sứ Hêliuđô đến thanh tra nhằm cưỡng đoạt số vàng bạc đó. Hêliuđô kéo quân bao vây công khố. Dân chúng lo âu sợ hãi, xô nhau đi gặp các tư tế hợp nhau cầu xin Chúa gìn giữ. Hêliuđô xăm xăm toan tông cửa công khố, thì một vị mang võ khí bằng vàng, cỡi con tuấn mã đằng đằng sát khí nghiêm dũng xuất hiện ngay trước mặt, con tuấn mã chồm hai vó trước đâm bổ vào Hêliuđô. Đồng thời có thêm hai thanh niên sắc diện tuấn tú, phục sức lộng lẫy cùng xuất hiện vây quanh Hêliuđô, thi nhau giáng xuống Hêliuđô những đòn sấm sét vũ bão. Thế là lời cầu xin của dân chúng được toại nguyện.(xem 2Mcb 3, 1- 40).

Đức Chúa hằng bao bọc cứu dân Người thoát khỏi các vua dân ngoại, như đã sai dũng sĩ từ trời xuống đánh đuổi Hêliuđô không cho cướp công khố của đền thờ. Một bài thơ cổ tán dương Đức Chúa, có câu:

Bấy giở vó ngựa vang rền trên mặt đất,

Đoàn thiên lý mã phi nhanh, phi thật nhanh.(Tl 5,22).

Chiến mã trong Kinh Thánh

Kinh Thánh nói nhiều đến chiến mã.

Trong sách ông Gióp đã mô tả chiến mã như sau: tiếng nó hí vang, gây kinh hoàng táng đởm. Nó dậm chân hoan lạc trong thung lũng, phóng mạnh tới trước vũ khí. Nó coi thường sợ hãi, bất chấp cả khiếp kinh, trước

mũi gươm nhất định không lùi bước. Trên đầu nó tên bay vùn vụt, giáo và lao sáng quắc; nó rùng mình, nó sôi sục chạy như nuốt không gian và không cầm mình được khi kèn thúc. Mỗi khi nghe tiếng kèn ra trận, nó hí vang. Từ đàng xa, nó đã đánh hơi được mùi chinh chiến, nghe được tiếng tướng lãnh quát vang và tiếng hò xung trận. (x.G 39, 20-26).

Khi quân Philitinh giao chiến với vua Saolê, họ đã dùng đến ba ngàn chiến xa, sáu ngàn kỵ binh và quân đông như cát ngoài bãi biển (x.1Sm 13, 5). Đến sau vua Đavit đánh bại người Philitinh. Bắt của vua Hađáteđe một ngàn bảy trăm kỵ binh, cắt gân chân tất cả những con ngựa, chỉ chừa lại một trăm ngựa để dùng (x.2Sm 8, 1-4). Hađátede sai người đi cầu viện với người Aram đem quân sang dàn trận trước mặt vua Đavít và giao chiến với vua. Vua Đavít tiêu giệt của người Aram bảy trăm chiến xa và bốn mươi ngàn kỵ binh trên chiến mã. (x.2Sm 10, 16-18).

Kể về ngựa chiến trong Kinh Thánh thì rất nhiều, các tiên tri cũng cũng nói đến. Tiên tri Gerêmia kêu gọi phá đổ Babylon bằng cách hãy gia tăng ngựa lanh lẹ đông như cào cào (x.Gr 51, 27). Còn Êdêkiên nói về số phận thành Tia bị vua Babylon phá như sau: Ngựa của nó hàng hàng lớp lớp tung bụi che phủ ngươi; nghe tiếng vó câu, tiếng xe trận, các tường lũy của ngươi rung chuyển. Nó cho vó ngựa dẵm nát đường phố ngươi. (x.Ed 26, 10-11).

Ngựa chiến dẫu có cả chục ngàn nếu không tin cậy Chúa cũng vất đi, vì có kẻ còn cầu cứu Aicập, cậy trông vào ngựa xe kỵ binh vừa nhiều vừa mạnh, mà không kính sợ Đấng Thánh của Itraen. Nhưng quân đội Aicập cũng chỉ là phàm nhân, mà ngựa cũng chỉ là xương thịt chứ đâu có phải là thần. (x.Is 31,1-3).

Ngựa trong Khải Huyền

Nếu làm một thống kê xem 72 cuốn Kinh Thánh nói đến ngựa bao nhiêu lần, chắc hẳn các nhà chuyên môn cũng phải tốn rất nhiều thời gian. Chúng tôi chỉ mở một số sách, bắt đầu là sách Sáng thế, để tìm biết về con vật cầm tinh cho năm Ngọ. Và để cho có thủy có chung, chúng tôi mở tiếp sách Khải Huyền, cuốn cuối cùng của Kinh Thánh để tìm ngựa.

Thánh Gioan đã được cất lên tầng trời thứ ba, ở đó, Ngài đã thấy Chiên Con mở các ấn. Khi ấn thứ nhất được mở, Ngài thấy một con ngựa bạch, người cỡi mang cung ra đi như người thắng trận. Ấn thứ hai: con ngựa đỏ như lửa đi ra, người cỡi được ban cho một thanh gươm lớn để rút hoà bình khỏi mặt đất. Ấn thứ ba: một con ngựa ô xuất hiện, người cỡi cầm cân trong tay. Ấn thứ tư: một con ngựa màu xanh nhạt đến, người cỡi mang tên Ôn dịch, có Âm phủ theo sau. (x.Kh 6, 1-8).

Sau đó, Ngài thấy 7 vị thiên thần thổi loa. Tiếng loa của thiên thần thứ sáu thổi lên, có bốn thiên thần khác xuất hiện với nhiệm vụ tiêu hủy một phần ba nhân loại. Các vị đó điều khiển tổng số các đạo binh là hai trăm triệu kỵ mã. Người cỡi ngựa thì mặc áo giáp lửa màu đỏ, màu cánh trả, màu diêm sinh. Năng lực các con ngựa do tại mõm và đuôi nó, vì đầu ngựa như đầu sư tử, mõm ngựa thét ra lửa và diêm sinh, đuôi ngựa giống như rắn có đầu, dùng đầu ấy gây tổn hại đối phương. (x.Kh 9,13-19).

Trong Kinh Thánh có biết bao nhiêu là ngựa, nội sách Khải huyền đã có hơn hai trăm triệu con ngựa. Đó là một đạo binh hùng dũng, đông đảo nhất, các vua chúa thế gian hợp nhau lại cũng không thể nào có được.

Nhân ngày đầu năm Ngọ, chúng tôi cũng xin mượn lời kết thúc của bộ Kinh Thánh, kính chúc quí vị một năm mới được dồi dào “Ân sủng của Chúa Giêsu ở cùng hết thảy mọi người” (Kh 22,21).[]

(Trích trong “Năm Ta Và Kinh Thánh” của Hoàng Đức Trinh)