Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ghen tương và đố kỵ là những cánh cửa mà qua đó ma quỷ xâm nhập vào thế giới.

Trong bài giảng Thánh Lễ sáng Thứ Năm, 23 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về ghen tương và đố kỵ như những cánh cửa mà qua đó ma quỷ xâm nhập vào thế giới. Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài liên quan đến bài đọc Một trích từ sách Samuel Quyển Thứ Nhất, thuật lại rằng, sau khi những dũng sĩ được tuyển chọn đã thắng được quân Phi-li-tinh nhờ sự can đảm của Đa-vít, những người phụ nữ Israel đã tràn ra đường phố ca hát và nhảy múa, và để gặp vua Sau-lơ. Sau-lơ rất đỗi hạnh phúc nhưng có một điều ông không hài lòng. Nghe những người phụ nữ hát vang ca ngợi Đa-vít, "cay đắng và nỗi buồn" xuất hiện trong trái tim của Sau-lơ. Ông đã rất giận dữ với những lời hát này.

Như thế, "một chiến thắng vĩ đại đã biến thành một thất bại to lớn trong trái tim nhà vua, người đang phải gặm nhấm cùng một niềm cay đắng đã làm tan nát con tim Cain."

Lúc Chúa hỏi Cain “Sao ngươi tức giận? Sao sắc mặt ngươi tối sầm như thế?” thần sắc của Cain lúc đó thế nào, thì thần sắc của Sau-lơ giờ đây cũng thế.

Đức Thánh Cha giải thích rằng:

"Con sâu của ghen tương dẫn đến sự oán giận, ganh ghét, cay đắng và kích thích cả những phản ứng bản năng như giết đối phương đi. Không phải ngẫu nhiên mà cả Sau-lơ và Cain đều quyết tâm giết người . Chính ghen tương và đố kỵ đã khiến Sau-lơ quyết định giết Đa-vít đi.

Thực tế này cùng được lặp đi lặp lại ngày hôm nay trong trái tim chúng ta. Đó là những trăn trở dằn vặt tim ta, khiến ta không thể chấp nhận việc anh chị em chúng ta có được một cái gì đó mà chúng ta không có. Và do đó "thay vì ca ngợi Thiên Chúa, như những người phụ nữ Israel đã làm trong chiến thắng" chúng ta muốn rút lui vào chính mình để "hầm cho nhừ cảm xúc của chúng ta, luộc đi luộc lại chúng trong nồi nước lèo cay đắng."

Ghen tương và đố kỵ là những cánh cửa thông qua đó ma quỷ thâm nhập vào thế giới này. Chính Kinh Thánh đã khẳng định như thế: "qua những đố kỵ của ma quỷ mà cái ác đã nhập vào thế giới".

Ghen tương và đố kỵ mở tung cửa cho mọi điều ác, gây ra xung đột thậm chí giữa các tín hữu với nhau. Đức Thánh Cha đã đề cập một cách rõ ràng cuộc sống của các cộng đồng Kitô giáo, và nhấn mạnh rằng khi một số thành viên ghen tương và đố kỵ, các cộng đoàn này kết thúc trong chia rẽ. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi sự chia rẽ này là một "chất độc cực mạnh", tương tự như chất độc được tìm thấy trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, trong trình thuật về câu chuyện của Cain và Abel .

Đức Thánh Cha cũng đã mô tả những gì xảy ra trong con tim của một người đang chất chứa những ghen tương và đố kỵ. Đầu tiên là cay đắng: “người ghen tương và đố kỵ là một người cay đắng, người ấy không hát, không ngợi ca, không biết niềm vui là gì, vì mải miết kiếm tìm những gì người khác có mà mình không có”. Và thật là không may, cay đắng “lây lan qua toàn bộ cộng đoàn” vì tất cả những người rơi vào trạng thái nhiễm chất độc này trở thành “những kẻ gieo vãi đắng cay”.

Hoa quả độc hại thứ hai của ghen tương và đố kỵ là tin đồn. Có những người không thể chấp nhận để cho bất cứ ai khác có được bất cứ điều gì và do đó, “giải pháp là đạp người khác xuống, để tôi vươn lên một chút cao hơn. Và công cụ để thực hiện điều này là tin đồn: cứ tìm đi và bạn sẽ thấy rằng ghen tương và đố kỵ luôn ẩn núp đằng sau những tin đồn.”

Tin đồn chia rẽ các cộng đoàn, và phá hủy cộng đoàn. Nó là vũ khí của ma quỷ. Bao nhiêu cộng đoàn Kitô hữu xinh đẹp mà chúng ta đã từng thấy họ thăng tiến mạnh mẽ dường nào nhưng sau đó những con sâu của ganh ghét và đố kỵ chui vào một số thành viên của cộng đoàn và nỗi buồn ập đến khi họ có hành vi phạm tội.

Do đó, Đức Thánh Cha cảnh báo rằng chớ quên bài học của Sau-lơ: sau một chiến thắng vĩ đại, một quá trình thất bại có thể bắt đầu ngay tức khắc. Thánh Gioan Tông Đồ cảnh cáo chúng ta: “Ai ghét anh em mình thì là một kẻ giết người.” Và một người ghen tị là một người đang bắt đầu ghét anh em mình.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài với niềm hy vọng rằng: “Hôm nay, trong Thánh Lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện cho các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta, để hạt giống của ghen tương và đố kỵ không thể được gieo giữa chúng ta, để ghen tương và đố kỵ không có chỗ trong con tim chúng ta, và trong trái tim của cộng đoàn chúng ta. Như thế, chúng ta có thể tiếp tục vui vẻ ca ngợi Chúa. Ân sủng giúp chúng ta không rơi vào nỗi buồn, vào sự oán giận, vào ghen tương và đố kỵ là một hồng ân lớn lao.”

2. Kitô hữu phải xây dựng những nhịp cầu đối thoại, đừng để lòng oán giận sưng lên trong con tim chúng ta

“Kitô hữu phải xây dựng những nhịp cầu đối thoại, chứ không phải những bức tường của sự oán giận.” Đây là những lời của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ sáng thứ Sáu 24 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài về cuộc xung đột giữa vua Sau-lơ và Đa-vít là trọng tâm của bài Cựu Ước được đọc trong ngày.

Đức Giáo Hoàng nói:

“Đa-vít đã có cơ hội để giết Sau-lơ, nhưng ông chọn một con đường khác: con đường đối thoại, để kiến tạo hòa bình.”

“Tất cả các Kitô hữu, luôn luôn phải đi theo con đường hòa giải, đó là con đường Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta. Để dự phần vào cuộc đối thoại, điều quan trọng là phải nhu mì, khiêm nhường, ngay cả sau một cuộc tranh cãi hoặc một cuộc chiến. Điều quan trọng là phải linh hoạt, đừng cứng nhắc đến mức gây ra đổ vỡ.”

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng nhìn nhận rằng không dễ dàng gì để xây dựng đối thoại, đặc biệt là khi chúng ta đang chia rẽ vì oán giận.

Ngài nói:

“Chúng ta đều biết rằng để được nhu mì, khiêm nhường, chúng ta phải nuốt đi rất nhiều những tự hào - nhưng chúng ta bắt buộc phải làm như vậy, vì đó là cách chúng ta kiến tạo hòa bình, với sự khiêm nhường.”

“Khiêm nhu có thể là khó khăn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “nhưng để cho lòng oán giận sưng lên trong con tim của chúng ta thì còn tồi tệ hơn nhiều lần so với cố gắng để xây dựng một nhịp cầu đối thoại. Khi chúng ta cho phép sự bất bình phát triển, chúng ta kết thúc nơi sự cô lập trong ‘nồi canh đắng’ của hận thù.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều quan trọng là không nên chần chừ quá lâu sau một cơn bão, sau một vấn đề. Hãy kiến tạo ngay những nhịp cầu đối thoại càng sớm càng tốt, bởi vì thời gian làm cho các bức tường bất bình càng lúc càng cao thêm, giống như loài cỏ dại phát triển thật nhanh - và khi bức tường oán giận và chia cách đã quá cao, hòa giải trở nên khó khăn hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: “Tôi sợ những bức tường, những bức tường cứ cao lên vun vút hàng ngày, chất chồng những oán giận và hận thù. Chúng ta hãy theo gương của Đa-vít, người đã đánh bại hận thù với một thái độ khiêm cung”

3. Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện, âm thầm phục vụ dân Chúa và ngài phê bình báo chí thường chỉ để ý đến thiểu số linh mục phạm lỗi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 27 tháng Giêng, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican.

Đức Thánh Cha đã diễn giải bài đọc thứ Nhất trong ngày, nói về các chi tộc Israel xức dầu tôn Đa-vít làm Vua. Ngài nêu rõ ý nghĩa thiêng liêng của việc xức dầu và nói rằng: “Nếu không có sự xức dầu ấy thì Đa-vít chỉ là thủ lãnh của một xí nghiệp, một xã hội chính trị là Vương quốc Israel, chỉ là một nhà tổ chức chính trị. Trái lại, sau khi được xức dầu, Thần Khí Chúa ngự xuống trên Đa-vít và ở lại với ông. Và Kinh Thánh nói: “Đa-vít ngày càng tăng trưởng trong sức mạnh và Chúa là Thiên Chúa các đạo binh ở với ông”. Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Đây chính là sự khác biệt của việc xức dầu. Người được xức dầu là người được Chúa chọn. Đó cũng là điều xảy ra trong Giáo Hội với các Giám mục và Linh mục”

“Và trong lịch sử chúng ta chỉ biết một phần rất nhỏ trong cơ man những Giám mục thánh thiện, và Linh mục thánh thiện đã hiến thân phục vụ giáo phận, giáo xứ, bao nhiêu người đã nhận được sức mạnh đức tin, sức mạnh tình yêu, hy vọng từ các cha sở mà chúng ta không biết.”

Đức Thánh Cha nhận xét có những người nêu vấn nạn: “‘Nhưng thưa cha, con đã đọc trên một tờ báo, một Giám mục đã làm chuyện này, một linh mục đã làm chuyện kia!’ Đúng vậy, tôi cũng đọc thấy những điều ấy, nhưng xin bạn hãy nói cho tôi, trên các báo chí có đăng tin về điều mà bao nhiêu linh mục, trong bao nhiêu giáo xứ thành thị và miền quê đã làm, bao nhiêu việc bác ái, bao nhiêu công việc các vị đã làm cho dân không? Không, những điều ấy không phải là tin tức. Một điều vẫn thường xảy ra là: một cây đổ xuống thì gây nhiều tiếng ồn hơn là cả một rừng cây tăng trưởng. Hôm nay, khi nghĩ đến sự xức dầu cho Đa-vít, chúng ta cũng hãy nghĩ đến các Giám Mục, các Linh mục can đảm, thánh thiện, tốt lành, trung thành của chúng ta và cầu nguyện cho các vị. Chính nhờ các vị mà chúng ta ở đây hôm nay!”