TUYỂN CỬ NGHỊ VIÊN THÀNH PHỐ TẠI PHÁP 2014

Để phát huy tinh thần dân chủ, Bộ Nội vụ Pháp tổ chức và mời cử tri tham gia ba kỳ đầu phiếu khác nhau trong năm 2014, để trao quyền làm chủ Đất Nước cho những ứng cử viên mình tin chọn :

a. Hai lần phổ thông đầu phiếu trực tiếp và kín:
- Tuyển cử nghị viên thành phố và nghị viên thị xã,
- Tuyển cử dân biểu, đại diện Pháp tại Nghị viên Âu châu.

b. Một lần đầu phiếu gián tiếp để bầu các Thượng nghị sĩ.

I.- TUYỂN CỬ NGHỊ VIÊN THÀNH PHỐ.

Lãnh thổ Cộng hòa Pháp được chia thành 36.670 thành phố (communes). Đây là những tổ chức công quyền địa phương thấp nhất. Trong đó, Paris được đặc biệt gọi là Thủ đô, nơi tọa lạc các định chế công quyền trung ương. Thành phố nhỏ nhất ở Pháp là Rochefourchat [thuộc Département (Tỉnh) Drôme] chỉ có 1 dân cư thường trú, Hội đồng thành phố gồm 9 thành viên bầu với 12 dân cư không thường trú (résidents secondaires) khác. Trong lúc đó, thành phố lớn nhất là Paris có 2,16 triệu dân cư. Thành phố trung bình có khoảng 380 dân cư. Có 31.994 thành phố dưới 2.000 dân cư; 3.894 từ 2.001 đến 10.000 dân cư; 782 từ 10.001 đến 50.000 dân cư; 102 từ 50.001 đến 200.000 dân cư và 10 hơn 200.001. Ngoài ra, 31.927 thành phố có dưới 200 dân cư. Danh từ ‘municipalité’ hay ‘conseil municipal’ được phiên dịch là Hội đồng Thành phố.

Chúa Nhật ngày 23.03.2014, 44,10 triệu cử tri Pháp và những công dân Liên hiệp Âu châu cư ngụ tại Pháp sẽ tham gia đầu phiếu bầu các nghị viên thành phố (conseiller municipal). Các nam nữ nghị viên đắc cử sẽ bầu Thị trưởng và Đô trưởng. Nhiệm kỳ nghị viên là 6 năm. Nếu kết quả vòng một không đạt kết quả như luật định thì cử tri được mời tham gia vòng hai vào ngày 30.03.2014. Đồng thời, lần đầu tiên, do áp dụng luật ngày 16.12.2010, trong những thành phố có trên 1.000 dân cư, cử tri sẽ tuyển chọn các nghị viên thị xã (conseiller communautaire), đại diện thành phố trong những công sở hợp tác liên thành phố.

Thị trưởng hay Đô trưởng hành xử thẩm quyền đôi :
- quyền hành pháp trong thành phố hay Paris ;
- viên chức Nhà nước hành xử nhiệm vụ hộ tịch, trật tự công cộng, tổ chức bầu cử và cấp phát các chứng từ luật định.

Số nghị viên tại mỗi Hội đồng thành phố được tính theo số cư dân : từ 100 cư dân trở xuống có 7 nghị viên; từ 101 đến 499: 11; từ 500 đến 1.499: 15; …; từ 200.000 đến 299.999: 61; từ 300.000 trở lên: 69; Lyon : 73; Marseille: 101 và Paris: 163.

II.- THÀNH PHẦN THAM DỰ TUYỂN CỬ.

A. Các Cử tri.
- công dân mang quốc tịch Pháp, tức có liên hệ pháp lý để một thể nhân thủ đắc tính cách công dân một Quốc gia hay công dân Liên hiệp Âu Châu cư ngụ tại Pháp ;
- hưởng dụng toàn quyền dân sự và chính trị ;
- có tên ghi trong danh sách cử tri.

B. Các Ứng cử viên.
Các nghị viên thành phố được tuyển chọn trong một cuộc bầu cử tự do và công bình mở ra cho mọi Ứng cử viên:
- đủ 18 tuổi hay hơn trong ngày bầu cử vòng một;
- công dân mang quốc tịch Pháp hay công dân Liên hiệp Âu Châu có liên hệ với thành phố nơi ứng cử ;
- không giữ vài chức vụ [đại biểu chính phủ (préfet), viên chức thành phố…] hay có liên hệ gia đình trực hệ hay bàng hệ (trong thành phố có hơn 500 dân cư, số ứng cử viên bị giới hạn là hai của một nghị viên thành phố).

III. NHỮNG THỂ THỨC BẦU CỬ.

Thể thức bầu cử nghị viên thành phố khác nhau tùy thuộc vào số lượng dân cư thành phố.

A. Tại các thành phố dưới 1.000 dân cư (trước đây là 3.500, sửa đổi do luật ngày 17.05.2013), cuộc bầu cử được tổ chức tuân theo những nguyên tắc sau :

- đa số hai vòng, có thể được tuyên bố đắc cử vòng nhất ;
- các danh sách có thể trộn lẫn bằng thêm hay bớt ứng cử viên ;
- Các liên danh được thiết lập không buộc phải có số ứng cử viên nam nữ xen kẽ nhau.

Ở vòng đầu phiếu một, những ứng cử viên đạt được đa số tuyệt đối số phiếu bầu hợp lệ và số phiếu phải hơn 25% số cử tri ghi danh sẽ được tuyên bố đắc cử. Số phiếu bầu được tính riêng cho từng ứng cử viên, chứ không theo liên danh. Những ghế còn lại phải tranh cử qua vòng hai. Ở vòng nhì, các ứng cử viên đạt được số phiếu cao nhất (đa số tương đối) được tuyên bố thắng cử.

B. Tại các thành phố từ 1.000 dân cư trở lên.

1. Nguyên tắc.

- phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và kín;
- đa số hai vòng, kết hợp thể thức đa số và tỉ lệ;
- liên danh với số ứng cử viên đúng với số ghế tại Hội đồng thành phố. Mọi phiếu bầu có thay đổi, trộn lẫn bằng thêm hay bớt ứng cử viên được tuyên bố phiếu bầu bt hợp lệ;
- từ cuộc tuyển cử năm 2001, luật số 2000-493 được áp dụng số ứng cử viên nam nữ bằng nhau (làm sao bằng nhau được khi tất cả các liên danh đều có số ứng cử viên là số lẻ ?). Năm nay, số ứng cử viên nam nữ phải xen kẽ nhau.

2. Thể thức bầu cử.

a. Vòng một. Liên danh đạt được đa số tuyệt đối số phiếu bầu hợp lệ chiếm 50% số ghế bầu. Số còn lại chia cho các liên danh (kể cả liên danh đa số tuyệt đối) đạt được ít nhất là 5% số phiếu bầu hợp lệ, tỉ lệ theo số phiếu đạt được.

Thí dụ: Thành phố Ville có 17.764 cử tri ghi danh đầu phiếu; 13.293 cử tri đi bầu và có 13.142 phiếu hợp lệ.

i - Bốn Liên danh tham dự tuyển cử và kết quả như sau: Liên danh A thu được 7.751 phiếu; Liên danh B: 4.042 phiếu; Liên danh C: 174 phiếu và Liên danh D: 1.175 phiếu.

ii - Hội đồng thành phố Ville có 33 ghế Nghị viên và sự phân chia sẽ thực hiện như sau:
- Liên danh A thu được 7.751 phiếu hay 58,91% số phiếu hợp lệ tức hơn đa số tuyệt đối {[(13.142/2)+1] = 6.572 phiếu}, chiếm ngay 50% tổng số ghế, tức 16 ghế.
- Liên danh C bị loại vì chỉ được 174 phiếu, hay 1,32% số phiếu hợp lệ, tức dưới 5% số phiếu hợp lệ (= 657 phiếu).
- Sau khi Liên danh A nhận 16 ghế, còn lại 17 ghế phải chia. Mỗi ghế tương đương với số phiếu trung bình là: 13142/17 = 773 phiếu.
• Liên danh A chiếm thêm: 7751/773 = 10 ghế và còn lại 21 phiếu;
• Liên danh B chiếm: 4042/773 = 5 ghế và còn lại 177 phiếu;
• Liên danh D chiếm: 1175/773 = 1 ghế và còn lại 402 phiếu.
- Như vậy, chúng ta đã chia được 33 ghế và còn 1 ghế được chia thêm cho liên danh D và có số còn lại 402 cao hơn hai liên danh kia.

iii - Kết quả chung cuộc: Liên danh A chiếm 26 ghế; Liên danh B: 5 ghế và Liên danh D: 2 ghế.

- Nếu không có liên danh đa số tuyệt đối, phải bầu vòng hai.

b. Vòng hai. Chỉ những liên danh đạt được ít nhất 10% số phiếu bầu hợp lệ được tham gia tranh cử vòng này. Những liên danh đạt được ít nhất 5 % số phiếu bầu hợp lệ có thể kết hợp thành liên danh với một trong những liên danh đạt được 10 % số phiếu bầu hợp lệ.

- Liên danh đạt được số phiếu cao nhất chiếm 50% số ghế bầu. Số còn lại chia cho các liên danh đạt được ít nhất là 5% số phiếu bầu hợp lệ, tỉ lệ theo số phiếu đạt được.

C. Qui chế riêng cho Paris, Marseille và Lyon.

Việc điều hành Paris, Marseille và Lyon được đảm trách bởi hai cấp Hội đồng :
- Hội đồng Đô thành cho Paris và Hội đồng thành phố cho Marseille hay Lyon,
- Hội đồng Quận (Consei d’arrondissement) gồm các nghị viên được bầu trong các khu bầu cử (secteur électoral) được qui định bởi luật ngày 31.12.1982.

PARIS chia thành 20 Quận, tương đương 20 khu bầu cử. Thành viên Hội đồng Đô thành đồng thời cũng là Nghị viên Tỉnh (conseiller général) vì Paris cũng là Tỉnh (département). Tuyển cử được tổ chức để bầu 354 nghị viên và chính họ sẽ bầu Quận trưởng và các Phó (Maire d'arrondissement et les ajoints). Thành viên các Hội đồng Quận bầu 163 thành viên Hội đồng Paris. Hội đồng Paris sẽ bầu Đô trưởng (‘Maire de Paris’ hay ‘Maire de la capitale’).

MARSEILLE chia thành 16 Quận, nhưng chỉ 8 có khu bầu cử tức 2 Quận tương đương một khu bầu cử. Thành phố có 174 nghị viên bầu chọn 16 Quận trưởng và các Phó Quận trưởng. Thành viên các Hội đồng Quận bầu 101 hội viên Hội đồng Marseille sẽ bầu Thị trưởng Marseille.

LYON được tổ chức thành 9 Quận tương đương 9 khu bầu cử, gồm có 148 nghị viên chọn các Quận trưởng và các Phó Quận trưởng. Thành viên các Hội đồng Quận bầu 73 hội viên Hội đồng Lyon sẽ bầu Thị trưởng Lyon.

IV. BẦU CỬ THỊ TRƯỞNG (MAIRE) VÀ CÁC PHÓ THỊ TRƯỞNG.

Sau khi có kết quả tuyển cử đầy đủ, Hội đồng thành phố sẽ họp trong thời gian ngắn nhất để bầu thành phố và các phó thị trưởng. Hội đồng thành phố có nhiệm vụ thảo luận và biểu quyết các việc công thành phố và quyền hành pháp đãm nhiệm bởi thị trưởng và các phó thị trưởng.

Thị trưởng, được bầu bởi các nghị viên thị xã trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Thành phố và là người duy nhất trách nhiệm về hành chánh. Thị trưởng được bầu bằng phiếu kín và theo đa số tuyệt đối. Nếu không ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối thì phải bầu lại và phải hội đủ đa số tuyệt đối. Không thành công, phải bầu lại lần thứ ba và, lần nầy, chỉ cần hội đủ đa số tương đối. (Trường hợp này rầt khó có thể xảy ra khi Luật đã qui định liên danh về đầu chiếm 50% số ghế, trước khi 50% còn lại được chia theo tỷ lệ). Thị trưởng có thể, dưới sự giám sát và trách nhiệm của mình, bằng nghị định, ủy nhiệm một phần quyền cho một hay nhiều phó thị trưởng mà tổng số không cao hơn 30% thành viên Hội đồng thành phố. Những sự ủy nhiệm này, được ấn định rỏ ràng và nằm trong giới hạn thẩm quyền, có thể thu hồi bất cứ lúc nào.

Chức vụ Thị trưởng gần như bất cứ lúc nào cũng vào tay ứng cử viên đứng đầu liên danh đắc cử, trừ khi vị nầy là Tổng Trưởng hay Bộ Trưởng.

Người dân Pháp rất chú trọng đến tuyển cử Hội đồng Thị xã và Thành phố vì Thị xã (Thành phố) có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Thị trưởng, chức vụ ngày càng quan trọng vì Pháp quốc phát triển rất mạnh về chế độ địa phương tản quyền từ giáo dục tiểu học, an toàn giao thông cho đến tư pháp, hộ tịch (hình ảnh đẹp khi Thị trưởng, đại diện quốc gia, chấp nhận lời kết hôn và trao nhẫn cưới cho đôi tân hôn) v.v.. Do đó, họ thường bầu phiếu bằng nhắm vào uy tín cho ứng cử viên Trưởng liên danh hơn là xu hướng chánh trị.