Bước chân truyền gíáo

Cách đây hơn 400 năm các vị Thừa Sai từ Âu Châu, nước Pháp, Ý, Tây ban Nha, Bồ đào Nha, vượt biển mang hạt giống Tin Mừng của Chúa vào quê hương đất nước Việt Nam.

Từ những cửa biển Phố Hiến, Hội An, cửa Bàng, cửa Hà Tiên...các vị Thừa Sai đã đặt chân trên khắp miền đất nước Việt Nam từ Nam chí Bắc. Bước chân của các ngài ra đi tung vãi tin mừng bình an, tin mừng tình yêu thương của Chúa giữa lòng xã hội Việt nam cho con người. Những bước chân đó của các ngài, được đón nhận quảng đại rộng rãi nơi người dân, nhưng họ cũng đã phải trải qua những gian lao thử thách và bị bắt bớ, trục xuất rồi còn bị tuyên án hành quyết xử tử.

Máu của các vị Thừa Sai tử đạo đổ ra trên quê hương đất nước Việt Nam đã không trở thành vô ích. Trái lại, nhờ thế hạt giống tin mừng vào Chúa đã trổ sinh kết qủa tươi tốt: Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã và đang thành hình lớn mạnh trong lòng xã hội đất nước. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tuy nhỏ, vẫn là thiểu số với hơn kém 8% dân số trong nước, nhưng về mặt tinh thần lại là một thành phần có tiếng nói chỗ đứng được công nhận, nhất là mặt kỷ luật luân lý, tình bác ái xã hội.

Gíao hội Công Giáo Việt Nam lớn mạnh với những cơ cấu nhà cửa, thánh đường, Dòng tu. Nhất là các Dòng Tu Nam Nữ phát triển sầm uất về số lượng hình thái Dòng Tu, số người trẻ chọn nếp sống đời tu sỹ ngày cành đông. Đang khi các Dòng tu Nam Nữ bên Âu châu ngày càng sút giảm về số lượng, số người trẻ tuổi chọn đời sống tu trì từ hai ba chục năm nay hầu như không còn nữa, số Tu sỹ tuổi tác cao ngày càng nhiều thêm ra. Hình ảnh nhà dòng nơi đây thật ảm đạm: số tu sỹ gìa yếu ra đi thì nhiều, số người vào từ rất ít nhỏ giọt tới không có nữa. Nhiều nhà dòng, tu viện phải đóng cửa thu nhỏ gọn lại hoặc bán, hay hiến tặng cho việc bác ái từ thiện.

Nhiều Tu viện dòng khổ tu có từ hằng trăm năm nay, bây giờ vì không còn người vào tu nữa cũng như thiếu hụt tài chánh, đành phải giải tán, trao cơ sở lại cho Giáo phận.

Tu viện Nothgottes im Rheingau, thuộc Giáo phận Limburg, là một trường hợp điển hình. Và để cho cơ sở Tu viện không bị mai một hay bị tàn phá cho mục đích trần tục, Giáo phận Limburg đã tìm mời những dòng tu bên các nước khác đến ở để tiếp tục nếp sống tu trì nơi Tu viện. Và nhà Dòng Xitô Châu Son, Đơn Dương, Lâm Đồng bên Việt Nam đã nhận lời mời kêu gọi của Giáo phận sang cư ngụ sinh hoạt nếp sống tu trì cầu nguyện ở nơi đây.

Tu viện Nothgottes

Năm 1390 một ngôi nhà nguyện đã được gia đình qúy tộc Broemnser xây lên để kính thờ Chúa cứu Thế đang đổ mồ hôi máu như trong đêm ở vườn Cây dầu Gietsemani năm xưa. Theo truyền khẩu, một nông dân làm ruộng cho vị qúy tộc Broemser đang lúc làm ngoài đồng ruộng đã được ơn nhìn thấy thị kiến này, và đã kêu lên Noth Gottes. Lời kêu cứu của ông ta đã được lắng nghe. Ngôi nhà nguyện này là tiền thân của Tu Viện Nothgottes sau này.

Đến thế kỷ 15. ngôi thánh đường hành hương được mở rộng thêm ra, và từ 1449 những người đi hành hương đến nơi Noth Gottes được lãnh nhận ơn Toàn xá.

Lại cũng có sử sách ghi lại truyền khẩu vào đầu thế kỷ 14. xảy ra bệnh dịch ở vùng này. Trong hoàn cảnh đau khổ thất vọng bị bệnh dịch, người dân chạy vào khu rừng và dựng ngôi nhà ẩn trú trốn bệnh trong cơn khốn khó. Nơi này họ đã tụ tập lại đọc kinh cầu nguyện cùng Thiên Chúa xin Ngài cứu chữa, và họ đã được nhậm lời. Và từ đó thành tên gọi Nothgottes.

Khoảng từ năm 1620 và 1622 Dòng khổ tu Capuzino chi nhánh Dòng Phanxico được thành lập ở Nothgottes. Dòng khổ tu Capuzino phát triển nếp sống tu trì ở đây cho tới thời kỳ tục hóa năm 1813.

Khoảng giữa những năm 1932 và 1938 Nothgottes các Tu sỹ dòng khổ tu trở lại thành Tu Viện. Nhưng năm 1951 các Tu sỹ bỏ ngôi Tu viện này trao lại cho Giáo phận. Giáo phận Limburg sử dụng khu nhà Tu viện Nothgottes làm nhà tĩnh tâm, nhà học hỏi về đạo đến năm 2006. Từ năm 2006 đến 2012 Hội Dòng Tám Mối Phúc Thật đến cư ngụ đời sống tu trì trong Tu viện Nothgottes. Nhưng sau đó họ cũng rời bỏ nơi này.

Từ năm 2002 Tu viện Nothgottes là một phần nằm trong danh sách Gia sản quốc tế của Unesco thuộc phía trên vùng giữa thung lũng lưu vực sông Rhein.

Giáo phận Limburg không muốn để Tu viện bỏ trống, nên đã đi tìm mời gọi có Dòng Tu nào muốn đến ở ngôi tu viện này không. Và Dòng Xitô Châu Sơn, Đơn Dương bên Việt Nam đã đáp ứng lời mời gọi của giáo Phận Limburg đến cư ngụ sống đời tu trì cầu nguyện ở Tu Viện Nothgottes từ tháng Chín 2013.

Đan viện Xito Châu Sơn, Đơn Dương

„Đan Phụ Viện Thánh Mẫu Châu Sơn tại Đơn Dương Lâm Đồng là một Dòng tu chiêm niệm theo truyền thống Xitô, trực thuộc Tòa Thánh Rôma. Dòng Châu Sơn Đơn Dương phát xuất từ Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan Ninh Bình và là thành viên của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam.

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam bắt đầu nhen nhúm từ tâm nguyện của linh mục thừa sai Henri Denis (1880-1933) : “muốn làm thày dòng và giúp đào luyện cho có thày dòng Việt Nam”. Năm 1912 đang khi làm cha xứ họ đạo Nước Mặn (Thừa Lưu), ngài viết thư trình Đức Cha E. G. Allys Lý, Giám mục giáo phận Huế : “…Lý tưởng mà con mơ ước là được làm tu sĩ tông đồ tại An Nam, nơi đó Thiên Chúa cần được một số người nhận biết, yêu mến và phụng sự (cách triệt để hơn). Họ có nhiệm vụ làm cho mọi kitô hữu nhận thức rằng lý tưởng đan tu không phải là một ‘chuyện đời xưa’ nhưng nó còn hiện thực và hiện thực hôm nay cũng như đời xưa”.

Trong cuộc sống thường ngày tại họ đạo Nước Mặn và sau đó tại chủng viện An Ninh, ngài ra sức tập làm thầy dòng và chuẩn bị cho công cuộc vĩ đại : sáng lập Dòng Nam chiêm niệm trên đất nước Việt Nam.

Ngày 15.08.1918, Nhà Dòng Đức Bà Việt Nam được khai sinh tại Phước Sơn, Quảng Trị, trong giáo phận Huế. Trong sắc chỉ thành lập Dòng, Đức Cha E. G. Allys Lý xác định : “Mục đích chính của tu sĩ dòng này là nên hoàn thiện trong đời sống thiêng liêng qua con đường chiêm niệm và hy sinh. Mục đích thứ hai là cầu nguyện và hy sinh cho ơn cứu độ lương dân”.

Từ một dòng thuộc quyền giáo phận, năm 1935, toàn thể tu sĩ Phước Sơn khấn trọng thể gia nhập Dòng Xitô thuộc quyền Toà Thánh. Từ con số hai vào buổi sơ khai, đến lúc này cộng đoàn Phước Sơn đã lên đến bảy mươi tu sĩ. Như một cây đủ tầm vóc, Dòng Đức Bà Vlệt Nam bắt đầu đâm chồi nẩy lộc um tùm kỳ diệu.

Đúng lúc đó, Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng tha thiết ao ước có một Dòng Nam chiêm niệm trong giáo phận Phát Diệm mà ngài vừa đảm trách “để nên như cây thu lôi thiêng liêng, cùng với Nhà Dòng Kín, bênh đỡ giáo phận bằng lời cầu nguyện và hãm mình”. Ngài mời gọi và thu xếp để ngày 08.09.1936, Dòng Phước Sơn khai sinh nhà con tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình : đó là Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan, hay Dòng khổ tu Châu Sơn như quần chúng thường quen gọi.

Từ một cộng đoàn non trẻ, Dòng Châu Sơn không ngừng củng cố, phát triển và lớn mạnh. Đời sống chuyên cần cầu nguyện, sự vui vẻ hy sinh và tính cần cù lao động của các tu sĩ đã khiến Nhà Dòng nhanh chóng trở thành “tiếng kêu” vang lên từ nơi sơn lâm chướng khí. Khắp giáo phận Phát Diệm và các giáo phận miền Bắc đều nghe biết về Dòng Châu Sơn. Rất nhiều người gồm linh mục, thày giảng, chủng sinh, giáo dân từ khắp nơi tìm đến đan viện cầu nguyện, tĩnh tâm và tìm hiểu ơn gọi chiêm niệm. Hầu như tuần nào cũng có người xin gia nhập cộng đoàn. Rất nhiều người đã nhờ lời cầu nguyện và sự trợ giúp tận tình của Nhà Dòng mà được ơn lạ. Dân chúng kéo đến làm ăn sinh sống chung quanh đan viện ngày một đông. Từ đó hình thành nhiều họ đạo thuộc quyền đan viện.

Cộng đoàn nghĩ đến việc thành lập nhà mới. Quả nhiên năm 1953, hoàn cảnh lịch sử tạo điều kiện thuận lợi cho các tu sĩ thực hiện ý định trên. Một số tu sĩ vào Nam thành lập cộng đoàn Châu Sơn Nam, tạm thời cư trú tại họ đạo Phước Lý (Thành Tuy Hạ, Biên Hòa). Tháng 06.1957, cộng đoàn Châu Sơn Nam di chuyển đến ‘miền đất hứa’ : đồn điền Canhkina ở huyện Đơn Dương, tỉnh Tuyên Đức (nay là Lâm Đồng) trong giáo phận Sàigòn. Đồn điền toạ lạc trên một ngọn đồi thuộc cao nguyên Lang Biang, ở độ cao trung bình l050 mét. Khí hậu tinh khiết. Đất đai mầu mỡ. Núi rừng hùng vĩ trùng điệp, bạt ngàn bóng thông. Cảnh quan tuyệt mỹ, yên bình tĩnh mịch, rất phù hợp vớl lý tưởng đan tu. Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn được thành lập tại Đơn Dương. Bề Trên các cấp và Toà Thánh phê chuẩn việc thành lập này.

Ngày 27.07.1961, cộng đoàn hân hạnh được Thánh Bộ Dòng Tu ban sắc thiết lập Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương thành “Đan viện tự trị” (Monasterium in prioratum sui iuris). Và cha Đan Viện Trưởng tiên khởi là linh mục đan sĩ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng đắc cử vào ngày 12.l0.1962. Cha Đan Viện Trưởng có cái nhìn thấu suốt, trực giác cao và am hiểu thực tế. Cha dựa vào anh em và cùng với anh em khẩn trương đưa cộng đoàn phát triển về mọi mặt.

Trước những thành tựu đáng khích lệ của cộng đoàn Châu Sơn tại Đơn Dương, Đại Hội toàn Dòng Xitô năm 1963 nhất trí nâng Đan viện tự trị Châu Sơn cùng với hai Đan viện Phước Sơn và Phước Lý lên hàng “Đan Phụ viện” (Abbatia). Thánh Bộ Dòng Tu châu phê quyết định này qua văn thư ngày 13.11.1963.“ (Theo www. Đan Viện Xito Chau Sơn, Đơn Dương)

Tu viện Nothgottes ở Ruedesheim vùng Eibingen ngày xưa là tu viện của các tu sỹ Dòng khổ tu. Bây giờ các Tu sỹ chiêm niệm Dòng Xitô Châu Sơn Đơn Dương sang sinh sống nếp sống tu trì chiêm niệm nơi đây thật rất qúa xứng hợp

Ngôi tu viện sau những thăng trầm đã trải qua bao thay đổi về hình thức nếp sống sinh hoạt đạo đức nơi đây. Sau những năm tháng vắng bóng tu sỹ cũng như lời cầu kinh tiếng hắt ca tụng Thiên Chúa, bây giờ ngôi tu viện cổ kính này lại sống động trở lại qua những sinh hoạt chiêm niệm cầu nguyện của các Tu Sỹ dòng chiêm niệm Xitô. Sức sống đạo đức đã trở lại cho ngôi Tu viện, cho vùng Nothgottes được sinh động có ánh sáng niềm hy vọng chiếu tỏa lan ra.

Hiện nay có sáu Tu Sỹ, gồm 4 cha và hai Thầy, trong có cựu Đan viện phụ Đức, sang cùng ở Tu Viện Nothgottes. Và sáu thành viên Xitô Châu Sơn nữa cũng sẽ sang cùng sinh sống với anh em trong Tu Viện Nothgottes.

::::::::::::::::::::::::::::::::::::::

Không dám so sánh các Tu Sỹ Châu Sơn từ Việt Nam sang bên Đức ở Tu viện Nothgottes với những Vị Thừa Sai từ Âu châu ngày xưa sang truyền giáo bên Việt Nam. Nhưng sự hy sinh dấn thân của các Tu Sỹ Xitô Châu Sơn Việt Nam bây giờ là hoa trái ân đức Chúa ban cho nhờ công lao, giòng máu đào của các Vị Thánh tử đạo Thừa sai ngày xưa trên quê hương đất nước Hội Thánh Việt Nam.

Xin ngả mũ kính chào các Cha, các Thầy Dòng Xitô Châu Sơn Đơn Dương đã quảng đại hy sinh dấn thân rời bỏ quê hương, như các Vị Thừa Sai ngày xưa, sang sinh sống đời tu trì chiêm niệm nơi xứ lạ về mọi phương diện giữa lòng xã hội Âu châu văn minh tân tiến, cùng đang trên đà xuống dốc nếp sống về đạo đức cũng như các gía trị tinh thần.

Sự dấn thân hiện diện của các Cha, các Thầy và nếp sống khổ hạnh cùng lời kinh cầu nguyện của các Cha, các Thầy không là bước cản trở gây dị ứng cho đời. Nhưng là nhân chứng cho Thiên Chúa giữa dòng đời sống, và là ngọn lửa đức tin cho đời.

Địa chỉ Tu Viện:

Nothgottes 2

65385 Ruedeshiem am Rhein

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long