Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong thánh lễ sáng thứ Sáu mùng 7 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha giải thích rằng sống theo Tin Mừng nghĩa là cúi mình xuống trên những ai đau khổ mà không ngại ngùng. Không làm như thế, chúng ta chỉ là phường đạo đức giả.
Việc giữ chay tốt nhất mà Chúa muốn chúng ta thực hiện và sẽ phán xét chúng ta về điều này đó là hãy săn sóc cho tha nhân.
Đức Thánh Cha nói:
Khi chúng ta đón nhận từ Chúa chúng ta tình yêu của một người Cha, khi nhận từ Chúa chúng ta căn tính của một dân tộc và sau đó biến nó thành một quy tắc đạo đức chúng ta đã từ chối ân sủng của tình yêu. Những người đạo đức giả này là những người tốt. Họ thi hành tất cả những điều họ nên làm. Xem ra họ tốt lắm. Nhưng họ là những nhà đạo đức học không có lòng nhân lành vì họ đánh mất đi cảm thức thuộc về một dân tộc! Nhưng hãy nhớ rằng Chúa ban ơn cứu rỗi cho chúng ta qua việc thuộc về một dân tộc.
Những điều Chúa muốn nơi chúng ta chính là bác ái hay chay tịnh. Chính tiên tri Isaiah đã từng nói đừng xấu hổ vì những việc bác ái quan tâm đến đời sống anh chị em mình. Sự hoàn hảo của chúng ta, sự thánh thiện của chúng ta được liên kết với dân tộc mà chúng ta đã được chọn để trở thành một chi thể. Hành động thánh thiện lớn nhất của chúng ta liên quan đến thân xác anh chị em chúng ta và thân xác Chúa Kitô. Hành động thánh thiện ngày hôm nay, ở đây nơi bàn thờ này không phải là một thứ chay tịnh đạo đức giả: nhưng nó có nghĩa là đừng xấu hổ trước xác thịt Chúa Kitô đến với chúng ta nơi đây ngày hôm nay! Đây là mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Điều này có nghĩa là chia sẻ cơm bánh của chúng ta với những người nghèo đói, chăm sóc người bệnh, người già, những người không thể hồi đáp cho chúng ta bất cứ thứ gì: nghĩa là không xấu hổ trước thân xác anh chị em mình!
Khi tôi bố thí, tôi bỏ đồng tiền mà không dám chạm tay của người ăn xin, sao vậy? Và nếu tình cờ tôi chạm vào tay người ấy, tôi lập tức rút lại. Khi tôi bố thí, tôi có nhìn vào mắt người anh chị em mình không? Khi tôi biết một người đau yếu, tôi có đi thăm người đó không? Tôi có chào người anh chị em ấy với tình cảm trìu mến không? Có một dấu chỉ có thể có thể giúp chúng ta, đó là câu hỏi: Tôi có dám vuốt ve hay ôm lấy người bệnh, người già, trẻ em, hay đã tôi đã đánh mất ý nghĩa của sự vuốt ve trìu mến? Những kẻ đạo đức giả không thể vuốt ve. Họ đã quên làm sao để làm điều đó ..... Đừng xấu hổ về thân xác của anh chị em chúng ta, đó là xương thịt của chúng ta! Chúng ta sẽ được đánh giá bởi cách chúng ta đối xử với những anh chị em này.
2. Phong cách Kitô Giáo
Trong thánh lễ sáng thứ Năm mùng 6 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã đề cập đến "phong cách Kitô giáo." Ngài giải thích rằng là Kitô hữu nghĩa là theo Chúa và giúp đỡ người khác .
Phong cách của Kitô Giáo là bắt chước Chúa Giêsu, Đấng luôn quảng đại và khiêm nhu.
Đức Thánh Cha khích lệ người Công Giáo sống Mùa Chay với một "phong cách Kitô giáo” là phục vụ, đầy tràn niềm vui và quảng đại hy sinh .
Đức Thánh Cha nói:
Chúng ta không thể nào nghĩ đến đời sống Kitô tách biệt khỏi con đường này. Luôn luôn phải là hành trình này, hành trình Ngài đã chọn đầu tiên: hành trình của khiêm nhu, hành trình của bị hạ nhục, phủ nhận chính mình, và sau đó phục sinh. Không có Thánh Giá, phong cách Kitô không còn là Kitô, và nếu Thập Giá là Thập Giá mà không có Chúa Giêsu, nó không phải là Kitô nữa. Phong cách Kitô đón lấy Thánh Giá với Chúa Giêsu và tiến về phía trước – với Thánh Giá, và với Chúa Giêsu.
Và phong cách này sẽ cứu chúng ta, sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui và làm cho chúng ta sinh hoa kết quả, bởi vì con đường phủ nhận mình có thể đem đến cho chúng ta sự sống, nó trái ngược với con đường của ích kỷ, của gắn bó với tất cả những thứ chỉ tốt cho bản thân chúng ta mà thôi ... Con đường này mở ra cho tha nhân, vì con đường Chúa Giêsu đã chọn - con đường của hy sinh - là con đường mang lại sự sống.
Và niềm vui của chúng ta, và hoa trái của chúng ta là đi với Chúa Giêsu. Những niềm vui khác không sinh hoa trái, như Chúa Giêsu đã từng nói, họ chỉ nghĩ đến chuyện được cả thế giới, nhưng cuối cùng đánh mất và hủy hoại cuộc đời mình. Vào đầu Mùa Chay này, chúng ta hãy xin Chúa dạy chúng ta một chút phong cách này của sự phục vụ Kitô giáo, của niềm vui, của hy sinh, và sinh hoa kết trái với Ngài, như ý Chúa muốn.
3. Ngày nay các tín hữu Kitô bị bách hại tàn bạo hơn thời Giáo Hội sơ khai
Trong thánh lễ sáng thứ Ba mùng 4 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha lưu ý là thập giá luôn luôn nằm trên con đường của các Kitô hữu. Ngài nhận định rằng ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn thuở sơ khai của Giáo Hội.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha trích dẫn trình thuật trong Thánh Kinh khi thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu là các môn đệ sẽ được phần thưởng gì khi đi theo Người. Ngài nói có lẽ thánh Phêrô cho rằng đi theo Chúa Giêsu là một hoạt động thương mại tốt đẹp vì Chúa Giêsu rất quảng đại, nhưng như Chúa Kitô đã báo trước là bất cứ những gì họ nhận được sẽ luôn luôn có những bách hại kèm theo.
Có vẻ như Chúa Giêsu có ý nói rằng: “Đúng, anh em đã phải bỏ lại sau lưng tất cả mọi sự, và anh em sẽ nhận được trên đời này nhiều lắm: nhưng phải chịu bách hại!” Như một điã sà-lát luôn luôn phải được pha trộn bằng dầu bách hại! Đây là những gì các Kitô được thừa hưởng và đây là con đường dành cho một người muốn đi theo Chúa Giêsu, vì đây chính là con đường chính Chúa Giêsu đã phải trải qua: Người bị bách hại! Đây là con đường làm cho chúng ta phải hạ mình. Đó là điều thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Philiphê. ‘Chúa Giêsu tự trút bỏ chính mình và trở nên hoàn toàn giống như một phàm nhân, Người lại còn hạ mình nhiều hơn, đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập giá’. Đây là thực tại của đời sống Kitô.”
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục bài giảng và cảnh cáo rằng thập giá luôn luôn nằm trên con đường của một Kitô hữu!” Chúng ta sẽ có rất nhiều những anh chị em, những người mẹ, người cha trong Giáo Hội, trong các cộng đoàn Kitô, nhưng chúng ta cũng sẽ có rất nhiều những bách hại.”
“Đó là vì thế gian không chấp nhận thiên tính của Chúa Kitô. Thế gian không thể khoan dung cho những ai dám rao giảng Phúc Âm. Thế gian không chấp nhận Tám Mối Phúc Thật. Và vì thế, chúng ta phải chịu đựng những bách hại: Bằng lời nói, bằng những sỉ nhục, bằng những điều họ đã từng lên án các Kitô hữu trong các thế kỷ đầu tiên, những kết án, những bắt bớ cầm tù …. Nhưng chúng ta hay quên. Chúng ta hãy nghĩ đến đông đảo các Kitô hữu 60 năm về trước, trong các trại lao công, các trại tử thần của Phát Xít Đức, của cộng Sản: Biết bao người đã phải chịu khổ cực như vậy! Vì họ là Kitô hữu! Và ngay cả ngày hôm nay… Nhưng người ta nói ‘hôm nay chúng ta được giáo dục nhiều hơn và những điều này không còn xảy ra nữa’. Còn chứ, vẫn còn! Và tôi muốn nói với anh chị em, ngày nay thậm chí còn có nhiều vị tử đạo hơn so với các giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngày nay có cơ man những anh chị em làm chứng cho Chúa Giêsu và đang bị bách hại. Một số người thậm chí chỉ cầm một cuốn Thánh Kinh thôi cũng đủ mang họa vào thân.
“Họ bị kết án chỉ vì có cuốn Thánh Kinh. Họ không được đeo một thánh giá trên cổ. Và đây là con đường của Chúa Giêsu. Nhưng đó là một con đường hạnh phúc, vì Chúa Kitô không bao giờ thử thách chúng ta quá mức chúng ta có thể chịu đựng. Đời sống Kitô không có lợi nhuận gì về thương mại, đây không phải là một sự nghiệp kiếm ra tiền: Đây chỉ đơn giản là đi theo Chúa Giêsu! Nhưng khi chúng ta đi theo Chúa Giêsu thì bách hại xẩy ra. Chúng ta hãy thử nghĩ xem chúng ta có mong được có chút can đảm để làm chứng cho Chúa Giêsu không. Và thật tốt nếu chúng ta nghĩ tới nhiều anh chị em chúng ta ngày nay không thể cùng nhau cầu nguyện, không thể sở hữu một cuốn Tân Ước hay Thánh Kinh vì họ bị bách hại.”
Đức Thánh Cha tiếp: Chúng ta hãy nghĩ đến những người anh chị em này không được tham dự Thánh Lễ vì họ bị ngăn cấm, và hãy tự hỏi xem chúng ta có sẵn sàng vác thập giá và chịu đựng sự bách hại như Chúa Giêsu không? Đức Thánh Cha kết luận rằng suy nghĩ về những điều này là điều tốt lành đối với chúng ta.
4. Thánh Têrêsa Avila
Hôm thứ Hai mùng 3 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp tất cả các giám mục Tây Ban Nha đang trong những ngày 'Ad Limina' viếng mộ các Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Dịp này các ngài và có cả một đoàn đại biểu từ thành phố Avila đã mời Đức Thánh Cha sang thăm nước này vào năm tới nhân dịp kỷ niệm 500 năm ngày sinh của thánh nữ.
Như Ý xin chia sẻ với quý vị và các bạn một vài mẫu chuyện về người đã là nữ tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo.
Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28 tháng Ba năm 1515 tại thành Avila, nước Tây Ban Nha. Từ khi còn là cô gái nhỏ trong gia đình giàu có, Têrêsa và người anh trai là Rôđrigô đã ham thích đọc truyện về các thánh và các vị tử đạo. Dường như đối với hai trẻ, các vị thánh tử đạo vào nước trời thật là dễ dàng! Rồi hai trẻ bí mật di tới một miền đất xa lạ, hy vọng ở đây có thể được chết cho Đức Chúa Giêsu. Nhưng may thay, chưa đi được bao xa thì hai trẻ đã gặp người cậu! Lập tức, ông đem các trẻ về cho bà mẹ đang lo lắng của chúng. Rồi hai trẻ lại quyết định làm hai vị ẩn sĩ trong khu vườn của mình, nhưng việc này cũng chẳng thành công. Các trẻ không có đủ đá để xây các túp lều cho mình.
Chính thánh nữ Têrêsa Avila đã viết lại các mẩu chuyện vui này khi kể về cuộc đời thơ ấu của ngài. Và sự việc là khi bước vào tuổi hoa niên, Têrêsa đã thay đổi hoàn toàn! Têrêsa Avila ham thích đọc quá nhiều truyện tiểu thuyết và các truyện lãng mạn ngốc nghếch đến nỗi ngài đã giảm lòng ham ước cầu nguyện. Têrêsa bắt đầu để ý nhiều về cách trang điểm để làm đẹp cho mình. Nhưng sau khi trải qua một cơn bạo bệnh, Têrêsa Avila đọc truyện thánh Giêrônimô. Và lập tức, Têrêsa Avila quyết định sẽ trở nên hiền thê của Đức Chúa Giêsu. Têrêsa Avila gia nhập dòng Cát Minh năm 1536.
Cả khi đã khấn dòng, Têrêsa Avila vẫn thường cảm thấy khó cầu nguyện. Thêm vào đó, sức khỏe của thánh nữ rất yếu kém. Mỗi ngày, Têrêsa phung phí thời giờ vào những cuộc trò chuyện vô bổ. Thế rồi một ngày kia, khi đứng trước bức ảnh của Đức Chúa Giêsu, Têrêsa cảm thấy hết sức đau buồn vì đã chưa yêu mến Người cho đủ. Và thánh nữ bắt đầu tập sống cho riêng một mình Đức Chúa Giêsu dù phải hy sinh khó nhọc đến mức độ nào. Đáp lại tình yêu của Têrêsa, Chúa Giêsu đã ban cho thánh nữ đặc ân được nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn. Têrêsa Avila cũng học biết cầu nguyện cách tuyệt diệu. Thánh nữ nổi danh vì đã thiết lập thêm mười sáu tu viện Cát Minh mới. Các tu viện này co rat nhieu các nữ tu ao ước sống cuộc đời thánh thiện. Họ làm nhiều việc hy sinh vì lòng yêu mến Chúa Giêsu. Chính Têrêsa Avila đã nêu gương sáng cho các nữ tu này. Thánh nữ cầu nguyện bang tat ca tình yêu và thi hành nhiệm vụ hằng ngày cách chăm chỉ.
Thánh nữ Têrêsa là nhà lãnh đạo đại tài cũng như là một người rất mực yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo Hội. Têrêsa Avila về trời năm 1582 và được Đức Thánh Cha Grêgôriô thứ 15 phong thánh năm 1622.
Đến năm 1970, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã tôn phong Têrêsa Avila làm nữ Tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo.
Lời nguyện:
Giữa những cám dỗ chập chùng của thế giới phù hoa xung quanh chúng ta, cầu xin cho chúng ta không bị những cám dỗ vật chất lôi kéo khỏi lòng mến của Thiên Chúa nhưng biết noi gương thánh nữ Teresa để ngày càng yêu mến Chúa hơn.
5. Đừng đối thoại với ma quỷ nhưng tìm nương náu nơi Lời Chúa
Trước khi bắt đầu tuần tĩnh tâm Mùa Chay tại Divin Casa del Maestro thuộc miền Albano, Ý, trưa Chúa Nhật 09 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với đông đảo tín hữu hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô.
Chia sẻ bài Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay đề cập đến biến cố Đức Giêsu chịu cám dỗ sau 40 ngày chay tịnh, Đức Thánh Cha nói rằng mục đích các cơn cám dỗ của kẻ thù là muốn Đức Giêsu đi ra khỏi con đường hiến tế và tình yêu, cũng như từ bỏ kế hoạch của Thiên Chúa Cha để đi tìm hạnh phúc và thoải mái cho chính mình.
Ngài nói:
“Tên cám dỗ tìm cách kéo Đức Giêsu ra khỏi kế hoạch của Chúa Cha, khỏi con đường hiến tế và tình yêu để đảm nhận một con đường dễ dàng hơn của thành công và quyền lực. Cả Đức Giêsu và tên quỷ Satan đều trích dẫn những đoạn Kinh Thánh. Thực ra, để kéo Đức Giêsu ra khỏi con đường thập giá, tên quỷ đã bày ra trước mắt Đức Giêsu một niềm hy vọng sai lạc về Đấng Messia: đó là sự sung túc về kinh tế, khi nó xúi giục Ngài hóa đá thành bánh như một kiểu biểu diễn phép lạ, hay khi nó cám dỗ ngài gieo mình xuống từ nóc đền thờ Giêrusalem để xem Thiên Thần có cứu mình không; và cuối cùng là thờ phượng Satan để đổi lấy quyền lực và sự thống trị.”
Thế nhưng, Đức Giêsu đã chống trả lại những cơn cám dỗ đầy sức hấp dẫn ấy một cách quyết liệt và trước sau vẫn trung thành với Chúa Cha. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại những lời nói của Đức Giêsu và xem đó như là những gì Đức Giêsu muốn nhắn nhủ từng người chúng ta, là hãy biết cậy dựa vào Lời Chúa, đừng thử thách Thiên Chúa và chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
“Đức Giêsu đã quyết liệt chống trả lại tất cả những cám dỗ này và biểu lộ ý muốn đi theo con đường mà Cha đã vạch ra; không thỏa hiệp với tội lỗi và lý luận của thế gian. Khi đáp trả lại Satan, Ngài đã nhắc chúng ta rằng "con người sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4); và điều này ban cho chúng ta sức mạnh và nâng đỡ chúng ta trong cuộc chiến chống lại tinh thần thế gian vốn đẩy con người xuống cấp độ của những nhu cầu chính yếu, khiến con người quên đi những gì là chân, là thiện, là mỹ, cơn đói khát Thiên Chúa và tình yêu của Người. Hơn nữa, Ngài cũng nhắc nhở chúng ta rằng ‘có lời Kinh Thánh viết rằng: ngươi chớ thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi’, bởi vì con đường đức tin phải trải qua bóng tối, nghi ngờ và chính điều đó bồi đắp cho sự kiên nhẫn và sự chờ đợi lâu bền. Cuối cùng, ngài nhắc nhở rằng ‘có lời Kinh Thánh nói: Ngươi chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi; có nghĩa là chúng ta phải loại bỏ mọi ngẫu tượng, mọi thứ phù phiếm và xây dựng cuộc sống của chúng ta trên những gì là thiết yếu’”
Đức Thánh Cha còn chia sẻ thêm rằng Đức Giêsu đã luôn trung tín với Chúa Cha. Sự trung tín ấy được đặc biệt thể hiện nơi cuộc Thương Khó của Ngài. Sự trung tín ấy đã đưa Ngài đến chiến thắng chung cuộc, và Satan, thủ lãnh thế gian đã bị kết án. Ngài nói:
“Những lời này của Đức Giêsu sau đó đã được chuyển thành hành động cụ thể. Sự trung tín tuyệt đối của Ngài vào kế hoạch tình yêu của Chúa Cha ba năm sau đã đưa dẫn Ngài đến việc hạ bệ "thủ lãnh thế gian này (Ga 16,11), trong cuộc Tử Nạn và Thập Giá và nơi đó Giêsu đã đi đến cuộc chiến thắng chung cuộc, chiến thắng của tình yêu.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy tận dụng thời gian mùa Chay này để làm mới lại những gì ta đã cam kết khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là từ bỏ Satan cùng những âm mưu thâm độc của nó và chỉ hướng về một mình Chúa mà thôi.