Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Có phải chúng ta thực sự lắng nghe Lời Chúa, hay chỉ muốn uốn nắn theo ý riêng mình

Trong thánh lễ sáng thứ Sáu tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Lời Chúa. Ngài giải thích rằng những ai uốn nắn Lời Chúa theo ý riêng mình thì vẫn còn đóng chặt con tim với Lời Chúa.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng phải biết khiêm nhường và cầu nguyện chúng ta mới có thể tiến lên, mới có thể lắng nghe Lời Chúa và tuân thủ lời Ngài. Có những người hô hào thánh chiến, hô hào phải giết người để bảo vệ “Lời Chúa”. Lời mà người ta tin là “Lời Chúa” ấy thực ra chỉ là những lời đã bị thay đổi hoàn toàn bởi con người.

"Đây là bi kịch của những người này, và cũng là bi kịch của chúng ta nữa! Họ đã uốn nắn Lời Chúa. Và Lời Chúa trở thành lời của họ, để phục vụ sở thích của họ, ý thức hệ của họ, nền thần học họ. Và tất cả mọi người diễn dịch những lời ấy theo ý riêng của họ, theo sở thích riêng của mình. Và đây là bi kịch của đám dân này: để bảo vệ những lời ấy, họ giết người. Họ giết cả Chúa Giêsu. "

Đức Thánh Cha nói tiếp:

"Nhưng chúng ta vẫn còn hy vọng. Lời Chúa tuy đã chết trong trái tim của đám dân này, và có thể chết cả trong con tim của chúng ta nữa, nhưng Lời Chúa không bị tận diệt, vì Lời Chúa vẫn còn sống trong trái tim của những người đơn sơ, của những người khiêm nhu, của dân Chúa. Họ lùng bắt, nhưng họ sợ đám đông dân Chúa. Đó là đám đông đơn sơ đã theo Chúa Giêsu bởi vì những điều Ngài nói làm con tim của họ tốt đẹp, làm ấm cõi lòng của họ - những người này không sai. Họ không sử dụng Lời Chúa để phục vụ sở thích riêng của họ nhưng tìm nghe Lời Ngài để sống tốt hơn một chút."

"Đây là thái độ của những người biết lắng nghe Lời Chúa: đầu tiên là khiêm tốn, tiếp đến là cầu nguyện. Còn đám dân kia không phải là những người cầu nguyện. Họ nghĩ rằng họ không cần phải cầu nguyện. Họ nghĩ rằng họ được an toàn, họ nghĩ rằng họ đã mạnh mẽ.. . họ nghĩ rằng họ là 'các vị thần’.

Chúng ta phải khiêm tốn và cầu nguyện.. . với sự khiêm nhường và lời cầu nguyện, chúng ta sẽ tiến về phía trước khi lắng nghe Lời Chúa và tuân thủ Lời Ngài trong sự khiêm nhu và trong lời cầu nguyện cùng Giáo Hội và như vậy, những gì đã xảy ra với đám dân kia sẽ không xảy ra với chúng ta: chúng ta sẽ không giết người để bảo vệ “Lời Chúa”, để bảo vệ những Lời chúng ta cho là “Lời Chúa” nhưng thực ra đã bị đảo lộn và đổi trắng thay đen bởi con người chúng ta.

2. Tin tưởng phó thác nơi Chúa

Trong thánh lễ sáng thứ Năm tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về thái độ tin tưởng Thiên Chúa. Ngài giải thích rằng những ai chỉ tin tưởng vào chính bản thân họ, vào tiền bạc hoặc những ý thức hệ, đang xây dựng cho mình một cuộc sống không hạnh phúc.

"Hôm nay, trong ngày này của Mùa Chay, chúng ta hãy tự hỏi chính bản thân chúng ta: Tôi đặt niềm tin của mình nơi đâu? Có phải nơi Chúa? Hay tôi chỉ là một người ngoại giáo đặt tin tưởng của mình vào các ngẫu tượng. Tôi vẫn còn có một căn tính hay tôi đã bắt đầu để mất dần căn tính của mình, khi chỉ còn đề cập đến một chữ “Tôi”. Tôi, cho tôi, và vì tôi. Trước hết là vì tôi sau cùng cũng là vì tôi... Cảm giác ích kỷ của chữ Tôi sẽ luôn bám riết quanh mình và điều này sẽ không mang lại cho chúng ta ơn cứu độ. "

Đức Thánh Cha nói:

"Sự bất hạnh thê thảm nhất của những ai chỉ tin tưởng vào bản thân họ hay sức mạnh riêng của họ, chỉ tin vào những khả năng của con người mà không cần đến Thiên Chúa: là họ đánh mất đi danh phận của mình. Số tiền trong tài khoản của bạn ở ngân hàng, nhiều tài sản, biệt thự, những điều chúng ta có trở nên các ngẫu tượng làm chúng ta điên đảo sống chết vì chúng, khi tin tưởng được đặt nơi những ngẫu tượng này, chúng ta bị nguyền rủa."

"Hôm nay, trong ngày này của Mùa Chay, chúng ta phải hỏi chính bản thân chúng ta: tôi đặt niềm tin nơi đâu?”

“Ở tận cùng luôn luôn vẫn có một khả năng. Khi con người nhận ra rằng mình đã mất đi căn tính của mình, đã mất tất cả mọi thứ, người ấy vẫn có thể nhìn lên và nói một từ: ‘Cha’ và câu trả lời của Thiên Chúa cũng là một từ: ‘Con!’

Nếu ai trong chúng ta trong cuộc sống này, đặt hết niềm tin vào con người và vào chính bản thân mình, chúng ta sẽ mất danh phận, mất phẩm giá làm Con Thiên Chúa thì vẫn còn có một cơ hội. Cơ hội ấy còn hơn là một phép mầu, đó là hãy kêu lên ‘Cha ơi’. Thiên Chúa luôn luôn chờ đợi chúng ta để mở một cánh cửa mà chúng ta không nhìn thấy và nói với chúng ta ‘Con ta’. Xin Chúa cho chúng ta ân sủng để mỗi người chúng ta biết khôn ngoan mà đặt niềm tín thác nơi Ngài, chỉ nơi Ngài mà thôi."

3. Ơn cứu rỗi không đến từ việc tuân giữ các điều răn nhưng từ thái độ khiêm hạ của chúng ta trước lòng thương xót Chúa

Ơn cứu rỗi của chúng ta không đến từ việc tuân giữ các điều răn, nhưng từ lòng khiêm cung luôn luôn cảm thấy cần phải được chữa lành bởi Thiên Chúa. Đây là thông điệp được Đức Thánh Cha đưa ra trong Thánh Lễ sáng thứ Hai 24 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô lấy ý từ diễn từ của Chúa Giêsu với dân thành Nazareth: "Không có tiên tri nào được trọng vọng nơi chính quê hương mình". Đó là một nơi Ngài không làm một phép lạ nào bởi vì "họ không có đức tin". Chúa Giêsu nhắc lại hai trình thuật trong Kinh Thánh: phép lạ chữa lành bệnh phong cùi cho ông Naaman, và cuộc gặp gỡ giữa tiên tri Ê-li với bà góa Serapta, người đã chia sẻ miếng bánh cuối cùng của mình và đã được cứu khỏi chết đói.

Đức Thánh Cha giải thích rằng người bị phong cùi và những quả phụ là những người bị ruồng bỏ trong xã hội thời ấy.

Tuy nhiên, hai người bị ruồng bỏ ấy đã chào đón các nhà tiên tri và đã được cứu sống, trong khi những người Nazareth không chấp nhận Chúa Giêsu vì họ cảm thấy đức tin của họ đã mạnh mẽ rồi; họ chắc chắn trung thành tuân giữ những điều răn, và cảm thấy không cần ơn cứu rỗi nào khác.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Bi kịch của việc tuân giữ các điều răn mà không có đức tin là điều này: Tôi tự cứu lấy mình, vì tôi đi đến hội đường mỗi thứ bảy, tôi cố gắng tuân theo các điều răn, tôi không muốn nghe rằng gã cùi kia hoặc bà góa nọ là tốt lành hơn so với tôi! vì họ là những kẻ bị ruồng bỏ! Và Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “nếu anh em không tự đặt mình ra bên lề, nếu anh em không cảm thấy mình là một kẻ bị ruồng bỏ, anh em sẽ không có được cứu rỗi.” Đây là sự khiêm tốn, là con đường của sự khiêm nhường: đó là cảm thấy mình bị gạt ra ngoài lề để thấy cần ơn cứu rỗi của Chúa. Chỉ một mình Ngài cứu chúng ta, chứ không phải công trạng tuân giữ các giới răn của chúng ta. Vì họ không thích nghe như thế nên họ tức giận và muốn giết Ngài.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng ban đầu Naaman cũng cảm thấy tức giận. Ông thấy thật là vô lý và nhục nhã khi tiên tri Elisha bảo ông ngâm mình bảy lần trong nước sông Jordan.

"Chúa yêu cầu nơi ông một cử chỉ khiêm nhường. Ngài đòi hỏi nơi anh ta sự vâng phục như một đứa trẻ, dù là vô lý."

Namman quay đi trong một cơn thịnh nộ, nhưng những bầy tôi của ông đã thuyết phục ông hãy làm những gì vị tiên tri truyền. Thái độ khiêm nhu đã chữa lành ông ta. Đây là thông điệp cho ngày hôm nay - trong tuần thứ ba của Mùa Chay này: Nếu chúng ta muốn được chữa lành, chúng ta phải chọn con đường của sự khiêm cung.

Trong kinh Magnificat, Đức Maria không nói rằng Mẹ hạnh phúc bởi vì Thiên Chúa đã tìm thấy nơi Mẹ đức khiết tịnh, lòng nhân hậu và những nhân đức của mình. Nhưng Chúa đã tìm thấy nơi Mẹ lòng khiêm nhu của người tôi tớ ngài, sự nhỏ bé của Mẹ. Đây là những gì Chúa tìm kiếm. Chúng ta phải chú ý đến điều này và đặt bản thân chúng ta ra bên lề để Chúa có thể thấy chúng ta. Ngài sẽ không tìm chúng ta ở trung tâm của những điều vênh vang xác quyết của chúng ta. Đó không phải là nơi Chúa tìm kiếm. Ngài tìm thấy chúng ta bên lề, giữa những tội lỗi của chúng ta, những sai lầm của chúng ta, giữa ao ước của chúng ta muốn được chữa lành, muốn được cứu rỗi. Đó là nơi Chúa sẽ tìm kiếm chúng ta.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

Đây là con đường của sự khiêm hạ. Khiêm hạ Kitô giáo không hệ tại nơi việc nói oang oang tôi chẳng quan trọng gì đâu trong khi che đậy niềm tự hào của mình. Không, lòng khiêm cung Kitô giáo là nói lên sự thật: “Tôi là kẻ có tội”. Hãy nói sự thật: đây là sự thật của chúng ta. Nhưng còn có một sự thật khác là: Thiên Chúa cứu độ chúng ta. Ngài cứu chúng ta khi chúng ta chơi vơi bên lề, Ngài không cứu chúng ta giữa những tự hào của chúng ta.

4. Ý nghĩa của Mùa Chay

Trong bài giảng Thánh Lễ sáng Thứ Ba 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày về ý nghĩa của Mùa Chay dưới ánh sáng của các bài đọc trong ngày trích từ sách tiên tri Isaiah (1:10,16-20 ) và Tin Mừng Thánh Matthêu (23:1-12).

Mùa Chay là một thời gian để chúng ta đến gần Chúa. Đó là thời gian để "hoán cải". Trong bài đọc thứ nhất Chúa mời gọi chúng ta hoán cải, và điều thú vị là Ngài đã nhắc đến hai thành hoang đàng trác táng là Sôđôma và Gômôra. Và Ngài đưa ra lời mời gọi này: "Hãy hoán cải, thay đổi cuộc sống của anh em, vì Chúa đã gần đến." Ngài giải thích rằng "đây là lời mời gọi của Mùa Chay: Đó là bốn mươi ngày để đến gần Chúa hơn, để được gần gũi hơn với Ngài. Vì tất cả chúng ta cần phải thay đổi cuộc sống của chúng ta."

Có những người thoái thác nói rằng: “Nhưng mà thưa cha, con không phải là kẻ tội lỗi trầm trọng như thế đâu”. Nói như thế thật là vô dụng vì tất cả chúng ta đều có một cái gì đó bên trong và nếu chúng ta nhìn vào tâm hồn mình chúng ta sẽ tìm thấy một cái gì đó không tốt, tất cả chúng ta. Mùa Chay, do đó, nhắc nhở chúng ta sửa đổi cuộc sống của chúng ta, để đưa mọi thứ trở lại đúng trật tự của chúng. Chính xác đó là những gì cho phép chúng ta đến gần hơn với Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ.

Chia sẻ Lời Chúa nói qua tiên tri Isaia, Đức Thánh Cha nói:

“Dù tội lỗi của bạn giống như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết" Với những lời này Chúa muốn nói với chúng ta: "Ta sẽ thay đổi tâm hồn con" Điều Ngài đòi hỏi nơi chúng ta là hãy đến gần Ngài. Ngài là một người Cha đang chờ đợi chúng ta để tha thứ cho chúng ta.

Chúa cũng đưa ra cho chúng ta lời khuyên này: "Đừng như bọn giả hình" Trích dẫn bài Tin Mừng theo Thánh Matthêu được đọc trong ngày, Đức Thánh Cha tiếp: Chúa không muốn thái độ xích lại gần Ngài theo kiểu đạo đức giả. Ngài muốn chúng ta đến gần trong chân thành và sự thật. Những kẻ giả hình làm gì? Chúng che dấu bản thân mình. Ngụy trang chúng là người tốt. Chúng làm cho khuôn mặt của mình giống như một bức tranh thánh thiện: Chúng cầu nguyện ngước mắt lên trời để cho bản thân mình được nhìn thấy, chúng cảm thấy mình công chính hơn những người khác, chúng coi kinh tha nhân. Họ tự hào là người Công Giáo tốt bởi vì họ quen biết nhiều giám mục và Hồng Y.

Đây là thói đạo đức giả và Chúa nói không với nó. Chớ coi ai tự mãn là công chính. Tất cả chúng ta đều cần phải được công chính hóa và Đấng duy nhất công chính hóa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đến gần Ngài: phải tránh đừng đeo những mặt nạ Kitô hữu. Khi vẻ bên ngoài biến mất, thực tế sẽ phơi bày trước ánh sáng và chúng ta thấy rằng họ không phải những Kitô hữu.

Điều cốt lõi là gì? Chính Chúa nói với chúng ta trong bài đọc thứ nhất:

“Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta.

Ðừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.”

Đó là lời mời gọi của Mùa Chay.

5. Cuộc gặp gỡ đích thật với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp chúng ta nhìn vào bên trong chính mình để làm nổi lên các nhu cầu tinh thần đích thật nhất, và xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện. Giống như trường hợp của người đàn bà xứ Samaria, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 23 Tháng Ba.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, hôm nay Phúc Âm trình bầy với chúng ta cuộc găp gỡ giữa Chúa Giêsu với người đàn bà xứ Samaria, tại Sicar, gần một cái giếng cổ, nơi bà tới kín nước mỗi ngày. Hôm ấy bà tìm thấy Chúa ngồi đó “mệt mỏi vì đường xa” (Ga 4,6). Người nói ngay với bà: “Xin cho tôi nước uống” (c. 7).

Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa cử chỉ này của Chúa Giêsu như sau:

Trong cách thức này Người thắng vượt các hàng rào thù nghịch đã có giữa người Do thái và người Samaria, và bẻ gẫy các lược đồ thành kiến đối với các phụ nữ. Lời xin đơn sơ của Chúa Giêsu là khởi đầu của một cuộc đối thoại thắng thắn, qua đó với sự tế nhị rất lớn, Chúa Giêsu bước vào trong thế giới nội tâm của một người, mà theo các lược đồ xã hội đáng lý ra Ngài không nên bắt chuyện. Nhưng Chúa Giêsu đã làm điều đó! Ngài không sợ hãi. Khi trông thấy một người, Chúa Giêsu tiến tới, vì Ngài yêu thương. Ngài yêu thương tất cả chúng ta. Ngài không bao giờ dừng lại trước một người vì các thành kiến. Chúa Giêsu đặt để bà trước tình trạng của bà, bằng cách không phán xử bà, nhưng làm cho bà cảm thấy được trân trọng, được chấp nhận, và như thế gợi lên nơi bà ước muốn đi xa hơn cuộc sống nhàm chán thường ngày.

Cái khát của Chúa Giêsu không phải là khát nước, nhưng là khát gặp gỡ một linh hồn đã khô héo. Chúa Giêsu cần gặp người đàn bà xứ Samaria để mở con tim bà ra: Ngài xin bà cho nước uống để minh nhiên cái khát bà có trong chính bà. Người đàn bà bị đánh động bởi cuộc gặp gỡ ấy: bà hỏi Chúa những câu hỏi sâu xa, mà chúng ta tất cả đều có ở trong lòng, mà thường khi chúng ta không biết. Cả chúng ta nữa cũng có biết bao nhiêu câu hỏi, nhưng không tìm ra can đảm để hỏi Chúa Giêsu!

6. Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp chúng ta nhìn vào bên trong chính mình

Giải thích về câu chuyện Chúa Giêsu gặp gỡ người đàn bà xứ Samaria trong bối cảnh của Mùa Chay Đức Thánh Cha nói:

Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp chúng ta nhìn vào bên trong chính mình để làm nổi lên các nhu cầu tinh thần đích thật nhất, và xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện. Gương của người đàn bà xứ Samaria mời gọi chúng ta bầy tỏ mình như thế này: “Xin cho con nước sẽ làm cho con hết khát đời đời.” Phúc Âm nói rằng các môn đệ ngạc nhiên khi thấy Thầy mình nói chuyện với người phụ nữ đó. Nhưng Chúa vĩ đại hơn các thành kiến, vì thế Người không sợ hãi dừng lại với người đàn bà xứ Samaria: lòng thương xót lớn hơn thành kiến. Đây là điều chúng ta phải học: lòng thương xót lớn hơn thành kiến. Và Chúa Giêsu thì vô cùng thương xót, vô cùng! Kết qủa cuộc gặp gỡ bên bờ giếng là người đàn bà được biến đổi: bà “bỏ cái vò bà mang tới kín nước lại đó” (c. 28) và chạy vào thành phố kể lại kinh nghiệm ngoại thường của bà. Bà đi kín nước giếng và đã tìm thấy một thứ nước khác, nước hằng sống của lòng thương xót vọt lên từ cuộc sống vĩnh cửu. Bà đã tìm thấy nước, mà bà đã luôn luôn kiếm tìm! Bà chạy vào làng, ngôi làng đã phán xử bà và khước từ bà, và loan báo rằng bà đã gặp Đấng Messia, Đấng Cứu Thế: một người đã thay đội cuộc sống của bà. Bởi vì mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu luôn luôn thay đổi cuộc sống chúng ta. Đó là một bước tiến tới, một bước gần Thiên Chúa hơn. Và như thế mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta. Luôn luôn, luôn luôn là như vậy.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Trong Phúc Âm này chúng ta cũng tìm thấy sự khích lệ “để vò nước của chúng ta lại đó”, nó biểu tượng cho tất cả những gì xem ra quan trọng, nhưng mất giá trị trước tình yêu của Thiên Chúa, đã “được đổ tràn đầy con tim của chúng ta qua Chúa Thánh Thần” (Rm 5,5). Chúng ta được mời gọi tái khám phá ra tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc sống Kitô, đã bắt đầu với Bí tích Rửa Tội và như người đàn bà xứ Samaria, chúng ta được mời gọi làm chứng cho các anh chị em khác. Làm chứng cho cái gì? Niềm vui! Làm chứng cho niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, bởi vì tôi đã nói rằng mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta, và mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta niềm vui, niềm vui đến từ bên trong. Và Chúa là như thế. Và kể lại biết bao điều kỳ diệu mà tình yêu của Người đã thực hiện trong con tim chúng ta, khi chúng ta có can đảm bỏ cái vò của mình sang một bên, để các điều kỳ diệu cuả tình yêu Chúa có thể hoàn thành trong cuộc sống chúng ta.

6. Thánh Monica

Thánh nữ Monica, thân mẫu của thánh Augustinô, sinh năm 332 tại Tagas, Bắc Phi. Thánh nữ được dưỡng dục trong một gia đình Công Giáo đạo hạnh. Chính việc đào luyện nghiêm túc này đã giúp cho Monica có nhiều nghị lực khi kết hôn với Patriciô, một người ngoại đạo. Patriciô rất ngưỡng mộ vợ mình nhưng đã làm cho vợ phải đau khổ nhiều vì những nết xấu của ông: hoang đàng, trác táng và không chung thủy.

Monica đã chịu đựng điều này với lòng kiên nhẫn và ngài đã tha thiết cầu nguyện.

Mãi đến khi Patriciô sắp qua đời, Monica mới nhận thấy những lời cầu xin của ngài được Thiên Chúa đoái nhận. Patriciô chồng ngài đã chấp nhận đức tin Công Giáo vào năm 370. Một năm sau, ông được lãnh bí tích Thanh tẩy ngay trên giường bệnh. Mẹ của Patriciô, tức bà nội của Augustinô, cũng trở thành một Kitô hữu.

Niềm vui của thánh nữ Monica vì người chồng được ơn hoán cải chưa kéo dài được bao lâu thì lại biến thành niềm đau tột độ. Thánh nữ nhận thấy con trai Augustinô của ngài đang sống một cuộc đời ích kỷ và trụy lạc. Cậu thanh niên rất thông minh này đã ngả theo lạc giáo và đang sống một nếp sống vô luân. Monica cầu nguyện, khóc lóc và làm rất nhiều việc đền tội cho người con. Thánh nữ đã xin nhiều linh mục nói chuyện với cậu. Tuy nhiên, Augustinô rất thông minh nhưng cũng rất bướng bỉnh. Cậu không chịu từ bỏ lối sống tội lỗi của mình.

Thế nhưng Monica không sờn lòng nản chí! Khi Augustinô trốn ngài sang Rôma, Monica đã theo sau con mình. Tới Rôma, Monica nhận thấy Augustinô đang dạy học bên thành Milan, Monica lại sang Milan. Và trong tất cả những năm đó, Monica không ngớt cầu nguyện cho Augustinô con trai của ngài. Tình yêu và niềm tin của thánh nữ Monica vĩ đại biết bao! Sau những năm dài cầu nguyện và sống trong nước mắt, rốt cục Augustinô đã được ơn trở lại. Phần thưởng dành cho thánh nữ Monica thật lớn lao! Augustinô không chỉ là một Kitô hữu tốt lành như ước nguyện của Monica, mà ngài còn là một linh mục, một giám mục, một tác giả vĩ đại và là một vị thánh rất mực nổi danh.

Thánh nữ Monica qua đời năm 387 tại Ostia, bên ngoài thành phố Rôma. Augustinô đã ở bên giường thánh nữ lúc ngài về trời.

Hạnh tích sáng ngời của thánh nữ đã khiến Giáo Hội tôn vinh ngài là bổn mạng của các bà mẹ, cách riêng các bà mẹ Công Giáo.

Lời nguyện:

Giữa những nghịch cảnh của cuộc sống gia đình, xin Chúa cho chúng con là những bà mẹ Công Giáo luôn biết siêng năng cầu nguyện.

Ngay cả đôi khi lời cầu nguyện của chúng con xem ra chưa được chấp nhận ngay, xin cho chúng con không sờn lòng nản chí nhưng biết phó thác vào ơn quan phòng của Chúa.

Xin cho chúng con hiểu rằng không phải những lời nói xuông của chúng con nhưng chính là những chứng tá yêu thương của chúng con trong những hy sinh hàng ngày mới đem lại ơn hoán cải cho những người xung quanh chúng con.