Rước lá là cách tỏ bày niềm vui nội tâm ra bên ngoài. Người ta chú trọng đến nhân vật chính đang cưỡi lừa đi vào thành thánh Jêrusalem. Đoàn người đông đảo miệng ca hát, tay cầm cành lá phất phới, vui chân, cùng rảo bước. Đoàn người rước lá, bẻ cành lá bên đường làm cờ, mắt họ cùng hướng về nhân vật chính. Nhân vật chính là một thanh niên trạc ba mươi, ăn mặc bình dị, đôi mắt nhân từ hướng về đoàn rước. Số đông ngạc nhiên đứng hai bên đường cũng vui miệng hát theo bản nhạc miền quê, đơn sơ, vui nhộn. Họ nháo nhác ngó đoàn rước. Một số hích cùi chõ nhắc nhau người cưỡi lừa đang tiến gần họ. Người không được cao lắm nghểnh cổ ngóng trông, người khác đứng trên đầu ngón chân cố gắng cao hơn tí nữa để nhìn rõ người cưỡi lừa đang đến. Người nữa đứng trên mô đất, thân lay động trước gió cố giữ cho thăng bằng cùng hướng về phía người đang đến. Đám đông vây quanh nhóm mười hai tông đồ và người cưỡi lừa đó chính là Đức Jêsu, người mà thiên hạ đặt niềm tin, hy vọng Ngài sẽ là người lãnh đạo toàn dân.

Hích cùi chõ là cách ngầm ra hiệu cho nhau biết điều gì đó đang xảy ra hay sắp xảy ra. Điều này không chỉ xảy ra cho đám dân giả mà ngay cả trong đám lãnh đạo tôn giáo. Trước ngày lễ lá đã nhiều lần lạnh đạo tôn giáo họp nhau tìm cách bắt bẻ Đức Jêsu. Ngài hoạt bát quá, sắc bén quá, mọi lí luận bắt bẻ đưa ra đều bị bẻ gẫy, mọi cạm bẫy đều bị lật tẩy, mọi che đậy, dù khéo mấy cũng bị phơi ra ánh sáng. Biện pháp cuối cùng là giết chết. Giết bằng cách nào là việc họ đang đau đầu suy nghĩ. Mượn tay ngoại bang. Đúng thế, có lẽ đó là cách phủi tay tốt nhất, vừa được việc lại không mang tiếng. Lãnh đạo tôn giáo ngán sức mạnh đám đông ủng hộ Đức Jêsu. Tự aí, mặt mũi, danh dự không cho phép thật là sợ Đức Jêsu, hay ghen tị với Ngài. Đã có cách. Hãy nói với đám đông ngoại bang đang mượn cớ xâm chiếm lãnh thổ vì sợ thế lực Đức Jêsu. Nếu bị chiếm đóng sẽ mất hết, cả đất nước lẫn đền thờ. Nhà lãnh đạo tôn giáo Jêsu vu khống, kết án làm chính trị, núp bóng tôn giáo phá rối trị an. Lí do chính đáng để kết án Đức Jêsu mà không ai có thể phản đối. Thầy thượng phẩm Caipha tuyên bố cho mọi người thà để cho một người chết mà cứu được nhiều người thì có lợi hơn nhiều. Người ta hích cùi chõ nhau ngầm tán đồng. Í kiến táo bạo nhưng rất hay, thực hiện được. Một người hi sinh cho đám đông. Một cá nhân hi sinh cho đại đa số. Caipha đã đúng trên phương diện một Đức Jêsu chết đi sẽ cứu không phải nhiều người mà cứu toàn thể nhân loại. Một Đức Jêsu chết đi không phải chỉ cứu một dân tộc mà cứu toàn dân. Những ai nhìn nhận Đức Jêsu chết thay cho tội của họ đều nhận được sự sống từ sự Phục Sinh của Đức Kitô. Quyết định xong họ phải thực hiện thật nhanh, thật gọn để dù ai có tư tưởng chưa thuận cũng không đủ thời gian phản đối, hay lật ngược vấn đề.

Các tông đồ cũng hích cùi chõ nhau ngầm hỏi Đức Kitô ngụ í nói ai phản bội Ngài. Ngài nói một trong số kẻ đang có mặt trong bữa Tiệc Li sẽ phản bội Ngài. Tất cả đều chối không biết. Tất cả đều lên tiếng hứa trung thành ngay kẻ phản bội biết rõ chương trình hành động cũng mạnh dạn lên tiếng hứa trung thành. Khi nói dối giữa lãnh đạo tôn giáo cũng các tông đồ và cả chúng ta nữa đềi có điểm giống nhau. Nghĩ một đàng, nói một nẻo. Đường xiên xẹo, nẻo ngoắt nghéo, không diễn tả sự thật mà che đậy sự thật.

Lệnh tầm nã ban ra, quân lính bắt Đức Kitô, các nhà lãnh đạo họp khẩn ngay đêm đó đưa đến quyết định giết chết Đức Kitô và nội trong ngày hôm sau bản án được thi hành. Ai có í tưởng chống lại thì đã quá trễ. Đức Kitô đã bị đánh nhừ thử rồi, thân bị treo trên thập giá rồi. Cứu sao được nữa, chỉ còn chờ chết là mọi toan tính được như í.

Lần hích cùi chõ sau cùng là lần cả các tông đồ lẫn nhà lãnh đạo tôn giáo thực hiện khi nghe tin Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Cùng một dấu chỉ, hích cùi chõ, nhưng cảm xúc khác nhau, vui buồn khác nhau. Tông đồ Đức Kitô kẻ mừng vui ra mặt, kẻ do dự, bán tin, bán nghi. Lãnh đạo tôn giáo thì hích nhau ngầm nhắc bảo tìm biện pháp đi chứ, càng để lâu cảng bất lợi. Thế là họ đồng lòng phao tin, tuyên truyền ức Kitô không sống lại.

Chúng ta hãy xét mình xem mình cảm nghiệm thế nào trong biến cố tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org