Mắt nhìn cảnh vật và trí óc phân tích chi tiết cảnh vật trước khi ghi nhớ chúng để khi cần có thể mang chúng trở lại. Rất nhiều sự kiện được chôn sâu trong não bộ và bất ngờ sống lại khi chúng được gợi nhớ. Có lần tôi dọn tủ vất bỏ những thứ không cần dành chỗ cho những vật mới hơn. Dưới đáy tủ là một mớ hình ảnh quên đã lâu. Nhìn những hình ảnh thuở thiếu thời biết bao cảnh thân thương hiện về. Khung cảnh quên lãng trong trí lâu nay bừng lên trong trí. Khuôn mặt thân quen, nụ cười duyên dáng, trò chơi dại dột của tuổi thiếu đắn đo, câu nói bông đùa, chọc ghẹo ập đến trong đầu. Chúng sống lại cách mãnh liệt. Vài câu lí luận dổm thế mà cũng có đứa đỏ mặt tía tai cãi cho bằng thắng. Rồi khi chia tay những lời hứa gặp lại chẳng bao giờ thực hiện được vì chiến tranh lan tràn, mỗi người một phương. Không ai nghĩ ngày chia tay cũng là ngày vĩnh biệt một số bạn thân thiết.

Ai biết được rằng cảnh xưa, người cũ trở thành nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại. Chúng có sức mạnh làm sống lại thời đã qua, đã lâu không còn nhớ bỗng chúng sống lại. Thế mới biết những gì xảy ra trong cuộc sống không mất đi. Chúng ngủ chờ cơ hội sẽ bừng tỉnh. Chúng là nhịp cầu nối thời gian và quan trọng hơn chúng ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, cách nhìn của ta trong tương lai. Như thế biến cố trong quá khứ tạo thành tư cách sống của con người tương lai.

Các tông đồ Đức Kitô trong những ngày qua đang sống với quá khứ đau thương, lo sợ, cô đơn và mất hướng đi cho tương lai. Sự kiện xảy ra quá đột ngột, quá nhanh trong một thời gian quá ngắn khiến các tông đồ không đủ thời gian ổn định tâm thần. Thực ra các ông đang sống với hình ảnh của Đức Kitô rao giảng trước Phục Sinh với nhiều ước mơ, hy vọng dạt dào vào Thầy. Các ông ngỡ ngàng học làm quen với lối sống mới. Chưa kịp quen thì biến cố Thầy bị bắt, đánh đòn, và chết trên thập giá. Người ngẩn ngơ, đầu óc rối bời, tâm trí hoảng loạn thì tin dồn dập Thầy đã sống lại. Biết tìm Thầy nơi đâu. Nơi cuối cùng chôn Thầy là khu vườn kia nhưng đến đó chỉ có mộ trống. Ngó trời thì trời vẫn xanh biếc, ngó đất, đất vẫn im lìm hằn dấu chân người. Dấu chân ai, ai biết vì kẻ đến người đi hàng ngày. Thầy đã sống lại biết tìm nơi đâu. Gặp người làm vườn, kẻ đồng hành, kẻ dạo bãi biển. Thiên hạ muôn vàn để í họ làm chi. Tông đồ không nhận ra Thầy vì các ông đang sống với hình ảnh Thầy bị bắt, bị đóng đinh. Nhờ Thầy gợi nhớ mới nhận ra, mới sống và đối diện với Thầy Phục Sinh. Hình ảnh Thầy bẻ bánh được người đi đường thực hiện, hình ảnh người làm vườn gọi rõ tên mình và còn sai đi báo cho các người quen biết, hẹn lại. Chính những gợi nhớ của ngày thứ Năm Tuần Thánh, ngày Đức Kitô lập Phép Thánh Thể đã gợi nhớ lại điều Thầy đã làm. Hãy làm việc này để nhớ đến Ta. Lời nhắn nhủ cuối là tín chỉ nhận biết khi gặp gỡ. Thầy đã bẻ bánh gợi nhớ lại hình ảnh Thầy trong bữa Tiệc Li.

Cuộc sống của Kitô hữu có nhiều kỉ niệm cần gợi nhớ thường xuyên. Ngày rửa tội, ngày thêm sức, ngày rước lễ ngày xưng tội, ngày cưới, ngày khấn. Tất cả những kỉ niệm đẹp đó cần được gợi nhớ. Những biến cố quan trọng đó giúp chúng ta nhìn lại và nhận biết cũng như dâng lời tạ ơn tình thương và lòng Chúa xót thương. Vì thế gợi nhớ lại tình yêu Chúa trong ta, lòng xót thương bao la của Ngài trong đời ta là điều tốt lành và cần làm thường xuyên để cảm nghiệm tình Chúa trong ta. Hình ảnh xưa trở về xem ra có vẻ dễ dàng nhưng thực ra rất phức tạp cho bộ óc vì mỗi một phần của óc ghi nhớ một sự kiện khi gợi nhớ chúng sẽ tập họp các sự kiện lại trước khi thành hình trong đầu. Khi nhớ lại bữa Tiệc Li các tông đồ cũng nhớ lại việc Thầy làm, lời Thầy nói, hình ảnh Thầy bẻ bánh, hình ảnh dâng lời tạ ơn và việc các tông đồ đàm thoại với nhau. Mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Lễ chúng ta cũng gợi lại trong trí hình ảnh đó. Càng gợi nhớ lại tình yêu Chúa thường xuyên chừng nào ta càng liên kết mật thiết với Chúa nhiều từng đó.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org