Một vài suy nghĩ về chân dung “Người Mục Tử Nhân Lành” trong thời đại hôm nay

Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển với những tiến bộ của khoa học kỷ thuật. Đời sống con người không ngừng được cải thiện và nhu cầu cuộc sống ngày càng cao. Đó là những yếu tố tích cực cho từng cá nhân, gia đình, xã hội và Giáo Hội. Tuy nhiên, song song với đà phát triển xã hội là sự thoái bộ đến mức báo động của nền đạo đức luân lý. Điều này khiến bao nhà giáo dục, nhà chức trách tâm huyết trên thế giới nói chung và Giáo Hội Chúa Kitô nói riêng phải băn khoăn, trăn trở. Một câu hỏi khẩn thiết đặt ra là làm thế nào để cải thiện tình hình và ai mới là người dám xả thân vì lợi ích của cộng đồng? Chắc sẽ có nhiều câu trả lời cho vấn nạn này. Riêng với người Kitô hữu, có lẽ đa phần sẽ trả lời rằng, phải có linh mục, người đại diện Chúa Kitô ở trần gian để “ nhập thế” và hướng đạo cho muôn người. Linh mục được xem như “ vị mục tử nhân lành” chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn sau: “ thật Thầy bảo thật các con: Ai không qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng cảu anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” ( Ga10, 1-5 ).

Để trở thành mục tử, trước hết, linh mục phải là người “ đi qua cửa mà vào đàn chiên”, nghĩa là, thiên chức linh mục phải là hoa quả của một đời dâng hiến hoàn toàn tự nguyện chứ không bị gượng ép. Linh mục tự nguyện đáp lại tiếng “xin vâng” trước Giáo Hội khi lãnh tác vụ linh mục và từ đó trở thành “mục tử” trong cánh đồng truyền giáo. Khi đã quyết định tận hiến đời mình để phụng sự Chúa, linh mục không ngừng nổ lực để đảm đương sứ vụ của mình, theo lời dạy của Thầy Chí Thánh: “ Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” ( Mt 16, 24 ). Và từ đó, cuộc đời linh mục gắn chặt với từng con chiên và cả đàn chiên.

Trước hết, là chủ chăn thì phải làm sao để chiên có thể nghe tiếng của mình. Vậy, tiếng nói của linh mục được thể hiện ở phương diện nào đây? Đó là lời dạy đức tin. Linh mục giúp dân nhận ra tiếng Chúa, nhận ra Chúa là một Thiên Chúa gần gũi, cùng đồng hành với con chiên và sẵn sàng nghe tiếng khẩn cầu của chúng. Tiếng nói của linh mục phải là tiếng nói yêu thương, xoa dịu những đau buồn của người dân, trút đi gắng nặng âu lo cho họ. Như nai rừng tìm về nguồn nước, giáo dân cũng khát Chúa Trời, khát lời Chúa. Vì thế, giáo dân sẽ buồn biết bao khi không nhận được nơi linh mục một lời dạy đức tin, một lời động viên ủi an khi thất vọng, một niềm vui trong chốn u sầu. Lời nói của linh mục phải khiêm nhường và dễ thương. Muốn thế linh mục phải gắn kết đời mình với đấng khởi nguồn yêu thương là Thiên Chúa, là tình yêu để kín múc tình yêu của Người. Giáo dân sẽ rất tinh ý và nhận ra đâu là tiếng nói của Chúa, đâu là tiếng nói nặng tính phàm tục. Giáo dân hiện nay không còn phải là những người dân ngu muội, thất học nhưng là những tú tài, những cử nhân, những tiến sĩ, bác sĩ…Vì thế, lời nói của linh mục phải có trọng lượng, của một nguơi có học vấn thực sự chứ không đơn thuần là những lời kinh hạt ê a suốt ngày. Cho nên, linh mục phải không ngừng nâng cao kiến thức đạo đời, phải thức thời, phải nắp bắt mọi thông tin, mọi chuyển đổi của thời đại để hướng dẫn cho giáo dân của mình, phải lo trau truốt bài giảng, giảng phải hay thì giáo dân đi lễ mới nhiều…

Linh mục còn phải là người biết yêu, tức là hiểu được tâm tình, sở thích, của đối tượng mình yêu là giáo dân. Trong dụ ngôn, Chúa đã đưa ra những động từ rất dễ thương như gọi tên từng con và dẫn chúng ra. Gọi tên từng con có nghĩa là biết hết từng đối tượng như người già cả, kẻ ốm đau, thanh niên nam nữ, trẻ con, người giàu sang, kẻ cùng quẩn…Điều này quả thực chẳng dễ chút nào, bởi vì có những giáo xứ đông tới hàng nghìn giáo dân thì làm sao linh mục biết được từng con chiên một. Tuy nhiên, Biết ở đây không nhất thiết phải là biết tên từng cá nhân, gia đình nhưng biết tâm tư nguyện vọng của con chiên của từng giới. Cho nên, trong công tác mục vụ, linh mục phải linh động và đánh vào những điểm “nhấn” của từng vấn đề thích nghi với mọi giới, ví dụ: với giới trẻ linh mục cần tìm những hình thức hoạt động sôi nổi thể hiện tính trẻ trung và khuyến khích chúng tìm lý tưởng đích thực cho cuộc sống; với người già cả, nên dùng những phương pháp thiên về chiêm niệm, nguyện ngắm; với trẻ em thì những hình thức khơi lòng hiếu động như làm việc bác ái, thi đua làm việc lành… Linh mục cần tìm ra những khuyết điểm của giáo dân để bổ cứu và phát hiện những ưu điểm để khuyến khích, động viên. Một điều quan trọng nữa là linh mục phải nắm bắt được đặc trưng mục vụ của các vùng miền để đáp ứng cho thích hợp, ví dụ: không thể đem phương pháp mục vụ cho miền núi mà áp dụng cho đồng bằng, thành thị. Làm thế, chẳng khác nào xây nhà trên cát. Nếu linh mục cứ khăng khăng một phương pháp cổ hũ của mình cho mọi vùng miền thì không thể đáp ứng được với thời đại tân tiến như hôm nay. Việc đọc kinh cầu nguyện lâu giờ thậm chí suốt buổi chỉ có thể áp dụng được cho vùng quê, vùng sâu vùng xa, nơi đó người dân nhàn cư rãnh rang, nhưng không thể áp dụng cho giáo dân thành thị, cố đô, nơi người ta đang sống trong mọt xã hội xô bồ, chạy đua với thời gian, giờ giấc hành chính… Như thế, linh mục trở nên nguời của muôn người, “ làm dâu trăm họ” và hướng dẫn họ đi trong đường chân lý. Linh mục không còn chỉ biết sống cho riêng mình nữa; không còn trong biên giới của ích kỷ cá nhân mà vươn tới biên giới của muôn người, để sống cùng, sống với và sống vì con chiên.Tình yêu thương của linh mục giành cho con chiên không được vị kỷ hay thiên lệch. Linh mục sẵn sàng từ bỏ tình riêng để trao ban tình chung; linh mục khước từ những tình cảm vấn vương của gia đình để dang rộng cánh tay tới gia đình lớn hơn là Giáo Hội, nơi đó, muôn người là anh em. Hy sinh là dấu chỉ của tình yêu. Người tông đồ của Chúa phải biết yêu: yêu các linh hồn, không phải vì mình nhưng vì Chúa. Do đó, người tông đồ cần phải biết từ bỏ mình trong mọi sự để chỉ tìm lợi ích cho con chiên. Tình yêu của chủ chăn còn phải đượcthể hiện sống động bằng các cử chỉ bên ngoài như hỏi han, thăm nom con chiên, chia sẽ vui buồn với nó. Ngôn ngử của linh mục phải là ngôn ngử của bác ái. Chúng ta đã từng nghe tới tấm gương kiên trung của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, một “ mục tử nhân lành” của Giáo Hội Việt Nam chúng ta. Trong mười luật sống của ngài, chúng ta đọc thấy luật thứ 9 rằng: “ Tôi chỉ nói một thứ ngôn ngữ duy nhất và mặc một thứ trang phục: Bác Ai”. Ngài kể rằng: Tôi bị bắt giam trong một thời gian dài suốt 13 năm. Có hai tên cận vệ canh chừng tôi nhưng chẳng bao giờ nói với tôi một lời, chỉ “ có” và “ không”. Nhưng cuối cùng, họ trở thành anh em của tôi chẳng phải vì tôi cho họ cái gì trị giá bằng vật chất, nhưng tôi đã cho họ tình yêu của Chúa Kitô. Tôi đã cười với họ, đã dạy ngoại ngữ cho họ, đã coi họ là bạn tôi, là anh em tôi. Thiết tưởng, không riêng gì Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, mỗi linh mục cũng phải biết sống bác ái yêu thương như Chúa đã yêu thương. Tình yêu của linh mục phải giống như tình yêu của Chúa: yêu đến độ chịu chết và chết trên thập giá.

Để dẫn dắt đoàn chiên tới cánh đồng, tới nguồn suối mát, linh mục ( người chăn dắt các linh hồn) phải đi bước trước. Trong việc đạo đức, linh mục phải là tấm gương sống động về đời sống cầu nguyện. Linh mục phải tự nhận thức và giúp giáo dân nhận thức rằng đời sống cầu nguyện quá ư quan trọng:

“Nếu không thở bạn sẽ chết

Nhưng nếu không cầu nguyện,

Cuộc sống bạn chỉ trống rỗng vật vờ như các xác không hồn”

( Soren Kier Kegard )

Dù trong hoạt động nào, dù trong việc đạo đức nào, linh mục cũng phải chỉ cho giáo dân một điều, một điều duy nhất mà thôi đó là Thiên Chúa, một Thiên Chúa vô cùng yêu thương ta, đã tạo dựng nên ta và cứu ta bằng giá máu Con Của Ngài. Thật nguy hiểm khi giáo dân chỉ thấy được vẻ oai vệ của vị linh mục, chỉ thấy dược cái uy vì “ thét ra lửa” của ngài mà không thấy được khuôn mặt khả ái của Chúa. Linh mục ý thức sâu xa rằng mình là sứ giả của Chúa, mọi thành công của mình là của Chúa. Và, khi danh của mình lớn lên thì danh Chúa bị nhỏ lại; khi tiếng nói hống hách của mình ngự trị thì tiếng nói yêu thương của Chúa bị tắt lịm đi. Linh mục phải sống một đời đạo đức thực sự chứ không phải chỉ với hình thức bề ngoài. Khi nói về linh mục, có người cho rằng: nếu linh mục mà thực sự thánh thiện thì giáo dân đạo đức; khi linh mục kha khá thì giáo dân bình thường. Vậy khi đời sống đạo đức linh mục bình thường thì đời sống giáo dân thế nào đây? Đó là một câu hỏi đang chất vấn mọi “ mục tử” của Chúa và những ai đang tiếp bước trên con đường này.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thời đại phát triển, đời sống vật chất đầy đủ, nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại phục vụ hữu hiệu cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, nhiều người, đặc biệt giới trẻ đang lâm vào con đường tội lỗi: xem phim ảnh xấu, quan hệ nam nữ bất chính diễn ra tràn lan, tình trạng nạo phá thai đầy dẫy. Đối với họ, quan niệm về tội lỗi xem ra bị lu mờ đi nhiều. Linh mục phải tìm hiểu sâu xa nơi bản thân, ý thức về sự dữ nặng nề do tội lỗi gây nên để hướng dẫn người dân tránh xa, đồng thời phải có thái độ khoan dung với họ. Linh mục phải mặc lấy con người yêu thương, tha thứ của Chúa Giêsu: yêu thương hết mình, yêu thương vô vị lợi và yêu thương đến chết. Sống trong một xã hội đầy dẫy những bất công, hận thù, chiến tranh, loạn lạc, linh mục phải là nguời dũng mãnh trong đức tin, người trấn an giáo dân của mình trong mọi cảnh huống nghiệt ngã của cuộc sống, như Chúa Giêsu đã nói: “ các con đừng sợ vì Thầy đã chiến thắng thế gian”.

Ngoài ra, linh mục không ngừng nâng cao kiến thức để thích ứng với mọi thời đại. Nhờ thế, đạo Chúa không ngừng được mở mang và “nhập thế” mọi nơi, mọi lúc. Có như thế người dân sẽ vững tin trong đời sống đạo vì có vị chủ chăn đáng kính, đáng tin của mình. Họ sẽ không nghe theo tiếng của người lạ vì họ đã có linh mục, người đại diện Chúa cho họ biết họ sẽ được sự sống viên mãn : “ Ai theo Thầy sẽ có sự sống đời đời”. Thế nhưng có những lúc linh mục trở thành người lạ của dân, đó là khi ngài không còn nói tiếng nói của Thiên Chúa nhưng là tiếng nói của con người, của lòng ích kỷ, của cường quyền, của kiêu căng hống hách. Thật đáng thương cho đoàn chiên nào có một vị mục tử như thế. Lũ sói sẽ đến và đoàn chiên sẽ tan tác. Nếu linh mục trở nên người lạ thì sự hiện diện của ngài sẽ mãi mãi là tiếng thở dài nức nở của con chiên mình.

Cánh đồng truyền giáo đang trải ra mênh mông trước mắt chúng ta, nhiều uẩn khúc, chông gai đang chờ. Giáo Hội đang ngày đêm kêu gọi và cổ võ những bước chân tận hién cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy biết quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi để lên đường, hầu mang lại nhiều hoa trái. Và, khi đã lê đường, chúng ta không ngại đau khổ, chông gai vì đã có Chúa đồng hành với chúng ta, vì sức mạnh thập giá và phục sinh của Chúa Kitô bao giờ cũng lớn hơn tất cả mọi sự dữ mà con người có thể sợ và phải sợ: “ Anh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối không diệt được ánh sáng”. Mong sao các linh mục mãi mãi là những “mục tử nhân lành” của Chúa để dẫn dắt đoàn chiên Chúa tới cánh đồng đầy hoa thơm cỏ lạ, đầy gió mát trăng thanh, đầy suối mát sông dài , đầy hạnh phúc là nước thiên đàng mai sau.

Jos. Đồng Lạc