“Lên Trời là một bước tiến nữa trong việc thâm hậu hóa sợi dây liên kết của Chúa Kitô với Giáo Hội, và qua Giáo Hội, với toàn thể vũ trụ: ‘Người đã lên… để làm cho vũ trụ được viên mãn’ (Eph 4:10)”.

Thế kỷ thứ tư, một mệnh phụ Rôma giầu có tên là Poemenia đã cho xây một nhà thờ trên Núi Cây Dầu, nơi Chúa Kitô về trời. Thánh điện này có một tháp vòm lộ thiên để tín hữu có thể ngắm bầu trời trong khi cử hành phụng vụ. Ở các thánh điểm khác tại Đất Thánh, khách hành hương luôn tìm cách bước theo dấu chân Chúa Giêsu; còn ở đây, họ ngước mắt hướng lên bầu trời nơi, theo trình thuật của Thánh Luca, Thầy Chí Thánh ra đi lúc Người thăng thiên. Theo lời thầy Luis de León, việc chia tay này với Chúa Giêsu cũng như đám mây “quyện lấy Người” đem Người đi khỏi tầm nhìn của ta cho phép ta đọc mầu nhiệm này trong hoài nhớ. Dòng Thánh Augustinô có dành một bài thơ cho Thăng Thiên để trách Chúa Giêsu ra đi: “Còn Ngài, hỡi Mục Tử thánh thiện, bỏ đoàn chiên Ngài ở lại thung lũng này, sâu hoắm và tối đen, trong cô đơn và sầu khổ, xé nát bầu khí thanh trong, Ngài trẩy về chốn bất tử, an tòan và an ninh ư?”. Bài thơ này tiếp tục than vãn nỗi bất hạnh của những kẻ mất Thầy, những kẻ tội nghiệp và sầu khổ, không còn biết quay về đâu. Thi sĩ Péguy cũng phát biểu cùng một tình cảm này trong Mầu Nhiệm Bác Ái Của Gioan Thành Arc. Các nhà thờ trong thế giới Kitô Giáo, với những đền thánh vĩ đại và các bổn mạng danh tiếng, chẳng bao giờ so sánh được với những người và những nơi từng được chứng kiến từng bước chân của Chúa Giêsu, từng cầu khẩn Người và thậm chí còn được đụng tới vạt áo Người:

“Hỡi các giáo xứ Pháp, giáo xứ ấy đã được ban điều chưa bao giờ được ban cho các ngươi, điều từ thuở đời đời chưa bao giờ được ban cho bất cứ giáo xứ nào khác… Hạnh phúc thay người phụ nữ đã đổ dầu thơm lên chân Người, đã xức thuốc thơm lên đầu Người… lên chân Người, lên đầu thân thể Người… Mọi đấng thánh nam thánh nữ đang chiêm ngưỡng Chúa Giêsu ngự bên tay phải Chúa Cha. Và ở đó, ở thiên đàng, Người có, người có thân xác làm người của Người, thân xác nhân bản trong trạng thái vinh hiển, vì Người là thế nào thì Người lên Thiên Đàng thế ấy, vào ngày thăng thiên. Nhưng ngươi, chỉ một mình ngươi, ngươi được thấy, ngươi được rờ, người nắm được thân xác nhân bản ấy trong tính nhân loại của nó, trong tính nhân loại chung, từng bước đi ngồi xuống trên mảnh đất chung của chúng ta này”.

Tuy nhiên, các Tin Mừng từng thuật lại việc ra đi của Chúa Kitô không hề cho phép ta đọc cuộc Thăng Thiên một cách hoàn toàn hoài nhớ. Thánh Luca, chẳng hạn, nhấn mạnh tới niềm vui các tông đồ đem trở lại Giêrusalem, một niềm vui lớn gợi nhớ lại việc Đấng Mêxia sinh ra, và do đó đem việc hạ sinh này tới chỗ hoàn tất (xem Lc 2:10 và 24:52). Đây là niềm vui của những người từng gặp gỡ đức tin (xem Cv 8:8 và 15:3), thực sự đã dự phóng niềm vui trọn vẹn của Chúa Thánh Thần, được Chúa Giêsu nói cho các tông đồ hay ở Buổi Tiệc Ly (Ga 16:24 và 17:13). Như thế, các tông đồ đâu có hiểu Thăng Thiên như một mất mát; đúng hơn, các ngài đã được ban cho một dư thừa mới. Chính Chúa Giêsu bảo đảm với các ngài rằng “Thầy đi thì tốt hơn cho các con” (Ga 16:7). Điều này có nghĩa: trong mọi mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Giêsu, Thăng Thiên gần gũi nhất đối với chúng ta; nó là khởi điểm của Đức Tin và của Chúa Kitô và của việc chiêm ngắm con người và việc làm của Người. Như Romano Guardini từng nhận định, trong các trước tác Tân Ước, các thư của Thánh Phaolô, trên thực tế, dễ hiểu nhất đối với người tin, bất chấp tính phức tạp biểu kiến của chúng. Chỉ khi nào lấy giáo huấn của Thánh Phaolô làm hậu cảnh, tín hữu mới có thể tiếp cận các tin mừng nhất lãm mà không sợ giải thích sai lầm chúng.

Dù điều này xem ra nghịch lý, nó vẫn có ý nghĩa sâu xa: kinh nghiệm của Thánh Phaolô giống kinh nghiệm của ta nhiều hơn cả. Ngài không thấy cũng chẳng rờ được Chúa Giêsu, như những người khác lúc Người còn trên cõi thế; đúng hơn, ngài biết Người qua ánh sáng đức tin và quyền lực Chúa Thánh Thần. Trong khi thánh nữ Maria Mađalêna muốn bám lấy Chúa Kitô phục sinh (xem Ga 20:17) để thánh nữ tiếp tục có được các tiếp xúc với Người theo cách quen thuộc xưa nay, thì thánh Phaolô viết rằng “dù có lần ta đã biết Chúa Kitô theo thân xác, thì nay, ta không còn biết Người như thế nữa” (2Cor 5:16). Không lạ gì Thánh Augustinô coi Lễ Thăng Thiên là đỉnh cao của năm phụng vụ.

Nguồn suối sự sống Kitô Giáo phát nguyên từ đây, trong cách thế hiện diện khác biệt của Chúa Giêsu, một sự hiện diện đã được khai mạc trên Núi Cây Dầu. Ở lúc Thăng Thiên, tín hữu nhận được các phương hướng chính cho cuộc sống của mình với Chúa Kitô; cấu trúc của nhiệm cục bí tích và của ý nghĩa cùng sứ mệnh của Giáo Hội; và đặc điểm mới của kỷ nguyên Kitô Giáo, trong đó, thời cuối cùng đã khởi đầu. Ta phải hiểu ra sao về tính đồng thời của việc vừa hiện diện vừa vắng bóng được biến cố Thăng Thiên này làm chứng? Để trả lời cho câu hỏi này, ta hãy bắt đầu nghiên cứu trình thuật của Thánh Luca.

1. Trình thuật Lên Trời

Thánh Luca không phải là tác giả duy nhất kể với chúng ta việc Chúa Kitô lên trời. Sự kiện này được làm chứng dưới hình thức này hay hình thức nọ trong toàn bộ Tân Ước. Nó là thành phần trong trình thuật sơ truyền (kerygmatic) thuật lại cuộc đời Chúa Giêsu và sau này, nó đã bước vào Kinh Tin Kính. Tuy thế, tin mừng gia thứ ba là người thuật lại biến cố này một cách chi tiết hơn cả và đem lại cho nó một tầm quan trọng dứt khoát trong công trình soạn tác của mình. Khung cảnh diễn ra tại Giêrusalem, vốn là điểm đến của Chúa Giêsu và là điểm phát khởi sứ mệnh của Giáo Hội. Chính vì thế, Thánh Luca có thể kết thúc tin mừng của ngài bằng biến cố này, rồi thuật lại nó một lần nữa như một thứ khai mào cho Công Vụ. Thăng Thiên là một mầu nhiệm, giống như thần Janus, nhìn cả đàng sau lẫn đàng trước.

Trước nhất, mầu nhiệm này đi vào quá khứ, đem hành trình của Chúa Kitô đến chỗ hoàn tất. Thánh Luca trình bày cảnh này như để kết thúc đoạn lồng vào (inclusion) thật dài, bắt đầu với các trình thuật tuổi thơ. Ở đây, một lần nữa, Thánh Luca nói tới “niềm vui lớn” từng dùng để mô tả biến cố Truyền Tin (xem Lc 2:10 và 24:52). Mọi sự đều được định vị gần Đền Thờ, nơi các môn đệ thường tới lui để cầu nguyện, và là nơi diễn ra câu truyện của Giacaria, được Thánh Luca sử dụng để khởi đầu tin mừng của ngài. Đàng khác, ta còn được kể về lời chúc lành cuối cùng của Chúa Giêsu, lời chúc lành mà thân phụ Tẩy Giả đã không thể nào ban cho dân chúng được vì ông thiếu đức tin.

Điều đặc biệt quan trọng là phải chú ý tới mối liên kết giữa Phục Sinh và các lần Chúa Kitô hiện ra. Trình thuật của Thánh Luca cho ta cảm tưởng này: Chúa Giêsu đã sống lại, hiện ra với các môn đệ và lên trời vào ngày thứ nhất trong tuần. Như thế, trình thuật đã làm nổi mối liên kết rất chặt chẽ giữa mọi biến cố vượt qua. Do đó, Thăng Thiên đã kết thúc mọi cuộc hiện ra của Chúa Kitô. Cũng một Chúa Giêsu từng đồng hành với các môn đệ trên đường Emmau và hiện ra với các môn đệ ở Phòng Trên Lầu, đã tự để Người được thấy, được tiếp xúc, đã ăn uống với các môn đệ (Cv 10:41), nay kết thúc thời kỳ mầu nhiệm hiện ra trong thân xác phục sinh của Người. Sự kiện này làm mầu nhiệm Thăng Thiên khác hẳn các trình thuật ngoại giáo về việc được đưa lên trời, và khác với các cuộc lên trời khác được kể trong Cựu Ước, như cuộc lên trời của Tiên Tri Êligia: ở đây, Đấng lên trời là Đấng đã phục sinh; thân xác Người đã chiếm hữu được đặc tính phi thường của thân xác đã được thiêng liêng hóa, đầy vinh quang. Thân xác mất hút sau đám mây là thân xác đã chiến thắng cái chết.

Thứ hai, Thăng Thiên cũng được cột chặt với lịch sử tiếp theo, được kể trong Tông Đồ Công Vụ. Ở đây, ta nên nhắc lại việc chúc phúc vĩ đại ở đoạn kết Tin Mừng Luca, một chúc phúc trùng hợp với biến cố Thăng Thiên, và do đó được bất tử hóa trong tâm trí các chứng nhân tận mắt (Lc 24:50). Chúa Giêsu ra đi trong một tư thế đáng lưu ý, với đôi tay trải rộng trên các môn đệ. Ta nên hiểu rằng trong Cựu Ước, chúc phúc là một hình thức Thiên Chúa liên tục hiện diện với dân Người giữa mọi thăng trầm của cuộc đời, đặc biệt bao lâu sự hiện diện này đem lại sự sống: Giavê giáng phúc cho mưa cho nắng, làm ruộng đồng mầu mỡ, ban con cháu cho súc vật và con người. Như thế, quả là lầm lẫn khi coi Thăng Thiên như một kết thúc. Đúng hơn, nó đánh dấu buổi đầu của một thời đại tăng trưởng và mầu mỡ mới. Như thế, chương mở đầu Sách Công Vụ không phải là một lặp lại dư thừa: dù nó thuật lại cùng một mầu nhiệm, nhưng đã thuật lại dưới một ánh sáng mới, với một vọng nhìn về tương lai, về các hiệu quả mà mầu nhiệm này sẽ phát sinh trong đời sống Giáo Hội. Khi Chúa Kitô ngự bên tay phải Chúa Cha, tức biến cố đánh dấu đỉnh cao của Thăng Thiên, ta sẽ thấy rõ ta phải hiểu Thăng Thiên như là mầu nhiệm việc Thầy chí thánh tiếp tục hiện diện với các môn đệ suốt giòng lịch sử. Thánh Máccô làm nổi bật viêc này ở phần kết luận Tin Mừng của ngài: sau khi lên trời, Chúa “cùng hoạt động với các môn đệ” (Mc 16:20). Còn trong Công Vụ, chủ đề nước Thiên Chúa và địa vị chúa tể lịch sử của Người (xem Cv 1:6: “thưa Thầy, có phải lúc này là lúc Thầy sắp sửa khôi phục vương quyền cho Israel không?”) đã được tách biệt khỏi quan tâm quá đáng về việc tính toán ngày giờ chính xác cho biến cố tận thế, để hiểu chúng dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đấng sẽ ban cho các tông đồ quyền lực của Người: “Các con không cần biết thời giờ hay kỳ hạn… Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên các con” (Cv 1:7).

Tính đặc thù của mầu nhiệm này nêu lên nhiều câu hỏi. Trước nhất, là câu hỏi về mối tương quan giữa Thăng Thiên và Phục Sinh. Thăng Thiên có đem lại điều gì mới không? Hay nó chỉ là một khía cạnh khác của Phục Sinh, tức việc nâng Chúa Giêsu lên vinh quang Chúa Cha? Và đâu là ý nghĩa của 40 ngày hiện ra với các môn đệ mà theo Thánh Luca đã kết thúc với việc Chúa Kitô lên trời? Đàng khác, ta cũng phải tìm hiểu mối liên hệ giữa Thăng Thiên và thời của Giáo Hội: Chúa Giêsu hiện diện cách mới mẻ ra sao với các môn đệ đến nỗi họ tràn ngập niềm vui khi thấy Người ra đi (Lc 24:52)? Tại sao Người cần phải ra đi, tại sao sứ mệnh của Người cần được trải dài đến lúc này khi “chúng tôi yêu mến Chúa Giêsu, dù không thấy Người” (xem 1 Pr 1:8)? Trước nhất, ta hãy xem xét mối liên kết giữa Thăng Thiên và Phục Sinh.

2. Phục Sinh và Thăng Thiên

Hiện nay, đang có lối giải thích rất phổ thông coi Thăng Thiên chỉ là một khía cạnh của Phục Sinh. Nhiều đoạn trong Tân Ước trình bày Phục Sinh như việc trở lại với sự sống và được hiển dương hay được tôn vinh trên cao. Từ đó có thể nói rằng nếu Phục Sinh tự nó đã là việc được nâng cao lên với Chúa Cha rồi, thì biến cố có tính lịch sử là Thăng Thiên đâu có thêm điều gì có tính yếu tính cho Phục Sinh nữa. Thực vậy, Chúa Kitô không cần phải lên trời, nghĩa là bước vào lãnh vực Thần Linh, vì điều này chính là điều đã xẩy ra rồi trong việc phục sinh của thân xác Người.

Để hỗ trợ cho quan điểm này, ta cần phải nói rằng sự Phục Sinh của Chúa Giêsu không được hiểu đơn giản chỉ là việc “trở lại với sự sống”. Một điều có tính yếu tính vốn phân biệt nó với các phép lạ khác như việc làm cho Ladarô hay làm cho con trai bà góa Thành Naim sống lại. Thân xác ra khỏi mồ của Chúa Giêsu là thân xác không thể hư nát được nữa; thân xác vinh hiển của Người đã tham dự vào sự sống của Thiên Chúa và do đó đã đạt được lối hiện hữu không thể bị khuất phục nữa, một lối hiện hữu được phát sinh mới mẻ cho Thiên Chúa nhờ Thần Khí thánh thiện (xem Rm 1:4).

Ấy thế nhưng điều này khiến ta tự hỏi: điều gì đặc trưng đối với mầu nhiệm Thăng Thiên? Có thể có những câu trả lời như sau. Ta có thể bác bỏ ngay từ đầu bất cứ lý thuyết nào cho rằng đây chỉ là một việc bất hợp pháp vì đã biến chân lý Kitô Giáo thành một huyền thoại theo kiểu các tôn giáo Hy Lạp lúc ấy. Thực vậy, điều đứng đàng sau hậu cảnh của trình thuật Tân Ước là chứng từ của Cựu Ước, vốn phản ảnh lịch sử của một dân tộc đang lên đường tiến về hướng Giavê; và mục đích của hoạt cảnh Thăng Thiên chính là tính cụ thể hoàn toàn của lịch sử cứu độ, hoàn toàn ngược lại với huyền thoại. Như Walter Kasper từng viết, ở đây mythica antimythica dicunt (huyền thoại bị chính ngôn từ huyền thoại tiêu diệt).

Tuy nhiên, dù bác bỏ giả thuyết vừa kể, người ta vẫn có thể cho rằng Thánh Luca đơn thuần sáng chế ra một lý thuyết thần học để giải thích điều xẩy ra lúc Phục Sinh, tách biệt hóa một số khía cạnh của mầu nhiệm để rồi khai triển chi tiết cái hiểu của riêng ngài về lịch sử cứu độ. Thời của Chúa Giêsu được nối tiếp bằng thời của Giáo Hội; và Thăng Thiên đảm bảo liên tục tính giữa hai thời này. Tự nó, Thăng Thiên không có vị trí gì cả ngoại trừ để phát biểu cách cụ thể một chân lý nền tảng. Nếu phải rút ra luận lý học của quan điểm này, thì hẳn nhiên đây là một bác bỏ không những chân lý Thăng Thiên như là một biến cố lịch sử cụ thể, mà còn bác bỏ luôn các lần hiện ra sau Phục Sinh nữa. Điều này đặt đức tin vào chỗ sai lầm của thuyết huyễn tượng (docetism); đối với thuyết này, Phục Sinh là một biến cố hoàn toàn nội tâm.

Một khả thể khác là chấp nhận rằng các lần hiện ra có diễn ra, nhưng phải coi chúng như một thứ quá trình thích nghi của các môn đệ. Họ cần có thời gian để hiểu Phục Sinh, là biến cố đảo lộn hết cái hiểu của họ về thế giới, về con người, và về Thiên Chúa. Họ cần vững tâm đối với chân lý Phục Sinh của Chúa Giêsu, được đụng chạm vào Người bằng thân xác; và điều này đơn thuần đòi một kiên nhẫn thích đáng đối với thân xác. Lối nhìn này có tính đến một sự kiện quan trọng và có lưu tâm thoả đáng tới tính thể xác của Phục Sinh. Tuy nhiên, điều đáng để ý ở đây là: Thăng Thiên không được coi như có liên hệ tới chính Chúa Kitô. Nó chỉ là lần hiện ra cuối cùng sau Phục Sinh, chỉ là một hiện ra nữa trong một loạt hiện ra, chỉ khác biệt vì nó được dùng để kết thúc thời kỳ cần thiết cho việc thiết lập các trụ cột cho Giáo Hội. Tức là, lối giải thích này không phân biệt Phục Sinh và Thăng Thiên trong liên hệ với chính Chúa Giêsu, nhưng chỉ liên hệ tới việc tiếp nhận các biến cố vượt qua của các môn đệ mà thôi. Trong lối nhìn này, trọng điểm của Thăng Thiên chỉ có tính giáo huấn.

Vấn đề bao quanh sự dị biệt giữa Phục Sinh và Thăng Thiên khá tế vi. Quả là khó khi cố gắng hiểu thân xác vinh hiển là như thế nào, càng khó hơn nữa là muốn hiểu một thứ trạng thái trung gian, tức trạng thái Chúa Giêsu từ từ được vinh hiển hóa trong thân xác của Người; khó mà có sự gia tăng gì nơi Người vì Người là Đấng đã hưởng trọn sự viên mãn cuối cùng, tức sự viên mãn dứt khoát và không thể vượt qua được. Tuy nhiên, trước khi giải quyết các khó khăn liên quan tới các quan niệm này, tưởng nên tìm hiểu các từ ngữ của vấn đề, hiểu rõ hơn ở đây muốn nói tới điều gì.

Một đàng, điều chủ yếu là phải nhấn mạnh tới mối liên kết mật thiết giữa hai mầu nhiệm này. Trình thuật của Thánh Luca không tách rời chúng, dù có phân biệt. Một động lực duy nhất đã phát khởi từ Vọng Phục Sinh, kéo dài suốt thời gian có các cuộc hiện ra, và lên tới tột đỉnh ở lúc Thăng Thiên. Ta có thể nói rằng khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, thì Người luôn như một Đấng “đang ở trên đường” từ từ tiến về Chúa Cha; ta không thể “bám” vào Người. Khó có thể nhận ra mặt Người vì đây là gương mặt đang chuyển động hướng về Chúa Cha trên cao; gương mặt Người đã thay đổi, như một âm thanh khi nguồn của nó di chuyển xa ta.

Như thế, điều chủ yếu là duy trì sự thống nhất của hai mầu nhiệm, như các sách Tin Mừng vốn làm, luôn trình bày Phục Sinh như một sự tôn vinh, hay một việc lên trời, dù chưa minh nhiên dùng chữ Thăng Thiên. Đàng khác, tính thống nhất này ngăn cản ta không được quên sự thật của Phục Sinh, vốn không đơn thuần chỉ là việc trở lại với sự sống, mà đúng hơn là sự viên mãn trong liên hệ với Chúa Cha; sự bất tử vốn được hiểu là việc con người trở thành con cái mới của Thiên Chúa.

Đàng khác, hai biến cố vẫn cần được phân biệt với nhau. Cho dù phải bênh vực tính thống nhất của Phục Sinh và Thăng Thiên, ta cũng vẫn phải tránh không được che dấu việc Chúa tỏ mình ra cho các môn đệ và việc này nữa: các lần Người hiện ra với các môn đệ đều diễn tiến trong một diễn trình thời gian. Theo tác phẩm của Đức HY Walter Kasper về vấn đề này, câu hỏi của chúng ta ở đây được nối kết với đặc điểm lịch sử của Kitô Giáo. Ơn cứu rỗi diễn ra trong lịch sử và do đó sở hữu được tính mới mẻ và bất phản hồi riêng của nó; thực vậy, đó chính là điều bảo đảm cho tính nhưng không của ơn cứu rỗi, không thể coi nó như một điều Thiên Chúa mắc nợ con người, như một điều gì con người có “quyền”, như một nhu cầu mà bản chất của tạo dựng đòi phải có. Như đã nhận định trên đây, chủ trương Thăng Thiên có đặc điểm lịch sử là bác bỏ bất cứ lối giải thích nào muốn biến nó thành một thứ huyền thoại. Vì não trạng huyền thoại nhìn lịch sử chỉ như một chu kỳ lặp đi lặp lại một mẫu biến cố đã được ấn định từ thuở đời đời, một chu kỳ bắt buộc phải diễn ra theo một thứ tất yếu bi thảm nào đó.

Ý niệm sau đây, một ý niệm được Kaspers nhấn mạnh, có tính hết sức chủ yếu: Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu không làm mất thời gian tính của bản tính nhân loại nơi Người; dù đã được hiển vinh, Chúa Giêsu vẫn không bước sang một thứ cảnh vực bên ngoài lịch sử. Nhà thần học người Đức này cho rằng “sự kiện Thánh Luca mô tả việc Chúa Giêsu lên hưởng vinh quang Thiên Chúa như một con đường, theo chúng tôi, có nghĩa là trong và qua sự Phục Sinh của Người, Chúa Giêsu không những tiếp nhận cho mình không gian mà cả thời gian nữa và Người dấu thời gian này trong Thiên Chúa, để đưa ra ánh sáng sự viên mãn của mọi thời gian và kết hợp các thời gian này trong chính Người”. Kasper không nói rõ thêm về sự phân biệt giữa Phục Sinh và Thăng Thiên, dù ngài quả có kết luận rằng sự phân biệt giữa hai mầu nhiệm do Thánh Luca đưa ra nói lên một khía cạnh nền tảng của Phục Sinh, và do đó, hợp lý.

Một cuộc nghiên cứu gần đây của D.Farrow đã nhấn mạnh tới sự khác nhau giữa hai mầu nhiệm và nhận định rằng làm mờ đường răn giữa hai mầu nhiệm này là một điều nguy hiểm. Thí dụ, Farrow cho rằng có thể có cái nguy cơ thiêng liêng hóa sự Phục Sinh. Nếu Thăng Thiên thực sự không xẩy ra, thì giá trị của khoảng thời gian sau Phục Sinh khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ cũng sẽ không còn; vì lúc đó, người ta có thể giải thích những lần hiện ra này chỉ như những cảm nghiệm chủ quan của các môn đệ mà thôi. Điều này dễ dàng dẫn tới ý tưởng sau: điều xảy ra lúc Phục Sinh là một biến cố ngoại sử (extra-historical), chứ không hẳn là cơ sở và là sự viên mãn của chính lịch sử. Nghĩa là: nếu ta đánh mất Thăng Thiên, thì việc này chắc chắn sẽ dẫn tới một thứ “huyễn tượng luận cánh chung” (eschatological docetism) tức là ta sẽ đánh mất sức nặng và sự rắn chắc của thân xác vinh hiển của Chúa Giêsu. Càng duy trì được tính hiện thực của những lần hiện ra sau Phục Sinh và của Thăng Thiên, ta càng khó bị rơi vào những mơ hồ vừa kể.

Farrow cũng nhấn mạnh rằng hòa lẫn hai biến cố thành một sẽ rơi vào một lầm lẫn có tính Giáo Hội học. Thực vậy, Thăng Thiên giúp ta nhìn nhận sự kiện này: Chúa Giêsu lìa khỏi ta. Và làm thế, nó bảo đảm sự phân biệt giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúa Giêsu không đơn thuần hiện diện một cách hoàn toàn trong Giáo Hội. Nhìn dưới ánh sáng này, các lời than van của Thầy Luis de Leon, mà chúng ta nhắc tới ở đâu bài này, xem ra không hoàn toàn không có căn bản.

Farrow cho rằng nếu ta bỏ Thăng Thiên đi, thì điều này sẽ dẫn tới việc tuyệt đối hóa Giáo Hội, như thể sự hiện diện của Chúa Giêsu đã bị Giáo Hội hoàn toàn hoàn hợp (consummated), như thể Giáo Hôi phần nào thay thế hẳn cho Thầy Chí Thánh. Nhờ phân biệt hai cách thế gặp gỡ Chúa Kitô, tức cách gặp gỡ của các nhân chứng đầu tiên và cách gặp gỡ của các tín hữu khác, Thăng Thiên nhắc ta nhớ rằng cách ta tìm thấy Chúa Giêsu không đơn thuần nhờ Phục Sinh, mà nhờ tất cả những gì tiếp theo sau việc Thăng Thiên; ta là những người “không thấy mà tin” (Ga 20:29).

Ta phải nói gì về đề xuất này? Dù nhận cho quan tâm của Farrow có giá trị đi chăng nữa, ta vẫn phải nói rằng ông đã không lưu ý đủ tới một điểm quan trọng: cách Chúa Giêsu hiện diện với ta sau Thăng Thiên thực ra hoàn hảo hơn cách Người hiện diện với các môn đệ trước Thăng Thiên, và tính vô hình của sự hiện diện này không làm nó bớt có tính xác thân (corporeal).

Ta phải hòa giải việc cần phải duy trì tính thống nhất của hai mầu nhiệm này với việc cần phải phân biệt chúng ra sao? Tìm hiểu 40 ngày Chúa Giêsu sống với các môn đệ sau Phục Sinh sẽ giúp ta trả lời câu hỏi này.

Còn tiếp