(VIS) –Sáng nay Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên của một hội nghị quốc tế được tổ chức tại Rôma trong hai ngày 20 và 21 tháng 6 với chủ đề:”Tự do tôn giáo theo Quốc Tế Công Pháp và những tranh chấp về giá trị trên toàn cầu.” Hội nghị được Phân Khoa Luật của Đại Học Maria SS. Assunta University of Rome (LUMSA) và Trường Luật của St. John's University tổ chức.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng chủ đề tự do tôn giáo đã trở thành đề tài tranh luận cam go giữa các chính phủ và các tôn giáo, và Giáo Hội Công Giáo đã có một lịch sử lâu dài về hoạt động bênh vực cho tự do tôn giáo. Việc này đã đạt đến tột đỉnh trong tuyên ngôn “Dignitatis humanae” (Phẩm Giá Con Người) của Công Đồng Vatican II.

Ngài giải thích: “Mọi con người đều là những người ‘tìm kiếm chân lý’ về nguồn gốc và định mệnh của mình. Trong tâm trí họ, có những vấn đề và tư tưởng được nêu ra và không thể nào đè nén hay bóp nghẹn, vì được xuất phát từ đáy lòng con người và là một thành phần của căn tính người ấy. Đó là các vấn đề tôn giáo, và tự do tôn giáo là một nhân quyền căn bản, biểu hiệu cho phẩm giá cao cả nhất của con người, là tìm kiếm sự thật và gắn chặt vào sự thật, và công nhận rằng đó là một điều kiện tiên quyết để thực hiện tất cả các tiềm năng của mình. Tự do tôn giáo không chỉ là tự do tư tưởng hay tự do thờ phượng kín đáo. Đây là tự do sống theo các nguyên lý đạo đức, cả trong riêng tư hay trước công cộng, theo chân lý đã tìm kiếm được.”

Đức Thánh Cha mô tả tình trạng này là “thách đố lớn lao nhất của thế giới, là một căn bệnh, trong đó các tư tưởng yếu đuối cũng có thể giảm thiểu mức độ đạo lý nói chung, nhân danh những quan điểm sai lầm về sự bao dung, để đưa đến việc đàn áp những ai bảo vệ chân lý về nhân loại và các hậu quả về đạo đức”.

Ngài tiếp: “Vì thế, các hệ thống luật pháp, cả ở mức độ quốc gia và quốc tế được đòi hỏi phải công nhận, bảo đảm và bảo vệ tự do tôn giáo, vì đây là một nhân quyền căn bản của con người, trong phẩm giá nhân loại như những con người tự do, và cũng là một dấu chỉ của một nền dân chủ lành mạnh và một trong những nguồn gốc chính của sự chính đáng của một quốc gia. Tự do tôn giáo… khuyến khích sự phát triển các mối tương quan có sự tôn kính hỗ tương giữa các tôn giáo và sự hợp tác lành mạnh của họ với quốc gia và xã hội chính trị, mà không có sự hiểu nhầm về các vai trò cũng như không có sự xung khắc.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều khó hiểu là con người vẫn tiếp tục bị kỳ thị, bị hạn chế nhân quyền và còn bị đàn áp vì tuyên xưng đức tin của họ. “Bây giờ, việc đàn áp các Kitô hữu còn mạnh mẽ hơn vào các thể kỷ đâu tiên của Giáo Hội, và có nhiều vị tử đạo hơn thời đó. Điều này xẩy ra 1700 năm sau sắc lệnh của Đại Đế Constantine, cho phép các Kitô hữu được tự do tuyên xưng đức tin trước công chúng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng việc bầy tỏ niềm hy vọng rằng Hội Nghị sẽ chứng tỏ sâu xa và với tính cách khoa học vững mạnh về các lý do để bó buộc các hệ thống luật pháp phải tôn trọng và bảo vệ tự do tôn giáo.