Cả hai thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô được ví như cột trụ Giáo Hội trong những ngày sơ khai. Nhờ hai cột trụ này mà cả hai mặt đối nội cũng như đối ngoại đều được kiện toàn. Đối nội, điều hành do thánh Phêrô cầm cân, nảy mực; đối ngoại do thánh Phaolô khởi xướng. Cả hai đều là những chiến sĩ đức tin tiền phong ưu tú của Giáo Hội thời sơ khai.

Việc đối thoại giữa con người với con người sẽ dễ hơn nếu biết ít nhiều về con người mình đang đối thoại. Thứ nhất hiểu biết này giúp tránh câu nói vô tình nhưng có thể tạo cho người nghe thẹn chín người hoặc chính mình mặt tái xanh, mắc cở đến bỏng tai. Thứ hai hiểu biết này giúp cho hai người xích lại gần nhau, rút ngắn khoảng cách xa cách. Rất nhiều trường hợp dù đứng gần nhau nhưng lòng xa cách ngàn trùng vì xa lạ, không biết nhau. Thứ ba hiểu biết này giúp ta biết phải ứng xử thế nào cho thích hợp, đáp lễ đúng cương vị người đó. Thánh Phaolô rất thành công khi áp dụng nguyên tắc này trong việc rao giảng Tin Mừng với các dân tộc. Chính Đức Kitô cũng muốn biết về thính giả nhận biết Ngài là ai. Đức Kitô hỏi Phêrô người ta nghĩ gì về Ngài. Phêrô cho Ngài biết nhận định khác nhau của các nhóm. Đức Kitô hỏi về chính kiến của Phêrô. Còn anh, anh nghĩ thế nào về Thầy. Đức Kitô rất hài lòng với câu trả lời của Phêrô. Mục đích Ngài hỏi không phải là muốn tìm hiểu Phêrô nhưng Ngài muốn xác tín Thánh Thần Chúa tác động thế nào trên Phêrô. Vì thế Đức Kitô mới nói với Phêrô những điều anh biết đó không phải do sự khôn ngoan của riêng anh mà do Thánh Thần Chúa mặc khải cho anh biết vì thế Đức Kitô báo cho Phêrô biết ông sẽ là đá của Giáo Hội tiên khởi. Lúc này Phêrô là đá mới, đá non, cần thời gian để đá non trưởng thành thành đá tảng, đá già, cứng rắn như hoa cương.

Thánh Phaolô trước khi trở lại Thiên Chúa giáo đã là sĩ quan có trách nhiệm chống phá đạo. Trên đường đi Damascus lùng giết các Kitô hữu ông bị sét đánh, té ngựa và mắt trở nên loà. Phaolô nghe tiếng nói trừ trời cao hỏi ông sao lại đi lùng giết Đức Kitô. Phaolô hỏi Ngài là ai. Đây chính là câu hỏi Đức Kitô đã hỏi Phêrô, hôm nay lại chính Phaolô hỏi Đức Kitô cùng câu hỏi đó. Sau khi nghe trả lời Phaolô nhận ra Đức Kitô đồng hoá mình với những tín hữu Kitô khác. Bởi đồng hoá mình với các Kitô hữu nên chẳng khi nào có thể giết hết được Đức Kitô nơi trần thế, ngoại trừ giết hết các Kitô hữu trên toàn thế giới.

Cả hai thánh tông đồ đều có cá tính riêng biệt, khác nhau. Cả hai cùng làm việc truyền giáo nhưng mỗi người mỗi cách, mỗi người trách nhiệm cánh đồng truyền giáo riêng. Cả hai đều cảm nghiệm sâu đậm ơn tha thứ. Cả hai đều tin lòng Chúa xót thương. Cả hai đều biết một khi thống hối ân sủng Chúa tẩy sạch tội đời. Phêrô ba lần chối không biết Đức Kirô và cũng ba lần xác tín yêu Chúa hơn hết anh em. Phaolô là sĩ quan được toàn quyền sinh sát các Kitô hữu. Ông đã tin theo Đức Kitô và không ngừng nhắc lại biến cố ngã ngựa tại Damascus. Chúa cải hoá cả hai bằng tình thương tha thứ, lòng nhân hậu hải hà. Cả hai đều học thứ tha từ Đức Kitô để tha cho những người bách hại các Ngài trên hành trình truyền giáo. Cả hai đều nhận biết yếu đuối của con người và cần sức mạnh Thánh Thần trong cuộc sống, việc làm và củng cố đức tin của chính mình và của các tân tòng Kitô hữu. Cả hai đều vứt bỏ quá khứ bước theo con đường mới. Phêrô bỏ cả thuyền bè lẫn chài lưới tin theo; Phaolô bỏ chức tước, tài lộc để tin theo.

Cánh đồng truyền giáo của Phêrô là những đồng hương trong khi Phaolô vươn ra cho dân ngoại kêu gọi họ từ bỏ thờ các thần khác nhau. Đức Kitô ban cho Phêrô tên mới có nghĩa là Đá. Đây là loại đá mới, đá non, cần thời gian biến thành hoa cương cứng rắn. Phêrô sinh hoạt những xóm làng quen thuộc; Phaolô thích mạo hiểm đến những nơi xa lạ. Bởi chân luôn bước trên bước đường rao giảng nên Phaolô liên lạc với an hem bằng cách viết và viết rất nhiều để hướng dẫn cộng đoàn non trẻ; Phêrô trái lại viết rất ít nhưng Phêrô có trí nhớ tốt và có tài thuật truyện cho thính giả về việc làm và lời rao giảng của Đức Kitô. Phaolô có trí phán đoán vững chắc, suy luận rõ ràng, mạch lạc, có tài hùng biện, lí luận vừa hợp lí vừa chính xác. Cả hai đều vui lòng chấp nhận bị hành hạ vì Đức Kitô. Cả hai đều tử vì đạo, đổ máu đào ra làm chứng cho đức tin mình rao giảng.

Truớc khi gặp được Đức Kitô Phục Sinh đức tin của Phêrô lay chuyển như ngọn đèn trước gió. Lúc tỏ ra vững tin; khi khác lại tỏ ra mập mờ, nghi ngờ và lo ngại. Sau khi gặp lại Đức Kitô Phục Sinh Phêrô trở thành đá tảng, vững chắc, không gì lay chuyển, kể cả cái chết thảm thương đầy nước mắt vẫn không lay chuyển đức tin vững chắc. Cả hai đều xây đức tin trên đá Kitô Phục Sinh. Cả hai đều nhìn thấy Chúa Cha qua Đức Kitô.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org