Xin Góp Chuyện Về Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.

Có lẽ, như người ta nói, tôi được sinh ra dưới một ngôi sao xấu, trong một bầu trời không mấy quang đãng. Khi tôi bắt đầu có trí khôn, cũng là lúc chiếc máy hình trong đầu tôi ghi lại được những hình ảnh vài năm sau cùng cuộc đô hộ của thực dân Pháp trên quê hương tôi. Rồi Nhật tới, mang theo cái chết đói của hằng triệu người dân miền Bắc. Làm sao tôi quên được những cái xe bò cọc cạch lăn bánh trên các đường phố, mà trên đó là một đống chân người lòi ra sau, đen đủi, khô đét; phần trên thân thể lùi vào phía trong xe được đắp lên bằng vài manh chiếu rách. Người ta đang đi lượm nhặt những xác người chết đói khắp các nẻo đường thị xã nhỏ bé của tôi. Rồi cách mạng giành độc lập bùng nổ. Rồi cái bầu không khí hừng hực lòng yêu nước của mọi người dân lúc ban đầu bị biến chất đi, thay vào là những luồng khí lạnh, chia rẽ, nghi kỵ, đàn áp… Rồi vùng Quốc Gia mà người dân thực sự vẫn chưa làm chủ được đất nước của mình, vì “người bạn Pháp trở lại giúp chúng ta chống lại Cộng Sản”. Rồi đất nước bị chia đôi năm 1954, Miền Bắc được trao cho những người “chiến thắng” Ðiện Biên Phủ, và Miền Nam dưới sự chấp chánh của Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm. Trong lúc bạn bè tôi di cư vào Nam thì tôi phiêu bạt qua nước Lào láng giềng nhỏ bé, hiền hòa.

Từ Lào, tôi theo dõi tình hình trong nước qua Tòa Ðại Sứ, cũng như qua báo chí, được biết những thành công của Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm trong nỗ lực dẹp loạn, “mời” thực dân Pháp về nước, trưng cầu dân ý, và làm Tổng Thống. Lần đầu về Miền Nam khoảng cuối năm 1956, tôi cảm thấy thực sự vui mừng và hãnh diện được làm công dân của một đất nước độc lập, dù chỉ mới một nửa. Cuộc sống thanh bình, vui tươi, với mức sống rẻ và ổn định, với những nụ cười rạng rỡ trên môi người dân, mà lần đầu tiên trong đời tôi, tôi được trông thấy. Lần thứ hai tôi trở lại Sài Gòn năm 1959 thì cuộc sống thanh bình, vui tươi vẫn còn đó, và tôi quyết định trở về hẳn Miền Nam đầu năm sau đó, năm 1960.

Có lẽ đúng như người ta nói, tôi được sinh ra dưới một ngôi sao xấu, tôi trở về Miền Nam chưa được bao lâu thì cuộc sống thanh bình, vui tươi của Miền Nam bắt đầu bị xáo trộn mạnh bởi những thành phần trí thức xôi thịt, tranh ăn, đòi chia ghế, xúi dục bạo loạn. Là một thanh niên mới lớn lên, tôi không biết gì về chính trị. Tôi chỉ tự hỏi tại sao họ lại gây sóng gió cho cuộc sống ấm êm như vậy. Họ chưa thấm thía cái năm phe, bẩy phái, vài chục đảng, để rồì bị Cộng Sản thanh toán hay sao? Rồi TT Ngô Ðình Diệm và hai em của ông bị thảm sát. Rồi nền Ðệ Nhị Cộng Hòa ra đời, độc lập dưới sự chỉ đạo của “người bạn mới”.

Người ta đã viết nhiều về TT Ngô Ðình Diệm. Tôi chỉ được trông thấy ông vài lần nên chẳng biết gì để lạm bàn. Trong các lý do khiến ông bị thảm sát, người ta có nói đến việc ông từ chối đưa quân Mỹ vào Miền Nam. Người ta cũng viết về những lý do tại sao ông từ chối, nhưng tôi không biết có ai viết cái lý do ông từ chối vì ông sợ xã hội băng hoại, đạo đức suy đồi do ảnh hưởng của đồng đô la không. Vợ bỏ chồng đi lấy Mỹ, con gái đi lấy Mỹ (còn tốt), hoặc đi làm điếm. Ông biết rằng người Mỹ đến rồi người Mỹ sẽ đi, đồng đô la đổ vào, vì chiến tranh chứ không phải vì xây dựng, rồi có lúc cũng sẽ ngưng, và một khoảng trống ghê gớm trong cuộc sống sau đó.

Tất cả đều đã thuộc về quá khứ. Chúng ta vinh danh những quân nhân Mỹ đã bỏ mình trên quê hương chúng ta. Chúng ta mang ơn những quân nhân Mỹ đã chiến đấu trên quê hương chúng ta, Chúng ta cũng không trách những quân nhân Mỹ đã dùng những đồng đô la để làm băng hoại xã hội, làm suy đồi đạo đức của chúng ta. Lỗi không phải của họ. Lỗi chủ quan thuộc về chúng ta. Chúng ta đã không đứng vững trước những cám dỗ mãnh liệt của đồng đô la. Xa hơn nữa, lỗi do những người Việt đã đồng ý đưa quân Mỹ vào Miền Nam để rồi chẳng mang lại kết quả gì đáng hãnh diện.

Nhân dịp giỗ lần thứ bốn mươi của Cụ, tôi xin kể hầu Cụ một mẩu chuyện, và tôi xin Cụ nghe qua rồi bỏ vì tôi e rằng sẽ làm rác tai Cụ.

Thưa Cụ. Cụ là người đạo đức và Cụ đã hình dung được bức tranh xã hội Miền Nam sẽ như thế nào nếu để cho quân đội Mỹ vào đất nước ta và do đó, Cụ mới từ chối để mang họa vào thân. Sau khi bọn phản loạn hãm hại Cụ, chúng xoay qua tranh ăn với nhau. Nếu ngày xưa, có người trong bọn họ quỳ xuống buộc dây giày cho em Cụ là do tình nghĩa như trong gia đình, thì sau này, đối với người bạn đồng minh, họ thuộc diện “gọi dạ, bảo vâng”. Xã hội hỗn loạn, dân tình ly tán, đạo đức suy đồi. Một số phụ nữ vì cuộc sống khó khắn, vì bị cám dỗ, đã bán mình lấy những đồng đô la, mà thường là những đồng đô la đỏ, do quân nhân Mỹ chi trả cho ăn nhậu và mua dâm, chứ đâu được đồng đô la xanh thứ thiệt. Không biết trong những cuộc chiến tranh ở nước ngoài trước đó, quân nhân Mỹ có dùng đô la đỏ không, chứ ở Miền Nam họ dùng đô la đỏ đấy, thưa Cụ. Cái đồng đô la đỏ chỉ có giá trị trong quân đội Mỹ mà thôi, chỉ mua được hàng hóa trong các hợp tác xã quân đội mà họ gọi là PX đấy, thưa Cụ. Mà đâu phải ai cũng có thể mua được hàng trong PX; thế là các cô gái đáng thương lại phải nhờ cậy các chú lính xa nhà với điều kiện này nọ. Những ai có đô la đỏ muốn đổi lấy đô la xanh thứ thiệt thì phải qua hệ thống quân đội Mỹ nhiêu khê lắm, thưa Cụ. Và để gọi là kiểm soát sự lưu hành của đồng đô la đỏ, thỉnh thoảng người ta lại cho đổi, nghĩa là đổi lấy đồng đô la đỏ mới hay lấy đồng đô la xanh. Khổ cái là thời gian đổi chỉ giới hạn trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Thế là có nhiều người buôn bán đô la xanh đỏ, hoặc nhiều chị em ta không biết, hay không đổi kịp, không mua hàng kịp, trở nên tay trắng. Có người tự tử đấy, thưa Cụ. Không biết có bao giờ Cụ đọc hai câu thơ của ông Tú Xương tự trách mình: “Cao lâu thường ăn quỵt. Thổ đĩ lại chơi lường”. Cụ thương nước, thương dân, nhất là những cô gái bất hạnh lắm, phải không, thưa Cụ?

Như trên tôi đã trình bày, tôi được sinh ra dưới một ngôi sao xấu nên suốt cuộc đời tôi cho đến ngày hôm nay, tôi cảm thấy cuộc sống của tôi chỉ thoải mái và có ý nghĩa mấy năm ngắn ngủi dưới thời TT Ngô Ðình Diệm.