Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi đọc Kinh Truyền Tin

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 13 tháng 7, một lần nữa Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa. Ngài khích lệ các giới chức chính trị làm mọi cố gắng có thể để đem lại hòa bình cho dân chúng vùng này.

Đức Thánh Cha nói:

“Trước các biến cố thê thảm xảy ra trong các ngày vừa qua, tôi tha thiết kêu gọi tất cả mọi người tiếp tục khấn khoản cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa. Vẫn còn trong ký ức sống động của tôi là kỷ niệm của cuộc gặp gỡ ngày mùng 8 tháng 6 vừa qua với Đức Thượng Phụ Bartolomaios, tổng thống Peres và tổng thống Abbas, và cùng với các vị chúng ta đã khẩn nài ơn hòa bình và lắng nghe lời mời gọi bẻ gẫy vòng xoáy của thù hận và bạo lực. Có thể có người nghĩ rằng cuộc gặp gỡ ấy vô ích. Trái lại không, bởi vì lời cầu nguyện giúp chúng ta không để cho sự dữ chiến thắng, cũng không chịu trận để cho bạo lực và oán thù thắng thế trên đối thoại và hòa giải. Tôi khích lệ tất cả những ai có trách nhiệm chính trị trên bình diện địa phương và quốc tế đừng tiết kiệm lời cầu nguyện và bất cứ cố gắng nào để chấm dứt mọi thù nghịch và theo đuổi hòa bình. Và tôi mời tất cả hiệp nhất trong lời cầu nguyện.”

Đức Thánh Cha và mọi người đã thinh lặng một chút, rồi ngài nói lên lời nguyện sau đây: “Giờ đây lậy Chúa, xin Chúa giúp chúng con. Xin Chúa ban hòa bình, xin Chúa dậy chúng con hòa bình, xin Chúa hướng dẫn chúng con tới hòa bình. Xin mở mắt và trái tim chúng con và ban cho chúng con sự can đảm nói ‘không bao giờ chiến tranh nữa’. Với chiến tranh mọi sự đều bị tàn phá, Xin đổ tràn tâm hồn chúng con sự can đảm để có các cử chỉ cụ thể nhằm xây dựng hòa bình. Xin làm cho chúng con sẵn sàng lắng nghe tiếng kêu của các công dân, xin chúng con biến đổi khí giới thành các dụng cụ của hòa bình, các sợ hãi của chúng con thành niềm tin tưởng và các căng thẳng của chúng con thành sự tha thứ. Amen.”

Trước đó trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích dụ ngôn người gieo giống mà Chúa Giêsu đã giảng cho dân chúng bên bờ hồ Galilea. Khi thấy dân chúng quá đông bao quanh, Chúa Giêsu lên một chiếc thuyền, ra xa bờ một chút và từ đó giảng dậy họ. Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ dễ hiểu đối với tất cả mọi người, với các hình ảnh lấy từ thiên nhiên và các hoàn cảnh cuộc sống thường ngày.

Dụ ngôn dầu tiên dẫn là dụ ngôn người gieo giống ném hạt vung vãi trên mọi loại đất.

Đức Thánh Cha nói:

Và nhân vật chính đích thật của dụ ngôn là hạt giống, sản xuất ra ít nhiều hạt tùy theo mảnh đất mà nó rơi xuống. Ba mảnh đất đầu tiên không sản xuất: dọc theo đường đi hạt giống bị chim trời ăn mất; trên đất sỏi đá các mộng bị khô héo ngay vì không có rễ; giữa các bụi gai, hạt giống bị gai làm chết ngộp. Mảnh đất thứ tư là đất tốt và chỉ ở đó hạt giống mới đâm rễ và sinh hạt.

Chúa Giêsu không chỉ hạn chế ở việc trình bầy dụ ngôn, mà cũng giải thích cho các môn đệ nữa. Hạt rơi trên đường ám chỉ những người lắng nghe loan báo Nước Thiên Chúa, nhưng không tiếp nhận nó; như thế Kẻ Dữ đến và lấy mất đi. Thật vậy, Kẻ Dữ không muốn rằng hạt giống Tin Mừng nẩy mầm trong trái tim con người. Đó là so sánh thứ nhất.

Trường hợp thứ hai là hạt giống rơi trên đá: nó diễn tả những người lắng nghe lời Chúa và tiếp nhận ngay lập tức, nhưng một cách hời hợt, bởi vì họ không có rễ và không kiên trì; khi các khó khăn và bách hại xảy đến, những người này bị đốn ngã ngay.

Trường hợp thứ ba là hạt giống rơi vào giữa các bụi gai: Chúa Giêsu giải thích rằng đó là những người lắng nghe lời Người, nhưng vì các lo lắng trần tục và sự cám dỗ của giầu sang lời Chúa bị chết ngộp. Sau cùng hạt giống rơi trện đất phì nhiêu diễn tả những người lắng nghe lời, tiếp nhận, giữ gìn và thấu hiểu lời Chúa, và lời Ngài sinh bông hạt. Mô thức hoàn thiện nhất của thửa đất tốt này là Đức Trinh Nữ Maria.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Dụ ngôn này nói với chúng ta ngày nay, như đã nói với những người lắng nghe Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm. Nó nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta là thừa đất, nơi Chúa không mệt mỏi ném hạt giống Lời Người và tình yêu của Người. Chúng ta sẵn sàng tiếp nhận như thế nào? Con tim của chúng ta ra sao? Và chúng ta có thể tự hỏi nó giống thửa đất nào: một con đường, một thửa đất sỏi đá, một bụi gai? Tùy nơi chúng ta trở thành thửa đất tốt không có các bụi gai, không có đá sỏi, nhưng đã đựơc vỡ đất và trồng tỉa cẩn thận, để có thể đơm bông hạt tốt lành cho chính chúng ta và cho các anh chị em khác. Ở đây sẽ tốt cho chúng ta đừng quên rằng cả chúng ta cũng là các người gieo giống. Loại hạt nào ra khỏi con tim và miệng chúng ta? Các lời nói của chúng ta có thể mang lại biết bao thiện ích cũng như biết bao sự dữ! Chúng có thể chữa lành và cũng có thể gây thương tích; chúng có thể khích lệ và có thể đè bẹp. Xin anh chị em hãy nhó điều quan trọng không phải là cái đi vào, mà là cái ra khỏi miệng và trái tim. Với gương của Người xin Đức Mẹ giúp chúng ta đón nhận Lời, giữ gìn nó và làm cho nó phong phú nơi tha nhân”.

2. Câu chuyện Thánh Phêrô quyết định làm phép rửa cho dân ngoại

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tại Xêdarê, Thánh Phêrô đã lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần và làm phép rửa cho những người dân ngoại đầu tiên. Biến cố là một bước ngoặt quan trọng vì đã mở rộng biên cương của Giáo Hội ra khỏi phạm vi người Do Thái.

Không có một quyết định quan trọng như thế, có lẽ chúng ta đã không thể biết Chúa.

Xin giới thiệu với quý vị và anh chị em và anh chị em câu chuyện Thánh Phêrô rửa tội cho lớp dân ngoại đầu tiên, trích từ sách Công Vụ Tông Đồ chương 10 từ câu 1 đến câu 48 và chương 11 từ câu 1 đến câu 18.

Ông Phêrô đi Xêdarê đến nhà viên Đại đội trưởng Conêliô.

Nhác thấy ông Phêrô ở đầu ngõ, ông Conêliô liền phủ phục dưới chân ông mà bái lạy. Nhưng ông Phêrô đỡ ông ấy lên và nói: "Xin ông đứng dậy, vì chính tôi đây cũng chỉ là người phàm".

Sau đó ít lâu tại Giêrusalem. Anh em phàn nàn cùng Phêrô rằng:

“Ông đã vào nhà những người không chịu cắt bì và lại còn ăn uống chung với họ.”

Ông Phêrô đáp:

“Tôi đang cầu nguyện gần thành Giaphô thì tôi xuất thần. Tôi thấy điều này: trời mở ra và một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống đất. Nhìn chăm chú tôi thấy trong đó có mọi giống vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời. Và tôi nghe có tiếng phán rằng: ‘Phêrô, đứng dậy, làm thịt mà ăn!’

Tôi thưa: ‘Lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ để những gì ô uế và không thanh sạch lọt vào miệng con’.

Lại có tiếng phán bảo tôi lần thứ hai: ‘Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì người chớ gọi là ô uế’.

Việc ấy xảy ra đến ba lần, trước khi những vật ấy lại được đưa lên trời.

Và này, ngay lúc ấy có 3 người đến nhà chúng tôi đang trọ. Họ được sai từ Xêdarê đến gặp chúng tôi.

Thần Khí bảo tôi: ‘Ðứng lên, xuống mà đi với họ, đừng ngần ngại gì, vì chính Ta đã sai họ đến’.

Có 6 anh em đây cùng đi với tôi.

Khi vào nhà ông Conêliô, thấy có đông người tụ họp ở đó, ông Phêrô nói với họ:

"Quý vị thừa biết: giao du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kỵ đối với người Do Thái.

Nhưng Thiên Chúa của tôi đã cho tôi thấy là tôi không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch. Vì thế khi được mời, tôi đã đến mà không hề chống cãi. Vậy tôi xin hỏi: vì lẽ nào quý vị đã mời tôi đến?"

Ông Conêliô trả lời:

"Cách đây bốn hôm, vào khảng giờ này, lúc tôi đang đọc kinh giờ chín tại nhà, bỗng có một người đứng trước mặt tôi, y phục rực rỡ. Người ấy nói với tôi: ‘Ông Conêliô, Thiên Chúa đã nhận lời cầu nguyện của ông và nhớ đến việc bố thí của ông. Vậy ông hãy sai người đi Giaphô mời ông Simon, cũng gọi là Phêrô; ông ấy trọ tại nhà ông Simon, thợ thuộc da, ở gần bờ biển. Người ấy khi đến sẽ giảng giải cho ông mọi lẽ’. Lập tức tôi đã sai người đến mời ông, và ông đã có lòng tốt đến đây. Vậy bây giờ tất cả chúng tôi đang ở trước mặt Thiên Chúa, để nghe tất cả những gì Thiên Chúa đã truyền cho ông".

Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng nói:

"Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.

Lời mà Người đã gửi đến cho con cái nhà Ítraen là lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Ðức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng. Quý vị biết rõ: Ðức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Ði tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Dothái và tại chính Giêrusalem. Họ đã giết Người và treo lên cây gỗ. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Ðấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.”

Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ. Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì được rửa trong Thánh Thần. Vậy nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta vì chúng ta tin vào Chúa Kitô thì tôi là ai mà dám ngăn cản.”

Phêrô dứt lời thì anh em hoan hỉ đáp lại:

“Như thế thì quả thật Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn sám hối để được sự sống muôn đời.”

Bình luận về sự kiện Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã rửa tội cho dân ngoại, hôm 12 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Đó là chuyện không thể tưởng tượng được. Giống như vào ngày mai có nhóm người từ sao Hỏa đến đây với cái mũi dài và đôi tai lớn, hình thù quái dị…Và họ xin Giáo Hoàng rằng “Chúng tôi muốn được rửa tội! thì điều gì sẽ xảy ra”?

Phêrô biết việc mình làm khi ngài được soi sáng để nhận ra chân lý căn bản này là: những gì đã được Thiên Chúa thánh tẩy thì không thể gọi là “ô uế”. Khi kể lại sự kiện này với các kitô hữu đã trách ngài, Thánh Tông Đồ hòa giải và xoa dịu họ khi đưa ra tuyên bố này: “Nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Ki-tô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa”?

Khi Chúa cho chúng ta thấy cách của Ngài, thì tôi là ai mà dám ngăn cản khi nói, ‘Không, lạy Chúa, điều đó không được khôn ngoan. Không được làm theo cách đó!” … Và Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi đi đến quyết định này: “Tôi là ai mà dám cản trở Thiên Chúa?” Một lời tốt đẹp nêu gương cho các giám mục, các linh mục và cho các Kitô hữu. Chúng ta là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?

Trong Giáo Hội sơ khai, thậm chí ngày hôm nay có một sứ vụ “gác cổng.” Người này làm công việc gì? Anh ta chỉ mở cửa, đón nhận mọi người và cho phép họ đi qua cửa. Anh không được phép đóng cánh cửa lại, ngăn cản một ai. Không bao giờ.

Đức Thánh Cha Phanxicô lặp đi lặp lại rằng, Thiên Chúa trao ban Thánh Thần để Ngài hướng dẫn Giáo Hội. “Chúa Thánh Thần, như Chúa Giêsu đã hứa, sẽ dạy cho chúng ta tất cả mọi thứ” và “nhắc nhở chúng ta những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta làm”. “Chúa Thánh Thần là sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Ngài gìn giữ Giáo Hội. Đưa Giáo Hội tiến về phía trước. Thánh Thần với các ân sủng của Ngài sẽ hướng dẫn Giáo Hội. Thánh Thần, Đấng An Ủi sẽ giúp chúng ta hiểu về Giáo Hội của Chúa Giêsu. Đó là lý do vì sao Thiên Chúa gởi Thánh Thần đến với chúng ta. Ngài tự do hoạt động và chúng ta không thể hình dung và tưởng tượng thấu đáo những công việc của Ngài. Thánh Gioan XXIII đã diễn tả Thánh Thần như sau: Chúa Thánh Thần luôn ở với Giáo Hội. Ngài luôn luôn gìn giữ Giáo Hội. Người tín hữu phải cầu xin Chúa ban cho được ơn ngoan ngùy trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ nói trong trong tâm hồn chúng ta. Người nói với chúng ta trong mọi trạng huống của cuộc sống. Người nói với chúng ta trong đời sống Giáo Hội, trong cộng đoàn Kitô hữu. Người luôn luôn nói với chúng ta.