Chương bốn: Làm thế nào biện phân các biểu hiện chân chính của cảm thức đức tin
87. Cảm thức đức tin rất chủ yếu đối với đời sống Giáo Hội, nên nay ta cần xét xem làm thế nào để biện phân và nhận diện được các biểu hiện chân chính của nó. Một biện phân như thế đặc biệt phải có trong các trường hợp căng thẳng lúc ta cần phân biệt cảm thức đức tin chân chính với các phát biểu của ý kiến bình dân, nhất là theo quyền lợi hay tinh thần thời đại. Nhìn nhận rằng cảm thức đức tin là một thực tại trong Giáo Hội mà các tín hữu cá nhân vốn tham dự vào, phần thứ nhất của chương này sẽ cố gắng tìm cách nhận diện các đặc điểm cần có nơi người đã chịu phép rửa nếu thực sự họ muốn là chủ thể của cảm thức đức tin; nói cách khác, là nhận diện các thiên hướng cần có để các tín hữu tham dự đích thực vào cảm thức của các tín hữu. Các tiêu chuẩn được đề xuất trong phần thứ nhất này sau đó sẽ được bổ túc bằng cách xem sét việc áp dụng thực tiễn các tiêu chuẩn của cảm thức đức tin trong phần thứ hai của chương này. Phần thứ hai này sẽ xem xét 3 chủ đề quan trọng sau đây: thứ nhất, mối liên hệ gần gũi giữa cảm thức đức tin và lòng đạo bình dân; sau đó, sự phân biệt cần phải có giữa cảm thức đức tin và công luận bên ngoài hay bên trong Giáo Hội; và sau cùng, vấn đề làm thế nào để tham khảo các tín hữu trong các vấn đề đức tin và luân lý.
1. Thiên hướng cần có để tham gia chân thực vào cảm thức đức tin
88. Không phải chỉ có một thiên hướng đơn độc mà đúng hơn là cả một loạt các thiên hướng chịu ảnh hưởng của các nhân tố Giáo Hội, thiêng liêng và đạo đức. Không thể thảo luận một thiên hướng nào một cách tách biệt được; trái lại, cần phải xét mối liên hệ của nó với mọi thiên hướng khác. Dưới đây chỉ trình bày các thiên hướng quan trọng nhất để tham dự đích thực vào cảm thức đức tin mà thôi; các thiên hướng này được rút ra từ việc tìm hiểu thánh kinh, lịch sử có hệ thống, và được phát biểu nhằm giúp ích cho việc biện phân các hoàn cảnh thực tiễn.
a) Tham gia đời sống Giáo Hội
89. Thiên hướng đầu hết và nền tảng hơn cả là tích cực tham gia đời sống Giáo Hội. Là thành viên chính thức của Giáo Hội mà thôi chưa đủ. Tham gia đời sống Giáo Hội là phải không ngừng cầu nguyện (xem 1Tx 5:17), tích cực tham dự phụng vụ, nhất là Thánh Thể, thường xuyên lãnh nhận bí tích hòa giải, biện phân và thực thi các ơn và các đặc sủng đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần, và tích cực dấn thân vào sứ vụ và các tác vụ (diakonia) của Giáo Hội. Nó tiền giả định việc chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội trong các vấn đề thuộc đức tin và luân lý, nhất quyết tuân theo các lệnh truyền của Thiên Chúa, và can đảm sửa lỗi anh chị em và chấp nhận việc anh chị em sửa lỗi mình.
90. Có muôn vàn cách thế để việc tham gia như trên có thể diễn ra, nhưng cách chung nhất là tích cực liên đới với Giáo Hội, một liên đới phát xuất từ trái tim, một cảm quan đầy tình đồng đạo (fellowship) với các thành viên tín hữu khác và với Giáo Hội như một toàn thể, và từ đó, một bản năng nhận ra đâu là các nhu cầu của Giáo Hội và đâu là các nguy hiểm đối với Giáo Hội. Thái độ cần thiết này vốn từng được phát biểu qua thành ngữ sentire cum ecclesia (cảm nhận với Giáo Hội), tức đồng cảm nhận, đồng cảm thức và đồng tri nhận một cách hòa điệu với Giáo Hội. Điều này không chỉ cần thiết đối với các nhà thần học mà là cần thiết đối với mọi tín hữu; nó hợp nhất mọi thành viên của dân Chúa khi họ cùng nhau thực hiện cuộc lữ hành. Nó là chìa khóa để họ “cùng tiến bước”.
91. Các chủ thể của cảm thức đức tin là các chi thể của Giáo Hội biết tham gia đời sống Giáo Hội, vì biết rằng “chúng ta, tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô, và mỗi người chúng ta đều là chân tay của nhau” (Rm 12:5).
b) Lắng nghe lời Thiên Chúa
92. Tham dự đích thực vào cảm thức đức tin nhất thiết tùy thuộc việc lắng nghe lời Thiên Chúa một cách sâu sắc và chăm chú. Vì Thánh Kinh vốn là chứng từ nguyên thủy của lời Thiên Chúa, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ nọ trong cộng đồng đức tin (111), nên việc gắn bó với Thánh Kinh và Thánh Truyền là chỉ tiêu chính của việc lắng nghe này. Cảm thức đức tin là một khiếu nhận thức (appreciation) đức tin sâu sắc nhờ đó dân Chúa “không chỉ tiếp nhận lời lẽ con người, mà thực sự là lời Thiên Chúa” (112).
93. Không hề có việc đòi hỏi mọi thành viên dân Chúa phải nghiên cứu Thánh Kinh cũng như các chứng tá của Thánh Truyền một cách có khoa học. Đúng hơn, đòi họ phải chăm chú lắng nghe với thái độ tiếp nhận các bài đọc Thánh Kinh trong phụng vụ và tận đáy lòng đáp lại: “tạ ơn Chúa” và “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa”, sốt sắng tuyên xưng mầu nhiệm đức tin, và thưa “Amen” tương ứng với chữ “có” mà Thiên Chúa đã ngỏ với dân Người trong Chúa Giêsu Kitô (2Cor 1:20). Tham dự vào phụng vụ là chìa khóa để tham dự vào Thánh Truyền sống động của Giáo Hội, và liên đới với người nghèo và người túng thiếu là mở lòng mình ra nhìn nhận sự hiện diện và tiếng nói của Chúa Kitô (xem Mt 25:31-46).
94. Chủ thể của cảm thức đức tin cũng là các chi thể Giáo Hội “từng tiếp nhận lời bằng niềm vui do Chúa Thánh Thần gây hứng” (1Tx 1:6).
c) Cởi mở đối với lý trí
95. Một thiên hướng nền tảng cần có để tham dự đích thực vào cảm thức đức tin là nhìn nhận vai trò thích đáng của lý trí trong tương quan với đức tin. Đức tin và lý trí thuộc về nhau (113). Chúa Giêsu vốn dạy rằng Thiên Chúa phải được yêu không chỉ “với hết trái tim ngươi, và với hết linh hồn ngươi,… và với hết sức ngươi” mà còn “với hết trí khôn [nous] ngươi” nữa (Mc 12:30). Vì chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nên cũng chỉ có một sự thật duy nhất, được thừa nhận từ nhiều quan điểm khác nhau và bằng nhiều cách thế khác nhau của cả đức tin lẫn khoa học. Đức tin thanh lọc lý trí và mở rộng phạm vi của nó, mà lý trí cũng thanh lọc đức tin và làm sáng tỏ sự nhất quán của nó (114).
96. Các chủ thể của cảm thức đức tin là các chi thể của Giáo Hội biết cử hành “việc thờ phượng hợp lý” và nhìn nhận vai trò thích đáng của lý trí được đức tin, trong các niềm tin và thực hành của nó, soi sáng. Mọi tín hữu được mời gọi “tự biến đổi nhờ việc đổi mới tâm trí của anh em, để anh em biết biện phân đâu là thánh ý Thiên Chúa, điều nào tốt, có thể chấp nhận được và điều nào hoàn hảo” (Rm 12:1-2).
d) Gắn bó với huấn quyền
97. Một thiên hướng nữa cần có để tham dự đích thực vào cảm thức đức tin là sự ân cần đối với huấn quyền của Giáo Hội, và sự sẵn lòng lắng nghe giáo huấn của các mục tử trong Giáo Hội, coi nó như một hành vi xác tín đầy tự do và quyết tâm duy trì (115). Huấn quyền bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Giêsu, nhất là từ thẩm quyền giáo huấn của Người (xem Mt 7:29). Nó liên hệ từ trong nội tại cả với Thánh Kinh lẫn với Thánh Truyền; không một thiên hướng nào trong ba thiên hướng này có thể “đứng một mình không cần những cái khác” (116).
98. Các chủ thể của cảm thức đức tin là các chi thể của Giáo Hội biết lưu tâm tới lời lẽ Chúa Giêsu nói với những kẻ Người sai đi rằng: “Bất cứ ai lắng nghe các con là lắng nghe Thầy, và bất cứ ai bác bỏ các con là bác bỏ Thầy, và bất cứ ai bác bỏ Thầy là bác bỏ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10:16).
e) Thánh thiện, khiêm nhường, tự do và vui tươi
99. Tham dự đích thực vào cảm thức đức tin đòi phải có sự thánh thiện. Sự thánh thiện này là ơn gọi của toàn thể Giáo Hội và của mọi tín hữu (117). Và thánh thiện, từ nền tảng, vốn có nghĩa là thuộc về Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô và trong Giáo Hội của Người, là chịu phép rửa và sống đức tin trong quyền lực Chúa Thánh Thần. Thực thế, thánh thiện là tham dự vào đời sống Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là duy trì tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận với nhau, là vâng phục thánh ý Thiên Chúa và dấn thân phục vụ đồng loại nhân bản của mình. Một cuộc sống như thế được Chúa Thánh Thần nâng đỡ, Người vốn là Đấng luôn được các Kitô hữu khẩn cầu và lãnh nhận (xem Rm 1:7-8, 11), nhất là trong phụng vụ.
100. Trong lịch sử Giáo Hội, các thánh là những người đem ánh sáng của cảm thức đức tin. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng Tất Cả Là Thánh Thiện (Panaghia), khi hoàn toàn chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở nên khuôn mẫu đức tin và là Mẹ Giáo Hội (118). Trân qúy lời lẽ của Chúa Kitô trong lòng (Lc 2:51) và ca hát ngợi khen công trình cứu rỗi của Thiên Chúa (Lc 1:46-55), ngài là điển hình của niềm hân hoan đối với lời Thiên Chúa và lòng say mê muốn công bố tin mừng mà cảm thức đức tin vốn phát sinh nơi tâm hồn các tín hữu. Trong mọi thế hệ nối tiếp, ơn Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội đã sản sinh ra mùa gặt thánh thiện phong phú, và con số đầy đủ các Thánh chỉ một mình Thiên Chúa biết được mà thôi (119). Các vị được phong chân phúc và hiển thánh chính là các khuôn mẫu hữu hình của đức tin và đời sống Kitô Giáo. Đối với Giáo Hội, Đức Maria và mọi người thánh thiện, qua việc cầu nguyện và lòng say mê của các ngài, đã trở thành các chứng tá trổi vượt của cảm thức đức tin cho thời các vị và cho mọi thời sau này, cho địa phương các vị và cho mọi nơi chốn khác.
101. Vì từ nền tảng, nó vốn đòi phải imitatio Christi (noi gương Chúa Kitô) (xem Pl 2:5-8), nên sự thánh thiện, trong yếu tính, vốn bao hàm đức khiêm nhường. Sự khiêm nhường này đối nghịch với do dự hay nhút nhát; nó là hành vi của tự do thiêng liêng. Do đó, tính chất công khai (parrhesia) của việc đi theo khuôn thước của Chúa Kitô (xem Ga 18:20) được nối kết với đức khiêm nhường và cũng là một đặc điểm của cảm thức đức tin. Nơi đầu tiên để thực hành đức khiêm nhường là chính ở bên trong Giáo Hội. Nó không những là một nhân đức của người giáo dân trong tương quan với các mục tử của họ, mà cũng là một bổn phận của chính các mục tử khi thi hành thừa tác vụ của mình cho Giáo Hội. Chúa Giêsu dạy Nhóm Mười Hai rằng: “Ai muốn là người đầu phải là người cuối mọi người và làm đầy tớ cho mọi người” (Mc 9:35). Sống đức khiêm nhường là thường hằng nhìn nhận chân lý của đức tin, thừa tác vụ của các mục tử, và các nhu cầu của tín hữu, nhất là những người yếu đuối nhất.
102. Chỉ tiêu đích thực của thánh thiện là “bình an và hân hoan trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14:17; xem 1Tx 1:6). Đây là các ơn phúc chủ yếu được biểu lộ trên bình diện thiêng liêng, chứ không phải tâm lý hay xúc cảm, nghĩa là, bình an trong tâm hồn và âm thầm hân hoan của một người đã tìm được kho tàng cứu rỗi, viên ngọc qúy giá (xem Mt 13:44-46). Quả thế, bình an và hân hoan là hai hoa trái đặc trưng nhất của Chúa Thánh Thần (xem Gl 5:22). Chính Chúa Thánh Thần đánh động trái tim ta và hướng nó về Thiên Chúa, “mở mắt tâm trí và ban ‘hân hoan và thanh thản cho mọi người biết qui phục chân lý và tin nó [omnibus suavitatem in consentiendo et credendo veritati]’” (120). Hân hoan trái nghịch với cay đắng và nóng giận vốn làm Chúa Thánh Thần phiền lòng (xem Eph 4:31), và là đặc điểm của ơn cứu rỗi (121). Thánh Phêrô thúc giục các Kitô hữu hân hoan chia sẻ các đau khổ của Chúa Kitô, “để anh em cũng được vui mừng hoan hỉ khi vinh quang của Người được tỏ hiện” (1Pr 4:13).
103. Các chủ thể của cảm thức đức tin là các chi thể Giáo Hội biết nghe và đáp lại lời thúc giục của Thánh Phaolô: “anh em hãy làm cho niềm vui của tôi nên trọn ven: là hãy cùng một tâm trí, cùng một tình yêu, cùng hòa hợp trọn vẹn và chỉ một tâm trí thôi”. “Anh em đừng làm điều chi do tham vọng vị kỷ hay hư danh, nhưng do khiêm nhường, coi người khác hay hơn mình” (Pl 2:2-3).
f) Tìm cách xây dựng Giáo Hội
104. Một biểu hiện chân chính của cảm thức đức tin là góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội như một thân thể, và không cổ vũ chia rẽ và chủ nghĩa tư riêng bên trong Giáo Hội. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, yếu tính của việc tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội chính là việc xây dựng này (xem 1Cor 14). Xây dựng ở đây có nghĩa là xây dựng Giáo Hội cả về ý thức nội bộ đối với đức tin của mình lẫn về phía những thành viên mới, những người muốn lãnh phép rửa để gia nhập đức tin của Giáo Hội. Giáo Hội là nhà Thiên Chúa, là đền thánh, làm thành bởi các tín hữu đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần (xem 1Cor 3:10-17). Xây dựng Giáo Hội có nghĩa là tìm cách khám phá ra và khai triển các ơn phúc của riêng mình và giúp người khác khám phá ra và khai triển các đặc sủng của họ, sửa chữa các thất bại của họ, và chấp nhận việc được sửa chữa, trong tinh thần bác ái Kitô Giáo, cùng làm việc và cầu nguyện với họ, chia sẻ các hân hoan và các đau buồn của họ (xem 1Cor 12:12, 26).
105. Các chủ thể của cảm thức đức tin là các chi thể Giáo Hội biết suy tư điều Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô: “Mỗi người được tỏ lộ Chúa Thánh Thần vì ích chung” (1Cor 12:7).
Còn 1 kỳ
________________________________________________________________________________________________________________________
[111] Xem Lumen Gentium 12; Dei Verbum 8.
[112] Lumen Gentium 12, với tham chiếu 1Tx 2:13.
[113] Xem Đức GH Gioan Phalô II, Thông Điệp, Fides et Ratio (1998).
[114] Xem Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Theology Today, các số 63, 64, 84.
[115] Xem các số 74-80 trên đây.
[116] Dei Verbum 10.
[117] Xem Lumen Gentium, chương 5, Về “ơn gọi nên thánh phổ quát trong Giáo Hội”
[118] Sách Giáo Lý Của GHCG 963.
[119] Xem Gaudium et Spes 11, 22.
[120] Dei Verbum 5.
[121] Xem Đức GH Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 5.