TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA GIÚP HIỂU RÕ Ý NGHĨA MỘT SỐ KINH

ĐỌC CÁC DỊP ĐẶC BIỆT

Trong những ngày qua, tôi đã dùng Từ điển Việt – Bồ - La để giải thích nghĩa các từ cổ trong các Kinh. Hôm nay tôi gởi đến phần giải thích phép ngắm Rosa, các Kinh viếng Đàng Thánh Giá, các Kinh ngắm Bảy Sự Đức Mẹ... Tôi đã cập nhật thêm phần “năm màu nhiệm sự sáng”. Kính chuyển để quý vị “ngắm” và “nguyện”.

1. Ngắm Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ

Thứ nhất thì ngắm*: khi ông thánh Ximêon ẵm kính Đức Chúa Giêsu thì nói cùng Đức Mẹ rằng: “Con Bà ngày sau nên như bia bắn và gươm sắc sẽ đâm qua lòng Bà”. Đức Mẹ nghe lời ấy thì lo buồn đau đớn như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Khi ngắm sự ấy, thì nguyện* một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con nhớ sự thương khó* Đức Chúa Giêsu cho liên*, như Đức Mẹ thuở xưa. Amen.

Thứ hai thì ngắm: khi Đức Mẹ nghe thấy thánh Thiên Thần báo tin vua Hêrôđê đi tìm Đức Chúa Giêsu mà giết, thì đưa Con sang nước Ai Cập, thì Đức Mẹ rất khốn cực* mọi đàng, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Khi ngắm sự ấy, thì nguyện* một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho liên*, chớ làm sự gì trái nghịch mất lòng Đức Chúa Giêsu nữa. Amen.

Thứ ba thì ngắm: khi Đức Mẹ đem Con đi lễ đền thờ Giêrusalem, mà khi trở về thì lạc mất Con, thâu* đêm những* lo buồn khóc lóc, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con, chớ có đi đàng* tội lỗi, mà bỏ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu nữa. Amen.

Thứ bốn thì ngắm: khi Đức Mẹ thấy Con vác cây Thánh Giá mà lên núi Calvariô, bởi cây Thánh Giá nặng thì ngã xuống đất nhiều lần, mà quân dữ đạp dậy, giục đi cho chóng*, thì Đức Mẹ lo buồn sầu não, hai con mắt nên như hai suối nước chảy xuống đau đớn thảm thiết khốn cực mọi đàng, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con vác Thánh Giá theo chân Đức Chúa Giêsu cho đến trọn đời. Amen.

Thứ năm thì ngắm: khi Đức Mẹ thấy Con ở trên cây Thánh Giá phán ra bảy lời như lối* của trọng để lại cho Mẹ vậy, đoạn* thì gục đầu xuống mà sinh thì*, thì lòng Đức Mẹ đau đớn quá sức, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con hằng nhớ bảy lời cực trọng ấy như của châu báu cha lối* cho con, mà tích* vào lòng chúng con cho đến trọn đời. Amen.

Thứ sáu thì ngắm: khi ông thánh Giuse và ông thánh Nicôđêmô, tháo đanh mà đem xác Đức Chúa Giêsu xuống, thì Đức Mẹ giơ hai tay lên cho được đỡ lấy xác Con, mà khi đã được thì ôm vào lòng, liền sấp mặt* xuống trên đầu Con, cùng chẳng nề những gai nhọn ở đầu Con phải* mặt Mẹ, mà mặt Mẹ thì dính những máu Con, mà mặt Con thì tràn ra những nước mắt Mẹ chảy xuống. Ai suy được sự thảm thiết đau đớn trong lòng Đức Mẹ bấy giờ ? Thật là như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy. Đoạn* lấy khăn trắng mà liệm.

Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được lòng ăn năn khóc lóc, vì tội lỗi chúng con đã phạm làm cho Đức Chúa Giêsu chịu chết làm vậy. Amen.

Thứ bảy thì ngắm: khi cất xác Đức Chúa Giêsu mà táng trong hang đá, đoạn lấy hòn đá lớn che ngoài cửa hang, thì lòng Đức Mẹ đau đớn thảm thiết như chết mà chôn trong một mồ cùng Con vậy, vì khi trước còn thấy xác Con mà còn đau đớn dường ấy, phương chi* bây giờ chẳng còn thấy Con nữa, thì lòng Đức Mẹ rất khốn cực đau đớn là dường nào, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được bỏ đàng tội lỗi mà đi đàng các nhân đức, cho được chết làm một cùng Đức Chúa Giêsu. Amen.

Lời nguyện

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, thì đã hợp như lời ông thánh Ximêon nói rằng: “Con Bà ngày sau nên như bia bắn, và gươm sắc sẽ đâm qua lòng Bà”, thì chúng con xin cho được kính bảy sự thương khó Rất Thánh Đức Bà cho liên, xin Đức Bà cầu cho chúng con được ích bởi ngắm bảy sự thương khó ấy mà ra, cùng vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu đã chịu chết vì chúng con, cho ngày sau được hằng sống hằng trị* làm một cùng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.

- Trong phép lần hạt này chúng ta có bảy “ngắm”, nghĩa của từ “ngắm” trong tiếng Việt hiện đại có nghĩa thứ nhất phù hợp với lời Kinh, nhưng phải hiểu theo nghĩa bóng, “ngắm là nhìn kỹ, ngắm kỹ cho thỏa lòng”. Từ điển Việt-Bồ-La có hai mục từ “ngắm” giải thích cho nghĩa của Phép Lần Hạt này. Mục từ thứ nhất “ngắm” còn nói là “gẫm” nghĩa là “suy niệm”. Mục từ thứ hai cha Đắc Lộ giải thích thêm cho rõ “ngắm” nghĩa là “suy nghĩ thầm trong lòng”. Tự Vị Annam Latinh có mục từ “ngắm” nghĩa là “cảm thấy”. Thiết nghĩ kết hợp các nét nghĩa này sẽ làm cho từ ngữ sáng hơn. Tức là, với mỗi màu nhiệm, chúng ta nhìn kỹ ngắm kỹ cho thỏa lòng, tiếp đến chúng ta suy nghĩ thầm và cảm thấy được ý nghĩa của màu nhiệm tác động đối với cuộc đời của chúng ta.

- Cũng trong Phép Lần Hạt này chúng ta thấy cấu trúc “Khi ngắm sự ấy, thì nguyện...” Tự Vị Annam Latinh giải thích “nguyện” nghĩa là “cầu Kinh, cầu xin, ước mong hết sức”. Theo nghĩa này chúng ta hiểu rằng, sau khi chiêm ngắm và cảm nghiệm trong lòng, chúng ta tiếp tục dâng những câu Kinh “cầu Kinh” (đọc Kinh)... theo hướng dẫn để xin ơn tiếp theo.

- Câu Kinh “xin Đức Mẹ cầu cho chúng con nhớ sự thương khó”, từ “sự thương khó” theo nghĩa hiện nay làm cho chúng ta nghĩ ngay đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nhưng tiếng Việt cổ theo Từ điển Việt-Bồ-La “thương khó” nghĩa là “những lao nhọc và khổ cực”, theo Tự Vị Annam Latinh “thương khó” nghĩa là “khốn cực = rất cực khổ thân xác và tâm hồn”. Cũng nên biết rằng, câu Kinh này mời gọi chúng ta chiêm ngắm biến cố ông Ximêon nói tiên tri, vì thế không thể hiểu sự thương khó là cuộc khổ nạn được, mà chỉ là những đau khổ trong tâm hồn Đức Mẹ mà thôi.

- Trong các ngắm này chúng ta gặp nhiều lần từ “liên” nghĩa là “luôn luôn, mãi mãi”.

- Trong ngắm thứ hai chúng ta có cụm từ “rất khốn cực mọi đàng” như câu trên đã nói Tự Vị Annam Latinh ghi nhận “khốn cực” nghĩa là “rất cực khổ, cực khổ tối cao”. Câu Kinh “Đức Mẹ rất khốn cực mọi đàng” nghĩa là “Đức Mẹ khi nghe tin vua Hêrôđê tìm giết Chúa Giêsu, thì Mẹ đau khổ trăm bề, đau khổ tột cùng như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy”.

- Trong ngắm thứ ba có cụm từ “thâu đêm những lo buồn khóc lóc”. Từ “những” trong tiếng Việt cổ theo Từ điển Việt-Bồ-La nghĩa là “chỉ có”. Ở màu nhiệm này, câu Kinh mô tả khi đi lễ đền Giêrusalem trở về, Mẹ lạc mất con, thì suốt đêm Mẹ chỉ có lo buồn khóc lóc như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy.

- Trong ngắm thứ năm có đoạn “Khi Đức Mẹ thấy Con ở trên cây Thánh Giá phán ra bảy lời như lối của trọng để lại cho Mẹ vậy...” Từ “lối” trong đoạn Kinh này phản ánh trung thực tiếng Việt thế kỉ XVII. Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “blối”, từ này có âm “bl”. Âm “bl” trong giai đoạn này có hai khuynh hướng, hoặc là được chuyển thành hai dạng “tr” hoặc là chuyển thành “l”. Có lẽ lúc này “blối” được viết “lối” sau này được viết thành “trối”. Câu Kinh này được viết cách đầy đủ như hiện nay phải là “Khi Đức Mẹ thấy Con ở trên cây Thánh Giá phán ra bảy lời như trối của trọng để lại cho Mẹ vậy...” Ở cuối ngắm này có lời “xin Đức Mẹ cầu cho chúng con hằng nhớ bảy lời cực trọng ấy như của châu báu cha trối cho con...” Từ điển Việt-Bồ-La và Tự Vị Annam Latinh giải thích “trối” là chúc thư, là ý muốn cuối cùng của người trước khi chết.

- Trong ngắm thứ sáu chúng ta có từ “sấp mặt xuống trên đầu Con”. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích “sấp” nghĩa là “úp xuống, cúi xuống”. Cụm từ này nghĩa là “úp mặt xuống trên đầu Con”.

- “Chẳng nề những gai nhọn ở đầu Con phải mặt Mẹ”, Từ điển Việt-Bồ-La có rất nhiều mục từ “phải”, ở đây xin trích mục từ có nghĩa của câu Kinh. “Phải” nghĩa là “chạm tới” hoặc “vì rủi ro mà mắc vào một vật gì”. Ở câu Kinh này ý nói vì thương con mà mẹ cúi mặt xuống, chẳng nề những gai nhọn ở đầu con chạm phải, hay nói đúng hơn là đâm vào mặt mẹ.

- Trong ngắm thứ bảy chúng ta có từ “phương chi”, Từ điển Việt-Bồ-La giải thích “phương chi” nghĩa là “hơn thế nữa”, Tự Vị Annam Latinh giải thích “phương chi” nghĩa là “hơn nữa”. Nguyên văn câu Kinh: “vì khi trước còn thấy xác Con mà còn đau đớn dường ấy, hơn thế bây giờ chẳng còn thấy Con nữa, thì lòng Đức Mẹ rất khốn cực đau đớn là dường nào...”

- Trong lời nguyện của Kinh này chúng ta lại một lần nữa gặp lại cụm từ “lạy ơn...” cụm từ này luôn luôn nhắc chúng ta về lời tạ ơn trước khi chúng ta xin bất cứ điều gì.

- Trong lời nguyện của Kinh cũng có cụm từ “hằng sống hằng trị”, Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “hằng” nghĩa là “luôn luôn”, “hằng sống” nghĩa là “sống mãi mãi”, “hằng trị” nghĩa là “được thống trị mãi mãi”. Cụm từ này ý nói “ngày sau sẽ được sống với Chúa mãi mãi, được cùng Chúa hiển trị muôn đời”.

2. Kinh Ngắm Đàng Thánh Giá

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu! Chúng con ước ao ngắm mười bốn nơi thương khó Đức Chúa Giêsu trong đàng Thánh Giá này, cho được kính mến trả nghĩa Đức Chúa Giêsu. Chớ gì* chúng con được đến viếng những nơi thương khó ấy, như bổn đạo thành Giêrusalem, cho được lĩnh nhận* các ơn bởi đàng Thánh Giá mà ra; song le chúng con là con chiên lạc xa đàng, thì xin dâng lòng chúng con làm đàng Thánh Giá mà ngắm cùng in vào lòng những sự thương khó Đức Chúa Giêsu đã chịu, để mà yên ủi chúng con ở chốn khách đầy này, cho ngày sau được trông cậy* mười bốn nơi thương khó ấy như bậc thang đem chúng con về thiên đàng, mà hát mừng tạ ơn Đức Chúa Giêsu đời đời chẳng cùng.

Nơi thứ nhất

Quan Philatô luận* giết Đức Chúa Giêsu

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, là Vua Cả trên trời dưới đất, là Đấng thiên hạ ước ao lâu đời, mà Philatô luận* giết Chúa cách xấu hổ nhuốc nha* dường ấy. Xin ban ơn cho con ăn năn đền tội, cho đáng Chúa cứu lấy con nơi tòa phán xét sau này.

Nơi thứ hai

Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, chịu đánh nát cả và mình ra cùng vác Thánh Giá nặng vì tội chúng con. Xin ban ơn cho con chịu các sự khốn khó trong bậc con, như Thánh Giá Đức Chúa Trời đã định cho con phải chịu mà theo chân Đức Chúa Giêsu cho trọn.

Nơi thứ ba

Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, chịu nhiều sự khốn khó cùng nhịn đói, vác Thánh Giá nặng yếu nhọc hết sức, thì ngã xuống đất. Xin ban ơn cho con giữ mình cho đến chết, chớ để con phạm tội lỗi gì mất lòng Chúa.

Nơi thứ bốn

Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu vác Thánh giá

Lạy ơn Đức Mẹ, khi trước thấy Con ra đời thì Thiên Thần hát mừng, mà rầy thấy Con nát cả và* mình ra trong tay quân dữ đem đi giết, thì lòng Đức Mẹ đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Xin Đức Mẹ cầu bầu cho chúng con được lòng ăn năn đau đớn, và cầu cho kẻ có tội được trở lại cùng Đức Chúa Trời.

Nơi thứ năm

Ông Ximon vác Thánh Giá đỡ Đức Chúa Giêsu

Khi quân dữ thấy Đức Chúa Giêsu yếu nhọc* hầu chết*, thì nó bắt ông Ximon vác Thánh Giá đỡ Đức Chúa Giêsu. Thương ôi! Nào con chiên Chúa đâu hết mà để Thánh Giá nặng cho kẻ ngoại vác làm vậy ? Xin ban ơn giúp sức cho con cùng kẻ thuộc về con, được chịu mọi sự khó bằng lòng như vác đỡ Thánh Giá Đức Chúa Giêsu vậy.

Nơi thứ sáu

Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lọt* mặt

Con khen lòng mạnh bạo bà Veronica chẳng sợ quân dữ, một mến Đức Chúa Giêsu, mà thấy cả và mình máu chảy ra, thì trao khăn cho Người lọt mặt đi. Xin in hình tượng Đức Chúa Giêsu vào lòng con, như in vào khăn bà Veronica, cho con được lòng mến Đức Chúa Giêsu cho trọn.

Nơi thứ bảy

Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai

Các sự khốn khó Đức Chúa Giêsu chịu một ngày một hơn, gượng đi chẳng được, thì ngã xuống đất lần nữa, quân dữ đạp dậy giục đi cho chóng. Xin Đức Chúa Giêsu ban ơn cho con được giữ lòng vững vàng, đi đàng nhân đức một ngày một hơn.

Nơi thứ tám

Đức Chúa Giêsu đứng lại yên ủi con thành Giêrusalem

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu chẳng nề chịu trăm nghìn sự thương khó, cho được đứng lại yên ủi con thành Giêrusalem, như Cha yên ủi con trong cơn khóc lóc. Xin Đức Chúa Giêsu yên ủi linh hồn con cùng các con chiên nước này, như yên ủi con thành Giêrusalem vậy, chớ bỏ chúng con mồ côi làm chi.

Nơi thứ chín

Đức Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, đã gần đến núi Calavariô, chẳng còn ai nhìn, máu đã chảy ra hết, thì ngã xuống đất một lần nữa. Ở con cháu Adong ! Hãy xem Chúa mình ngã xuống đất nhiều lần làm vậy vì ai. Xin Đức Chúa Giêsu thương chúng con cho đến sau hết, chớ bỏ con mọn yếu đuối dại dột làm chi.

Nơi thứ mười

Quân dữ lột áo Đức Chúa Giêsu

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, khi quân dữ toan đóng đanh Đức Chúa Giêsu, thì nó lột áo ra hết để cho xấu hổ cùng đau đớn. Xin ban ơn cho con giữ mình cho khỏi chước ma quỷ cám dỗ.

Nơi thứ mười một

Quân dữ đóng đanh Đức Chúa Giêsu

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, chịu đóng đanh vào Thánh Giá vì tội con. Xin ban ơn cho con đóng đanh xác thịt con vào Thánh Giá Chúa, kẻo còn phạm tội lỗi nữa.

Nơi thứ mười hai

Đức Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh giá

Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, chịu mọi sự khốn khó cho đến gần hết hơi, thì gục đầu xuống giã Đức Mẹ mà sinh thì. Xin ban ơn cho con giữ đạo cho đến giờ sau hết, được phó* linh hồn trong tay Chúa.

Nơi thứ mười ba

Tháo đanh Đức Chúa Giêsu xuống mà phó ở tay Đức Mẹ

Ai xem thấy hai ông thánh tháo đanh Đức Chúa Giêsu, mà đem xác xuống cách thảm thiết làm vậy, mà cầm nước mắt được ru ? Xin ban ơn cho con gỡ mình cho khỏi các tội, như tháo đanh Đức Chúa Giêsu vậy.

Nơi thứ mười bốn

Táng* xác Đức Chúa Giêsu trong hang đá

Ông thánh Giuse, ông thánh Nicôđêmô, ông thánh Gioan, tắm xác Đức Chúa Giêsu cho sạch các dấu, lấy thuốc thơm mà xức, lấy khăn sạch mà bọc cùng táng* trong hang đá. Mọi sự khốn khó Đức Chúa Giêsu chịu, nào có khi nào khó khăn thiếu thốn cho bằng khi táng xác ru ? Xin ban lòng mến cho con như thuốc thơm và lòng sạch sẽ như khăn sạch, cùng lòng vững vàng như hang đá, và các ơn bởi sự thương khó Đức Chúa Giêsu, cho con dọn mình chịu Mình Thánh Máu Thánh Đức Chúa Giêsu vào lòng như táng nhiệm* ở đời này, cho ngày sau được xem thấy tỏ tường Đức Chúa Giêsu hằng sống hằng trị* cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.

- Trong lời nguyện mở đầu có những cụm từ cổ đã giải thích trong các Kinh trước.

- Từ “chớ gì” là ngôn ngữ toàn dân, đồng nghĩa “chớ chi” trong phương ngữ Trung – Nam bộ. Tự Vị Annam Latinh giải thích “chớ chi” nghĩa là “ước chi”, như vậy “chớ gì” nghĩa là “ước gì”. Câu Kinh sẽ là “Ước gì chúng con được đến viếng những nơi thương khó ấy...”

- Cụm từ “nơi thương khó” trong Kinh này nghĩa là “nơi diễn ra cuộc thương khó của Chúa Giêsu”.

- “Lĩnh nhận” là cách phát âm phương ngữ của từ “lãnh nhận” trong ngôn ngữ toàn dân.

- “Song le” Từ điển Việt-Bồ-La có ba mục từ giải thích “song le” là “nhưng mà, tuy nhiên”.

- Cụm từ “trông cậy” được tác giả Tự Vị Annam Latinh giải thích là “hy vọng, tin tưởng”.

- Ở nơi thứ nhất câu mở đầu viết: “Quan Philatô luận giết Đức Chúa Giêsu”. Trong câu này chúng ta có từ “luận”, Tự Vị Annam Latinh giải thích “luận” nghĩa là “luận xét, bàn luận”; Từ điển tiếng Việt ghi chú nghĩa cũ của “luận” là “bàn về vấn đề gì có phân tích lí lẽ”. Như vậy, nơi thứ nhất là nơi “quan Philatô bàn luận để giết Chúa Giêsu”.

- Ở nơi thứ ba có cụm từ “yếu nhọc hết sức”, Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “nhọc” nghĩa là “mệt, rất mệt”; “nhọc nhằn” nghĩa là “rất nhọc mệt”. Ở nơi thứ năm có cụm từ “yếu nhọc hầu chết” cũng có cùng một nghĩa. Trong cụm từ này có cụm từ “hầu chết” Tự Vị Annam Latinh giải thích “hầu chết” nghĩa là “gần chết”.

- Nơi thứ sáu “Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lọt mặt”. Trong câu này có từ “lọt” là từ rất cổ, Tự Vị Annam Latinh giải thích “lọt” nghĩa là “chùi, lau”.

- Ở nơi thứ bảy có câu “Các sự khốn khó Đức Chúa Giêsu chịu...” Ở câu này chúng ta gặp lại từ “khốn khó” đã giải thích ở các kinh trên nghĩa là “những đau đớn khổ nhục”.

- Ở nơi thứ mười bốn có câu “Xin con dọn mình chịu Mình Thánh Máu Thánh Đức Chúa Giêsu vào lòng như táng nhiệm ở đời này”. Chúng ta có từ “táng nhiệm” trong đó “táng” nghĩa là “chôn xuống đất”, “nhiệm” nghĩa là “cách màu nhiệm, cách kín ẩn”. Câu Kinh muốn nói: khi chúng ta rước mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu vào lòng, Chúa ở trong lòng chúng ta như thân xác Chúa trong mồ. Điều này được ví như là một cuộc “táng xác cách màu nhiệm” vậy.

3. Kinh Đền Tạ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu

(Đọc trong ngày lễ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu)

Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dể duôi*; nay chúng con sấp mình xuống trước bàn thờ Chúa, hết lòng thờ phượng cung kính, cho được đền vì những sự vô nhân bất nghĩa khắp thiên hạ hằng làm sỉ nhục Trái Tim Chúa hay thương dường ấy.

Song le* chúng con nhớ lại, xưa nay chúng con cũng đã lỗi nghĩa cùng Chúa như vậy, thì chúng con hết lòng ăn năn đau đớn, xin Chúa thương xót thứ tha; chúng con sẵn lòng đền tội chúng con, cùng xin đền tội những kẻ lạc xa đàng rỗi*, hoặc bởi cố tình chẳng tin phục nhận biết Chúa là Đấng chăn chiên dẫn đàng chính thật, hoặc khinh dể những điều đã khấn nguyện khi chịu phép Rửa tội, mà rẫy bỏ giới răn Chúa là ách êm ái dịu dàng.

Bấy nhiêu tội đáng khóc lóc đau đớn dường ấy, thì chúng con quyết chí đền hết thay thảy*, lại dốc lòng* đền riêng những tội này, như cách ăn ở buông tuồng* mất nết, những thói tục xấu xa làm dịp cho kẻ hãy còn thanh sạch mất lòng khiết tịnh, tội bỏ chẳng giữ các ngày lễ, sự nói lộng ngôn* phạm đến Chúa cùng các thánh, những lời sỉ nhục bỉ báng* Đấng thay mặt Chúa cùng các Đấng làm thày, những điều ơ hờ khinh dể* cùng những tội gớm ghê phạm đến chính phép Bí Tích mến yêu; sau hết chúng con xin đền tội chung các nước hằng chống cưỡng chẳng nhận quyền, cùng chẳng vâng phục lời Hội Thánh Chúa truyền dạy. Chớ gì chúng con được đổ máu ra mà rửa sạch bấy nhiêu tội ấy; ít là chúng con xin dâng công đền tội xưa Chúa đã dâng cho Đức Chúa Cha trên cây Thánh Giá, mà rầy còn dâng trên bàn thờ mọi ngày, lại xin dâng công nghiệp Đức Mẹ Đồng Trinh và các thánh cùng các kẻ lành, cho được đền vì những sự vô phép* mất lòng Chúa.

Chúng con thật lòng hứa cùng Chúa, từ nay về sau, nhờ ơn Chúa giúp, thì chúng con sẽ giữ đức tin vững vàng, ăn ở thanh sạch, giữ luật Evan* cho trọn, nhất là luật mến Chúa yêu người, cho được bù lại những tội chúng con, cùng tội thiên hạ* đã phụ ơn, bội nghĩa cùng Chúa hay thương dường ấy, lại hết sức ngăn ngừa kẻo người ta còn phạm đến Chúa, cùng khuyên dụ cho nhiều người trở lại theo chân Chúa.

Lạy Đức Chúa Giêsu cực khoan cực nhân! Chúng con cậy vì lời Đức Nữ Đồng Trinh Maria đã đồng công chuộc tội cầu bầu, xin Chúa nhận lễ đền tội chúng con thật lòng kính dâng mà tạ Chúa, cùng xin ban cho chúng con được ơn bền đỗ*, giữ lòng trung tín, lo việc bổn phậm làm tôi Chúa cho đến trọn đời, cho ngày sau chúng con hết thảy được về quê thật, là nơi Chúa hằng sống hằng trị* cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen

- Trong Kinh này chúng ta gặp cụm từ “khinh mạn dể duôi”, Tự Vị Annam Latinh giải thích “khinh mạn” nghĩa là “khinh, chê bai”; “dể duôi” nghĩa là “khinh dể”. Chúng ta một lần nữa lại thấy lại công thức ghép hai từ song tiết để làm gia tăng nét nghĩa. Đây là một hình thức ngữ pháp trong tiếng Việt, khi muốn nhấn mạnh từ ngữ để làm mạnh nghĩa hơn thì ghép hai từ đồng nghĩa.

- Trong Kinh này chúng ta gặp cụm từ “Cùng xin đền tội những kẻ lạc xa đàng rỗi”. Từ điển Việt-Bồ-La giải thích “rỗi” nghĩa là “sự yên nghỉ, sự thoát khỏi hình phạt”. Câu Kinh có nghĩa là “xin đền tội thay những kẻ bị hình phạt, những người chưa được an nghỉ hạnh phúc bên Chúa”.

- Câu Kinh “cách ăn ở buông tuồng mất nết” từ điển tiếng Việt hiện đại giải thích “buông tuồng” nghĩa là “tự do bừa bãi, không chút giữ gìn trong cách sống”; Từ điển Việt-Bồ-La giải thích “buông tuồng” nghĩa là “chỉ lo ăn uống, chỉ lo cái bụng, ngoài ra không lo gì nữa”; Tự Vị Annam Latinh giải thích “buông tuồng” nghĩa là “chơi bời”, là “tham gia vào những thú tiêu khiển có hại”. Thiết nghĩ cả các nét nghĩa cũ và mới kết hợp với nhau làm cho hiểu rõ câu Kinh hơn.

- Trong Kinh này có cụm từ “nói lộng ngôn”, từ điển tiếng Việt hiện đại không có từ này. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích “lộng ngôn” nghĩa là “lời nói phạm thượng”.

- Trong cụm từ “sỉ nhục bỉ báng”, có từ “bỉ báng” là cách phát âm cổ của từ “phỉ báng”. Tiếng Việt cổ “bỉ” nghĩa là “khinh” ta thấy trong tiếng Việt hiện đại có từ “khinh bỉ” là từ ghép hội nghĩa có yếu tố “bỉ” là yếu tố cổ có nghĩa là “khinh”; “báng” nghĩa là “chê bai, nói xấu”. Các nét nghĩa của “bỉ” và “báng” kết hợp với nhau tạo thành nghĩa của từ “phỉ báng” hiện nay. Chúng ta cũng thấy từ “khinh dể” trong tiếng Việt cổ cũng có nghĩa là “khinh”.

- Câu kinh “Chớ gì chúng con được đổ máu ra mà rửa sạch bấy nhiêu tội ấy” có từ “chớ gì” đã được giải thích ở trên nghĩa là “ước gì”. Như vậy câu Kinh nghĩa là “Ước gì chúng con được đổ máu ra mà rửa sạch bấy nhiêu tội ấy”.

- Câu Kinh “Chúng con sẽ giữ đức tin vững vàng, ăn ở thanh sạch, giữ luật Evan cho trọn” có cụm từ “luật Evan”: “Evan” là hai âm đầu của Evangelium (tiếng Latinh) hoặc Evangelho (tiếng Bồ đào nha) nay ta dịch là Phúc Âm, Tin Mừng. “Luật Evan” là Luật Phúc Âm, tức là nếp sống theo Phúc Âm, theo Tin Mừng.

- Câu “xin ban cho chúng con được ơn bền đỗ”: từ “bền đỗ” là từ không có trong từ điển tiếng Việt hiện đại. Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “bền” nghĩa là “bền vững”, mực từ “đỗ” nghĩa là “kiên trì”. Xin ơn “bền đỗ” nghĩa là xin cho được “kiên trì bền vững” theo Chúa suốt cuộc đời.

4. Ngắm Các Màu Nhiệm Kinh Mân Côi Bằng Thi Ca

MỞ ĐẦU

Vườn Rosa bao quanh trái đất,

Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền,

Thử suy cùng cho đến căn nguyên;

Xem ai đã gây nên vậy tá* ?

Bởi ông thánh Ða Minh cha cả*,

Thấy ruộng thiêng cỏ rả mê man

Người lo buồn nguyện ngắm kêu van,

Xin Ðức Mẹ cực khoan thương đoái.

Ðức Mẹ thương xuống ơn rộng rãi,

Trao tràng châu* truyền hãy giảng khuyên:

Khuyên người ta lần hạt ngắm nên,

Sẽ chữa tật thiêng liêng cho đã*.

Người vâng, cứ giảng không bao nả*,

Thấy lòng người khác cả khi xưa,

Kẻ mê đàng tội lỗi liền chừa

Phường đạo rối xác xơ tan tác.

Thế gian bỗng tự nhiên ra khác.

Ruộng Y ghê* cỏ rác bớt dần.

Thánh Hội* từng tư mộ* công ân,

Hằng năm đặt lễ tuần kính nhớ.

HAI MƯƠI MÀU NHIỆM KINH MÂN CÔI

Phép ngắm Mân Côi nguyên cội rễ*,

Suy tôn chuộc tội loài người thế,

Tự sinh nhi tử, tử nhi sinh*,

Công nghiệp vô cùng khôn* xiết kể.

Lạy ơn Rất Thánh Ðức Bà,

Xin vì phép ngắm Mân Côi thánh này,

Ban ơn soi sáng bởi trời,

Cùng ban sự sống đời đời cho con

Năm Sự Vui

1.

Chúa toan cứu chuộc các sinh linh*,

Sai sứ truyền tin Thánh Tử sinh.

Thánh Mẫu dâng mình theo ý Chúa

Chịu* thai nguyên vẹn đức đồng trinh.

Lạy ơn* Ðức Mẹ nhân thay*

Xin vì sự nhiệm mầu này dủ thương,

Cho con lòng vững đá vàng,

Vâng theo ý Chúa mọi đàng đừng sai.

2.

Isave thánh đà* già cả,

Chúa định mang thai con cách lạ,

Ðến viếng tha con khỏi tội truyền,

Con trong lòng Mẹ hiền mừng lạ.

Lạy ơn* Ðức Mẹ nhân thay*,

Xin vì sự nhiệm mầu này dủ thương.

Cầu xin Chúa cả thiên đàng,

Cứu con cho khỏi các đàng tội khiên*.

3.

Be-lem phong cảnh cực trần ai,

Chúa chọn sinh nơi khốn khó thay*.

Máng cỏ bò lừa quì thở ấm.

Thiên Thần mừng rỡ Chúa ra đời.

Lạy ơn* Ðức Mẹ nhân thay*.

Xin vì sự nhiệm mầu này dủ thương.

Cho con được ở khiêm nhường,

Chớ yêu chuộng sự vẻ vang trên đời.

4.

Mẫu hoàng* vâng giữ lời truyền dạy.

Ðem Chúa vào đền xin chuộc lấy.

Thầy cả* xưng ra thật Chúa Trời.

Liền xin ẵm lấy cùng thờ lạy.

Lạy ơn* Ðức Mẹ nhân thay*.

Xin vì sự nhiệm mầu này dủ thương.

Cho con thủ tiết* băng sương*,

Ðáng lên hưởng phúc thiên đường ngày sau.

5.

Lễ rồi Con lạc, Mẹ tìm Con

Lòng Mẹ ba ngày rất héo hon,

Ðoạn trở vào đền tìm lại thấy,

Con về thảo kính đến khi khôn.

Lạy ơn* Ðức Mẹ nhân thay*.

Xin vì sự nhiệm mầu này xuống ơn.

Cho con lòng thật ăn năn,

Soi gương phúc đức siêng năng vâng lời.

Kết Năm Sự Vui

Con kính nhớ ngợi khen Ðức Mẹ.

Ðã hưởng phần vui vẻ lạ thay.

Vui vì khi thấy Sứ Chúa sai,

Truyền tin lạ, chịu thai Thánh Tử

Vui vì Isave Thánh Nữ,

Tội truyền con khỏi tự trong thai;

Vui vì khi thấy Chúa ra đời

Thiên Thần hát mừng Người cách lạ

Vui vì Chúa vào đền thờ cả,

Thánh Simêon kính tạ khen Người;

Vui vì Con lạc mất ba ngày

Tìm lại thấy trong nơi đền thánh

Bấy nhiêu sự chúng con dâng kính,

Xin giàn ra trong tính phần vui,

Cho chúng con hưởng phúc trên trời

Ðược hằng sống đời đời vui vẻ*.

Năm Sự Sáng

1.

Gio-đan dòng nước lững lờ trôi

Nào biết được đâu chính Chúa Trời

Tìm đến đích thân xin thanh tẩy

Xác hồn nguyên vẹn nét tinh khôi.

Thánh Maria Mẹ Chúa Trời

Xin thương nguyện giúp các bề tôi

Biết luôn sống đẹp vui lòng Chúa

Linh hồn trang trọng nét xinh tươi.

2,

Tiệc cưới năm xưa tại Cana

Sau khi thực khách đã ngà ngà

Chúa ban thêm rượu ngon tinh khiết

Biến từ nước lã hóa thành ra.

Thánh Maria Mẹ Chúa Trời

Mẹ của chúng con nữa, Mẹ ơi !

Xin giúp chúng con tin mạnh mẽ

Quyền uy dũng lực Chúa tuyệt vời.

3.

Hãy sám hối ăn năn đền tội

Nước Trời đang tới hãy mau thôi

Cuộc đời biến đổi cho nên tốt

Chuẩn bị tâm hồn đón Phúc Âm.

Thánh Maria Mẹ Chúa Trời

Mẹ của chúng con nữa, Mẹ ơi !

Xin giúp chúng con mau biến đổi

Cuộc đời nên tốt đẹp xinh tươi

4.

Trên núi Tabo Chúa hiển dung

Phêrô ngây ngất sướng vô cùng

Ba lều xin dựng ngay trên núi

Nhưng phải đợi chờ tới cánh chung.

Thánh Maria Mẹ Chúa Trời

Mẹ của chúng con nữa, Mẹ ơi !

Xin giúp chúng con luôn tỉnh táo

Hằng lo chuẩn bị lắng nghe Lời.

5.

Thánh Thể, tình thương Chúa hải hà

Dành cho người thế khắp gần xa

Ai ai cũng được khuyên bồi dưỡng

Bằng Máu Thịt Người đã đổ ra.

Thánh Maria Mẹ Chúa Trời

Mẹ của chúng con nữa, Mẹ ơi !

Xin giúp chúng con luôn sốt sắng

Rước Mình Máu Chúa mãi chẳng ngơi.

Kết Năm Sự Sáng

Năm Sự Sáng nhiệm mầu cao cả

Tỏa ánh thiêng lan tỏa không gian

Từ dòng nước chảy Gio-đan

Tới nơi Núi Thánh giăng màn uy linh

Tạ ơn Chúa hiến mình hy tế

Làm của nuôi thế hệ nhân sinh

Chúng con cảm tạ ân tình

Chúa thương ban phúc trường sinh cho đời.

Năm Sự Thương

Sự vui sáng qua sự sầu kế,

Lòng Ðức Mẹ như bể dạt dào,

Khi thấy con chịu khốn khó bao,

Thì người cũng phải đau đớn hết.

1.

Chúa vào cầu nguyện trong vườn Giệt*

Thấy tội loài người lòng thảm thiết,

Máu lộn mồ hôi đổ toát ra,

Phó mình vào nộp tòa quan xét

Lạy ơn Ðức Mẹ khoan thay,

Xin vì sự nhiệm mầu này thảm thương,

Cho con được sức vững vàng,

Chịu nhiều sự khó Chúa thường định cho.

2.

Chịu khốn* thâu đêm rất nhuốc nha*,

Sáng ngày dinh trấn giải vào tra,

Dậy đưa cột đá đem dây trói,

Ðánh cả và mình thịt nát ra.

Lạy ơn Ðức Mẹ khoan thay,

Xin vì sự nhiệm mầu này thảm thương,

Soi cho con mọn biết đường,

Trách mình vì tội lỗi thường phạm liên.

3.

Mặc cho áo đỏ như vua giả,

Ðầu đội mão gai thâu suốt cả,

Máu chảy ròng ròng mặt chứa chan

Lại quì gối nhạo giơ tay vả.

Lạy ơn Ðức Mẹ khoan thay,

Xin vì sự nhiệm mầu này thảm thương,

Cho con được đức khiêm nhường,

Hằng bằng lòng chịu trăm đường nhuốc nha*.

4.

Khi quan luận* giết án đà* phê,

Thánh giá đem cho vác nặng nề,

Ðau đớn vừa đi vừa ngã xuống,

Hung đồ buộc cổ kéo lôi đi.

Lạy ơn Ðức Mẹ khoan thay,

Xin vì sự nhiệm mầu này thảm thương,

Giữ con đừng để ngang tàng,

Cứ nương Thánh giá theo đàng Chúa đi.

5.

Thảm thay! xô ngửa trên thánh giá,

Ðanh đóng chân tay thâu suốt cả,

Chúa chịu đền thay hết tội đời,

Mẹ như dao sắc thâu qua dạ.

Lạy ơn Ðức Mẹ khoan thay,

Xin vì sự nhiệm mầu này xuống ơn,

Tha con khỏi các nợ nần,

Khi hồn lìa xác khỏi quân giặc thù.

Kết Năm Sự Thương

Kính nhớ sự thảm thương Ðức Mẹ,

Khi con vì tội thế đền bồi.

Thương con đã đổ máu mồ hôi.

Chịu quân dữ bắt nơi vườn Giệt;

Thương Con chịu thâu đêm thảm thiết

Chịu đánh đòn nát hết thịt mình;

Thương con đầu đội mão gai khoanh

Mặc áo đỏ như hình vua giả;

Thương Con phải vác cây Thánh Giá,

Gượng vác đi mà ngã khốn* thay,

Thương con chịu đanh đóng chân tay,

Cùng chịu chết vì loài người thế;

Ðức Mẹ bởi thương con qúa lẽ

Trong lòng nên như bể đắng cay,

Xin vì những sự thảm thiết này,

Cho con mọn được ăn mày phần phúc.

Năm Sự Mừng

Sự thương khó đà* qua khỏi lúc

Những sự mừng bỗng chốc tiếp theo,

Vì các ơn rất cả rất nhiều,

Ðức Mẹ được kể sao cho xiết.

1.

Xác quàn hang đá khỏi ba ngày

Sống lại uy nghi sáng láng thay.

Ðức Mẹ thấy con mừng qúa bội,

Tông đồ mặt ủ bỗng nên tươi.

Lạy ơn Ðức Mẹ cam thay*,

Xin vì sự nhiệm mầu này đoái thương

Cho con sạch tội mọi đường,

Cùng tin mọi sự tỏ tường ngày sau.

2.

Cứu chuộc Chúa đà* xong mọi sự

Dặn dò Thánh Mẫu cùng đầy tớ.

Khuyên con ở lại Chúa lên Trời,

Bên hữu Dêu* Cha tòa Chúa ngự.

Lạy ơn Ðức Mẹ cam thay,

Xin vì sự nhiệm mầu này đoái thương

Cho con lòng mến thiên đường,

Hằng hằng ra sức tìm đường để lên.

3.

Thánh Mẫu tông đồ hội họp nhau

Thánh Thần lưỡi lửa xuống trên đầu

Soi cho biết tiếng muôn vàn nước

Ban sức thiêng liêng giảng đạo mầu.

Lạy ơn Ðức Mẹ cam thay,

Xin vì sự nhiệm mầu này đoái thương

Cho con sức mạnh vững vàng.

Xưng ra đạo thánh sửa sang trong ngoài.

4.

Nữ Vương đến tuổi đầy ơn phúc

Thánh Tử thiên thần đều xuống rước

Hồn xác lên trời rất tốt lành

Hưởng muôn muôn phúc ai suy được

Lạy ơn Ðức Mẹ cam thay,

Xin vì sự nhiệm mầu này đoái thương

Ðến cơn nhất đán* phi thường,

Cho con khỏi mắc chước phường sa-tan

5.

Chúa cả* Ba ngôi thưởng Nữ Vương

Ngự trên thần thánh nước Thiên đường

Ban quyền xem sóc loài người thế

Là Mẹ cầu bầu để Chúa thương.

Lạy ơn Ðức Mẹ cam thay,

Xin vì sự nhiệm mầu này xuống ơn

Cho con lòng giữ trung cần

Ðáng lên chầu chực hưởng phần phúc riêng.

Kết Năm Sự Mừng

Con cảm mến ngợi khen kính nhớ,

Sự Ðức Bà mừng rỡ Con mình,

Mừng khi thấy Chúa đã phục sinh,

Rất sáng láng tốt lành hơn trước,

Mừng khi thấy Chúa lên hưởng phúc,

Các Thiên Thần đón rước tưng bừng;

Mừng vì khi thấy Chúa Thánh Thần,

Ðã hiện xuống ban ơn cả thể;

Mừng khi thấy mình toan giã thế,

Con xuống mời rước Mẹ lên trời;

Mừng vì được ơn của Ba Ngôi,

Ban toà thưởng ngự nơi trọng nhất.

Sự vui mừng rất bền rất thật,

Lòng Ðức Bà càng rất khoan thay*,

Xin vì những sự mừng này,

Cho chúng con đời đời mừng rỡ.

Kết

Bốn phần tóm lại gồm hai chục,

Cảm nhớ khong khen* công cứu thục*,

Mọi phúc treo gương rất sáng thay,

Soi lên sẽ được muôn phần phúc.

Tổng Tạ

Hai mươi sự ngắm về lần hạt,

Chúng con xin ngợi hát khong khen*.

Các ơn các ích thiêng liêng,

Tóm mọi cách chung riêng thay thảy*.

Bởi sự vui Ðức Bà xem thấy,

Sứ Ba Ngôi chào lạy truyền tin.

Ngôi Thứ Hai xuống ở cùng liên,

Ðược hưởng các ơn riêng vạn bội.

Bởi sự sáng cùng con rao giảng

Truyền Phúc Âm, phép lạ cứu người

Mẹ như được cùng con chia sẻ

Muôn phúc thiêng sức mạnh cứu đời.

Bởi sự thương thấy Con chuộc tội,

Chịu gian nan nghìn nỗi trăm đường,

Lòng Ðức Bà đau đớn thảm thương;

Các sự khó cũng dường như phải,

Bởi sự mừng tự Con sống lại,

Chúa xuống ơn rộng rãi man vàn*,

Cho đến khi lìa khỏi thế gian.

Các phúc trọng Chúa ban đầy dẫy,

Vì các sự Vui Thương Mừng Sáng.

Giúp đỡ Con chuộc lấy loài người.

Lại nên vườn hoa rất lạ thay,

Cho Hội Thánh đời đời thưởng ngoạn.

- Trong hai mươi Màu Nhiệm Mân Côi này, các câu thơ trong phần mở đầu nói về sự ra đời của Kinh Mân Côi. Hội Thánh được ví như vườn hồng thiêng liêng đang gặp những khó khăn thử thách. Đức Mẹ cho Thánh Đa Minh biết, Kinh Mân Côi có sức mạnh nâng đỡ Hội Thánh và phá tan các sự dữ.

- Trong bốn câu đầu này có cụm từ “vậy tá”, trong đó “tá” theo từ điển Hán Việt là một trợ ngữ dùng ở cuối câu thương cảm. Khi dùng từ này cuối câu, nó sẽ làm câu văn biểu lộ sức thương cảm nhiều hơn.

- “Ðức Mẹ thương xuống ơn rộng rãi, trao tràng châu truyền hãy giảng khuyên”. Từ “tràng châu” trong câu Kinh này ý chỉ đến tràng hạt Mân Côi, nó quý giá như chuỗi ngọc châu báu.

- “Khuyên người ta lần hạt ngắm nên, sẽ chữa tật thiêng liêng cho đã”. Từ “đã” trong câu này Từ điển Việt-Bồ-La giải thích nghĩa là “được khỏi bệnh”. Ý của câu này nghĩa là “khuyên người ta suy ngắm và lần hạt cho nên, thì những tật bệnh thiêng liêng sẽ được chữa khỏi”.

- “Người vâng, cứ giảng không bao nả”, trong câu này chúng ta có từ “bao nả”. Từ điển Việt-Bồ-La và Tự Vị Annam Latinh giải thích “bao nả” nghĩa là “thế nào”. Câu này có nghĩa là “Thánh Đa Minh vâng lời Đức Mẹ cứ giảng khuyên người ta suy ngắm và lần hạt Mân Côi, không phải đặt vấn đề là công việc rồi ra sẽ thế nào”.

- “Thế gian bỗng tự nhiên ra khác, ruộng Y ghê cỏ rác bớt dần”. Trong câu Kinh này có cụm từ “ruộng Y Ghê”, từ “Y Ghê” gốc Bồ Đào Nha là Igreja được dịch là “Hội Thánh” xưa phiên âm là Y-ghê-rê-sa. Trong câu Kinh này, để cho vần thì tác giả đã trích lấy hai âm đầu Y Ghê. Trong Phúc Âm, Hội Thánh vốn được ví như thửa ruộng của Thiên Chúa, như vậy “ruộng Y Ghê” tức là Hội Thánh. Câu Kinh này có ý nói, nhờ suy ngắm và lần hạt Mân Côi mà Hội Thánh vượt qua những thử thách, khó khăn, nguy hiểm.

- “Thánh Hội từng tư mộ công ân”, trong câu này có từ “Thánh Hội” nghĩa là “Hội Thánh” viết theo trật tự từ của tiếng Hán, từ “thánh” là tính từ đứng trước từ “hội” là danh từ. “Hội Thánh” là cách viết theo trật tự từ của tiếng Việt. Từ “từng” Từ điển Việt-Bồ-La giải thích nghĩa là “có thói quen”. Cụm từ “tư mộ” là hai từ Hán Việt, từ “tư” theo từ điển Hán Việt là “thương”, “mộ” theo từ điển Hán Việt là “mến”. Câu Kinh nghĩa là “Hội Thánh có thói quen thương mến ghi nhớ công ơn” nên hàng năm mở lễ tuần kính Thánh Đa Minh, trong dịp này suy ngắm các màu nhiệm Kinh Mân Côi cách long trọng.

- Khởi đầu việc suy ngắm hai mươi màu nhiệm Kinh Mân Côi tác giả đã diễn tả:

Phép ngắm Mân Côi nguyên cội rễ,

Suy tôn chuộc tội loài người thế,

Tự sinh nhi tử, tử nhi sinh,

Công nghiệp vô cùng khôn xiết kể.

- Trong bốn câu này có cụm từ “nguyên cội rễ”: “nguyên” nghĩa là “trọn vẹn”, “cội rễ” nghĩa là “nguyên lý”. Hai câu này ý nói: Các màu nhiệm Kinh Mân Côi nói lên một nguyên lý trọn vẹn, đó là việc suy tôn màu nhiệm tình yêu thương Chúa đã đến cứu chuộc loài người chúng ta.

- Câu “Tự sinh nhi tử, tử nhi sinh” là một câu rất đẹp trong tiếng Việt tác giả viết dưới hình thức chơi chữ đối lập các vế trong câu bằng cách dùng các từ đồng âm khác nghĩa. Trong đó tác giả sử dụng các từ Hán Việt: “tự” nghĩa là “từ”; câu có hai từ “nhi” nghĩa là “cho đến”; câu cũng có hai chữ “tử” nghĩa là “chết”; câu còn có hai chữ “sinh” một nghĩa là “sinh ra”, một nghĩa là “sống”. Câu này muốn nói đến suy ngắm màu nhiệm Kinh Mân Côi là chiêm ngắm Chúa “từ khi sinh ra làm người cho đến chết, rồi từ khi chết cho đến khi sống lại”. Phép Mân Côi chiêm ngắm nguyên lý cội rễ trong màu nhiệm cứu chuộc này. Đây là màu nhiệm vô cùng lớn lao không thể kể xiết trong đạo.

- Trong màu nhiệm thứ nhất năm sự vui có câu “Chúa toan cứu chuộc các sinh linh” có từ “sinh linh” được tác giả Tự Vị Annam Latinh giải thích nghĩa là “loài thụ tạo”. Nghĩa cổ theo Tự Vị Annam Latinh của từ này rộng hơn nghĩa trong tiếng Việt hiện đại, “sinh linh” là “muôn loài thụ tạo”. Tiếng Việt hiện đại giải thích “sinh linh” chỉ gồm “những người dân trong xã hội” mà thôi thì chưa đủ. (x.Mc 16,15; Rm 8,18-23)

- Trong màu nhiệm thứ hai năm sự vui có câu “Isave thánh đà già cả”, Tự Vị Annam Latinh giải thích “đà” nghĩa là “đã”. Câu trên đúng nghĩa từ “đã” không đúng luật thơ, khó vần điệu nên tác giả đã dùng từ “đà”.

- Cũng trong màu nhiệm thứ hai năm sự vui có câu “Cầu xin Chúa cả thiên đàng, cứu con cho khỏi các đàng tội khiên”. Từ “tội khiên” Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích đó là từ đồng nghĩa với từ “tội lỗi”, là từ cũ ít dùng.

- Trong màu nhiệm thứ tư năm sự vui có câu “Cho con thủ tiết* băng sương”. Từ “thủ tiết” nghĩa là “giữ gìn tiết hạnh”; “băng sương” Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích nghĩa là “lo lắng tứ phía”. Câu này nghĩa là “dù cuộc sống có lo lắng trăm bề thì xin giúp con đủ sức gìn giữ đức hạnh cho vẹn tròn”.

- Trong màu nhiệm thứ nhất năm sự thương có câu “Chúa vào cầu nguyện trong vườn Giệt”. Từ “vườn Giệt” là từ phiên âm của được viết giản lược của từ tiếng Latinh Getsemani (Giệt-si-ma-ni) còn gọi là “vườn cây dầu”.

- Trong màu nhiệm thứ nhất năm sự mừng có câu “Lạy ơn Ðức Mẹ cam thay”. Tự Vị Annam Latinh có mục từ “cam” được giải thích “đành lòng”; Đại Nam Quấc Âm Tự Vị có mục từ “cam” giải thích “cam chịu”. Câu này có nghĩa là “chúng con tạ ơn Mẹ vì Mẹ đã cam chịu những đau khổ” thông hiệp trong màu nhiệm cứu độ này.

- Trong màu nhiệm thứ hai năm sự mừng có câu “Bên hữu Dêu Cha tòa Chúa ngự”. Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “tôi tin kính Deos Cha” nghĩa là “tôi tin kính Thiên Chúa Cha”. Từ “Dêu” là từ phiên âm tiếng Latinh chỉ “Thiên Chúa”.

- Trong màu nhiệm thứ bốn năm sự mừng có câu “Ðến cơn nhất đán phi thường”. Từ “nhất đán” nghĩa là “một mai”, từ “phi thường” nghĩa là “những bất thường, những sự cố”, câu này có ý nói: “Một mai khi có những sự bất thường xảy đến”, xin cho con đừng vướng mắc vào phường Satan.

- Trong phần kết có câu “Cảm nhớ khong khen công cứu thục”. Từ “khong khen” đã giải thích trong Kinh Nghĩa Đức Tin, từ “thục” nghĩa là “chuộc”. Câu này nghĩa là “cảm nhớ ca khen công ơn cứu chuộc của Thiên Chúa”.

- Trong câu “Chúa xuống ơn rộng rãi man vàn” có từ “man vàn” nghĩa là “muôn vàn”, âm của từ “man” đọc là “muôn”.

Sr.Minh Thùy

Đa Minh Rosa Lima