LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ

LTS- « LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để « Kỷ niệm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tuyên phong Hiển Thánh, 27.04.2014 » và để « Kỷ niệm 20 năm sinh hoạt của Ban Mục Vụ Gia Đình, 1995-2015 ». Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.

Xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban phúc lành cho những người góp phần thực hiện tác phẩm này, cũng như cho quí độc giả thân thương. Tất cả để vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các gia đình.

Bài đã được phổ biến:

1. LỜI MỞ, ngày 17.04.2014
2. Thần học Thân xác và Linh đạo Hôn phối của Lm Mai Đức Vinh, ngày 24.04.2014
3. Hôn nhân trong ánh sáng Hôn lễ của Đức Kytô và Giáo Hội, của Lm Mai Đức Vinh, ngày 01.05.2014
4. Duyên lành và thánh thiện của cặp vợ chồng của Ptvv Phạm Bá Nha, ngày 08.05.2014.
5. Để Hôn nhân trở nên một ơn gọi của C. Micheline Kim Chi, ngày 15.05.2014.
6. Hạnh phúc hôn nhân của AC Phạm Hòa Hiệp, ngày 22.05.2014
7. Làm sao để vợ chồng sống hạnh phúc của ÔB Phan Hữu Lộc, ngày 05.06.2014
8. Trưởng thành của tình yêu của AC Nguyễn Long Hằng, ngày 12.06.2014
9. Niềm vui trao ban của AC Đoàn Quốc Khánh, ngày 19.06.2014
10. Tình yêu vợ chồng: một bài phụng ca của Gs Trần Văn Cảnh, ngày 26.06.2014
11. Hôm nay, ngày 14.08.2014, xin giới thiệu bài 11 «Thánh giá và khổ cực của đời sống gia đình » của Ls Lê Đình Thông.


THÁNH GIÁ VÀ KHỔ CỰC CỦA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

"Người chồng và người vợ phải phục tùng lẫn nhau, tương nhượng lẫn nhau (…) Cộng đoàn hay đơn vị họ kiến tạo trong đời sống hôn phối của họ, chỉ được thể hiện trong sự trao ban tương hỗ, nghĩa là hai người phục tùng lẫn nhau" (Đức Gioan-Phaolô II, buổi triều yết 11.8.1982)

1. Tông huấn ‘Cộng Đồng Gia Đình’-

Thánh Gioan-Phaolô II là thánh nhân của các gia đình Công Giáo. Vào đúng ngày bị ám sát hụt (13/5/1981), ngài đã thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình. Ngày 22/11/1981, ngài công bố Tông huấn Familiaris consortio. "Consortio": "partnership" trong tiếng Anh, có thể chuyển ngữ là "đồng hội đồng thuyền". Ngoài ra còn có Học viện Gioan-Phaolô II về Gia đình nữa. Chính đức Gioan-Phaolô II từng nói ngài muốn người ta nhớ đến ngài như vị giáo hoàng của gia đình.

Tông huấn ‘Cộng Đồng Gia Đình’ (Familiaris consortio) đề cập đến nhiều vấn đề ngày nay vẫn còn mang tính thời sự: vai trò của gia đình trong việc phúc âm hóa, ơn gọi tình yêu của gia đình, ơn gọi truyền giáo của gia đình, mục vụ gia đình.

Trong phần gia đình trong thế giới ngày nay, tông huấn cho biết gia đình có hai mặt tích cực và tiêu cực:

Ÿ Tích cực, vì ngày nay ta quan tâm hơn về sự liên hệ vợ chồng trong đời sống hôn nhân, nhân phẩm phụ nữ được thăng tiến, việc sinh đẻ có trách nhiệm, vấn đề giáo dục con cái, sự liên hệ giữa các gia đình với nhau để giúp nhau về mặt tinh thần cũng như vật chất.

Ÿ Tiêu cực, vì vợ chồng có ý nghĩ sai lầm về sự độc lập của mỗi người, về sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Số ly hôn gia tăng, số phá thai, việc làm tuyệt sinh sản, vấn đề ngừa thai…

Các hiện tượng tiêu cực phần lớn vì lứa đôi không hiểu đúng về tự do của mỗi người, khiến đời sống gia đình thường bị lục đục.

Ở Việt Nam, gia đình thiếu cơm ăn, áo mặc, nhà cửa chật chội, thiếu thuốc men v.v. cũng là nguyên nhân gây ra bất hòa. Tại Pháp, đời sống quá sung túc, lúc nào cũng chỉ lo mua sắm khiến ta lo lắng không biết tương lai sẽ ra sao. Tình trạng này là sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối. Theo thánh Augustinô, đó là sự xung đột giữa yêu Chúa và sự ích kỷ không kể gì đến Thiên Chúa.

Sống trong một thế giới như vậy, dưới ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, nhiều khi các gia đình Công Giáo không ý thức rằng các giá trị căn bản bị lu mờ mà không tạo được tinh thần nhân bản trong gia đình.

Ngày nay, một số gia đình cử hành bí tích hôn nhân cho có lệ mà không sống đạo thực sự. Ngoài ra, họ không được hướng dẫn về đời sống tính dục trong hôn nhân Công Giáo. Vì vậy, Giáo Hội, gần nhất là Giáo Xứ, cần tìm một phương hướng để gia đình nhận ra các giá trị thực sự. Học thuyết nhân bản mới hướng dẫn gia đình đến với Chúa.

Ngoài tông huấn Cộng Đồng Gia Đình, mỗi khi tiếp các gia đình, đức Gioan-Phaolô II thường khuyên nhủ các cặp vợ chồng. Trong cuộc tiếp kiến ngày 11/8/1982, ngài nói như sau: "Vợ chồng phải nhường nhịn nhau, phải nghe lời nhau. Gia đình hôn nhân là cho nhau và phục tùng lẫn nhau".

Ca dao ta có câu:

Con quốc khắc khoải mùa hè

Làm thân con gái phải nghe lời chồng

Sách cho chữ rằng: phu xướng phụ tòng

Làm thân con gái lấy chồng xuất gia

Lấy em về thờ mẹ kính cha

Thờ cha kính mẹ ấy là người ngoan

Câu thơ này chỉ đúng một nửa. Ngày xưa phu xướng phụ tòng. Còn ngày, phu phụ xướng, phu phụ tòng, đức Gioan-Phaolô II gọi là phục tùng lẫn nhau (soumission réciproque). Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh để làm khuông vàng thước ngọc cho sự phục tùng lẫn nhau: "Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau". (Ep, 4,2)

2. Lời khuyên của đức Gioan Phaolô II.

Lời khuyên của đức Gioan-Phaolô II dựa trên Kinh thánh: "Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng". (Cl 3,18-21).

Đức Gioan-Phaolô II diễn giảng như sau: "Vợ chồng phải phục tùng lẫn nhau để thực hiện sự viên mãn trong chân lý hôn nhân. Đó không phải là sự nhường bước cho trào lưu nam nữ đồng đều. Ngài đưa ra nguyên tắc này dựa trên Kinh Thánh. Người vợ vâng phục chồng vì tìm thấy tương quan với Chúa Kitô: ‘‘Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh". (Ep 5,25) Tình yêu của Thiên Chúa dành cho Hội thánh là hy sinh đến độ hiến mình trên thập giá.

Vợ chồng phải phục tùng nhau vì tình yêu đã kết hợp họ nên một. Trong nghi thức hôn phối, đôi tân hôn cầm tay nhau, rồi bên nam nói:

"Anh T... nhận em T... làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”.

Bên nữ đáp lại:

"Em T... nhận anh T... làm chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời em”.

Cả hai đều nói câu yêu thương và tôn trọng. Đức Gioan-Phaolô II mệnh danh là tình yêu phục tùng nhau. Ngài còn nói thêm tình yêu vợ chồng loại bỏ việc người vợ phải phục tùng chồng như người làm mà không có qua có lại. Vợ chồng cần nói với nhau rằng "Không phải là ý anh, mà là ý em”, noi gương Chúa Kitô tại vườn Oliu: "Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha”. (Lc 22,42)

3. Thánh giá trong đời sống vợ chồng.

Đó chính là thánh giá của đời sống vợ chồng, trong những cảnh ngộ éo le của cuộc sống. Nhưng đó còn là niềm vui khi vợ chồng biết hy sinh cho nhau, cũng như sau Thập giá, Chúa Kitô hưởng niềm vui nước Trời: "Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con”. (Gn 17,13)

Thánh giá trong đời sống vợ chồng, vì sự hy sinh không trọn vẹn hoặc đồng đều. Vợ hoặc chồng cảm thấy đau khổ vì không có khả năng hy sinh hoàn toàn. Vợ hoặc chồng phải chịu vết thương lòng vì sự bạo hành trong đời sống tình cảm hoặc trong chăn gối.

Cuộc sống cực nhọc cũng ảnh hưởng đến sự hy sinh, sự lo lắng giáo dục con cái, bệnh tật, tinh thần sa sút. Nhưng còn là sự biếng nhác, ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, sự tức giận… Nhiều khi ta hy sinh hoàn toàn nhưng nhận lại chẳng được bao nhiêu cũng khiến ta cực lòng. Cũng có khi ta hy sinh không tính toán, trong khi người khác lợi dụng nhỏ nhen, ích kỷ. Thánh giá trong cuộc sống gia đình gì khác hơn là yêu mà không được đáp lại, là hy sinh mà không được đền bù.

Thánh giá trong đời sống vợ chồng là sự thất bại của hôn nhân. Ta có thể chịu trách nhiệm về thất bại này, nhưng sự thất bại không phải là đơn phương: ích kỷ, ngoại tình, chểnh mạng, uể oải trong yêu đương.

Trong kịch bản Tiệm Kim hoàn, đức Gioan-Phaolô II đã thác lời Anna, người phụ nữ này bị đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân với Stêphanô: "Stêphanô không ở chung với tôi nữa. Tại sao không ai hàn gắn sự yên lặng này. Dường như Stêphanô chịu trách nhiệm. Tôi nhận thấy tôi không có lỗi. Cuộc sống của tôi thật là cực khổ. Chúng tôi xa nhau dần. Lúc này chỉ còn là bổn phận chập chờn”. Vào hồi kết cục, Stêphanô và Anna khỏi phải xa nhau chỉ trong đường tơ kẽ tóc.

Trong cuộc sống, nhiều khi cũng có cơn sóng thần vì bị chấn thương tâm lý, bị tai nạn, tinh thần sa sút, thất bại trong công ăn việc làm… Ta thường đổ lỗi vì không ai thấy trước được. Cách suy nghĩ này nhiều khi quá đơn giản, trong khi thực tế lại quá phức tạp. Một số người tính đến chuyện xin Giáo Hội hủy phép hôn phối. Ta cần nhận rằng dù là thất bại nhưng phép hôn phối vẫn có hiệu lực.

Trong tông huấn Cộng Đồng Gia Đình, đức Gioan-Phaolô II đã mời gọi các vị chủ chăn và cộng đoàn dân Chúa giúp đỡ các người ly dị tái hôn, với tấm lòng bác ái, để họ không cảm thấy bị tách ra khỏi Giáo Hội. Họ là những người đã chịu phép rửa nên phải được dự phần vào cuộc sống. Ước mong Giáo Hội cầu nguyện cho họ, giữ họ trong đức tin và đức cậy.