Dân Israel kì thị dân thờ ngẫu tượng, cho họ là những người tội lỗi và coi họ như kẻ thù. Câu chuyện Đức Kitô chữa con gái bà goá thành Canaanite cho biết Đức Kitô không kì thị bất cứ ai. Trong quá khứ bà thờ ơ tôn thờ Thượng Đế nhưng tôn trọng thờ thần ngoại bang. Con gái bà bệnh không thuốc chữa bà van nài ngẫu thần đến mệt mỏi vẫn không được đáp trả. Cuối cùng không còn cách nào khác bà đến nài xin Đức Kitô chữa và Đức Kitô đáp lời bà nài van sau cuộc đối thoại giữa Ngài và bà.

Khởi đầu cuộc đối thoại người ta có cảm tưởng như Đức Kitô từ chối, xua đuổi bà. Nhận xét đó đến từ phán đoán cục bộ, nhìn từ bên ngoài. Người ta phải đợi đến cuối cuộc đàm thoại mới biết rõ. Kết quả cho thấy Đức Kitô đón nhận bà với tình yêu của một Thiên Chúa đầy yêu thương. Qua cuộc đối thoại Đức Kitô muốn cho mọi người tại hiện trường nhận biết sức mạnh của lòng tin. Những ai đặt trọn vẹn niềm tin nơi Đức Kitô sẽ không bao giờ phải thất vọng, dù họ phải trải qua thử thách nhưng thử thách làm cho đức tin phát triển, lớn mạnh trong Ngài. Bà nhận biết Đức Kitô thuộc dòng dõi vua Đavid và bà may mắn cũng đến từ dòng dõi vinh quang đó và là con dân của đức vua. Vì thế bà tin rằng con dân, dù hoang đàng, khi trở lại, thống hối, cũng đáng hưởng ân lộc vua ban.

Bà rất kiên nhẫn xin Đức Kitô cứu con bà. Kiên nhẫn nài van đến độ làm cho các môn đệ Đức Kitô phải lên tiếng. Có thể các ông cảm thấy phiền toái nhưng với Đức Kitô ơn kiên nhẫn trên lại là bằng chứng rõ ràng cho biết niềm tin trọn vẹn của bà. Bà thực sự từ bỏ ngẫu thần và đặt trọn vẹn niềm tin nơi Thiên Chúa. Việc chữa lành cho con gái bà là khởi đầu việc giao hoà rạn nứt giữa người Israel and dân tôn thờ ngẫu tượng. Ngoài Đức Kitô ra không một ai khác có thể đong đầy hố ngăn cách lịch sử này. Bà goá tin một mình Đức Kitô có thể làm được việc đó và bà đặt trọn niềm tin vào Ngài. Việc dân Israel coi bà là người ngoài không làm bà chùn bước trong việc xin Đức Kitô chữa cho con bà; trái lại bà tin là những ai đặt niềm tin vào Đức Kitô đều là con cái Chúa và con cái thì nhận đuợc yêu thương từ cha mẹ.

Dân Israel là dân tuyển chọn nhưng chính dân này lại từ chối đón nhận Đức Kitô là Đấng Thiên sai và còn mong đợi một đấng khác sẽ đến; trong khi bà goá bị coi là người ngoại bang lại vui lòng đón nhận Đức Kitô là Đấng Thiên Sai và đặt trọn niềm tin vào Đấng đó. Có lẽ bà goá được nghe ít nhiều về phép lạ Đức Kitô hoá bánh ra nhiều. Điều này càng làm cho bà vững tin hơn con bà sẽ được Đức Kitô chữa lành bệnh.

Chia rẽ hoặc đòi đặc quyền, đặc lợi và kì thị xuất hiện khắp nơi nhưng điều này trở nên khủng khiếp khi nó xảy ra trong gia đình hay trong chủng tộc. Kì thị tôn giáo hiện đang hoành hành gây tai hại ở thời đại chúng ta sống. Mãnh liệt và kinh khủng nhất là nó đang xảy ra tại Iraq nơi nhiều ngàn người là nạn nhân của kì thị tôn giáo. Thật là tệ hại khi người ta nhân danh Thượng Đến giết chết những người tin theo Thượng Đế. Nhà thờ, nơi thờ phượng bị phá tan tành, ảnh tượng các thánh và ảnh Chúa bị chà đạp dưới gót giầy của kẻ có vũ khí trong tay. Trường học bị phá sập, nhà cửa bị đốt cháy thành tro bụi và đoàn người tay xách, nách mang kéo nhau chạy trốn trong vùng xa mạc ngày nóng cháy da, đêm lạnh thấu xương, không lương thực. Tai hoạ đến chỉ vì kì thị tôn giáo. Nó xảy ra khi một cá nhân hay một nhóm người tự nhận mình là công chính, còn kẻ không theo họ là bất chính và kẻ công chính thì tự cho quyền chà đạp kẻ cưỡng lại họ. Tự nhận mình công chính để hại người khác. Đức Kitô có lần cho biết trên cõi đời này không ai công chính trừ một mình Thiên Chúa. Mat 19,16. Tự nhận nhóm mình là công chính là một sai lầm và kẻ lầm đường, tương tự như người say, thường không bao giờ nhận mình lầm.

Đức Kitô đón nhận và tha cho bà goá khi bà tỏ lòng thống hối ăn năn, đón nhận bà vào gia đình Chúa. Điều này cho biết Chúa đến để thu tóm không phải chia rẽ.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org