Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 21 mùa Thường niên năm A 24-8-2014

“Mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất,
Mà quanh năm bắt buộc tránh nhau hoài.”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Mt 16: 13-20

Chung trời đất, nhưng cuộc đời nào có chung. Tránh nhau hoài, là tư-thế của người đời thường ứng-xử với nhau trong đời người.
Trong đời người đi Đạo và sống Đạo cũng thế. Cũng có những cảnh người người tránh né nhau, như người dưng nước lã, khó làm thân. Chả thế mà, Đức GIêsu hôm nay cứ lần lữa hỏi đồ-đệ xem người người gọi Ngài là ai? Có biết gì về Đấng Mêsia không? Có biết Ngài là Đấng được gửi đến sống chung đụng, gần gũi trong trời đất, vẫn thương-yêu, gần cận biết bao người, như trình-thuật thánh Mát-thêu còn ghi chép.
Trình-thuật thánh Mát-thêu hôm nay ghi về cung cách sống rất chung đụng của người trần-thế, rất ở đời. Trong đời trần thế, sống đúng tư cách của người đi Đạo là sống cho ra sống. Dù cuộc sống có trần ai/bĩ cực, người tín hữu Đức Kitô vẫn phải sống có căn cước của nhà Đạo. Chứng tỏ căn cước nhà Đạo, là ưu tư của người đi Đạo.
Ở đây, “danh xưng” Kitô-hữu vẫn được coi như một căn cước. Ở đây, “căn cước” người tín hữu, vẫn nói lên cả một hiện tượng, thường xảy ở nhiều nơi.
Tại giáo phận miền quê hôm ấy, xảy ra một vụ nổ lớn về cách thức vị linh mục chánh xứ tổ chức buổi tĩnh tâm cuối tuần, cho các học sinh trung học. Đêm thứ sáu của tuần lễ trầm mặc, là đêm căng thẳng nhất, khi vị linh hướng thông báo với các người trẻ, rằng: họ phải có quyết định dứt khoát, về niềm tin tôn giáo của mình.
Nhiều phụ huynh đã sững sờ, khi biết là đám trẻ nhà mình, đã nhận được tối hậu thư rất gay, có thể dẫn tới hậu quả là chúng sẽ chối bỏ đức tin. Vị linh hướng hôm ấy, còn quả quyết rằng: người trẻ Kitô-hữu vẫn phải có quyết định chọn nghề, chọn lối sống; chọn nơi ăn chốn ở, môn học và các tương quan ở đời thường.
Vị chủ trì buổi tĩnh huấn, còn quả quyết: tôn giáo lâu nay bị đẩy lùi ra ngoài xã hội, và cuộc sống. Và, đây là chuyện khá quan trọng, để giới trẻ nên quan tâm suy nghĩ, hầu có quyết định chọn lựa trước khi bước vào cuộc đời đích thật. Và, nếu không có quyết định dứt khoát về niềm tin tôn giáo, thì Đạo của ta sẽ đắm chìm trong quên lãng. Hoặc, bị phủ vùi trong lớp ẩm mốc, cát bụi; để rồi, cuối cùng cũng làm mồi cho củi lửa, thiêu đốt.
Linh mục ấy còn thêm: đòi hỏi giới trẻ có thái độ như thế, vẫn chưa đủ. Sau 12 năm thấm nhuần nền giáo dục mang tính Kitô-giáo; và sau nhiều năm học hỏi giáo lý, Hội thánh vẫn kêu gọi giới trẻ phải có thái độ đối với niềm tin của mình. Một số người trẻ, đã quyết định một cách có ý thức, dứt khoát tiến bước dấn thân làm thành viên của Giáo Hội.
Và, khi quyết định tạo cho mình một nghề đầy lòng tin như thế, nhiều bạn trẻ cho biết: họ đã phải đối đầu cả với Chúa. Họ đã kinh nghiệm trực tiếp giáp mặt với Ngài. Có người đã không ngại ngần phản chống lại Giáo Hội, đến độ về sau, họ không thể nào rút lại quyết định của mình, được nữa.
Tiến-trình tĩnh tâm, cũng dựa trên nền tảng được nêu ra trong Tin Mừng, hôm nay: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Đáp lại câu hỏi này, các môn đệ muốn phản ánh kinh nghiệm mình đã sống với Đức Kitô, nên đã đưa ra những giải đáp khác nhau. Duy có Simôn Phêrô, lại quả quyết: Đức Kitô là sự mặc khải của Chúa gửi đến cho con người. Đây là tuyên ngôn nền tảng, mà qua đó Giáo Hội của Chúa được thiết lập, chốn gian trần.
Những gì khi xưa là chân lý, nay vẫn là sự thật. Rất hoàn toàn. Có một vài điểm, nếu ta vẫn muốn cho niềm tin chuyển đổi từ lề luật, rất ý niệm hoặc những quan điểm riêng tư, thành những gì ta có thể cảm nghiệm được, thì ta phải gánh vác niềm tin mà Giáo Hội hằng nuôi dưỡng ta, mãi đến hôm nay.
Và, phải coi đó như trọng trách hoặc nghề nghiệp, của chính ta. Làm thế, khi giáp mặt Đức Kitô, ta mới thực sự cộng tác vào công cuộc tái tạo Hội thánh, cùng với thế hệ đương đại.
Ý thức tận hiến đời mình, làm thành viên “cộng đoàn Hội thánh”, có lẽ là thách thức lớn Đức Chúa đem đến cho môn đệ, trong Tin Mừng. Như môn đệ xưa, chúng ta được kêu mời làm chứng tá cho tình yêu của Chúa tại nơi mình công tác hay làm lụng.
Hoặc, khi hòa mình sống với bạn bè/người thân trong gia đình. Còn lại, là chuyện nhắc nhớ: chúng ta vẫn đại diện cho Hội thánh. Một Hội thánh duy nhất. Thánh thiện. Mà, tất cả mọi người chúng ta đang giáp mặt, sống chan hòa.
Đường lối ta đeo đuổi, có thể sẽ cột thắt hoặc giải phóng mọi người, sẽ được đo lường bằng niềm tin yêu của ta. Mọi người sẽ nhìn qua ta, để phán đoán xem Hội thánh có còn phản ảnh Đức Kitô, sống với thế giới gian trần, hôm nay không. Mọi người sẽ tìm hiểu xem Hội thánh có còn là căn nhà chung, mọi người chúng ta đang sống.
Và, tất cả đều được coi như thực chất/bản-lề đặt ở câu hỏi gửi đến mỗi người, trong cộng đoàn. Câu hỏi, là: “Thế còn bạn, bạn bảo Tôi là ai?” Cách thức ta trả lời cho câu hỏi, sẽ bộc lộ thật nhiều điều. Và, điều rõ nét nhất, vẫn là: Đức Kitô có còn lý tưởng ta yêu thích. Có còn là, đối tượng ta mê say, phục vụ, nữa hay không?
Một lần nữa, hỏi tức là trả lời. Một trả lời ở đâu đó, nơi lời kinh/nguyện cầu rất hăng say. Trong cảm-nghiệm về câu trả lời cho tình thương yêu gần cận với Thày, cũng nên ngâm lại lời thơ trên còn bỏ dở, rằng:

“Mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất,
Mà quanh năm bắt buộc tránh nhau hoài.
Ta với người bắt buộc phải chia hai,
Làm sao em biết trời đau đớn
Làm sao em lớn bằng ta lớn.
Để chung cùng công việc: đứng than thân…”
(Nguyễn Tất Nhiên – Vài Đoạn Viết Ở Đinh Tiên Hoàng)

Viết ở đâu cũng là viết. Viết về tư thế của mưa với nắng, tránh nhau hoài. Đứng ở đâu, cũng là đứng trong trời đất, mà cứ bắt buộc tránh nhau hoài, thế đó đâu phải là đời người. Chí ít là đời của người đi Đạo và sống Đạo, vẫn có Chúa thương yêu ở chung cùng mình, rất an bình.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch