Giải đáp phụng vụ: Linh mục cử hành lễ an táng cho người Tin lành được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Một linh mục Công Giáo có thể cử hành lễ an táng cho một người Tin Lành tại một nơi như khuôn viên trường đại học được không? Theo Bộ Giáo luật, điều 1183.3, "người đã rửa tội và gia nhập vào một Giáo Hội hay Giáo Ðoàn ngoài Công Giáo, được an táng theo nghi lễ Giáo Hội" trong một số điều kiện nhất định. Liệu điều này có hàm ý rằng buổi lễ phải diễn ra trong một nhà thờ Công Giáo không? - F. D., Montreal, Canada.


Đáp: Điều 1183.3 của Bộ Giáo luật (tương ứng với điều 876.1 của Bộ luật phương Đông và số 120 của Hướng dẫn Đại kết) nói như sau:

"Tùy theo sự phán đoán khôn ngoan, Bản Quyền sở tại có thể cho những người đã rửa tội và gia nhập vào một Giáo Hội hay Giáo Ðoàn ngoài Công Giáo, được an táng theo nghi lễ Giáo Hội, trừ khi biết rõ ý muốn ngược lại của họ và miễn là không thể có một thừa tác viên riêng để cử hành" (Bản dịch Việt ngữ do các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh thực hiện).

Các chuyên viên giáo luật bình luận rằng sự cho phép có thể được ban, ngay cả khi sự hiệu lực của bí tích rửa tội bị nghi ngờ. Thừa tác viên không Công Giáo có thể là không sẵn sàng về mặt thể lý, vì không có vị nào trong khu vực ấy cả. Thừa tác viên này cũng có thể không sẵn sàng về mặt luân lý, chẳng hạn, nếu vị này chỉ là trên danh nghĩa một thành viên của một giáo phái nhưng không thực hành đức tin của mình, trong khi người bà con của ông là một người Công Giáo ngoan đạo.

Tương tự như vậy, việc cho phép có thể được ban, nếu người không Công Giáo đã bày tỏ ước muốn trở lại đạo Công Giáo, ngay cả khi ước muốn này chưa được chính thức hóa bằng việc đăng ký vào một chương trình học trở lại đạo.

Hướng dẫn Đại kết đưa thêm một điều kiện:

"Điều 120. Trong sự phán đoán thận trọng của Đấng Bản Quyền địa phương, các nghi thức an táng của Giáo Hội Công Giáo có thể được ban cho các thành viên của một Giáo Hội không Công Giáo hay Cộng đồng Giáo Hội, trừ khi biết rõ ý muốn ngược lại của họ và không thể có một thừa tác viên riêng để cử hành, và nếu các điều khoản chung của Bộ Giáo Luật không cấm đoán việc ấy”.

Các "điều khoản chung" của Giáo luật được nhắc đến là các điều cấm một tang lễ Công Giáo. Đó là:

"Ðiều 1184: § 1 Nếu họ không tỏ một dấu hiệu thống hối nào trước khi chết, thì phải từ chối an táng theo nghi lễ Giáo Hội:

1. những người bội giáo, lạc giáo và ly giáo cách tỏ tường;

2. những người chọn hỏa táng thi hài của mình vì những lý do nghịch với Ðức Tin Kitô Giáo;

3. những tội nhân trống trải khác, mà việc an táng theo nghi thức Giáo Hội chắc chắn sẽ sinh gương xấu công khai cho các tín hữu.

§ 2 Khi gặp trường hợp hoài nghi, thì phải hỏi ý kiến Bản Quyền sở tại và làm theo sự phán quyết của Ngài.

Ðiều 1185: Người nào không được mai táng theo nghi thức Giáo Hội, thì cũng không được làm lễ quy lăng cho họ”. (Bản dịch như trên).

Một khi tất cả các điều kiện này được đáp ứng, thì các vấn đề khác, chẳng hạn như các nghi thức được sử dụng và địa điểm cử hành lễ an táng, được dành cho “sự phán đoán khôn ngoan" của Giám mục địa phương.

Bởi vì lễ tang luôn đòi hỏi sự nhạy cảm mục vụ lớn, và mỗi tình huống có một sự đặc biệt nào đó, nên Giám mục cùng với các linh mục hữu quan là những người cần quyết định các lựa chọn phù hợp tốt nhất, vốn tôn trọng ý muốn của người quá cố, gia đình và tất cả các người khác có liên quan.

Vì lý do này, Giáo Hội đã không cố gắng đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho các trường hợp như thế.

Một trong ít điều kiện nghi thức là, nếu một Thánh Lễ an táng được cử hành, tên người quá cố không Công Giáo không được đọc lên trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể. Điều này là khá hợp lý, vì một sự đọc tên như vậy có thể hàm ý rằng người quá cố đã sống hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. (Zenit.org 16-9-2014)

Nguyễn Trọng Đa