Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Một Kitô hữu không có Thánh giá, không sẵn sàng vác thánh giá với Chúa Giêsu thì không thể hiểu Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ Sáu 26 tháng 09, tại nhà nguyện Santa Marta.
Là một Kitô hữu nghĩa là trở thành một “ông Simon thành Cyrene” khác. Đức tin bao gồm điều này: Nếu bạn chịu mang lấy gánh nặng thánh giá Chúa thì bạn sẽ thuộc về Ngài. Nếu không bạn, đang đi một con đường xem ra “bằng phẳng” đấy nhưng đó là một thứ đường đi không đến.
Nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha xoay quanh bài Phúc Âm trong ngày kể lại việc Chúa Giêsu hỏi các tông đồ về căn tính của Ngài và nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Đoạn Tin Mừng này diễn ra bối cảnh Chúa Giêsu mặc khải “cách đặc biệt về căn tính thật sự của Ngài.” Trong nhiều trường hợp, khi có ai muốn tiết lộ căn tính của Ngài, “Ngài ngăn cản họ”, cũng giống như nhiều lần Ngài cấm ma quỷ tiết lộ về căn tính Ngài là “Con Thiên Chúa,” Đấng đến để cứu độ thế gian. Là vì mọi người hiểu lầm và nghĩ rằng Đấng Cứu Thế là một nhà lãnh đạo quân sự sẽ trục xuất những người La Mã. Chỉ trong riêng tư, với Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu mới “bắt đầu giáo huấn về căn tính thực sự của mình”.
Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại.” Đây là con đường giải thoát cho anh chị em. Đây là con đường của Đấng Mêsia: chịu Khổ Nạn, Thánh giá. Ngài giải thích về căn tính của Ngài cho các môn đệ. Họ không muốn hiểu và trong Tin Mừng Mátthêu, ta còn thấy Phêrô ra sức ngăn cản Chúa: “Không! Không, Đừng để Thầy bị như vậy … Chúa Giêsu bắt đầu mặc khải về căn tính thật sự của mình. Ta là Con Thiên Chúa. Nhưng đây là con đường của Ta: phải bước đi trên con đường khổ nạn”.
Đức Thánh Cha nói rằng, đây là khoa “sư phạm” mà Chúa Giêsu dùng “để chuẩn bị tâm hồn cho các môn đệ và dân chúng hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa”.
“Tình yêu Thiên Chúa che lấp muôn vàn tội lỗi và Ngài cứu chúng ta theo cách này: đó là con đường Thánh giá. Không có Thánh giá, bạn không thể hiểu được Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế. Chúng ta có thể nhận ra nơi Ngài là một ngôn sứ vĩ đại, Ngài làm những điều tốt đẹp, Ngài là một vị thánh. Nhưng nếu không có thánh giá bạn không thể hiểu Chúa Kitô như là một Đấng Cứu Thế. Tâm hồn của các môn đệ, tâm hồn của dân chúng chưa chuẩn bị sẵn sàng để hiểu mầu nhiệm này. Họ không hiểu được những lời tiên báo, cũng như không hiểu rằng chính Ngài là Con Chiên đền tội. Họ chưa được chuẩn bị.”
Vào Chúa Nhật Lễ Lá, khi Chúa Kitô tiến vào Giêrusalem, đám đông theo Ngài đã tung hô về căn tính của Ngài “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!” Mặt khác, chỉ sau cái chết của Chúa Giêsu danh tính của Ngài mới tỏ hiện cách viên mãn; “lời thú nhận đầu tiên” đã được đưa ra từ miệng viên đội trưởng Rôma: “Quả thật Người này là Con Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị từng bước một để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về Ngài. Ngài chuẩn bị cho chúng ta cùng đi với Ngài theo con đường đưa đến Ơn Cứu Độ”
“Ngài chuẩn bị cho chúng ta nên như ‘Simon thành Cyrene,’ người vác đỡ thánh giá Chúa. Nếu đời Kitô hữu của chúng ta thiếu điều này, chúng ta không phải là Kitô hữu, chỉ có thể là một đời sống tinh thần tốt … Nhưng Chúa Giêsu đã chọn con đường thánh giá để cứu chúng ta và chúng ta cùng đi chung một con đường với Ngài. Chúng ta mang danh Kitô hữu không phải nhờ vào những công đức của chúng ta nhưng đó là một hồng ân.
2. Phù vân, quả là phù vân
“Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến …Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.”
Trong Thánh lễ sáng 25 tháng 9 tại tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hãy cẩn trọng về tính chất phù vân của đời tạm này, vì cuối cùng mọi sự thế gian mà chúng ta gầy dựng cũng chỉ như “bong bóng xà phòng” mà thôi.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư trên dựa vào sách Giảng Viên trong đoạn nói về tính chất phù vân của đời người. Phù hoa là một tên cám dỗ không chỉ đối với dân ngoại mà còn với các Kitô hữu, những người có đức tin.
Chúa Giêsu thường quở trách những người tự hào, khoe khoang. Ngài nói với các Luật sĩ, Kinh sư rằng họ không nên “đi ngoài đường” với “tua áo dài sang trọng,” như “hoàng tử”. Khi bạn cầu nguyện đừng để cho người khác nhìn thấy. Cầu nguyện nơi bí ẩn và vào phòng đóng cửa lại.”
Khi giúp đỡ người nghèo cũng nên làm như vậy: “Không thổi kèn, đánh phèng la, chũm choẹ, nhưng hãy làm điều đó cách kín đáo. Cha trên trời biết là đủ.”
“Khi ăn chay anh em cũng đừng làm ra bộ u sầu để mọi người thấy anh em ăn chay. Nhưng khi ăn chay anh em phải vui mừng, làm việc sám hối với niềm vui, để không ai biết anh đang ăn chay.”
Phù hoa là lối sống thích “thể hiện ra bên ngoài, sống để cho mọi người thấy.”
Kitô hữu cũng bị cám dỗ sống khoe hoang như thế. Đó chỉ là sự phù hoa, vênh vang, họ khoe mẽ như một con công khoe bộ lông. Đó là những người vỗ ngực tự hào nói: “Tôi là một Kitô hữu, tôi là một linh mục, một nữ tu, một giám mục; gia đình tôi là đạo dòng.”
Đức Thánh Cha hỏi: “Cuộc sống của bạn với Chúa rao sao? Bạn cầu nguyện như thế nào? Bạn có sống bác ái, xót thương với người khác không? Bạn có đi thăm viếng kẻ liệt lào đau ốm không? Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải xây dựng ngôi nhà của mình tức là đời sống Kitô hữu trên đá tảng là sự thật. Mặt khác, Ngài cũng cảnh báo rằng thật vô ích nếu xây dựng nhà mình trên cát, bởi vì nó không có khả năng chống lại những chước cám dỗ.
Có bao nhiêu Kitô hữu đang sống khoe khoang? Cuộc sống của họ chỉ như bong bóng xà phòng. Bong bóng xà phòng rực rỡ với các màu sắc của nó, nhưng nó chỉ kéo dài một ngày thôi. Và sau đó còn lại là gì? Khi chúng ta dự lễ an táng, chúng ta sẽ thấy cuối cùng chỉ là phù vân bởi vì sự mọi sự đều trở về với đất. Như Vị Tôi Tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã nói. “Đất trống đang chờ đợi chúng ta, đó là thực tại cuối cùng của chúng ta.” Trong khi chờ đợi, tôi tự hào khoe khoang hay tôi phải làm một cái gì đó? Tôi phải làm gì cho tốt đây? Tôi có tìm kiếm Thiên Chúa không? Tôi có cầu nguyện không? Phù hoa chính là tên lừa phỉnh, hắn lừa phỉnh chính hắn, hắn chỉ là tên rỗng tuếch, hắn hứa hẹn đủ điều nhưng cuối cùng hắn chỉ tìm kiếm chính hắn.
Và điều này rất gần với những gì đã xảy ra với Vua Hêrôđê như Tin Mừng nhắc đến hôm nay. Đó là người đã cảm thấy vô cùng lo lắng bất an khi điều tra về danh tính của Chúa Giêsu.
Phù vân gieo vào lòng người sự lo lắng. Nó làm mất đi sự bình an. Nó giống như những người đã quá tỉ mỉ trang điểm và bây giờ thì sợ đi ra ngoài vào trời mưa, vì sẽ làm tiêu tan hết những gì họ đã cố gắng điểm trang.
Phù hoa không mang lại cho chúng ta sự bình an, chỉ có sự thật mới cho chúng ta sự bình an mà thôi.
Chúa Giêsu là đá tảng vững chắc mà chúng ta hãy xây đời mình trên đó. Chúng ta đọc lại mưu mô của ma quỷ đã dùng sự phù hoa để cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc. Hắn nói với Ngài: “Hãy đến đây, chúng ta hãy đi lên đền thờ, chúng ta sẽ thấy tất cả vinh quang phú quý trong thiên hạ. Hãy quỳ bái ta đi thì ông sẽ được những thứ đó. Con quỷ cho Chúa Giêsu thấy sự phù vân. Phù vân là căn bệnh nghiêm trọng cho tinh thần.”
Các Thánh Giáo Phụ Ai Cập ẩn tu trong sa mạc nói rằng phù hoa là một cơn cám dỗ mà cả đời chúng ta phải chống lại nó, bởi vì nó luôn quay lại làm cho chúng ta xa rời sự thật. Và để hiểu được điều này, các vị khuyên: Phù hoa giống như một củ hành tây. Bạn cầm nó và bắt đầu bóc từng lớp phù hoa của nó ra. Ngày từng ngày bạn bóc từng lớp phủ phù hoa ra. Như bạn đang vượt thắng được nó. Và cuối cùng bạn sẽ hài lòng: tôi đã loại bỏ các tính hư, tôi đã bóc từng lớp phù hoa của vỏ hành nhưng mùi của nó vẫn còn vương lại trên tay bạn.
Chúng ta hãy nài xin ơn Chúa để không bị vướng vào phù hoa nhưng luôn biết nhận ra sự thật chân thực về chính mình và về Tin Mừng.
3. Câu chuyện Chúa Giêsu giảng dạy cho người phụ nữ xứ Samari
Trước khi bị thất thủ vào năm 721 trước Chúa Giáng Sinh, Samari là miền đất thuộc về dân Giavê Thiên Chúa- nơi ở dưới chân núi Gơridim, còn lưu lại dấu tích một cái giếng rất cổ xưa được xem là giếng của tổ phụ Giacóp. Sau khi bị các dân ngoại xâm lăng, bị áp đặt niềm tin tôn giáo, và bị những người Do Thái khinh rẻ người Samari đã ly giáo. Từ đó giữa Do Thái và Samari trở nên thù địch không đội trời chung. Tuy nhiên, tại chính miền đất hận thù này một áng văn tuyệt tác của Tin Mừng theo Thánh Gioan đã ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samari.
Khi ấy Chúa Giêsu đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Ðức Giêsu nói với người ấy:
"Chị cho tôi xin chút nước uống!"
Quả thế, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn.
Người phụ nữ Samari liền nói: "Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?"
Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với nguòi Samari.
Ðức Giêsu trả lời:
"Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống".
Chị ấy nói:
"Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, là người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy".
Ðức Giêsu trả lời:
"Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa.
Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời".
Người phụ nữ nói với Ðức Giêsu:
"Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước".
Người bảo chị ấy:
"Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây".
Người phụ nữ đáp: "Tôi không có chồng".
Ðức Giêsu bảo:
"Chị nói: 'Tôi không có chồng' là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng".
Người phụ nữ nói với Người:
"Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ... Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi thờ phượng Thiên Chúa".
Ðức Giêsu phán:
"Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này
hay tại Giêrusalem. Các người thờ Ðấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến - và chính lúc này đây
giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật".
Người phụ nữ thưa:
"Tôi biết Ðấng Mêsia, gọi là Ðức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự".
Ðức Giêsu nói:
"Ðấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây".
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Thoạt đầu, khi khựng lại ở mức độ cụ thể của đời thường, người phụ nữ Samari không hiểu gì về những điều Chúa nói, nên Chúa đã đi thêm một bước nữa, Ngài nói với chị về đời tư của chị, khi đó chị nhận ra ngay Ngài là một ngôn sứ. Điều đáng kinh ngạc ở đây là chính cái quá khứ không ra gì của chị đã làm cho chị nhận biết Đức Kitô và trở thành người có khả năng nói về Chúa: "Đến mà xem: Có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao ?". Mọi người tin lời chị, họ đến gặp Chúa Giêsu và họ cũng tin Chúa. Như vậy, sau khi gặp Chúa Giêsu, người phụ nữ đã tin và làm chứng cho Chúa giữa những người Samari trong thành, và những người này, sau khi gặp Chúa, đã xin Chúa ở lại với họ, và hân hoan tuyên xưng rằng: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian".
Kinh nghiệm của người phụ nữ xứ Samari cho thấy muốn gặp gỡ Chúa là điều rất dễ, bởi vì chính Chúa yêu thương chúng ta, ngày ngày đi tìm và đến gõ cửa tâm hồn mỗi người chúng ta dù cho quá khứ chúng ta chẳng ra gì. Hãy nhớ lời Chúa nói: "Này Ta đang đứng ngoài cửa và gõ, ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà kẻ ấy". Như vậy có nghĩa là cuộc gặp gỡ hoàn toàn tùy thuộc nơi chúng ta, tùy thuộc vào thái độ sẵn sàng của chúng ta. Có thể Chúa Giêsu đã tìm đến gõ vào cánh cửa của tâm lòng chúng ta nhiều lần rồi, nhưng chúng ta say ngủ hay bận bịu trăm công ngàn việc hoặc trong tâm lòng chúng ta có quá nhiều tiếng ồn ào và quá nhiều khách khứa nên chúng ta đã không nghe thấy tiếng Ngài và không mở cửa cho Ngài. Nếu thế thì cần phải có những quyết định cụ thể và thay đổi ngay thế nào để khi Chúa đến gõ cửa, chúng ta sẵn sàng mở ngay. Có thể Chúa đang gõ cửa tâm lòng chúng ta ngay trong lúc này, chúng ta đừng bõ lỡ cơ hội.
4. Căn cội của đời sống Kitô là gì?
Trong bài giảng hôm thứ Ba 23 tháng 09, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã bàn đến hai yếu tính căn bản của đời sống Kitô. Đó là lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.
Lời giảng của Chúa Kitô có tác động mạnh đến dân chúng, đó là lý do tại sao rất đông dân chúng đã đi theo để nghe Lời Ngài. Lời của Chúa Kitô có “sức mạnh cứu rỗi”. Dù vậy, đã có những người đi theo Ngài “vì lợi ích cá nhân”, hoặc những mưu toan “không ngay chính trong tâm hồn”, hoặc mong được “một chút lợi nào đó” mà thôi. Điều ấy vẫn lặp lại trong hai ngàn năm qua. Thậm chí ngày nay, vẫn tái hiện trong hình ảnh 9 người phong hủi trong Tin Mừng được Chúa chữa khỏi bệnh đã “quên” mất ơn nghĩa với Chúa.
Tin Mừng (x.Lc 8,19-21) kể: Chúa Giêsu đang giảng dạy dân chúng, những người vây quanh Chúa và được Chúa yêu, đến nỗi Ngài nói “đây là mẹ tôi và đây là anh em của tôi.” Chúa Giêsu giải thích: “đó những người lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.”
Và đây là hai điều kiện để theo Chúa Giêsu: lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Đời sống Kitô không có gì hơn ngoài hai điều đó. Đơn giản vậy thôi! Có thể chúng ta đã làm cho Lời Chúa thêm rắc rối, giải thích dài dòng đến nỗi người ta không hiểu. Nhưng đời sống Kitô hữu là gì: Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.
Như đã được kể trong Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giêsu đã trả lời cho người đến nhắn với Ngài là có người thân đến tìm Ngài như sau: “Mẹ tôi và anh em tôi là những người lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành”. Nghe Lời Chúa không phải nghe theo kiểu bình thường: tai này lọt tai kia, nhưng phải chăm chú lắng nghe, suy gẫm, phải nghi nhớ điều này “Lắng nghe Lời Chúa”, nghĩa là “đọc Lời Chúa và tự chất vấn” rằng: “Lời ấy đang nói gì với tôi? Lời ấy tác động trong tâm hồn tôi ra sao? Chính Thiên Chúa đang nói gì với tôi qua Lời của Ngài”. Cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi khi chúng ta tự chất vấn trước Lời của Chúa như thế.
Mỗi khi chúng ta mở sách Tin Mừng đọc một đoạn, chúng ta hãy tự chất vấn mình: “Thiên Chúa đang nói với tôi điều gì? Có phải Ngài đang nói gì đó với tôi không? Và nếu Ngài đang nói điều gì đó, thì đó là điều gì?” Đây là cách chúng ta lắng nghe Lời Chúa: lắng nghe bằng tai và bằng tâm hồn. Hãy mở rộng tâm hồn mình cho Lời Chúa. Những kẻ thù ghét Chúa cũng nghe Lời Chúa nhưng để tìm chỗ sai, để bắt bẻ nhằm hạ nhục Ngài. Họ không bao giờ tự chất vấn mình: “Thiên Chúa đang nói gì với tôi trong Lời này?” Lời của Thiên Chúa không chỉ nói cho tất cả chúng ta nhưng còn cho từng người một trong chúng ta.
Đem ra thực hành những gì đã nghe không phải “dễ dàng”. Thật vậy, chúng ta luôn bị cám dỗ để nghĩ rằng có thể chúng ta sẽ dễ chịu hơn khi không phải lo lắng, bận tâm đến nhu cầu cấp bách của Lời Chúa.
Chúa Giêsu đón nhận tất cả mọi người, thậm chí những kẻ đã nghe Lời Chúa nhưng sau đó phản bội Ngài. Hãy suy nghĩ về Giuđa. Chúa Giêsu đã nói với Giuđa “Bạn ơi” ngay khi ông chuẩn bị phản bội Ngài.
Chúa Giêsu luôn luôn gieo Lời Ngài và đòi hỏi chúng ta cần có một tâm hồn rộng mở để có thể đón nhận, lắng nghe và đem ra thực hành. Vì vậy chúng ta hãy cầu nguyện với Thánh Vịnh 119: 35 rằng: “Lạy Chúa, xin dẫn con đi trong đường lối huấn lệnh của Chúa”. Đường lối Chúa là lắng nghe Lời Ngài và đem ra thực hành.
5. Các thiên thần bảo vệ chúng ta
Các thiên thần giao chiến với Satan vì số phận của nhân loại và đã giành chiến thắng. Các ngài bảo vệ mầu nhiệm cao cả nơi Giáo Hội là Thiên Chúa làm Người. Các ngài luôn bảo vệ chúng ta cho dẫu cho Satan luôn bày mưu chống lại những điều tốt đẹp nơi con người. Đó là những điểm chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nguyện đường Santa Marta trong Thánh Lễ sáng thứ Hai 29 tháng 09, lễ kính các Tổng lãnh Thiên thần Michael, Gabriel và Raphael.
Bài đọc của ngày hôm nay trình bày cho chúng ta hình ảnh rất ấn tượng: viễn cảnh về vinh quang Thiên Chúa được ngôn sứ Daniel mô tả với hình ảnh Con Người, đó là Chúa Giêsu Kitô.
Tổng lãnh thiên thần Michael và các thiên thần của ngài chiến đấu chống lại “con mãnh xà, là con rắn xưa, kẻ được gọi là ma quỷ” và “chuyên quyến rũ con người”, và nó đã bị đánh bại, như Sách Khải Huyền trình bày.
Trong Tin Mừng Chúa Giêsu nói với Nathanael: “Anh sẽ thấy trời mở ra và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”. Đức Thánh Cha nói về “cuộc đấu tranh giữa Thiên Chúa và ma quỷ”.
“Cuộc đấu tranh này diễn ra sau khi Satan tìm cách tiêu diệt người phụ nữ sắp sinh con. Satan vốn luôn tìm cách tiêu diệt con người. Con Người mà ông Daniel đã thấy xuất hiện trong vinh quang, cũng là Đấng mà Chúa Giêsu nói với Nathanael. Khởi đầu Kinh Thánh cho chúng ta biết: Satan là tên quyến rũ con người. Chúng ta cũng đọc trong Thánh Vịnh 8: ‘Chúa cho con người trỗi vượt hơn một số các thiên thần, một sinh vật thấp kém hơn lại trỗi vượt hơn, và vì vậy thiên thần vốn có trí tuệ thông minh siêu vời đã không thể chịu được sự sỉ nhục này, đã trở nên satan tìm cách tiêu diệt con người”.
“Vì vậy, chúng bày ra nhiều âm mưu làm tha hóa con người vì hắn ghét loài người. Satan là tên dối trá. Trang đầu sách Sáng Thế nói với chúng ta như vậy, hắn là tên dối trá. Hắn lừa phỉnh chúng ta làm như thể mọi thứ điều tốt đẹp. Nhưng thật ra âm mưu của chúng là hủy diệt. Và các thiên thần bảo vệ chúng ta. Các ngài bảo vệ con người và bảo vệ Đấng vừa là Con Người vừa là Thiên Chúa, đó chính là Chúa Giêsu Kitô, một Con Người hoàn hảo trong nhân loại. Đây là lý do tại sao Giáo Hội tôn kính các Thiên thần, vì các ngài đang ở trong vinh quang của Thiên Chúa, bảo vệ mầu nhiệm kín ẩn nơi Thiên Chúa, đó là Ngôi Lời nhập thể.”
“Nhiệm vụ của các thiên thần trong vinh quang Thiên Chúa là bảo vệ con người: con người Giêsu vì Ngài đã trao ban sự sống của mình cho tất cả mọi người”. Ngược lại kế hoạch của Satan là hủy diệt, ý định của hắn là chống lại những điều tốt đẹp nơi con người, chống lại nhân loại và chống lại Thiên Chúa”.
“Cuộc giao tranh này là một thực tại luôn diễn ra hàng ngày trong đời sống tín hữu, trong tâm hồn chúng ta, trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình chúng ta và trong giáo xứ chúng ta … Nếu chúng ta không chiến đấu chống lại Satan chúng ta sẽ bị đánh bại. Nhưng Chúa đã ban chúng ta các thiên thần để giúp chúng ta chiến đấu và giành chiến thắng. Và đoạn kết trong sách Khải Huyền là lời ca chiến thắng:
“Thiên Chúa chúng ta thờ
giờ đây ban ơn cứu độ,
giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,
và Ðức Kitô của Người
giờ đây cũng biểu dương quyền bính,
vì kẻ tố cáo anh em của ta,
ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa,
nay bị tống ra ngoài.”
Đức Thánh Cha kết luận bài giảng bằng việc mời gọi tín hữu luôn cầu nguyện với các Tổng lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael. Lời kinh cổ xưa nhưng thật đẹp hay dùng dâng kính Tổng Lãnh Thiên Thần Michael: “Nguyện xin ngài tiếp tục chiến đấu và bảo vệ những bí mật lớn nhất của nhân loại đó là: Ngôi Lời làm Người, chết và sống lại. Đây là kho báu của chúng con. Xin Ngài hãy chiến đấu để bảo vệ nó”.