Huấn từ Đức Thánh Cha ngày 22 tháng 10, 2014

ROME, 22 tháng 10, 2014 (Zenit.org) – Đức Thánh Cha khẳng định: “Chiến tranh không khởi sự trên chiến trường” nhưng “trong trái tim, bởi những sự hiểu nhầm, ganh ghét, bởi những sự chống chế nhau”.

Trong buổi triều kiến chung ngày 22 tháng 10, 2014 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giảng giáo lý về Giáo Hội, ngài suy niệm về “Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô”, đây là “đặc điểm sâu xa và đẹp nhất của Giáo Hội.”

Ngài nhấn mạnh: “Phép rửa thực sự là một sự tái sinh từ Chúa Kitô” làm cho con người “tham gia vào thực thể của Chúa” và làm cho họ “kết hiệp mật thiết” với nhau, “như những thành phần của cùng một thân thể, mà Chúa là đầu”: “do đó từ đây phát sinh một sự hiệp thông mật thiết của tình yêu”.

Đức Thánh Cha tiếp: “Nhưng tư tưởng này cần thúc đẩy ước muốn phù hợp với Chúa Giêsu và chia xẻ tình yêu Người”. Chúng ta hãy nghĩ đến những gì đang xẩy ra trong các cộng đồng Kitô, trong một vài giáo xứ, chúng ta hãy nghĩ đến những sự chia rẽ, những ganh tị, những dèm pha nói xấu, những hiểu nhầm và những sự kỳ thị.”

Đối với Đức Thánh Cha, “đó là khởi đầu của chiến tranh. Chiến tranh không khởi sự trên chiến trường: chiến tranh, và các cuộc chiến bắt đầu từ những con tim, bởi những hiểu nhầm, chia rẽ, ganh ghét, và chống đối lẫn nhau.”

Ngài nhấn mạnh: “Sự ghen tị “phá hủy”. Những sự ghen tị bành trướng và tràn đầy trái tim. Một trái tim ghen tị là một trái tim chua chát, một trái tim, đáng lý phải có máu nhưng lại tràn đầy dấm chua; đó là một trái tim không bao giờ vui sướng, và phá hủy cộng đồng.”

Làm sao để chống lại những sự phá hủy này? Đức Thánh Cha đã nêu lên những lời khuyên của Thánh Phaolô tông đồ: “Anh em đừng ganh tị nhưng phải qúy trọng trong các cộng đồng những năng khiếu và đức tính của những người anh em...Khi tôi cảm thấy có sự ganh tị gia tăng, vì điều này xẩy ra cho tất cả mọi người, tôi phải nói với Chúa: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho người kia quà tặng đó."

Thật vậy, “một trái tim biết nói cám ơn là một trái tim tốt lành, là một trái tim quý phái, một trái tim vui sướng.” Đức Thánh Cha cũng khuyến khích mọi người “hãy thân cận và chia xẻ những đau khổ của những người yếu đuối và thiếu thốn nhất.”

Cuối cùng, ngài đã khuyên”không nên coi một ai là cao trọng hơn người khác... Có biết bao nhiêu người tự cho là mình cao trọng”, như người Pharisêu trong dụ ngôn: “Tôi tạ ơn Chúa vì tôi không giống như người kia, tôi cao trọng hơn.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Điều này không tốt, không bao giờ nên nói như thế. Và khi anh em sắp sửa nói như vậy, anh em hãy nhớ đến những tội lỗi của mình, những điều người khác không hay biết, và hạ mình trước mặt Chúa Ki tô và nói: “Lạy Chúa, Chúa biết ai cao trọng hơn, và con xin im lặng.”