Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngay cả ngày nay cũng có "những Kitô hữu ngoại giáo", những người "hành xử như kẻ thù của Thánh Giá Chúa Kitô", Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định như trên trong Thánh lễ sáng thứ Sáu 7 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta, và cảnh báo rằng chúng ta phải cảnh giác chống lại những cám dỗ của một xã hội thế tục đang dẫn chúng ta đến chỗ hư hỏng.
Đức Thánh Cha đã lấy cảm hứng từ những lời của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Philipphê nói về hai nhóm Kitô hữu, mà đến nay vẫn còn tồn tại như tại thời điểm của vị Tông Đồ Dân Ngoại. Đó là nhóm Kitô hữu thăng tiến trong đức tin và nhóm những Kitô hữu "sống như những kẻ thù của Thánh Giá Chúa Kitô".
"Cả hai nhóm đều ở trong Giáo Hội với nhau, cùng nhau đi lễ ngày Chúa Nhật, cùng ca ngợi Chúa, và tự gọi mình là Kitô hữu". Nhưng khác biệt ở đây là gì? Nhóm thứ hai "hành động như kẻ thù của Thánh Giá Chúa Kitô! Đúng thế, có những Kitô hữu là kẻ thù của Thánh Giá Chúa Kitô".
Đức Giáo Hoàng nói đây là những "Kitô hữu thế tục, các Kitô hữu trên danh nghĩa, với hai ba điều về Kitô giáo, ngoài ra không có gì hơn. Đó là thứ Kitô hữu ngoại giáo". "Chỉ có danh là Kitô hữu, nhưng sống một cuộc sống như dân ngoại". Hay nói một cách khác: "Kitô hữu dân ngoại với một vài hai nét sơn bên ngoài, để có bề ngoài như các Kitô hữu, nhưng dù sao họ vẫn là những người ngoại đạo".
"Thậm chí ngày nay hạng người ấy nhan nhãn trong Giáo Hội! Chúng ta phải cẩn thận không để mình trượt về phía con đường của những Kitô hữu ngoại giáo, các Kitô hữu bề ngoài. Bị cám dỗ để trở nên quen thuộc với những điều xoàng xỉnh, những Kitô hữu tầm thường này chẳng làm gì hết vì trái tim của họ đã nguội lạnh, họ trở nên thờ ơ. Và Chúa đã có những lời rất mạnh mẽ dành cho những Kitô hữu thờ ơ này: 'bởi vì ngươi quá thờ ơ, ta chỉ muốn nhổ ngươi ra khỏi miệng ta ". Đây là những lời rất mạnh mẽ dành cho những người là kẻ thù của Thánh Giá Chúa Kitô. Họ chỉ mang danh Kitô hữu, nhưng không tuân theo các đòi buộc của Tin Mừng".
Thánh Phaolô đã nói về tư cách "công dân" của các Kitô hữu. Ngài nhấn mạnh rằng, "Chúng ta là công dân nước Trời. Họ là công dân của trái đất này. Họ là những công dân của thế giới, không phải trên trời. Hãy coi chừng." Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng tất cả mọi người, bao gồm cả bản thân ngài cần phải tự hỏi: "Tôi có những thứ trần tục ấy trong tôi không? Có những thứ ngoại giáo không?".
"Tôi có thích khoe khoang không? Có ham tiền không? Có niềm tự hào, kiêu ngạo không? Đâu là những căn cội của tôi, nghĩa là tôi là công dân của nước Trời? hay thế gian? Tôi sống trong thế giới này hay tôi đã mặc lấy tinh thần thế gian? Chúng ta là công dân nước Trời, và chúng ta mong đợi Thiên Đàng và Đấng Cứu Độ của chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô. Còn họ thì sao? Số phận cuối cùng của họ là sự hủy diệt! Lớp sơn Kitô hữu của họ sẽ kết thúc tồi tệ Nhưng hãy hướng đến cùng đích: tư cách công dân trong anh chị em sẽ dẫn đưa anh chị em đến đâu? Cái tư cách công dân thế gian chỉ đưa đến hủy diệt, còn tư cách công dân trong Thánh Giá của Chúa Kitô sẽ đưa ta đến một cuộc gặp gỡ với Ngài ".
Đức Thánh Cha sau đó đã đưa ra một vài chỉ dấu "của trái tim" cho thấy chúng ta "đang trượt về phía thế gian". "Nếu anh chị em yêu thích và gắn bó với tiền bạc, phù hoa và niềm tự hào -anh chị em đang hướng tới con đường xấu". Nếu, thay vào đó,"anh chị em cố gắng yêu mến Thiên Chúa, phục vụ người khác, nếu anh chị em hiền lành và khiêm nhường, nếu anh chị em là người đầy tớ của người khác, anh chị em đang đi đúng đường. Căn cước công dân của anh chị em là tốt. Nó thuộc về nước Trời. Đức Thánh Cha chỉ ra rằng Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha cứu các môn đệ Ngài khỏi "tinh thần thế gian, những sự thế gian, là những điều chỉ dẫn đến hủy diệt ".
Đức Giáo Hoàng cũng đã đề cập đến dụ ngôn người quản lý bất lương là người đã lừa dối chủ mình, được nêu ra trong bài Tin Mừng trong ngày. Ngài tự hỏi:
"Làm thế nào mà người quản lý được đề cập đến trong Tin Mừng lại ra đến nông nỗi là gian lận, ăn cắp của chủ mình? Làm thế nào mà ông đã đi đến tình trạng ấy từ ngày này sang ngày khác? Từng chút một. Ngày này thì một chút tiền thưởng, ngày kia thì một chút hối lộ, và đây là con đường anh chị em tiến dần đến đến tham ô. Con đường thế gian của những kẻ thù với Thánh Giá Chúa Kitô cũng như thế, nó dẫn anh chị em đến băng hoại từng chút một! và sau đó anh chị em kết thúc với việc ăn cắp công khai như người quản lý này, phải không?”
Đức Thánh Cha quay trở lại những lời của Thánh Phaolô, người đã yêu cầu chúng ta hãy "kiên vững trong Chúa" và đừng để cho con tim mình bị suy yếu và kết thúc trong "hư vô, và băng hoại". "Đây là một ân sủng mà chúng ta phải tìm kiếm: đó là ân sủng được lưu lại trong Chúa. Trong Ngài là ơn cứu rỗi, là sự biến hình trong vinh quang. Hãy kiên vững trong Chúa và làm theo gương của Thánh Giá Chúa Kitô: khiêm nhường, nghèo hèn, hiền lành, phục vụ người khác, tôn thờ, và cầu nguyện"
2. Đức Thánh Cha nói ganh tị và hư danh phá hoại Giáo Hội
Sự ganh tị và hư danh đó là hai con sâu làm suy yếu Giáo Hội; ngược lại chúng ta phải hành động trong tinh thần khiêm tốn và hài hòa, và không tìm kiếm tư lợi. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong Thánh Lễ sáng thứ Hai, 03 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.
Lấy ý từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê, Đức Thánh Cha lưu ý rằng niềm vui của một giám mục nằm ở tình yêu, sự hiệp nhất và hòa hợp trong Giáo Hội của ngài. “Sự hòa hợp là một ân sủng, mà Chúa Thánh Thần tạo ra, nhưng chúng ta phải cộng tác trong đó, chúng ta phải nỗ lực để Chúa Thánh Thần tạo ra sự hài hòa trong Giáo Hội”. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu thành Philípphê đừng làm những gì xuất phát từ “ganh tị hay hư danh” nhưng “thật lòng khiêm nhường, dù người khác có quan trọng hơn mình đi chăng nữa.” Đức Thánh Cha lưu ý rằng “Anh chị em thấy đó, đây chẳng phải là điều mới mẻ gì, nhưng nó vẫn xảy ra như xưa”.
“Và không phải là quá thường xuyên chúng ta phải chứng kiến sự ganh tị và hư danh trong Giáo Hội, trong giáo xứ, nơi trường học sao? Ganh tị và hư danh là hai con sâu ăn vào cơ cấu Giáo Hội, làm suy yếu Giáo Hội. Ganh tị và hư danh chống lại sự hài hòa, đồng thuận.
Ngược lại với ganh tị và hư danh thánh Phaolô đề nghị với chúng ta điều gì? Đó là khiêm nhường, coi trọng người khác hơn chính mình”. Thánh nhân cảm nhận điều này nơi chính mình. Ngài tự gọi mình là “không xứng đáng để được gọi là một tông đồ,” là tông đồ chót hết trong các tông đồ. Cảm nhận của thánh nhân là người khác cao trọng hơn mình.
Đức Thánh Cha trích dẫn gương của Thánh Martin de Porres, mà Giáo Hội kính nhớ trong ngày là một “thầy dòng Ða Minh khiêm tốn”. “Tinh thần của ngài là phục vụ, bởi vì ngài cảm thấy rằng tất cả những người khác, ngay cả những người tội lỗi đều cao trọng hơn mình.” Thánh Phaolô cũng đã mời gọi tất cả mọi người đừng tìm lợi ích cho chính mình.
“Hãy nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi người người khác và phục vụ họ. Và đó chính là niềm vui của một giám mục, khi thấy Giáo Hội của mình có cùng một cảm nghĩ, cùng làm việc bác ái, đồng tâm nhất trí. Đó chính là luồng gió mát thổi trong Giáo Hội. Anh chị em có thể có ý kiến khác nhau, đó là điều tốt, nhưng luôn luôn trong bầu khí khiêm nhường, bác ái mà không sợ bất cứ ai khinh dể mình”.
Đề cập đến Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha nói thêm: “Thật tồi tệ, khi chúng ta tìm kiếm tư lợi trong Giáo Hội, trong Giáo Phận, giáo xứ mà không hề có sự phục vụ, yêu thương. Và đây là những gì Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng: Đừng tìm kiếm lợi ích cho chính mình; đừng đi trên con đường tìm kiếm việc hồi đáp. Như thể, tôi đã làm điều này cho anh thì anh cũng phải làm điều nọ cho tôi. Và Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn về việc mời người khác đến dùng bữa với mình, mà không mong họ có thể đáp lễ lại. Đó là sự nhưng không. Khi có sự hòa hợp trong Giáo Hội; thì có sự hiệp nhất, khi không ai tìm kiếm tư lợi thì chúng ta có một tâm tình biết ơn. Tôi làm điều tốt, tôi không mặc cả về điều tốt tôi làm. ”
Kết luận bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi tín hữu hãy kiểm điểm lương tâm mình “giáo xứ, cộng đoàn tôi thế nào? Có tinh thần này không? Có phải cảm thức yêu thương, hiệp nhất, hài hòa không ganh tị hoặc tìm hư danh đang ngự trị trong chúng ta? Chúng ta có khiêm nhường và coi người khác trọng hơn mình không? Và có lẽ khi suy tư về những điều ấy chúng ta tìm ra những điều có thể cải thiện không? Và, tôi phải làm thế nào để cải thiện điều này?
3. Câu chuyện Ðức Giêsu hóa bánh ra nhiều nuôi đủ 5000 người
Trong Phúc Âm, có một cụm từ thường được nhắc đến đó là “Người chạnh lòng thương”.
Ðức Giêsu thấy đám đông theo Ngài, vất vưởng bơ vơ như chiên không người chăn dắt thì Người chạnh lòng thương. Lòng thương bắt nguồn từ con tim biết nhói đau trước nỗi khổ của người khác. Ðức Giêsu đã làm tất cả để xoa dịu, đỡ nâng và mời gọi các môn đệ cộng tác trong công cuộc ấy.
Trước một thế giới buồn, Ngài sai họ rao giảng Tin Mừng về Nước Trời gần đến.
Trước một thế giới bệnh hoạn, Ngài cho họ khả năng chữa lành.
Trước một thế giới bị nô lệ cho thần ô uế, Ngài cho họ năng quyền đem lại tự do.
Trước một thế giới đầy chết chóc, Ngài cho họ quyền năng trả lại sự sống.
Trước một thế giới đói khát, Ngài mời chúng ta nhìn thế giới này bằng đôi mắt của Ngài,
nhìn thấy để mà chạnh lòng thương. Chính Chúa đã hơn một lần ban cho con người lương thực.
Phúc Âm kể rằng:
Khi ấy Ðức Giêsu đi thuyền đến chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.
Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn". Ðức Giêsu bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn". Các ông đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" Người bảo: "Ðem lại đây cho Thầy!" Rồi sau đó, Người truyền cho đám đông ngả lưng trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẫu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.
Trong một ngày đông giá lạnh, Martinô, lúc ấy đang còn phục vụ trong quân ngũ và chưa lãnh nhận niềm tin Kitô, gặp một ông ăn mày nghèo khổ đến độ không có lấy một mảnh vải che thân, đang ngồi tựa lưng vào bức tường giơ bàn tay khẳng khiu van xin từng đồng xu nhỏ của những người qua lại. Không sẵn tiền trong túi và cũng không có lương thực để cho, Martinô nhanh nhẹn leo xuống ngựa, tuốt gươm cắt phân nửa áo choàng của mình và quàng lên tấm thân gầy guộc của người ăn xin đang run rẩy vì cái lạnh buốt xương. Kẻ qua đường đồng thanh cười nhạo cử chỉ khác lạ của người thanh niên.
Ðêm hôm đó, Martinô nằm mơ thấy chính Chúa Giêsu bận nửa áo choàng mà chàng đã trao tặng cho người ăn mày và Chúa nói: "Martinô, tuy chưa lãnh nhận Phép Rửa Tội, đã đắp lên tôi chiếc áo này".
Ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện truyền khẩu trên về hành động bác ái của thánh Martinô, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm 11 tháng 11 vừa qua.
Mỗi năm gần đến ngày lễ thánh Martinô thành Tôrinô, các trẻ em vùng nói tiếng Ðức cũng náo nức như các trẻ em Việt Nam nôn nao đếm từng ngày trước lễ Trung Thu. Vì đây cũng là ngày các em rước đèn đi đến khoảng sân rộng để xem diễn tuồng thánh Martinô, với những bài hát ca ngợi tình yêu thương cụ thể của chàng sĩ quan trẻ tuổi, với vở tuồng được trình diễn bằng người ngựa thật và nhất là với những quà bánh thơm ngon được trình bày bán chung quanh chỗ diễn tuồng.
Chủ đích của cuộc lễ này vẫn là khắc ghi đậm nét vào lòng các trẻ em mẫu gương "xẻ áo" của thánh Martinô để giúp các em hiểu rõ lời Chúa Giêsu tuyên bố trong ngày phán xét: "Ta bảo thật: mỗi lần anh chị em làm những điều ấy cho một kẻ hèn mọn trong anh em Ta, thì là làm cho chính Ta vậy".
4. Đức Thánh Cha nói: Đừng lo sợ trước những ân sủng nhưng không của Chúa
Trong bài giảng sáng thứ Ba 4/11 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng nói chung con người lo sợ trước những ân sủng nhưng không của Thiên Chúa. Chúng ta tìm cách thoái thác để đừng theo Ngài. Đồng thời, chúng ta thường nghĩ mình là trung tâm của thế giới này.
Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài trên dụ ngôn được kể trong bài Phúc Âm trong ngày kể về một người kia tổ chức bữa tiệc lớn trong đó ông mời rất nhiều người. Cố nhiên là chúng ta ai cũng muốn được mời đi ăn tiệc nhưng có những yếu tố nào đó khiến cho 3 người khách mời không thích và những người khách này tiêu biểu cho nhiều người trong chúng ta.
Một người nói rằng ông phải đi thăm ruộng của mình, ông ta cần phải nhìn thấy nó để cảm nhận hương vị ngọt ngào của “sức mạnh, phù hoa, niềm tự hào” và ông thích những điều này hơn là ngồi cùng bàn với người khác. Người thứ hai vừa mới mua năm con bò và do đó ông bận lắm và không muốn lãng phí thời gian với những người khác. Lý do khước từ của người cuối cùng là vì ông ta vừa kết hôn và không muốn mang cô dâu đến với bữa tiệc. Ông muốn giữ tất cả tình cảm của cô cho chính mình mà thôi: đó là sự ích kỷ ".
Đức Thánh Cha nhận xét tiếp là:
"Cuối cùng con người coi trọng sở thích riêng của mình hơn là việc chia sẻ bữa ăn tối với nhau: Họ không biết ý nghĩa của việc ăn mừng với nhau". Trong một xã hội ai cũng coi trọng đến lợi ích cá nhân của mình, người ta sẽ nghĩ rằng trên cõi đời này làm gì có cái chuyện nhưng không. Đời là phải có qua có lại!
"Nếu lời mời được thay đổi đi, chẳng hạn nói: 'Hãy đến, tôi có một, hai hoặc ba người bạn kinh doanh từ nước ngoài, chúng ta có thể làm điều gì đó với nhau’, lúc đó không ai có lý do nào để từ chối cả. Nhưng điều khiến họ bị sốc là sự nhưng không. Điều này xảy ra vì theo Đức Thánh Cha "khá thường xuyên chúng ta có những kinh nghiệm đau khổ trong cuộc sống của mình". Cho nên, cũng như các môn đệ trên đường Emmau hoặc như Thánh Tôma, người ta muốn có cái gì trong một giới hạn tâm lý nào đó để có thể tin. Ngài đưa ra một câu tục ngữ phổ biến: Khi "đề nghị mà tuyệt vời như vậy ngay cả các Thánh cũng đem lòng ngờ vực", bởi vì "phần thưởng là quá lớn nên khi Thiên Chúa ban cho chúng ta một bữa tiệc như thế này," chúng ta nghĩ rằng "tốt hơn là đừng có dây dưa vào làm gì ".
"Chúng ta cảm thấy an toàn hơn trong tội lỗi của chúng ta, trong giới hạn của chúng ta, vì chúng ta cảm thấy như đang ở nhà. Rời khỏi nhà của chúng ta để đáp trả lời mời của Thiên Chúa, đi đến nhà của Thiên Chúa, với những người khác hả? Thôi, tôi sợ lắm. Và tất cả các Kitô hữu chúng ta đều có nỗi sợ hãi này tiềm ẩn bên trong ... nhưng không chôn kín. Là Công Giáo, nhưng chút ít thôi, đừng quá Công Giáo. Tin tưởng vào Chúa, nhưng chút đỉnh thôi, đừng nhiều quá. Cái não trạng ' đừng nhiều quá ' này đánh dấu cuộc sống của chúng ta, nó hạ thấp chúng ta ".
Chúng ta cũng không thích cái vị thế “là một trong số những người khác” vì lòng tự ái khiến chúng ta muốn mình là trung tâm của mọi sự. Điều đó gây cho chúng ta những khó khăn để lắng nghe tiếng nói của Chúa Giêsu, tiếng nói của Thiên Chúa. Khi anh chị em tin rằng cả thế giới này đang xoay quanh anh chị em thì anh chị em không có chân trời, bởi vì anh chị em đã trở thành chân trời của riêng mình.
"Một điều làm tôi suy nghĩ nhiều là khi các đầy tớ báo cáo với chủ của mình là không ai muốn đến dự tiệc, thì người chủ tức giận vì thấy mình bị người ta xem thường. Ông sai tôi tớ của mình đi kêu những người nghèo, những người tàn tật, ông đã sai đầy tớ đến những quảng trường và các đường phố để buộc mọi người đến với bữa tiệc. Quá thường khi Chúa đã làm như thế với chúng ta qua các thử thách, rất nhiều những thử thách".
"Buộc họ phải đến, vì đây là lễ ăn mừng nhưng không. Buộc con tim, linh hồn họ phải tin vào sự nhưng không của Thiên Chúa, phải tin rằng ân sủng của Thiên Chúa là cho không, ơn cứu rỗi không thể mua được: Đó là một ân sủng tuyệt vời, là tình yêu của Thiên Chúa ... là quà tặng lớn nhất! Nhưng chúng ta có một chút lo sợ và đây là lý do tại sao chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể nên thánh thiện bằng ý chí riêng của mình và chúng ta trở thành những kẻ có chút Pelagian trong đầu".
Pelagius, sinh năm 380 và qua đời năm 418, là một nhà đạo đức học khổ hạnh. Ông tin rằng con người có thể nên thánh bởi ý chí tự do của mình mà không đến cần ân sủng của Chúa. Những người theo thuyết của Pelagius được gọi là những người Pelagian. Thánh Augustionô bác bỏ thuyết này. Ngài nói là con người không thể đạt đến sự thánh thiện nếu không có ân sủng của Chúa vì từ lúc lọt lòng chúng ta đã là những người tội lỗi, với một con tim và một ý chí đầy tội lỗi (Mẹ con cưu mang con trong nguồn mạch tội lỗi. Thoát sinh trong kiếp tội nhân, con hằng sợ hãi u sầu – Chúa Nhân Từ - Nhạc của linh mục Kim Long).
Đức Giáo Hoàng kết luận: Chúa Giêsu "trả giá cho bữa tiệc bằng sự sỉ nhục cho đến chết trên cây thánh giá. Và đây là ân sủng nhưng không thật cao cả. Khi chúng ta nhìn vào cây thánh giá, chúng ta nên nghĩ về thánh giá như một lời mời gọi đến bữa tiệc. Vâng, lạy Chúa, con là một tội nhân, con có nhiều thứ, nhưng con nhìn lên Chúa và đi đến bữa tiệc của Chúa Cha. Con tín thác. Con sẽ không phải thất vọng, bởi vì Chúa đã trả giá cho mọi thứ. Ngày nay, Giáo Hội đòi hỏi chúng ta không phải sợ sự nhưng không của Thiên Chúa .Thay vào đó chúng ta phải mở lòng chúng ta ra, làm mọi thứ có thể để đến dự bữa tiệc Chúa dọn sẵn cho chúng ta."
5. Dấn thân thắng vượt mọi biên giới thù nghịch và thờ ơ để đạp đổ mọi bức tường chia rẽ
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người dấn thân để nhân loại thắng vượt được các biên giới thù nghịch và thờ ơ, xây dựng các cây cầu hiểu biết và đối thoại để làm cho thế giới trở thành một gia đình các dân tộc hỏa giải với nhau, huynh đệ và liên đới, trong đó không ai bị bách hại và giết chết vì niềm tin và tôn giáo của mình.
Ngài đã gióng lên lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 9 tháng 11 với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô nhân ngày lễ cung hiến Vương cung thánh đường Laterano và kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ.
Nhắc tới ngày lễ cung hiến Vương cung thánh đường Laterano, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, được truyền thống định nghĩa là “mẹ của mọi nhà thờ trong thành Roma và trên toàn thế giới”,
Đức Thánh Cha nói:
Với từ “mẹ” người ta quy không quy chiếu về dinh thự thánh của Vương cung thánh đường cho bằng công trình của Chúa Thánh Thần, là Đấng tự biểu lộ trong đền thánh, bằng cách sinh hoa trái qua chức thừa tác của Giám Mục Roma, trong tất cả các cộng đoàn hiệp nhất với Giáo Hội mà người chủ sự. Vì thế, với lễ này chúng ta tuyên xưng, trong sự hiệp nhất đức tin, rằng mối dây hiệp thông mà tất cả các Giáo Hội địa phương, rải rác trên trái đất có với Giáo Hội Roma và với Giám Mục của nó, là Người kế vị thánh Phêrô.
Việc cử hành sự dâng hiến một thánh đường nhắc nhở cho chúng ta biết một sự thật nòng cốt: đền thờ vật chất làm bằng gạch là dấu chỉ của Giáo Hội sống động trong lịch sử, nghĩa là của “đền thờ tinh thần”, mà Chúa Kitô là “viên đá sống động, bị loài người loại bỏ nhưng được lựa chọn và qúy gía trước mặt Thiên Chúa, như tông đồ Phêrô đã từng nói (x. Pr 2,4-8). Trong Phúc Âm của phụng vụ hôm nay, khi nói về đền thờ, Chúa Giêsu đã vén mở một sự thật gây đảo lộn: đó là đền thờ của Thiên Chúa không phải là đền đài làm bằng gạch, nhưng là thân mình Người, được làm bằng các viên đá sống động. Nhờ sức mạnh của bí tích Thánh Tẩy, mỗi kitô hữu là một phần “đền thờ của Thiên Chúa”, như thánh Phaolô nhắc nhớ (1 Cr 3,9). Còn hơn thế nữa, họ trở thành Giáo Hội của Thiên Chúa. Đền thờ tinh thần, Giáo Hội, cộng đoàn của những người đươc thánh hiến bởi máu Chúa Kitô và Thần Khí của Chúa phục sinh, xin từng người trong chúng ta trung thực trong cuộc sống đức tin và chứng tá, mà chúng ta phải bước đi và sống mỗi ngày. Là một kitô hữu, không phải bằng điều mình nói, nhưng bởi điều mình làm, bởi cung cách hành xử của mình. Sự trung thực trao ban sự sống cho chúng ta là một ơn sủng đến từ Chúa Thánh Thần mà chúng ta phải xin mỗi ngày. Giáo Hội, trong nguồn gốc sự sống và sứ mệnh của mình trong thế giới, không là gì khác hơn là một cộng đoàn được thành lập để tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ con người, một lòng tin hoạt động bác ái. Cả ngày nay nữa Giáo Hội được mời gọi là cộng đoàn đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô qua bí tích Rửa Tội, tuyên xưng niềm tin nơi Người với lòng khiêm tốn và can đảm và làm chứng cho niềm tin ấy trong tình bác ái. Các yếu tố cơ cấu và các tổ chức mục vụ cũng phải được hướng tới các mục tiêu chính yếu này.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ:
Ngày lễ cung hiến Vương cung thánh đường Laterano hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về sự hiệp thông của tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, nghĩa là của cộng đoàn kitô dấn thân để nhân loại thắng vượt được các biên giới của thù nghịch và thờ ơ, xây dựng các cây cầu hiểu biết và đối thoai để làm cho thế giới trở thành một gia đình các dân tộc hòa giải với nhau, huynh đệ và liên đới. Giáo Hội chính là dấu chỉ diễn tả trước nhân loại mới này, khi sống và phổ biến, với chứng tá của mình, Tin Mừng sứ điệp hy vọng và hòa giải cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy khẩn nài sự bầu cử cả Mẹ Maria Rất Thánh, để Mẹ giúp chúng ta trở thành “nhà của Thiên Chúa” như Mẹ, là đền thờ sống động của tình yêu Người.
6. Các thừa tác giám mục, linh mục và phó tế diễn tả gương mặt Mẹ Thánh Giáo Hội theo phẩm trật nhằm phục vụ tín hữu
Nơi sự hiện diện và trong thừa tác của các Giám Mục, Linh Mục và các Phó Tế chúng ta có thể nhận ra gương mặt thật của Giáo Hội: đó là Mẹ Giáo Hội theo phẩm trật, sinh chúng ta ra trong cuộc sống đức tin, thêm sức, dưỡng nuôi, đồng hành với chúng ta đến với Chúa Cha để được ơn tha thứ tội lỗi, khẩn nài phước lành và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trên chúng ta, nâng đỡ chúng ta trong suốt cuộc sống, bảo bọc chúng ta với hơi ấm của mình, nhất là trong những lúc tế nhị của thử thách, khổ đau và cái chết.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 5 tháng 11.
Trong bài huấn dụ ngài đã trình bày đề tài giáo lý về các chức thừa tác mà chính Chúa Kitô đã dựng nên trong Giáo Hội để xây dựng các cộng đoàn Kitô nơi nhiệm thể Ngài. Bình luận đoạn thư thánh Phaolô gửi Tito mà mọi người vừa nghe đọc trước đó.
Đức Thánh Cha nói:
Mọi người đều đã nghe đấy: Các Giám Mục chúng tôi phải có biết bao nhiêu là nhân đức. Thật không dễ, không dễ, vì chúng tôi là những người tội lỗi. Nhưng chúng tôi tín thác nơi lời cầu nguyện của anh chị em, để ít nhất chúng tôi tới được gần điều tông đồ Phaolô khuyên nhủ tất cả các giám mục. Anh chị em có đồng ý không? Anh chị em sẽ cầu nguyện cho chúng tôi chứ?
Đức Thánh Cha nói tiếp:
Trong các bài giáo lý trước đây chúng ta đã nhấn mạnh Chúa Thánh Thần luôn đổ tràn đầy trên Giáo Hội các ơn của Người. Giờ đây trong quyền năng và ơn thánh của Thần Khí Ngài, Chúa Kitô dựng nên trong Giáo Hội các thừa tác để xây dựng các cộng đoàn kitô như thân mình Người. Trong các thừa tác đó nổi bật là thừa tác giám mục. Nơi vị Giám Mục, được trợ giúp bởi các Linh Mục và các Phó Tế, chính Chúa Kitô hiện diện và tiếp tục lo lắng cho Giáo Hội và bảo đảm cho Giáo Hội sự che chở và hướng dẫn của Người.
Nơi sự hiện diện và trong thừa tác của các Giám Mục, Linh Mục và các Phó Tế chúng ta có thể nhận ra gương mặt thật của Giáo Hội: đó là Mẹ Giáo Hội theo phẩm trật. Thật thế, qua các anh em này, được Chúa tuyển chọn và thánh hiến với bí tích Truyền Chức, Giáo Hội thi hành chức làm mẹ của mình: Giáo Hội sinh chúng ta ra như kitô hữu trong bí tích Thánh Tẩy, bằng cách làm cho chúng ta tái sinh trong Chúa Kitô; canh thức trên sự trưởng thành của chúng ta trong đức tin, tháp tùng chúng ta đến với vòng tay của Thiên Chúa Cha để được ơn tha thứ; chuẩn bị cho chúng ta bàn tiệc Thánh Thể, nơi Giáo Hội nuôi dưỡng chúng ta với Lời Chúa và Mình và Máu Chúa Giêsu; khẩn nài trên chúng ta phước lành và sức mạnh của Chúa Thánh Thần; nâng đỡ chúng ta trong suốt lộ trình cuộc sống và bảo bọc chúng ta với sự hiền dịu và hơi ấm của mình, nhất là trong những lúc tế nhị của thử thách, khổ đau và cái chết.
Chức làm mẹ đó của Giáo Hội được diễn tả ra cách đặc biệt trong con người của vị Giám Mục và chức thừa tác của người. Thật vậy, như Chúa Giêsu đã chọn các Tông Đồ và đã sai các vị ra đi loan báo Tin Mừng và chăn dắt đoàn chiên, cũng thế các Giám Mục là các người kế vị các Tông Đồ được đặt làm đầu các cộng đoàn kitô, như là những người bảo đảm cho đức tin và như dấu chỉ sống động sự hiện diện của Chúa giữa họ. Như vậy chúng ta hiểu rằng đây không phải là một địa vị uy tín, một chức tước vinh dự.
Chức Giám Mục không phải là một tước hiệu vinh dự, nhưng là sự phục vụ. Và Chúa Giêsu đã muốn như thế. Không thể có chỗ cho tâm thức trần tục trong Giáo Hội. Tâm thức trần tục nói: “Mà ông này đã tiến thân trong Giáo Hội, đã trở thành Giám Mục”. Không, không. Trong Giáo Hội không thể có chỗ cho tâm thức này. Chức Giám Mục là một phục vụ, chứ không phải là một tước vinh dự để khoe khoang. Là Giám Mục có nghĩa là luôn luôn có trước mắt gương sống của Chúa Giêsu, là Đấng Chăn Chiên Lành, không đến để được hầu hạ nhưng để hầu hạ” (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và để hiến mạng sống mình cho đoàn chiên (x. Ga 10,11). Các Giám Mục thánh - có biết bao Giám Mục thánh trong lịch sử Giáo Hội - cho chúng ta thấy rằng người ta không tìm kiếm, không xin, không mua chức thừa tác này, nhưng tiếp nhận, trong vâng phục, không phải để nâng mình lên, nhưng để hạ mình xuống, như Chúa Giêsu “đã hạ mình, vâng lời cho tới chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Thật là buồn, khi thấy một người tìm chức vụ này và làm biết bao nhiêu điều để tới được chức vụ đó, và khi tới rồi lại không phục vụ, nhưng vênh vang và chỉ sống cho sự phù vân của mình.
Còn có một yếu tố thứ ba qúy báu nữa, đáng được minh nhiên. Khi Chúa Giêsu đã chọn và kêu gọi các Tông Đồ, Người đã không nghĩ phân tách họ với nhau, mỗi người tùy ý mình, nhưng cùng nhau, để họ ở với Người, hiệp nhất như một gia đình duy nhất. Cả các Giám Mục cũng làm thành một đoàn duy nhất, được quy tụ chung quanh Giáo Hoàng, là người gìn giữ và bảo đảm cho sự hiệp thông sâu xa này, mà Chúa Giêsu và chính các Tông Đồ đã lưu tâm biết bao nhiêu. Như vậy thật là đẹp biết bao nhiêu, khi các Giám Mục cùng với Giáo Hoàng diễn tả tính cách đoàn thể ấy và tìm cách ngày càng là những người phục vụ tín hữu, phục vụ Giáo Hội hơn! Chúng ta đã chứng kiến mới đây trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình. Nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ tới tất cả mọi Giám Mục sống rải rác trên thế giới, dù sống tại các nơi, các nền văn hóa, sự nhậy cảm và các truyền thống khác nhau và xa cách nhau - Hôm trước có một Giám Mục nói với tôi rằng để đến Roma, từ nơi ngài ở, cần phải bay 30 giờ đồng hồ, xa biết bao - nhưng các vị cảm thấy là phần của nhau và trở thành kiểu diễn tả mối dây thân tình giữa các cộng đoàn với nhau, trong Chúa Kitô. Và trong lời cầu nguyện chung của Giáo Hội tất cả mọi Giám Mục đặt mình để lắng nghe Chúa Cha và Chúa Con và Thần Khí, như thế có thể chú ý tới con người và các dấu chỉ thời đại một cách sâu xa.
Các bạn thân mến, tất cả điều này làm cho chúng ta hiểu tại sao các cộng đoàn kitô lại nhận ra nơi vị Giám Mục một ơn lớn lao, và chúng được mời gọi dưỡng nuôi một sự hiệp thông chân thành và sâu xa với Giám Mục, bắt đầu từ các linh mục và các phó tế. Không có một Giáo Hội lành mạnh, nếu các tín hữu, các phó tế và các linh mục không hiệp nhất với Giám Mục. Giáo Hội không hiệp nhất với Giám Mục này là một Giáo Hội bệnh hoạn. Chúa Giêsu đã muốn sự hiệp nhất này của tất cả mọi tín hữu với Giám Mục, với cả các linh mục và các phó tế nữa. Và điều này trong ý thức rằng chính nơi Giám Mục mà mối dây nối kết của từng Giáo đoàn với các Tông Đồ và với tất cả mọi cộng đoàn khác, hiệp nhất với các Giám Mục và Giáo Hoàng trong Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu, là Mẹ Thánh Giáo Hội Phẩm Trật của chúng ta.