ĐẠI LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS

Giáo Xứ Việt Nam Paris, Chúa Nhật 16.11.2014: Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam vùng Paris đã cùng nhau mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chương trình xoay quanh ba việc:

Xem Hình

11 giờ 30: thánh lễ cho những ai không thể tham dự Đại Lễ Đồng Tế.

13 giờ 30 – 14 giờ 30: Giờ Chầu Mình Thánh, suy tôn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đồng thời có các cha ngồi tòa cho những ai muốn dọn mình đi vào Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh.

15 giờ 00: Thánh Lễ Đồng Tế.

Chia sẻ Lời Chúa

Chúa Nhật 16.11.2014 hôm nay, gần 30 linh mục và giáo sĩ, gồm các vị trong Ban Giám Đốc Giáo Xứ, một vài vị trong Ban Tuyên Úy vùng Paris và nhiều linh mục sinh viên tu học tại Học Viện Công Giáo Paris, đã cùng cha Vũ Minh Sinh rước xương thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Rồi mọi người hôn kính xương thánh. Sau đó Đại Lễ đồng tế đã được cử hành để ghi ơn và nêu gương các vị Tiến Nhân đã lấy máu đào tô thắm Giáo Hội Quê Hương Việt Nam. Đặc biệt bài chia sẻ Phúc Âm của cha chủ tế Vũ Minh Sinh năm nay rất độc đáo với đề tài “Các Thánh Tử đạo giáo dân trẻ Việt nam”.

Nhắc lại một vài con số, cha Vũ Minh Sinh ghi nhận hai sự kiện: 1- Trái với ngộ nhận thông thường cho rằng các thánh đa số là tu sĩ; Thực tế cho thấy các Thánh Tử Đạo người Việt Nam đa số là giáo dân: Trong 117 vị được phong thánh năm 1988, 21 vị là giáo sĩ Tây Ban Nha và Pháp. Trong số 96 vị người Việt nam, 42 là giáo dân, 37 là linh mục, 17 là thầy giảng và chủng sinh. 2- Và bình thường ta hay nghĩ rằng nên thánh chỉ dành cho những bậc lới tuổi; Thực tế có những Thánh Tử Đạo giáo dân Việt nam rất trẻ.

Giuse Phạm Quang Túc, 19 tuổi. Là Giáo dân Bắc Ninh, bị xử trảm ngày 1/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức. Bị bắt và giam tù, ngài nói: "Tôi an tâm, không lo lắng gì cả. Nếu Thiên Chúa cho tôi đổ máu vì đạo, tôi tin chắc sẽ được về trời. Còn thân xác này chôn được thì chôn, bằng không chôn được thì thôi”.

Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, 25 tuổi, quê Hải Phòng. Khi bị bắt, ngài mới chỉ là dự tòng chưa được rửa tội. Ngài là một nông dân sốt sắng, khi vô tù mới chính thức gia nhập đạo, rồi thành hội viên dòng ba Đaminh, nhưng ngài không thua kém ai về lòng can đảm tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, bị xử giảo (thắt cổ) vì đức tin dưới đời vua Minh Mạng cùng với bốn người bạn, trong đó có Tôma Đệ.

Anrê Trần Văn Trông, 27 tuổi, sinh năm 1814 trong một gia đình Công Giáo ở Kim Long, Phú Xuân (Huế). Làm thợ dệt tơ với đồng lương ít ỏi không đủ nuôi sống gia đình, năm 20 tuổi, Anrê Trông đành giã từ mẹ lên đường nhập ngũ. Sau tám tháng phục vụ trong quân đội, tháng 11.1834, triều đình ra lệnh những binh sĩ Công Giáo phải ra trình diện. Không chút e dè, Anrê Trông với 12 đồng đội cùng ở khu Thợ Đúc đến trình diện quan. Quan yêu cầu các anh phải tuân lệnh nhà vua bỏ đạo và đạp lên Thánh Giá. Cả 13 chiến sĩ Công Giáo đều cương quyết khước từ. Các quan bèn dùng biện pháp tra tấn dã man… lần lượt 12 người bỏ cuộc, chỉ còn mình Anrê Trông vẫn trung kiên đến cùng. Sáng ngày bị xử hình là 28.11.1835, người chiến sĩ đức tin gặp được người anh họ mình. Anh ta hỏi có muốn ăn gì không ? Anrê Trông trả lời: "Em muốn ăn chay để dọn mình tử đạo", rồi nói tiếp: "Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em, mẹ em cũng sẽ yêu thương anh. Xin nhắn lời với mẹ em: Đừng lo gì cho em cả, cầu chúc bà mãi mãi thánh thiện, và sẽ hài lòng vì con trai mình luôn trung thành với Chúa cho đến chết".

Đa Minh Ninh, 27 tuổi; Giáo dân ở Trung Linh, Nam Ðịnh, bị xử trảm ngày 2/06/1862 tại An Triêm dưới đời vua Tự Ðức. Bị ép phải chối đạo nhưng ngài đã can đảm thưa lại với quan rằng: "Nếu con cái không được phép khinh dể cha mẹ mình thì làm sao người tín hữu dám dầy đạp hình ảnh Chúa tạo dựng trời đất. Quan hãy làm gì quan muốn, nhưng đừng bắt tôi phạm tội đạp thánh giá Chúa".

Thomas Nguyễn Văn Đệ, 29 tuổi; thợ may, Dòng Ba Ða Minh; sinh năm 1810, tại Bồ Trang, Nam Ðịnh. Ra đời trong một gia đình Công Giáo tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình, Tôma Nguyễn văn Đệ vì lý do sinh kế, theo cha mẹ về xứ Kẻ Mốt (Bắc Ninh) và ở ngay gần nhà thờ. Lớn lên anh theo nghề thợ may và được mọi người yêu chuộng. Anh rất nhiệt tình với việc trong xứ trong họ. Hầu hết cờ quạt, đồ trang hoàng trong nhà thờ và nhà xứ đều nhờ đến bàn tay khéo léo và sáng tạo của anh. Khi kinh tế gia đình ổn định, anh lập gia đình, ra ở riêng và sinh hạ được ba người con. Một người vợ ba người con, đó là mối ưu tư trắc trở của anh Tôma Đệ trong những ngày bị giam cầm. Không thể bỏ đức tin, nhưng tương lai của người vợ trẻ và đàn con dại sẽ ra sao? Trong nhiều ngày anh suy nghĩ và tha thiết cầu nguyện xin Chúa soi sáng. Cuối cùng anh tìm được an bình trong tâm hồn, phó thác tất cả trong bàn tay Chúa quan phòng. Anh nói với người vợ đến thăm: "Đừng khóc mình ạ. Mình về dạy dỗ các con nên người, dạy chúng thờ phượng Chúa. Tôi đã dâng mình và các con cho Ngài. Nhớ cầu xin Chúa cho tôi thêm sức mạnh để nhẫn nại đến cùng." Ngày 19/12/1839, tại Cổ Mễ dưới đời vua Minh Mạng, ngài bị xử giảo (thắt cổ) chết cùng với bốn người khác, trong đó có Ðaminh Úy, Phanxicô Xaviê Mậu, Stêphanô Vinh và Augustinô Mới.

Lời nguyện giáo dân

Cuộc đời các thánh tử đạo là một bài ca dâng về Thiên Chúa. Các ngài ca ngợi Thiên Chúa khi bình an, khi gian nan, khi dòng đời êm trôi và cả khi sóng gió ba đào. Các ngài ca ngợi Chúa trong bổn phận thường ngày, khi đầu hôm sớm mai nơi ruộng vườn, nơi phố xá. Các ngài ca ngợi Chúa khi đối đầu với sự bách hại vì tin mừng. Các ngài ca ngợi Chúa trong mọi nơi, trong mọi lúc. Các ngài đã chiến thắng gian nan, cùm gông, tù đầy. Các ngài đã vượt lên trên sự sợ hãi của đe doạ đến cả tính mạng để tôn vinh Thiên Chúa mà các ngài tôn thờ. Các ngài đã dùng cả cuộc đời để ca ngợi Chúa. Cho dù cuộc sống có nổi trôi, bất định, các ngài vẫn trung kiên tin thờ Thiên Chúa.

Tử đạo không chỉ là đổ máu. Tử đạo là dám chết đi con người ích kỷ của mình, chết đi cho thói đời tham sân si mù quáng. Chết đi những đam mê nhục dục để hèn. Tử đạo là dám sống vì tin mừng mà chịu thua thiệt, chịu mất mát. Tử đạo là yêu cho đến cùng và sống trọn vẹn những đòi hỏi của luật yêu thương.

Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, xin cho chúng ta là con cháu biết noi gương để tiếp tục là bài ca ca ngợi Thiên Chúa. Ca ngợi Ngài mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Nguyện xin các thánh Tử đạo Việt Nam dẫn dắt chúng ta luôn bước đi trong tình yêu Chúa.

1. “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho quê hương Việt Nam thân yêu chúng ta, nơi đã thấm nhuần máu của các Thánh Tử đạo, luôn được hòa bình và thịnh vượng. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. “Đầy tớ không trọng hơn chủ, nếu thế gian đã bắt bớ Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ các con”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết noi gương anh dũng của tiền nhân, can đảm hy sinh trên con đường theo Chúa, bảo vệ đức tin và thực thi đức ái. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. “Phúc cho các con là những kẻ bị bách hại vì công chính”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những ai là nạn nhân của chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, áp bức và bất công, luôn tìm thấy trong sự khốn khó của đời họ ý nghĩa tròn đầy của đau khổ tác sinh phần phúc. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. “Chúng ta toàn thắng nhờ Đấng yêu mến chúng ta”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho người Công Giáo Việt Nam luôn can đảm sống và tuyên xưng đức tin của mình, bằng lối sống phù hợp với Tin Mừng. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. “Máu các thánh tử đạo làm nảy sinh các Kitô hữu”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các bậc cha mẹ trong giáo xứ chúng ta biết quan tâm giáo dục đức tin cho con cái, để di sản đức tin của cha ông được rạng ngời và lưu truyền ở thế hệ mai sau. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Sau Thánh Lễ, Đức Ông Mai Đức Vinh, Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris, đã ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người đã đóng góp vào Đại Lễ mứng các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay. Lời cám ơn đầu tiên Đức Ông đã gửi đến các Trưởng Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, Giới Trẻ và Ca đoàn tổng hợp đã góp phần tổ chức, điều hợp Phụng vụ và Thánh ca, giúp Cộng Đoàn tham dự Thánh Lễ sốt sắng. Lời cám ơn tthứ hai, ngài gửi đến các cha sinh viên đã đến giúp giải tội và tham dự Đại Lễ. Lời cám ơn thứ ba, ngài gửi đến hết mọi người trong Cộng Đoàn, trước nhất là những người hiện diện đã đến đông đảo, làm cho Đại Lễ thêm trang trọng và sốt sắng, sau nữa là cả những người vắng mặt, vì đã kết hiệp bằng tinh thần với Giáo Xứ để mừng Đại Lễ. Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu cho chúng ta được theo gương các ngài, mà kiên trung và vững mạnh để sống và rao truyền Đức Tin. Đức Ông hẹn gặp mọi người vào Lễ Các Thánh Tử Đạo năm tới, 2015.

Paris, ngày 16 tháng 11 năm 2015

Thanh Hương