THEO CHÂN ĐỨC KITÔ THỜ PHƯỢNG CHA VA XÂY DỰNG NƯỚC CHÚA

Linh mục nên thánh qua con đường Phụng Vụ và Mục Vụ

(Bài chia sẻ nhân ngày hội ngộ Xuân Bích 21/11/2014)



Dẫn nhập :

Trọng kính….

Kính thưa…..

Như một “hòn than nhỏ” mang về trong ngày giỗ tổ Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế, Ngày lễ Mẹ Dâng Mình, để góp cho bếp lửa của tình huynh đệ linh mục-chủng sinh ấm thêm một chút, hồng thêm một chút, con xin được chia sẻ đôi điều như một cảm nghiệm riêng tư trong hành trình sống chức linh mục.

Và trong chút cảm nghiệm riêng tư hoàn toàn hạn chế và chủ quan nầy, con xin được bộc bạch cùng quý cha, quý thầy cái đề tài “xưa như quả đất” đó là : anh em linh mục, chủng sinh chúng ta cùng chiêm ngưỡng Chúa Giêsu qua hai tác động : THỜ PHƯỢNG CHA VA XÂY DỰNG NƯỚC CHÚA ; để từ suy nghĩ đó, rút ra hai kết luận thực hành : NÊN THÁNH QUA CON ĐƯỜNG PHỤNG VỤ VÀ MỤC VỤ.

I. NHỮNG LÝ DO

1. Kinh nghiệm tu đức :

Trong tác phẩm tu đức "Nên thánh trong thời đại mới", Kilian Mc Gowan, C.P. đã nói một cách mạnh mẽ rằng : "Lãng phí lớn nhất của trí tuệ con người là sống mà không nhận biết Chúa Kitô. Thất bại thê thảm nhất của trái tim con người, nếu có, là chưa bao giờ thật sự yêu mến Chúa Kitô. Vở kịch bi thương nhất trong bất cứ cuộc đời nào là không đặt Chúa Kitô làm trung tâm của đời sống chúng ta"

(Nên thánh Thời đại mới, trang 72).

2. Định hướng của Hội Thánh :

- Sắc lệnh “Đào tạo linh mục” : “Do phép Truyền Chức Thánh họ phải là hiện thân của Chúa Kitô Linh Mục, lại nữa bởi cùng chia sẻ một cuộc sống của Người, nên họ phải quen sống kết hợp với Người như bạn hữu. Họ phải sống Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người thế nào để biết khai sáng Mầu nhiệm ấy cho đoàn chiên sẽ được giao phó. Phải dạy họ biết tìm gặp Chúa Kitô trong việc trung thành suy gẫm Lời Chúa, trong việc thông hiệp tích cực các Mầu Nhiệm chí thánh của Giáo Hội, nhất là Bí Tích Thánh Thể và kinh nguyện thần vụ” (Số 8).

- Sắc lệnh ‘Chức vụ và đời sống linh mục” : “Nhưng các Linh Mục có thể kiến tạo sự thống nhất đời sống khi các ngài theo gương Chúa Kitô trong việc chu toàn chức vụ: lương thực của Người là làm theo ý muốn của Ðấng đã sai Người, để Người hoàn thành công việc của mình.

Thực ra, Chúa Kitô hành động qua các thừa tác viên của Người để luôn luôn dùng Giáo Hội thi hành ý muốn của Chúa Cha trên trần gian, và vì vậy Người vẫn là nguyên lý và nguồn mạch sự thống nhất đời sống của các ngài. Vậy, các linh mục phải thực hiện việc thống nhất đời sống của mình bằng cách kết hợp với Chúa Kitô trong sự nhận biết ý Chúa Cha và trong sự hiến thân cho đoàn chiên đã trao phó cho các ngài “ (Số 14).

- Tông huấn “Pastores dabo vobis” : “Như vậy, các linh mục được mời gọi nối dài sự hiện diện của Đức Ki-tô, vị Mục tử duy nhất và tối cao, bằng cách noi theo lối sống của Ngài và bằng cách làm sao cho mình như thể được Ngài xuyên thấu ngay giữa đàn chiên được giao phó cho mình. (số 15)

- Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” : “Một người truyền giáo đích thực, người không bao giờ thôi là một môn đệ, biết rằng có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình. Họ cảm nhận được Đức Giêsu sống với mình giữa công cuộc truyền giáo. Nếu không nhìn thấy Ngài hiện diện tại tâm điểm sự dấn thân truyền giáo của chúng ta, lòng phấn khởi của chúng ta sẽ sớm nhạt nhoà và chúng ta không còn chắc chắn mình đang thông truyền điều gì; chúng ta thiếu sinh lực và đam mê.” (Só 266)

II. CHIÊM NGƯỠNG ĐỨC KITÔ THỜ PHƯỢNG Thiên Chúa :

"Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc nầy đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế" (Ga 4, 23).

1. Đức Ki-tô, Đấng thờ phượng và tôn vinh Cha.

Trước hết, chúng ta biết rằng : sứ mệnh căn bản của Đức Ki-tô khi đến trần gian đó chính là thờ phượng và tôn vinh Cha : "Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con" (Ga 17, 4). Đồng thời, Ngài thiết lập một "trật tự thờ phượng mới trên căn bản "trong Thần Khí và sự thật" :

"Nầy Chị hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi nầy hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi, thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc nầy đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế"(Ga 4, 21-23).

* Đức Ki-tô thờ phượng Chúa cha trong "thần khí và sự thật" có nghĩa là Ngài thờ phượng Chúa Cha qua chính bản thân Ngài, bằng "đền thờ thân xác Ngài", với của lễ là chính "cuộc đời Ngài" :

"Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, , nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như sách thánh đã chép về con. (Dt 10, 5-7).

* Và trong tư cách là một "Tư tế của Giao ước mới", Đức Ki-tô đã đem toàn nhân loại vào trong hiến tế của Ngài để dâng lên Thiên Chúa sự "phượng thờ đích thực".

Nhưng Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo nầy. Người đã vào cung thánh không phải với máu con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần mà thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. (Dt 9, 11-14).

Hiến chế Phụng vụ thánh đã chú giải và tóm tắt mầu nhiệm nầy như sau :

"Cho nên, nhờ Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã hoàn toàn nguôi lòng để chúng ta được giao hoà với Ngài và cho chúng ta được phụng thờ Ngài cách hoàn bị" (Hiến chế PV số 5).

* Mọi nẻo đường trần thế mà Đức Ki-tô đã đi qua trong thân phận con người, từ khi sinh ra cho đến khi "hoàn tất mọi sự" trên thánh giá, là một "cử hành phụng vụ" duy nhất để thờ phượng và tôn vinh Cha. Vì thế Chúa Cha đã chấp nhận và vui lòng vì việc tôn vinh nầy : "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con" (Mc. 1, 11).

Chiêm ngưởng một Đức Ki-tô thờ phượng Cha như thế chắc chắn sẽ là một động lực, một gọi mời để chúng ta lên đường biến cuộc sống mình thành một "cử hành phụng vụ" liên tục, biến cuộc đời mình thành "Ngôi Thánh Đường" mà chất liệu xây lên là tất cả những chắt chiu, những hy sinh, những lao nhọc, những lời kinh, những tiếng hát và cả những khổ đau, yếu đuối…

Để minh hoạ cho ý tưởng nầy, có lẽ chúng ta cùng đọc với nhau vài đoạn trong bài thơ cầu nguyện của Charles Singer. Bài thơ có tên :"Ngôi thánh đường đời con " (La Cathédrale de ma vie) :

Lạy Chúa, Cuộc đời con là một ngôi Thánh Đường,

Từ tro bụi, bao năm trường xây đắp,

Con tự hào với tất cả niềm tin,

Bằng đôi tay, bằng mối tình nghệ sĩ,

Để vươn lên thật cao quí tôn nghiêm.

Con cố gắng, con miệt mài tìm kiếm,

Từ khắp nơi, tận góc biẻn chân trời,

Trên quê hương những loại đá tuyệt vời,

Con làm việc không một lời than vãn :

Xẻ, đục, cưa và chạm trỗ say mê,

Tay xây sát, con không hề bỏ cuộc,

Búa đẽo hư, con một mực kiên trì.

Con mải mê làm cho đến khi ẩn hiện,

Những phù điêu cảnh thánh điện, thiên thần,

đang tấu nhạc thật hoà vang tôn kính,

Nét vui tươi và thanh tĩnh nụ cuời

Lạy Chúa,

Ngôi Thánh Đường của đời con,

Không thể xong trong một sớm một chiều,

Nhưng vun đắp trải qua nhiều năm tháng,

Cùng với nhiều biến dạng của thời gian….

Thế nhưng, con mãi mãi vững tin vào sức mạnh,

Chẳng phải từ nơi con để vượt thắng giòng đời,

Mà tâm nguyện : chỉ nơi Ngài, lạy Chúa,

Ngôi Thánh Đường con sẽ tựa trung kiên,

Để trụ vững giữa đảo điên nhân thế,

Để hiên ngang đứng giữa bể dâu đời.

Lạy Chúa, con chỉ là người thợ cả,

Chính Ngài, con không quá lời đâu :

Là Thiên Chúa, là Khởi Đầu, Chung Cuộc,

Chính Ngài, Nhà Kiến Trúc của đời con.

(Trích trong "Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ", trg 11-12).

Cũng trong tư tưởng đó, Giáo Phụ Origène đã để lại cho chúng ta những lời khuyên đầy xác tín như sau :

"Cần tìm đền thánh không phải tại một nơi, nhưng trong các cử chỉ, trong cuộc sống và trong các thói quen. Nếu những cử chỉ nầy đẹp ý Thiên Chúa, nếu chúng phù hợp với các giới răn Thiên Chúa, thì cho dù bạn ở nhà hay ở ngoài quảng trường cũng không quan trọng : tôi nói gì, "ở ngoài quảng trường" hả ? Cả khi bạn đang ở trong rạp hát đi nữa cũng không quan trọng : nếu bạn đang phục vụ Lời của Thiên Chúa, là bạn đang ở trong đền thờ rồi, đừng nghi ngờ gì cả" (Bài giảng về sách Levi 12, 4 Nguồn gốc Kitô 187, tr. 182. Chứng nhân hy vọng tr. 96).

Sống theo Đức Ki-tô để "Thờ Cha trong thần khí và sự thật" cũng có nghĩa là sống trọn vẹn "Giây phút hiện tại" trong tình yêu, là tìm thấy và thực hiện thánh ý Chúa mọi giây phút…

Chúng ta hãy nghe Đức Hồng Y F.X Nguyễn văn Thuận cầu nguyện với Chúa trong thời gian ngồi tù :

"Lạy Chúa Giê-su, con sẽ không chờ đợi nữa.

Con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu.

Chấm nầy nối tiếp chấm kia,

ngàn vạn chấm thành một đường dài.

Phút nầy nối tiếp phút kia,

muôn triệu phút thành một đời sống.

Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.

Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.

Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.

Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng (ĐHV số 977).

Và Thánh Phaolô Thánh Giá lại xác quyết :

"May nắn thay linh hồn nào an nghỉ trong lòng Thiên Chúa mà không nghĩ tới tương lai, nhưng chỉ sống từng phút hiện tại trong Thiên Chúa, không lo lắng gì khác ngoài việc thực hiện tốt ý muốn của Người trong mọi biến cố".

(Chứng nhân hy vọng tr. 94).

2. Đức Ki-tô thờ phượng Cha qua Phụng Vụ.

Tiếp bước theo Đức Ki-tô trong chiều kích "thờ phượng" còn có nghĩa là qui hướng cuộc sống, đặt cuộc sống mỗi ngày trên nền tảng Phụng Vụ. Bởi vì, Đức Ki-tô không mất hút trong quá khứ, nhưng đang "thực diện" một cách đặc biệt trong các hoạt động Phụng Vụ của Hội Thánh :

Để chu toàn việc lớn lao ấy, Chúa Ki-tô hằng hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các cử hành Phụng Vụ" (PV số 7).

Cũng cần lưu ý rằng : đã có một thời người ta không quan tâm tới đời sống Phụng vụ cho đủ, trong khi lại quá chú trọng tới việc thực hành các việc đạo đức cá nhân cũng như tập thể. Chúng ta có thể tuyên bố mà không sợ sai điều nầy là : Nếu không đặt trọng tâm trên Phụng Vụ, thì việc thể hiện niềm tin của người Ki-tô hữu cũng chẳng khác bao nhiêu với các thực hành tín ngưởng của các tôn giáo khác; mà nói đến việc đạo đức cá nhân, e rằng người Ki-tô hữu chúng ta không sánh được với tín hữu Đạo Hồi, Đạo Phật.

Như vậy, để thực sự sống trong thái độ "thờ Cha trong thần khí và sự thật", điều trước tiên cần phải ghi nhận : Dành "ưu tiên một" cho việc cử hành Phụng Vụ. Chúng ta hãy nghe Giáo Hội dạy :

"Do đó, vì là công việc của Chúa Ki-tô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp" (PV số 7).

"Phụng vụ là tột đỉnh mà mọi hoạt động khác của Giáo Hội qui hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội" (PV số 10).

Và như thế, chúng ta có thể rút ra nhứng kết luận thiêng liêng để áp dụng vào đời sống mỗi ngày :

* Biến cuộc sống thành một "cử hành sống động" hy lễ tình yêu, cử hành thờ phượng và tôn vinh Cha.

* Tập chú và dành ưu tiên một cho việc cử hành Phụng Vụ bằng ý thức, tâm tình, thái độ, sự chuẩn bị, tính cộng đoàn… Chúng ta đừng quên điều nầy : một cộng đoàn có cử hành Phụng Vụ tốt, sinh động, là một cộng đoàn mạnh và trưởng thành về mặt thiêng liêng và các sinh hoạt mục vụ khác.

* Biến tâm tình yêu mến và trân trọng Phụng Vụ thành một hướng đi mục vụ : quan tâm, lo lắng, giúp đỡ việc cử hành Phụng Vụ nơi các cộng đoàn giáo dân nghèo, xa xôi hẻo lánh, thiếu phương tiện…

Sau hết, chúng ta hãy nhớ lời của Đức Ki-tô mà chúng ta nghe vọng lại mỗi lần cử hành Thánh Lễ :"Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy". Quả thật, có nhiều việc để nhớ Chúa Ki-tô. Nhưng việc chính yếu vẫn là Lễ Tạ ơn, là những cử hành Phụng Vụ. Và có lẽ lý tưởng nhất đó là : cuộc đời là một Thánh Lễ nối dài. Sống được như thế có nghĩa là đã thuộc về những người được Thiên Chúa muốn "Cha chỉ muốn có những người thờ phượng Ngài như thế" (Ga 4, 23).

III : CHIÊM NGƯỠNG ĐỨC KITÔ XÂY DỰNG NƯỚC CHÚA

Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói :"Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1 14-15)


1. Đức Ki-tô đến thực hiện lời tiên báo của cựu ước.

- Đức Ki-tô hiên thực hoá lời tiên báo của các sứ ngôn :

Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra gặp đoạn chép rằng :

Thần Khí Chúa ngự trên tôi,

vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…

Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ :"Hôm nay, đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe".(Lc 4, 17-21)

-Đức Ki-tô là trung tâm của Nước Thiên Chúa :

"Đức Ki-tô là trung tâm của đoàn người được qui tụ trong gia đình Thiên Chúa. Người triệu tập họ quanh Người bằng lời nói, bằng những dấu chỉ chứng tỏ Nước Thiên Chúa đang hiện diện, bằng việc sai phái các môn đệ. Người sẽ làm cho Vương Quốc Người hiển trị bằng mầu nhiệm Vượt Qua của Người : Cái chết trên Thập Giá và Phục Sinh. "Phần tôi, một khi được đưa cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người đến với tôi" (Ga 12, 32). Mọi người đều được gọi kết hợp với Đức Ki-tô" (x. GH 3; GLGHCG số 542).

-Đức Ki-tô loan báo và thực hiện Nước Thiên Chúa :

- Để con người nhận biết chân lý, nhận biết quyền năng cứu độ, Đức Ki-tô đã rao giảng. Toàn bộ sứ điệp của Ngài là kêu gọi con người đón nhận và gia nhập Vương quốc Thiên Chúa.

- Để người ta hoà hợp, yêu thương, công chính : Ngài qui tụ nhóm "Mười Hai" xung quanh Ngài làm "hạt nhân" để bắt đầu hình thành một "Dân tộc mới", một "đoàn Dân Mới" công bình, thánh thiện, yêu thương.

- Để người ta sống hoà hợp, an bình, hạnh phúc…Ngài ra tay làm phép lạ như "dấu chỉ Nước Thiên Chúa hiện diện" :

"Nếu tôi nhờ Thánh Thần Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông" (Mt 12, 28).

- Và để người ta được cứu độ, được thông phần sự sống vĩnh cửu, Ngài đã chấp nhận làm người phục vụ, hy sinh và tự hiến :

"Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc. 10, 45).

"Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Ga 12, 32; 12, 24).

2. Linh mục noi gương Chúa Kitô : Dấn thân xây dựng Nước Thiên Chúa.


v Bằng cách sống Đức Ái mục vụ :

“Đời sống thiêng liêng của các thừa tác viên Tân ước phải được đóng ấn bằng thái độ tiên khởi ấy, thái độ phục vụ đối với Dân Thiên Chúa” (TH.Pastores dabo vobis số 21).“Nguyên lý nội tại, nhân đức thôi thúc và hướng dẫn đời sống thiêng liêng của linh mục, xét như đã nên đồng hình, đồng dạng với Đức Kitô Đầu và Mục tử, chính là Đức Ái Mục Vụ” (23)

-Bằng cuộc sống và hoán cải theo Tin Mừng :

“Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.” (EG 3)

-Bằng đời cầu nguyện, lắng nghe và sống Lời Chúa :

“Thiên Chúa ưa thích biểu lộ những sự việc cao cả của Ngài qua những con người niềm nở và ngoan ngùy đối với sự thúc đẩy và dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, qua những con người sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô và sống đời sống thánh thiện nhờ đó có thể nói như Thánh Tông Đồ : “Nếu tôi sống, thì không còn phải là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi”. (Pastores dabo vobis số 25)

-Bằng việc ra công kiến tạo sự công chính, yêu thương, hiệp nhất khởi sụ từ cuộc sống cộng đoàn.

“Tính thế tục thiêng liêng khiến người Kitô hữu gây chiến với những người Kitô hữu khác cản trở con đường tìm kiếm quyền lực, uy tín, thú vui và an toàn kinh tế. Một số thậm chí không còn bằng lòng sống như một phần tử của cộng đồng Hội Thánh rộng lớn hơn nhưng phát triển một tinh thần loại trừ, tạo ra một “phe nhóm nội bộ”. Thay vì thuộc về một Hội Thánh toàn thể trong tất cả sự đa dạng, họ thuộc về nhóm này hay nhóm nọ, nghĩ rằng mình thì khác hay đặc biệt.”. (EG 98)

-Bằng nỗ lực xây dựng cuộc sống chính mình và cộng đoàn đầy tràn niềm vui Tin Mừng :

“NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh. Trong Tông Huấn này, tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới.” (EG 1)

-Bằng ước nguyện và dấn thân tích cực cho công cuộc truyền giáo :

“Tôi ước mơ một “chọn lựa truyền giáo”, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh.” (EG 27)

Để tóm tắt nội dung của đề tài chia sẻ "Chiêm ngưỡng Đức Ki-tô xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa", chúng ta có thể đọc lại những lời sau đây của Hiến chế Giáo Hội để cảm nhận sâu sắc hơn về trách nhiệm của linh mục trong việc hiệp thông cùng Giáo Hội nỗ lực làm cho Nước Chúa hiển trị :

"Lữ hành giữa cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa", Giáo Hội rao truyền cái chết thập giá Chúa, cho đến khi Người lại đến (x. 1 Cr 11, 26). Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa phục sinh, để toàn thắng các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương và kiên trì, và trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn giấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết". (LG 8)

3. Vài Lưu ý và áp dụng cụ thể :

- Đừng bao giời tự cho mình là “đấng ban phát sự thánh thiện”, là “thầy dạy đàng nên thánh” để xem thường và không tìm học hỏi được gì nơi cộng đoàn. Vì Đức Kitô mà còn “nên giống anh em mình mọi đàng ngoại trừ tội lỗi”, và “Ở giữa các ngươi, ta là một kẻ hầu bàn”.

- Cộng đoàn có nhiều hoa trái thánh thiện (Trẻ em, các người già lão, những thanh niên nam nữ…)

- Trong đời sống giáo dân có nhiều nhân đức mà linh mục không có hay ít có : nhân đức nghèo, khổ, vất vả nhọc mệt, túng thiếu, đầu tắt mặt tối, bệnh hoạn tật nguyền, mất con, mất vợ…)

Như vậy, chính khi gắn kết với cộng đoàn, yêu thương và kính trọng, thăng tiến và xây dựng cộng đoàn, linh mục sẽ kiện toàn chính bản thân và trung thành với căn tính của chính mình.

Kết : Cho dù đi con đường nào, lựa chọn phương pháp nào, áp dụng linh đạo nào, tiêu đích cuối cùng, vẫn là như Thánh Phaolô “Tôi sống, không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Là một linh mục, đặc biệt là những linh mục coi xứ, quả thật, rất có nhiều điều kiện để thực hành việc nên thánh. Bởi chưng, khi được gắn kết với một cộng đoàn mục vụ, các linh mục coi xứ hoàn toàn thể hiện cái căn tính và sự sống thường xuyên của Giáo Hội, Hiền Thê Chúa Kitô qua Phụng vụ, qua sự hiệp thông cộng đoàn và qua chính môi trường cuộc sống đời thường với tất cả mọi nhân tố làm nên một Hội Thánh thu nhỏ. Ước mong sao mọi anh em linh mục chúng ta đều ý thức và biết vận dụng hiệu quả mọi yếu tố tích cực và thuận lợi nầy để trở thành những “mục tử như lòng Chúa mong ước”.

PHẦN PHỤ LỤC

GỢI Ý XÉT MÌNH THEO TÔNG HUẤN “NIỀM VUI TIN MỪNG”

_______

1. TÔI CÓ CÒN GIỮ ĐƯỢC NIỀM VUI CỦA ĐỜI LINH MỤC ?

“NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh.” (SỐ 1)

“Vốn được kêu gọi toả ánh sáng và truyền sự sống, rốt cuộc họ bị giữ chặt trong những cái chỉ sinh ra bóng tối và mệt mỏi nội tâm và dần dần làm tan đi mọi nhiệt tình tông đồ. Về tất cả chuyện này, tôi lặp lại: Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng!” (Số 83)

2. CUỘC SỐNG LINH MỤC CỦA TÔI ĐÃ BỊ TỤC HÓA ?

“Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ.” (Số 2)

3. TÔI ĐÃ ĐÁNH MẤT MỐI TƯƠNG QUAN THÂN MẬT VỚI CHÚA GIÊSU ?

“Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.” (Số 3)

4. TÔI CÓ GIỮ ĐƯỢC NIỀM VUI PHỤC SINH KHI PHẢI ĐỐI DIỆN VỚI GIAN NAN THỬ THÁCH ?

“Có những Kitô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh. Đương nhiên tôi hiểu rằng niềm vui ấy không phải lúc nào trong cuộc đời cũng được biểu lộ giống nhau, nhất là trong những lúc hết sức khó khăn. Niềm vui tự thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ niềm tin chắc của chúng ta rằng, bất luận thế nào, chúng ta được thương yêu vô bờ.” (Số 6)

5. TÔI CHỌN SÔNG VỚI NHỮNG NIỀM VUI THẾ TỤC HAY NIỀM VUI TIN MỪNG ?

“Đôi khi chúng ta bị cám dỗ kiếm cớ để than thở và hành động như thể chúng ta chỉ có thể hạnh phúc nếu có hàng ngàn các điều kiện. Phần nào đó là vì “xã hội kỹ thuật của chúng ta đã tạo ra vô số điều kiện để hưởng thụ, nhưng lại rất khó tạo ra niềm vui”.[2] Tôi có thể nói rằng trong đời mình, tôi đã thấy những biểu hiện đẹp nhất và tự nhiên nhất của niềm vui nơi những người nghèo hầu như không có gì để bám víu vào.” (Số 7)

6. TÔI CÓ CÒN THA THIẾT VÀ NHIỆT THÀNH VỚI SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG HAY LỰA CHỌN THÁI ĐỘ AN TOÀN, THỤ ĐỘNG ?

“Nếu chúng ta muốn có một cuộc sống xứng đáng và sung mãn, chúng ta phải vươn ra tới người khác và mưu cầu lợi ích cho họ. Hiểu theo nghĩa này, một số câu nói của Thánh Phaolô sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên: “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách tôi” (2C 5:14); “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1C 9:16). (Số 9)

“Một con tim truyền giáo ý thức về những giới hạn này và làm cho mình trở nên “yếu với người yếu... mọi sự cho mọi người” (1Cr 9:22). Nó không bao giờ đóng kín mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ.” (Số 45)

7. TÔI LÀ CHỨNG NHÂN CỦA NIỀM VUI HAY CHỈ LÀ SỨ GIẢ CỦA NỔI BUỒN ?

“Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”.[6] (Số 10)

8. TÔI CÓ LUÔN CANH TÂN VIỆC RAO GIẢNG LỜI CHÚA HAY GIAM HẢM TIN MỪNG TRONG LỐI MÒN NHÀM CHÁN ?

“Đức Giêsu cũng có thể chọc thủng những phạm trù nhàm chán mà chúng ta dùng để giam hãm Ngài và Ngài luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên bằng sự sáng tạo thần linh của Ngài. Mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi mới của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra, với những hình thức biểu hiện khác nhau, những dấu chỉ và từ ngữ phong phú mang theo ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay. Mọi hình thức loan báo Tin Mừng đích thực đều luôn luôn là “mới”. (Số 11)

9. TÔI CÓ LUÔN Ý THỨC : TRÁCH NHIỆM MỤC TỬ CỦA TÔI LÀ PHẢI ƯU TIÊN LOAN BÁO TIN MỪNG CHO NHỮNG NGƯỜI NGOẠI ĐẠO ?

“Sau cùng, chúng ta không thể quên rằng loan báo Tin Mừng trước hết và trên hết là giảng Tin Mừng cho những người không biết Đức Giêsu Kitô hay luôn luôn chối bỏ Ngài.” (Số 14)

10. CHÚNG TA CÓ THẬT SỰ QUAN TÂM VÀ ĐẦU TƯ CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO HAY CHỈ THỤ ĐỘNG TRONG “MỤC VỤ BẢO TỒN” ?

“chúng ta cần phải chuyển đổi “từ một nền mục vụ thuần tuý bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo”.[18] Nhiệm vụ này tiếp tục là một nguồn vui vô biên cho Hội Thánh: “Quả thật, tôi bảo anh em, trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn chín mươi chín người công chính không cần ăn năn hối cải” (Lc 15:7). (Số 15)

11. TÔI CÓ XÂY DỰNG CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ THÀNH MỘT CỘNG ĐOÀN ‘ĐI RA” TRUYỀN GIÁO HAY KHÉP KÍN NHƯ PHÁO ĐÀI ?

“Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Số 20)

“Điều này có nghĩa là giáo xứ thực sự tiếp xúc với các gia đình và các cuộc đời của những con người, và không trở thành một cơ chế cách ly với con người hay một nhóm khép kín gồm một ít người được tuyển chọn.” (Số 28)

12. TÔI VÀ CỘNG ĐOÀN CỦA TÔI CÓ CHẤP NHẬN HẠ MÌNH DẤN THÂN ĐẾN VỚI NHỮNG NGƯỜI NGHÈO, NHỮNG NGƯỜI TỘI LỖI ĐỂ PHỤC VỤ ?

“Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; công đoàn ấy vượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác. Như vậy, các người loan báo Tin Mừng mang lấy “mùi của đàn chiên” và đàn chiên sẵn sàng nghe tiếng của họ. Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng cũng nâng đỡ, đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu.” (Số 24)

13. TÔI CÓ LUÔN MỞ CỬA NHÀ THỜ ĐỂ NHIỀU NGƯỜI ĐẾN GẶP CHÚA ?

“Hội Thánh được kêu gọi trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một dấu hiệu của sự mở ra này là các nhà thờ của chúng ta phải luôn luôn mở cửa, để nếu có ai được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến đây tìm Thiên Chúa, họ sẽ không thấy cửa nhà thờ đang đóng.” (Số 47)

“Nhưng Hội Thánh không phải là một trạm thu phí; Hội Thánh là Nhà Cha, có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ.” (Số 47)

14. TÔI CÓ LUÔN CANH TÂN VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG” SAO CHO THÍCH HỢP VỚI CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI HÔM NAY ?

“Trong trường hợp này, điều chúng ta giảng không phải là Tin Mừng, mà là một số điểm về giáo điều hay luân lý dựa trên một số chọn lựa ý thức hệ đặc thù. Sứ điệp sẽ có nguy cơ mất đi sự tươi mát và sẽ không còn là “hương thơm của Tin Mừng”. (Số 39)

“Cứ thế, chúng ta cố bám vào một công thức trong khi không chuyển đạt được nội dung cơ bản của nó. Đây là mối nguy lớn nhất. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “chân lý có thể được diễn tả bằng những hình thức khác nhau. Việc đổi mới các cách diễn tả này trở thành cần thiết để thông truyền cho con người ngày nay sứ điệp Tin Mừng trong ý nghĩa không thay đổi của nó” (Số 41)

15. TÔI CÓ BIẾN TÒA GIẢI TỘI THÀNH NƠI CON NGƯỜI GẶP GỠ Thiên Chúa HAY LÀ MỘT “BUỒNG TRA TẤN TỘI NHÂN” ?

“Tôi muốn nhắc nhớ các linh mục rằng toà giải tội không phải là một buồng tra tấn nhưng là một nơi gặp gỡ lòng từ bi của Chúa, thúc đẩy chúng ta làm hết sức mình.” (Số 44)

16. TÔI ĐANG LỰA CHỌN CUỘC SỐNG TIỆN NGHI ĐỂ TRỞ NÊN VÔ CẢM ?

“Hầu như vô tình, rốt cuộc chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ, coi như tất cả đều là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta. Văn hoá của sự thịnh vượng làm chúng ta mất đi sự mẫn cảm; chúng ta phấn khích nếu thị trường cung cấp cho chúng ta một món hàng mới; trong khi tất cả những mảnh đời cằn cỗi vì thiếu cơ hội có vẻ chỉ là một cảnh tượng bình thường, không hề làm chúng ta mủi lòng.” (Số 54)

17. CHÚNG TA CÓ DÁM “NÓI KHÔNG VỚI NGẪU THẦN MỚI LÀ TIỀN BẠC” ? VÀ CÓ SẴN SÀNG CHIA SẺ VÀ GIÚP ĐỠ NGƯỜI NGHÈO ?

“Một nguyên nhân của tình huống này được thấy trong mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc, vì chúng ta thản nhiên chấp nhận sự thống trị của nó trên chúng ta và các xã hội của chúng ta.” (Số 55)

“Không chia sớt của cải với người nghèo là ăn cắp của họ và lấy đi kế sinh nhai của họ. Của cải chúng ta giữ không phải của riêng chúng ta, mà là của họ” (Số 57)

18. CHÚNG TA CÓ VẬN DỤNG NỀN ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN ĐẺ KHẮC PHỤC CÁC TỆ NẠN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN VÀ XÃ HỘI ?

“Tôi nghĩ đến lòng tin kiên vững của các bà mẹ chăm sóc những đứa con bệnh tật của họ, họ là những người rất yêu mến chuỗi mân côi dù có lẽ họ chỉ biết sơ sài những điểm của Kinh Tin Kính; tôi cũng nghĩ đến niềm hi vọng trọn vẹn được đổ vào một cây nến đốt lên trong nhà để cầu xin ơn trợ giúp của Đức Mẹ, hay cái nhìn trìu mến hướng lên tượng Chúa Kitô chịu nạn. Không một ai yêu mến dân thánh của Thiên Chúa mà có thể coi những hành động này chỉ là biểu hiện của một cố gắng thuần tuý phàm trần trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Chúng là biểu hiện của một đời sống hướng thần được nuôi dưỡng bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được đổ vào lòng chúng ta”. (xem Rm 5:5). (Số 125)

19. TÔI CÓ NHẬN RA VÀ TÌM ĐƯỢC NIỀM AN ỦI VÀ BÀI HỌC TỪ NHỮNG ANH CHỊ EM TÍN HỮU TỐT LÀNH ?

“Tôi biết ơn vì gương sáng tôi nhận được từ rất nhiều Kitô hữu khi họ vui vẻ hi sinh cuộc đời và thời giờ của họ. Những chứng tá này an ủi và nâng đỡ tôi trong cố gắng của chính mình để khắc phục tính ích kỷ và để tôi hiến mình trọn vẹn hơn.” (Số 76)

20. TÔI CÓ CAN ĐẢM NÓI KHÔNG VỚI ÍCH KỶ VÀ NGUỘI LẠNH THIÊNG LIÊNG ?

“Điều tương tự cũng xảy ra đối với các linh mục sợ mất thời giờ rảnh rỗi của mình. Lý do thường là vì người ta cảm thấy nhu cầu quá mạnh muốn bảo vệ sự tự do riêng của họ, họ coi nhiệm vụ loan báo Tin Mừng như thể là một chất độc nguy hiểm thay vì là một lời đáp hân hoan trước tình yêu của Thiên Chúa mời gọi chúng ta truyền giáo, hoàn thiện bản thân và sinh hoa kết quả. Một số người hoàn toàn từ chối hiến thân cho truyền giáo và rốt cuộc đi đến một tình trạng tê liệt và nhàm chán thiêng liêng.” (Số 81)

21. ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG THÁCH ĐỐ MỤC VỤ, TÔI CÓ ĐỦ BẢN LĨNH “NÓI KHÔNG VỚI BI QUAN VÔ BỔ” ĐỂ VỮNG LÒNG TRÔNG CẬY ?

“Lắm khi nhiệm vụ này là một cây thập giá nặng nề, nhưng chính từ thập giá, từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người, Đức Giêsu đã hiến mình cho chúng ta như một nguồn nước sự sống. Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm hi vọng!” (Số 86)

22. TÔI KHÉP KÍN TRONG CÁI TÔI TỰ MÃN HAY CỞI MỞ ĐÓN NHẬN MỌI NGƯỜI ĐỂ XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG CHUNG YÊU THƯƠNG HIỆP NHẤT ?

“Ra khỏi mình để hoà vào với người khác là điều tốt cho chúng ta. Tự đóng kín mình là nếm cảm vị đắng độc hại của tính tự tại, và loài người sẽ trở nên tổi tệ hơn vì mỗi một chọn lựa ích kỷ của chúng ta.” (Số 87)

“Chúng ta được kêu gọi làm chứng cho một cách sống chung luôn luôn mới mẻ trong sự trung thành với Tin Mừng.[70] Chúng ta đừng để mình bị cướp mất đời sống chung!” (Số 92)

23. TÔI CÓ CAN ĐẢM NÓI KHÔNG VỚI TÍNH THẾ TỤC THIÊNG LIÊNG ?

- “một sự quan tâm phô trương đối với phụng vụ, giáo lý hay uy tín của Hội Thánh, nhưng không hề lo cho Tin Mừng có một tác động thực sự đối với các tín hữu và các nhu cầu cụ thể của thời đại.” (Số 95)

- “ẩn nấp bên dưới vẻ hào nhoáng của lợi lộc xã hội và chính trị, hay dưới sự kiêu căng vì họ có khả năng xử lý các vấn đề thực tế, hay một sự say mê đối với các chương trình tự lực và tự thể hiện mình.” (SĐD)

- “muốn được người khác để ý tới, xuất hiện với đủ vẻ sang trọng trong đời sống xã hội, trong các buổi gặp gỡ, tiệc tùng và tiếp tân.” (SĐD)

- “luôn bận bịu với các công việc quản lý, các vấn đề thống kê, kế hoạch và đánh giá mà lợi ích chính không phải là dân Chúa mà là Giáo Hội được nhìn như là một tổ chức.” (SĐD)

- “thói háo danh của những người có chút ít quyền lực và thà làm tướng của một đạo quân thất trận hơn chỉ là người lính quèn vẫn tiếp tục chiến đấu.” (Số 96)

- “Chúng ta để mình bị cuốn theo những ảo mộng và mất tiếp xúc với những mảnh đời thực và những khó khăn của dân chúng.” (SĐD)

24. TÔI LÀ NHÂN TỐ ĐỂ HIỆP NHẤT VÀ XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ HAY TÁC NHÂN GÂY CHIA RẼ ?

“Một số thậm chí không còn bằng lòng sống như một phần tử của cộng đồng Hội Thánh rộng lớn hơn nhưng phát triển một tinh thần loại trừ, tạo ra một “phe nhóm nội bộ”. Thay vì thuộc về một Hội Thánh toàn thể trong tất cả sự đa dạng, họ thuộc về nhóm này hay nhóm nọ, nghĩ rằng mình thì khác hay đặc biệt.” (Số 98)

“Tôi đặc biệt xin các Kitô hữu trong các cộng đồng trên khắp thế giới cống hiến một chứng tá rực sáng và hấp dẫn về tình hiệp thông huynh đệ.” (Số 99)

“Chúng ta hãy làm điều đó hôm nay! Chúng ta đừng để mình bị cướp mất lý tưởng tình yêu huynh đệ!” (Số 101)

25. TÔI CÓ TỰ HÀO KIÊU CĂNG VÌ PHẨM CHỨC LINH MỤC CỦA MÌNH ?

“Việc đồng hoá người linh mục với Đức Kitô là đầu—nghĩa là nguồn mạch chính của ân sủng—không có nghĩa là đặt người linh mục lên trên những người khác. Trong Hội Thánh, các chức vụ “không đặt một số người lên địa vị cao hơn những người khác” (Số 104)

26. TÔI CÓ QUAN TÂM ĐỦ CHO MỤC VỤ GIỚI TRẺ, MỤC VỤ ƠN GỌI ?

- “Giới trẻ thường không thể tìm thấy những giải đáp cho các mối quan tâm, nhu cầu, vấn đề và các thương tổn của họ trong các cơ cấu bình thường. Là người lớn, chúng ta cảm thấy khó kiên nhẫn lắng nghe họ, trân trọng các mối quan tâm và đòi hỏi của họ, và nói với họ bằng một ngôn ngữ họ có thể hiểu.” (Số 105)

- “Nhiều nơi đang trải qua một tình trạng thiếu ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đây thường là do thiếu một nhiệt tình tông đồ có sức lan toả trong các cộng đồng, dẫn đến sự nguội lạnh của niềm phấn khởi và sức hấp dẫn. Ở đâu có sự sống, nhiệt tình và ước muốn đem Đức Kitô đến cho người khác, ở đó sẽ xuất hiện các ơn gọi đích thực.” (Số 107)

27. BÀI GIẢNG LỄ CỦA TÔI CÓ TRỞ THÀNH GÁNH NẶNG CHO MÌNH VÀ CHO GIÁO DÂN ?

“Chúng ta biết các tín hữu rất coi trọng bài giảng, và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng: giáo dân vì phải nghe các bài giảng, còn các giáo sĩ vì phải giảng bài! Đây là trường hợp đáng buồn. Bài giảng thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên.” (Số 135)

“Khi bài giảng diễn ra trong bối cảnh phụng vụ, nó là một phần của lễ hiến dâng lên Cha và là một trung gian cho ân sủng mà Đức Kitô đã tuôn đổ trong cuộc cử hành. Bối cảnh này đòi hỏi việc giảng phải hướng dẫn cộng đoàn và giảng viên tới một sự hiệp thông với Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, để giúp họ thay đổi cuộc sống. Muốn được thế, các lời giảng của giảng viên phải điều độ, để cho tâm điểm của sự chú ý Chúa, chứ không phải là thừa tác viên của Chúa.” (Số 138 ; xem thêm các số từ 139-159)

28. TÔI ĐÃ GẶP GỠ, ĐỒNG HÀNH LÀM SAO ĐỐI VỚI CÁC DỰ TÒNG, TÂN TÒNG ?

“các mục tử có chức thánh và các nhà hoạt động mục vụ khác có thể hiện thực hoá hương thơm sự gần gũi và cái nhìn thân mật của Đức Kitô. Hội Thánh sẽ phải dẫn đưa mọi người—linh mục, tu sĩ, và giáo dân—vào trong “nghệ thuật đồng hành” này, nó dạy chúng ta biết cởi dép khi đứng trên nền đất thánh thiêng của người khác (xem Xh 3:5). Bước chân đồng hành này phải có nhịp đều và vững vàng, phản ánh thái độ gần gũi và cái nhìn cảm thông của chúng ta, giúp chữa lành và khích lệ sự tăng trưởng trong đời sống Kitô giáo.” (Số 169)

29. TÔI ĐÃ THỰC HIỆN GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG CỤ THỂ LÀM SAO ? CÓ ĐÁP ỨNG TIẾNG KÊU CỦA NGƯỜI NGHÈO ĐỂ CHĂM SÓC MỤC VỤ ?

“việc phục vụ bác ái cũng là một yếu tố cấu thành của sứ mạng Hội Thánh và là một biểu hiện thiết yếu của chính sự hiện hữu của Hội Thánh”.[144] Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo; Hội Thánh tràn trề đức ái hiệu quả và một sự cảm thông có sức thấu hiểu, giúp đỡ và phát huy.” (Số 179)

“tôi muốn nói với lòng đau buồn rằng sự kỳ thị tồi tệ nhất mà người nghèo phải chịu là thiếu chăm sóc thiêng liêng. Đa số người nghèo có một sự mở lòng đặc biệt với đức tin; họ cần Thiên Chúa và chúng ta không thể không cống hiến cho họ tình bạn, sự chúc lành, lời nói, việc cử hành các bí tích và một hành trình lớn lên và trưởng thành trong đức tin. Chọn lựa ưu tiên của chúng ta vì người nghèo phải chủ yếu trở thành một sự chăm sóc tôn giáo đặc biệt và ưu tiên cho họ.” (Số 200)

30. TÔI CÓ SIÊNG NĂNG CẦU NGUYỆN VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG ?

“Sự khích lệ tốt nhất để chia sẻ Tin Mừng là qua việc suy niệm Tin Mừng với tình yêu, dừng lại ở mỗi trang và đọc bằng trái tim. Nếu chúng ta đến với Tin Mừng bằng cách này, vẻ đẹp của nó sẽ làm chúng ta kinh ngạc và không ngừng kích thích chúng ta. Nhưng muốn được như thế, chúng ta cần lấy lại một tinh thần chiêm niệm để có thể giúp chúng ta không ngừng nhận ra rằng mình được thừa hưởng một kho tàng làm chúng ta người hơn và giúp chúng ta sống một đời sống mới.” (Số 264)

“Một người truyền giáo đích thực, người không bao giờ thôi là một môn đệ, biết rằng có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình. Họ cảm nhận được Đức Giêsu sống với mình giữa công cuộc truyền giáo. Nếu không nhìn thấy Ngài hiện diện tại tâm điểm sự dấn thân truyền giáo của chúng ta, lòng phấn khởi của chúng ta sẽ sớm nhạt nhoà và chúng ta không còn chắc chắn mình đang thông truyền điều gì; chúng ta thiếu sinh lực và đam mê.” (Số 266)

31. TÔI CÓ THƯỜNG XUYÊN CẦU XIN CHÚA THÁNH THẦN NUNG ĐỐT NHIỆT TÌNH TRUYỀN GIÁO ?

“Duy trì nhiệt tình truyền giáo sống động đòi chúng ta vững vàng tin cậy vào Chúa Thánh Thần, vì chính Người là Đấng “cứu giúp những nỗi yếu hèn của chúng ta” (Rm 8:6). Nhưng sự tin cậy quảng đại này cần được nuôi dưỡng, vì thế chúng ta cần liên lỷ kêu xin Chúa Thánh Thần. Người có thể chữa lành những gì làm chúng ta suy giảm nhiệt tình truyền giáo.” (Số 280)

32. ĐỨC MARIA CÓ VAI TRÒ NÀO TRONG CUỘC ĐỜI MỤC TỬ CỦA TÔI ?

“Mẹ là người truyền giáo đến gần chúng ta và đồng hành với chúng ta suốt dòng đời, dùng tình mẫu tử để mở lòng chúng ta ra đón nhận đức tin. Là người mẹ thực sự, mẹ đi bên cạnh chúng ta, chia sẻ các phấn đấu của chúng ta và hằng bao bọc chúng ta bằng tình thương của Thiên Chúa.” (Số 286)