SUY NIỆM TĨNH TÂM THÁNG 12 / 2014

“CHIẾU TOẢ NIỀM TIN VỚI CHỨNG TỪ NIỀM VUI”

(GH SỐ 3, CN III MÙA VỌNG)

Trọng kính cha Hạt trưởng,

Kính thưa quí cha,

Quí thấy phó tế thân mến,

Chúng ta đang ở trong Mùa Vọng, mùa của ngóng trông, mong đợi Con Thiên Chúa đã đến và sẽ đến. Ngài là Đấng Cứu Độ trần gian nên dù có buồn thương phận mình tội lỗi khi hồi tâm sám hối, thì sự chờ đợi của người tin vẫn dào dạt tâm tình “sốt sắng và hân hoan” . Vâng! Mùa Vọng năm nào cũng thế, nhưng năm nay, dường như có một cường độ mới, bởi sau hơn một năm Tông Huấn “Niềm Vui Của Tin Mừng” ra đời, độ thấm của “Niềm Vui” ngày càng cao, có người uy tính nhận định : “Chưa bao giờ lại có một văn kiện giáo hoàng khiến người ta phải suy nghĩ, ngạc nhiên và lên tinh thần bằng tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” . Trong định hướng của Giáo Phận, cường độ đó lại được nhân lên khi nghe lời giáo huấn đầy lửa nhiệt thành của Vị Chủ Chăn: “Cũng như các tinh tú trên bầu trời, trong năm 2015 này, mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận được mời gọi chiếu tỏa niềm tin…” .

Cụm từ “chiếu toả niềm tin”, một cách nói đầy hình ảnh dễ cảm nhận nội dung lẫn tính chất, vì tự nó đã bao hàm ý nghĩa: sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh. Kể từ khi Chúa về trời, các Tông Đồ lòng tràn ngập niềm vui, ra đi hô vang cho cả thế giới biết: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống… Chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi.” (1 Ga 1,13). Các Tông Đồ đã làm cho người ta thấy điều đó là sự thật rồi tin theo bằng chứng tá đời sống của các ngài. Hơn hai ngàn năm qua, trung thành với lệnh truyền của Chúa mà các Tông Đồ để lại, Hội Thánh miệt mài tiếp tục sứ vụ khi thuận cũng như lúc thế gian giăng bẫy chặn đường bít lối. Nếu thế kỷ thứ V kết thúc thế giới Kitô Giáo Rôma bởi làn sóng xâm lăng của Man Dân thì suốt sáu thế kỷ tiếp theo sau đó, từ thế kỷ VI đến thế kỷ XI, lại là dòng thời gian Kitô hoá Châu Âu. Cuối thế kỷ XV, khi Tân Thế Giới được tìm ra , Hội Thánh lại dậy lên muôn hoạt động truyền giáo mới: Châu Mỹ, Tin Mừng được gieo vãi bởi các thừa sai Tây Ban Nha. Tại Á Châu, vùng Đông Nam Á, năm 1521, những người Philippines đầu tiên đón nhận Tin Mừng. Kế đến, ai cũng biết một cách rất ấn tượng, công trình truyền giáo của thánh Phaxicô Xaviê. Tại quê hương Việt Nam dấu yêu, lần lượt từng đoàn “thợ gặt”: các nhà thừa sai Dòng Tên, Dòng Đa Minh, Hội Thừa sai Paris hay gọi tắt là các cha MEP (Missionnaire Etrangere de Paris), hơn ba thế kỷ gieo trồng, gặt hái, quả là một mùa bội thu. Duyệt lại lịch sử truyền giáo của Hội Thánh, đứng về phía con người, cho thấy nhân tố làm nên kết quả ngoạn mục là nhờ các Giám mục uy tính, những người trung gian như các vua chúa, nữ hoàng trở lại, các đan sĩ nhiệt thành thánh thiện, hàng giáo sĩ thừa sai khao khát cứu vớt các linh hồn sẳn sàng hiến dâng mạng sống. Từ sau Công Đồng Vaticanô II, với Tông huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Phalô VI, cùng với các văn kiện của các Đức Giáo Hoàng kế nhiệm, đặc biệt hiện tại là Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Thánh Cha Phaxicô, sứ vụ truyền giáo mang một sắc thái mới: trong Hội Thánh tất cả mọi người phải “đi ra” loan báo cho “mọi người, mọi nơi, mọi dịp” theo cách của “Niềm Vui Tin Mừng.”

Hôm nay, chúng ta về đây tĩnh tâm, tuy rất vắn, nhưng cũng là một lúc dừng chân, đặt mình trong lòng giáo phận đang rao rực bởi chương trình mục vụ 2015, mở đầu cho tiến trình ba năm cuối hướng đến ngày trọng đại mừng 400 năm giáo phận đón nhận Tin Mừng. Để có gì cho người? Để có gì cho ta? Điều cần thiết nhất là nghe tiếng Chúa nói với mình qua sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng: “Hãy Vui luôn trong Chúa!” Lời mời gọi này dẫn ta đến một điểm nhấn rất là “thời sự”: tôi ơi, hãy “ Chiếu toả niềm tin với chứng từ niềm vui”!

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con Thánh Thần của Chúa

để chúng con nghe được tiếng Ngài: đổi mới, canh tân, lên đường.

Xin Mẹ Hằng Cứu Giúp và các thánh Tử Đạo Giáo Phận Qui Nhơn, cùng các thánh

chuyển cầu cho chúng con…(thinh lặng giây lát).

1. Giữa Lòng Thế Giới

Chuyện kể: “Khi là một linh mục được sai đến làm việc ở Washington D.C., tôi thường được vinh dự đến giúp tại Gift of Peace House, ở góc đông bắc thủ đô, một bệnh viện dành cho những bệnh nhân AIDS sắp chết, do các Nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa điều khiển. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, 1989, tôi cử hành nghi thức tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa cho các nữ tu, nhân viên tình nguyện, và bệnh nhân. Sau khi tất cả đã hôn kính Thánh giá, hai chị dẫn tôi lên tầng trên để các bệnh nhân nằm liệt giường ở đó cũng có thể hôn chân Chúa chịu nạn.

Khi đi từ gường này sang giường nọ, tôi để ý thấy ở góc phòng có một người đàn ông gầy gò, có vẻ kích động, nài nỉ tôi đến với ông. Khi tôi sắp bước đến giường của ông, một chị cản tôi lại, cảnh báo tôi là ông hung tợn bất thường, mọi người đều ghét, và nhiều lần ông thực sự toan cắn các nữ tu phục vụ. Dĩ nhiên, bạn hiểu khi bị bệnh nhân AIDS cắn thì sẽ có hậu quả gì. Tuy nhiên, người đàn ông khốn khổ này tiếp tục ra hiệu cho tôi đến gần. Tôi phải làm gì? Một linh mục sẽ phải làm gì? Chậm chậm và thân trọng, tôi bước đến gần và đưa thánh giá cho ông. Ông cầm lấy rồi hôn – không phải hôn chân, tôi nhớ rất rõ – nhưng hôn mặt Chúa. Sau đó ông nằm xuống, kiệt sức.

Ngày hôm sau, thứ Bảy Tuần Thánh, các chị gọi tôi cho biết là ông ấy muốn gặp tôi. Tôi đến, và một lần nữa, lại gần ông, có hai chị làm người “bảo vệ”. Khi tôi đến gần hơn, ông nói thật khẽ: “Tôi muốn được rửa tội!” Tôi nhích lại gần hơn chút nữa, và tỏ vẽ hài lòng, tôi yêu cầu ông giải thích lý do tại sao ông lại muốn gia nhập Giáo Hội. Ông thu hết tàn lực mà nói : “Tôi không biết gì về Kitô giáo hay Công Giáo. Thực ra, cả đời tôi từng thu ghét tôn giáo. Tất cả những gì tôi biết là trong ba tháng nay tôi nằm chết dần chết mòn ở đây. Các chị này lúc nào cũng vui! Khi tôi nguyền rủa họ, họ vẫn nhìn tôi với đôi mắt đầy thương cảm. Ngay cả khi họ lau chùi chỗ tôi ói mửa, rửa vết thương cho tôi, thay tã cho tôi, họ luôn mỉm cười. Khi họ đút cho tôi ăn, đôi mắt họ sáng lên. Tất cả những gì tôi biết là họ có niềm vui, còn tôi thì không. Trong lúc tuyệt vọng tôi hỏi họ tại sao vui như vậy, tất cả đều trả lời: Nhờ Đức Giêsu. Tôi muốn có Đức Giêsu này. Hãy rửa tội cho tôi và cho tôi Đức Giêsu này! Hãy cho tôi niềm vui!”

Từ khi làm linh mục, chưa bao giờ tôi rửa tội, xức dầu, và cho ai rước lễ mà thấy sung sướng như khi ban bí tích cho ông này. Ông qua đời lúc 3: 15 sáng Chúa Nhật Phục Sinh.”

Tạ ơn Chúa đã ban cho Hội Thánh những người nữ tu như trong câu chuyện của Đức Hồng Y Timothy M. Dolan, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ vừa kể. Chứng tá niềm vui đã vực kẻ thất vọng lên khỏi hố sâu thù hằn cuộc đời, đến độ tàn nhẫn, có thể gây hại cho chính ân nhân của mình. Chứng tá niềm vui đã đã khơi lên thắc mắc nơi trí não của người tưởng như nó đã thành mụ mẫm vì căn bệnh thế kỷ, để bắt đầu tìm kiếm cái mình khát khao mà không có, đó là niềm vui. Và Chứng tá niềm vui đã làm cho bệnh nhân kiệt sức, bị hất qua bên lề xã hội, ngập lút trong vũng lầy vô thần, lại có kết thúc cuộc đời thật đẹp: “Tôi muốn có Đức Giêsu này. Hãy rửa tội cho tôi và cho tôi Đức Giêsu này! Hãy cho tôi niềm vui!”

Niềm vui! Không chỉ những người rơi vào hoàn cảnh như trong câu chuyện vừa kể mới thiếu nên rất cần. Trái lại, trên bình diện xã hội, trong thế giới hôm nay, tuy đạt được nhiều thành tựu khoa học, chất lượng cuộc sống có nâng cao, người ta nhiều sở hữu nhưng lại ít niềm vui. Đức Thánh Cha Phaxicô nhận xét : “Trong thời đại chúng ta, nhân loại đang sống ở một khúc quanh lịch sử, mà chúng ta có thể thấy từ những tiến bộ đạt được ở nhiều lãnh vực khác nhau. Chúng ta phải ca ngợi những thành công góp phần vào sự thịnh vượng của con người, chẳng hạn như trong lãnh vực y tế, giáo dục và truyền thông. Tuy nhiên, chúng ta không thể quên rằng hầu hết những người nam nữ ở thời đại chúng ta đang sống trong sự bất ổn định mỗi ngày, với những hậu quả tai hại. Một số bệnh học gia tăng. Sợ hãi và tuyệt vọng chiếm đóng quả tim của nhiều người, ngay cả trong những nước gọi là giàu có. Niềm vui của đời sống thường xuyên bị dập tắt, không có sự tôn trọng người khác và bạo lực gia tăng, chênh lệch về xã hội ngày càng trở nên rõ ràng. Chúng ta phải đấu tranh để sống, và thường sống với một chút nhân phẩm.”

Con người ngày nay rất cần niềm vui, vì thế từ đông sang tây, lãnh vực giải trí là ngành hót nhất. Các doanh nhân thành đạt hay các khoa học gia danh tiếng, kể cả chính trị gia lỗi lạc cũng không có sức thu hút, qui tụ đám đông bằng các ca sĩ, diễn viên nỗi tiếng. Tuy ngành giải trí có những giá trị nhất định không thể phủ nhận, nhưng thực tế nó đang đẩy con người, cách riêng là giới trẻ, đến chỗ đánh mất chính mình qua lối sống săn tìm thần tượng mà hậu quả là niềm vui có, nhưng không thoả, cuối cùng cuộc sống đầy ắp những nhu cầu cần đáp ứng, và vẫn cứ mãi đói khát niềm vui.

Đức Giáo Hoàng Phaxicô, Vị Mục Tử chủ động đi tới vùng “ngoại biên”, đã bắt mạch được tình trạng này của thế giới, nên chỉ rõ rằng: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô niềm vui được sinh ra và luôn luôn tái sinh” . Ở một chỗ khác Đức Thánh Cha nói thêm: “Mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta, và mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta niềm vui, niềm vui đến từ bên trong. Và Chúa là như thế. Chúng ta được mời gọi tái khám phá tầm quan trọng và ý nghĩa cuộc sống Kitô, đã bắt đầu với Bí tích Rửa Tội… Chúng ta được mời gọi làm chứng cho các anh chị em khác. Làm chứng cho điều gi? Niềm vui! Làm chứng cho niềm vui của cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu.” Với xác tín tràn đầy cảm nghiệm, Đức Thánh Cha thúc dục mọi người lên đường: “Chúa mời gọi chúng ta trở nên những người hân hoan loan báo sứ điệp của lòng khoan dung và niềm hy vọng ấy! Thật phấn khởi khi cảm nghiệm niềm vui loan truyền tin mừng ấy, chia sẻ kho tàng đã được ủy thác cho chúng ta” Ngài nhấn mạnh: “Việc truyền giáo của Hội Thánh không phải là việc chiêu dụ, nhưng là chứng từ của một đời sống soi sáng đường đi, đem lại tình yêu và hy vọng. Tôi lặp lại một lần nữa, Hội Thánh không phải là một tổ chức cứu trợ, một doanh nghiệp hay một tổ chức phi chính phủ, nhưng là một cộng đoàn những con người được Chúa Thánh Thần làm cho sinh động; những con người đã và đang sống cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Ðức Kitô và muốn chia sẻ kinh nghiệm này về niềm vui sâu xa, sứ điệp cứu độ mà Chúa ban cho chúng ta. Chính Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh đi trên con đường này.”

Đức Thánh Cha Phaxicô, Vị Giáo Hoàng đạt kỷ lục thu phục nhân tâm, vì chỉ sau một năm lên ngôi, ngài đã làm thế giới kinh ngạc. Tờ Le Figaro gọi đó là “hiện tượng Phanxicô”. Số giáo dân quay trở lại nhà thờ tăng 20% và số gia nhập đạo tăng 12%. Những thông tin về ngài làm ta phấn khởi, đầy tự hào một cách thánh thiện, giáo huấn của ngài như đã trưng dẫn ở trên đưa ta lên cao, ngỡ như cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu khơi nguồn vui bất tận biến đổi đời sống con người ngang tầm tay với; việc ra đi mang theo hành trang chứng tá niềm vui không phải là quá khó. Tạ ơn Chúa về điều đó! Và xin Chúa thiêu đốt ta bằng ngọn lửa nhiệt thành này. Tuy nhiên, trong thân phận con người, lời của Đức Phalô VI ngày xưa, vẫn là chất liệu cần cho ta làm cuộc tự vấn để biết một cách thật rõ hiện tại mình là ai? Với tâm tình đó ta cùng lắng nghe lời Đức chân phước Giáo Hoàng: “Thời đại chúng ta cũng gặp nhiều trở ngại, trong số này chúng tôi chỉ muốn đề cập tới sự thiếu nhiệt tình. Nó càng trầm trọng bởi lẽ nó phát xuất từ bên trong ; nó biểu lộ trong sự mệt mỏi và chán nản, sự làm lấy lệ và hờ hững, và nhất là sự thiếu niềm vui và hy vọng. Cho nên chúng tôi khuyến khích tất cả những ai có nhiệm vụ Tin Mừng hóa với tư cách nào và ở cấp bậc nào cũng vậy, hãy nuôi dưỡng nhiệt tình cho tâm hồn mình (Rm 12,11).”

Tôi là ai? Là người xứng hợp với ca từ khúc hát rất quen: “đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng” hay đang toát ra từ bên trong, không che dấu nỗi, “sự mệt mỏi và chán nản, sự làm lấy lệ và hờ hững, và nhất là sự thiếu niềm vui và hy vọng” ?… (Thinh lặng giây lát).

2. Trở Về Nguồn Cội

Sống trên đời, có lẽ, cả chúng ta nữa cũng thiếu niềm vui. Ngày nay, hơn bao giờ hết, niềm vui trong đời sống linh mục đang rất được quan tâm. Nhiều nơi thực hiện bằng cách tổ chức những buổi họp mặt của các linh mục, ở thành phố, mỗi tuần một lần, tại nông thôn do các giáo xứ cách xa nhau nên mỗi tháng, các linh mục gác hết mọi công việc, tựu về một chỗ để nghĩ ngơi, thư giản, chuyện trò. Ở những vùng khá giả, các cha cùng nhau tổ chức những tour du lịch, mỗi năm thăm một nước, khu vực Á Châu giá tiền một chuyến đi nghe nói cũng không nhiều. Ta không phải thiên thần nên cũng cần niềm vui nhân loại. Tuy nhiên, dù nhiều cách mấy cũng không bao giờ đủ, vả lại, nó cũng có mặt trái, hơn nữa, vẫn không phải niềm vui Tin Mừng. Nếu chỉ có niềm vui nhân loại thì ta mãi cách xa lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phaxicô, ngài nói: “Chúng ta hãy làm chứng cho sự mới mẻ, niềm hy vọng, niềm vui mà Chúa đem đến trong cuộc sống. Chúng ta hãy cảm nhận trong mình “sự dịu ngọt và niềm vui ủi an của việc loan báo Tin Mừng” . Bởi vì loan báo Tin Mừng, loan báo Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta niềm vui, trái lại, ích kỷ trao ban cho chúng ta sự cay đắng, buồn sầu, nó đem chúng ta xuống thấp, còn rao giảng Tin Mừng đem chúng ta lên cao.”

Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu có viết: “Một ngọn lửa chỉ được đốt lên bởi cái gì đã có lửa rồi” . Đúng thế, do đó, điều cần thiết là trở về nguồn cội, nghiền ngẫm, múc lấy, từng chút một bằng cầu nguyện, hiệp thông, bằng nhiều phương thế để nơi ta có lửa là Niềm vui Tin Mừng. Niềm vui của cuộc gặp gỡ Chúa Kitô.

Trong chiều kích Ba Ngôi “Chúa Cha là nguồn gốc của niềm vui. Chúa Con là biểu hiện của niềm vui, và Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho niềm vui ấy được linh hoạt” Chúa Giêsu là biểu hiện niềm vui Chúa Trời trong cuộc sống thế trần.

Ngày Ngài đến trần gian: trong đêm tối (x. Lc 2,8), bị bỏ rơi như Tin Mừng Gioan phản ánh: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Thánh Luca thì kể: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Hoàn cảnh giáng sinh của Chúa tưởng là rất ảm đạm lại vang lên tiếng hát thiên thần (x. Lc 2,14) khiến các mục đồng nhào khỏi ổ rơm, băng mình trong đêm lạnh để tìm, cuối cùng được gặp, hỏi rằng lúc ấy thế nào? Chắc chắn chỉ có một từ để diễn tả, đó là: quá vui!

Những tháng năm Chúa Giêsu sống tại Nagiarét, trong gia đình nghèo không thế giá (x. Lc 4,22), nhưng đọc kỹ Tin Mừng, tình trạng đó không cho ta hiểu cuộc sống của Ngài buồn chán do nghèo túng, như kinh nghiệm đời thường mà ta có về hoàn cảnh của bao người như thế. Trái lại, những dòng ngắn của Tin Mừng Luca cho thấy, có cái gì thật chan hoà. Trong lần lên Giêrusalem, năm Ngài mười hai tuổi, khi ra về, Chúa Giêsu ở lại đến thờ, mãi hai ngày sau thánh Giuse và Mẹ Maria mới đi tìm, vì tưởng Chúa về chung với đoàn lữ hành (x. Lc 2,44). Tại sao thánh Giuse và Mẹ Maria lại để con như thế? Suốt hai ngày Ngài ăn uống ở đâu? Cứ bình thường, cha me dẫn con đi hành hương, bỏ mặc con trẻ như vậy hẳn sẽ bị trách là thiếu trách nhiệm, không thể chấp nhận. Thánh Giuse và Mẹ Maria tất nhiên không như thế, vậy phải trả lời thế nào? Đọc tiếp đến đoạn kết của Tin Mừng: “Còn Đức Giêsu thì ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2,52), thì ra, sở dĩ thánh Giuse và Mẹ Maria không bận tâm là vì Chúa Giêsu được thương yêu, đi với đoàn lữ hành, bà con lối xóm, Chúa cũng được chăm sóc như đi với cha mẹ của mình. Cuộc sống đời thường cho thấy, một em nhỏ được thương tất nhiên vì em ấy dễ thương. Nhưng nếu có em nhỏ rất dễ thương, chỉ tội gia đình em khép kín, hay vì lý do nào đó, cha mẹ của em không hề dễ thương với lối xóm láng giềng thì con nhỏ thật dễ thương của họ, cũng không được người ta dành cho tình yêu thương chăm sóc, có chăng khi gặp một lời khen là hết. Chúa Giêsu được yêu thương chăm sóc, thế thì không chỉ một mình Ngài mà cả Thánh Gia, phải là một gia đình dễ thương với hết mọi người. Như vậy, chắc chắn Gia đình thánh là gia đình ngập tràn niềm vui, và những ngày tháng ẩn dật tại Nagiarét cũng là những ngày tháng niềm vui tràn trề.

Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, niềm vui như sơi chỉ xuyên suốt, dù Tin Mừng không hề khẳn định như thế, nhưng bên dưới những trình thuật, trong góc độ suy niệm theo chiều hướng của ý nghĩa thiêng liêng cho ta nghĩ như vậy. Theo trình thuật của thánh Gioan, Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ rao giảng của Ngài tại tiệc cưới Cana. Nửa chừng tiệc hết rượu, tưởng sẽ mất vui, tai họa ập tới, nhưng nhờ Mẹ can thiệp Chúa đã ra tay hoá nước thành rượu nên niềm vui kéo dài. Dĩ nhiên ta không có ý hiểu mục đích chính của việc Chúa làm là để đem lại niềm vui cho đôi tân hôn. Nhưng theo trình thuật thì sự việc Chúa khai mạc sứ vụ rao giảng công khai được đặt trong bối cảnh tiệc cưới là biểu tượng của niềm vui, và việc Chúa tỏ mình cho các môn đệ biết Ngài (x. Ga 2,11), hoá nước thành rượu, cũng liên quan đến việc tạo niềm vui. Từ đây cho phép ta nghĩ Chúa khai mạc sứ vụ rao giảng Tin Mừng cũng là lúc Chúa đem niềm vui đến, niềm vui cụ thể trong khung cảnh của trình thuật, theo ngôn ngữ biểu tượng của thánh Gioan chắc hẳn ám chỉ niềm vui đích thực Chúa ban cho con người đó chính là niềm vui cứu độ.

Trên hành trình rao giảng, Chúa gọi các môn đệ, đặc biệt nhóm mười hai, cùng ăn, cùng ở với Chúa. Môn đệ của Chúa không ăn chay (x. Mt 9,14-15), như thế, vẽ sầu buồn tối thiểu cũng không có chỗ trong quá trình huấn luyện các môn sinh của Ngài. Khi Chúa Giêsu rao giảng, Ngài thường dùng những hình ảnh diễn tả niềm vui để minh hoạ, chẳng hạn như tiệc cưới, ngày mùa, chàng rễ, người cha nhân hậu rất giàu, sự trở về của đứa con hoang đàng không phải bị trả giá bằng hình phạt nghiêm khắc mà là bữa tiệc từng bừng rất vui… Chúa nói đến niềm vui trên trời (x. Lc 15,7). Chúa tiên báo niềm vui cho các Tông Đồ, niềm vui không ai lấy mất được (x. Ga 16,22). Cuối cùng, với cuộc Phục sinh ban Thánh Thần, niềm vui vỡ oà nơi cộng đoàn các môn đệ, các ngài vui mừng khôn xiết, nói với nhau: “Tôi đã thấy Chúa”. Cộng đoàn những người môn đệ của Chúa, cộng đoàn niềm vui do gặp lại Thầy dấu yêu của mình là Chúa Giêsu Phục sinh. Các ngài ra đi loan báo bằng lời chứng của những người được gặp rồi nói lại, chứ không phải nói “về” sau khi đã được nghe. Sức mạnh loan báo làm người ta tin theo các ngài không bởi lý lẽ của ngôn từ, mà nhờ ơn Chúa và sự hân hoan khôn tả ngay trong những thử thách bách hại, đòn roi, lao tù. Ngày hôm nay, Hội Thánh ý thức rất sâu về điều này, trong khung cảnh Á Châu, truyền giáo trước hết là ra đi nói cho người khác biết: “Chúa Giêsu vẫn sống! Chúa Kitô đã sống lại! Đấng Cứu Thế của chúng ta đang ở với chúng ta, đời sống của Ngài chính là đời sống của chúng ta.” Và để việc truyền giáo đạt kết quả cần phải thực hiện “với tình yêu thương, sự hăng say và niềm vui mừng.”

Niềm vui Tin Mừng quá hấp dẫn, nhưng để chính bản thân mình trải nghiệm, trở thành chứng tá có dễ dàng không? Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, cuộc đời của ngài, nhất là giai đoạn lao tù cho ta thấy cụ thể hơn niềm vui mà hôm nay Đức Thánh Cha mạnh mẽ nói đến, và mời gọi ta hãy có để ra đi. Đức Hồng Y kể:

“Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tôi được mời đến Phủ Tổng Thống, "Dinh Ðộc Lập", vào lúc 14 giờ. Tại đó, tôi bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm. Và đó là khởi đầu cuộc phiêu lưu của tôi.Trong lúc ấy, tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ bị gọi tới Nhà Hát, với mục đích tránh mọi phản ứng của dân chúng đối với vụ bắt tôi. Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả. Tôi ra đi, với chiếc áo chùng thâm, trong túi có một cỗ tràng hạt. Tôi chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao nhiêu lo âu ấy, tôi vẫn thấy có một niềm vui lớn: "Hôm nay là lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời..."

Chứng từ này của Đức Hồng Y, một lần nữa minh định đầy sức thuyết phục lời Đức Thánh Cha Phaxicô: “Niềm vui cũng như niềm hy vọng Kitô giáo có nền tảng từ lòng trung tín của Thiên Chúa, trong sự bảo đảm rằng Người vẫn luôn giữ lời hứa của mình… Những ai đã gặp được Đức Giêsu trên hành trình thì sẽ cảm nghiệm được trong con tim mình một sự thanh thản và niềm vui mà không ai hay không gì có thể làm hư hoại.” Do đó, vấn đề không phải khó hay dễ nhưng là khát khao, lên đường tìm kiếm để có niềm vui Tin Mừng. Người Do Thái ngày xưa ở trong tình trạng: “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26); tình trạng của ta hôm nay có thể: biết, nhưng không có kinh nghiệm về Ngài và không có niềm vui gặp Ngài.

Lạy Chúa! Chúng con là linh mục, căn tính của chúng con “như được thoát sinh từ Lời Chúa, tức là từ phía Đức Giêsu Kitô và từ ý định của Người liên quan đến việc thiết lập Giáo Hội, được trỗi lên như một khúc hoan ca tạ ơn phụng vụ trong kinh tiền tụng của ngày lễ Truyền dầu.” Hành trình đời chúng con là “phục vụ và làm chứng về một niềm vui mà thế giới không thể trao ban.”

Lạy Chúa Giêsu!

Chúa biết rõ trong con có gì.

Xin cho con luôn khao khát kiếm tìm để có… (thinh lặng)

3. Giáo Xứ Hôm Nay

Ngày xưa khi Chúa Giêsu nhập thể làm người, Ngài đem niềm vui đến cho nhân loại ngay trong cảnh lầm than như đã phân tích ở trên. Hôm nay khi linh mục về nhận xứ cũng là lúc niềm vui đến từ đầu ngõ chạy dài tới cuối thôn. Thường tình là thế, ta cứ điểm lại thì thấy hầu như lễ nhận xứ bao giờ cũng từng bừng. Giáo dân chưa biết gì về cha mới vậy mà cũng vui, cả người già và em bé nếu được làm đôi việc lặt vặt, chạy lăng xăng trong nhà xứ là sung sướng nhất rồi. Tại sao? Bởi vì họ tin linh mục là hiện thân của Đức Kitô, linh mục đến thăm nhà, người già bảo “Chúa đến”. Ta không dám nói người giáo dân nghĩ về linh mục y như cha Gioan Maria Vianey đã viết: “Ai đã đón nhận linh hồn chúng ta khi bước vào đời? Linh mục. Ai nuôi dưỡng linh hồn và ban cho nó sức mạnh trên con đường lữ hành? Linh mục. Ai chuẩn bị chúng ta ra trước toà Chúa, khi tắm rửa nó lần cuối cùng trong Máu chúa Giêsu Kitô? Linh mục, luôn là linh mục. Và nếu linh hồn đó đi đến chỗ chết (do tội) thì ai sẽ phục sinh nó, ai sẽ mang lại cho nó bình an và yên ổn? Vẫn là linh mục. Sau Thiên Chúa linh mục là tất cả…” Ngày nay tuy có chút thay đổi trong cách nhìn của người giáo dân đối với linh mục, nhưng trong xứ sở của ta, tạ ơn Chúa, người linh mục luôn được tôn trọng, kính mến, vì họ nghĩ một cách đơn giản, linh mục là người của Chúa, qua ngài, Chúa ban ơn.

Thiên Chúa ban ơn cho dân qua linh mục, về phương diện bí tích, điều đó thuộc căn tính: “Trong Giáo Hội và cho Giáo Hội, các linh mục, theo góc độ bí tích, đại diện cho Chúa Kitô, là Đầu và Mục tử, các ngài rao giảng Lời Chúa cách chính thức, lặp lại cử chỉ của Chúa Kitô để tha thứ và ban ơn cứu độ, nhất là qua phép Rửa tội, phép Giải tội và phép Thánh Thể...” Bởi vì thuộc về căn tính nên ơn Bí tích Chúa ban cho dân nơi linh mục không bao giờ hư hao. Người giáo dân tôn kính linh mục là đúng. Ước gì lòng tôn kính này không phai lạt, không phải để linh mục được nhờ, đời tu có giá, nhưng đó là dấu biểu lộ lòng tin Chúa trong Hội Thánh rất cao; tin Chúa trong Bí tích mới thực là đức tin Công Giáo.

Sự tôn trọng, kính mến của người giáo dân đối với linh mục, trước hết không phải do nơi con người của vị linh mục có gì, mà do bởi qua linh mục, Chúa ban cho họ chính Ngài mỗi khi Bí tích được cử hành. Thành ra, thái độ của người linh mục trước sự tôn kính của giáo dân phải là sự khiêm nhường phục vụ, vì không phải do linh mục đã thủ đắc được điều gì khiến người ta tôn kính, lại càng không phải do linh mục ban Chúa cho giáo dân khi cử hành Bí tích. Nếu có một cách hành xử nào khác với thái độ khiêm nhường phục vụ thì vô tình, linh mục tự cho mình có quyền sở hữu Chúa để ban cho giaó dân khi cử hành Bí tích, nên mới có quyền “ta đây”, nên mới có quyền “đòi hỏi” như vậy.

Ngày này có người chủ trương phải “dân chủ hoá”, họ không phủ nhận giá trị của chức thánh, nhưng cho rằng linh mục cũng là con người chứ không phải người thánh, nên việc tôn kính như hiện tại có thể làm hư các ngài. Chẳng biết đúng sai thế nào, nhưng với tư cách là một linh mục, nhân sự kiện có ý kiến như thế gợi cho ta suy nghĩ: thay vì cao bằng thì hãy cùng nhau hướng tới việc linh mục phải ý thức và cố gắng hết sức, sống đúng căn tính của mình để có một chiều sâu đầy Chúa, và thể hiện ra bên ngoài sự nhân ái của Ngài. Một khi linh mục sống như vậy, người đời sẽ chẳng bao giờ đặt vấn đề phải “tôn kính” hay không, hơn nữa, nếu có bắt không tôn kính thì người ta vẫn tôn kính như thường.

Thực tế cho thấy trong Giáo Hội Viêt Nam ngày nay đã chớm thay đổi. Mới đây thôi, trong năm 2014, có ba chuyện buồn liên tiếp xãy ra. Một hôm nghe điện thoại của người quen, từ Giáo phận Vinh gọi vào, giọng thảng thốt: “Cha ơi! Cha xứ con bị đánh.” Ai đánh? “Một chú giáo dân trong xứ”. Tại sao? “Cha lái xe về tới cổng nhà xứ. Một chú trong Hội đồng chạy vội ra mở. Chú kia đứng trong quán sửa xe bên đường nói khích một câu. Cha xứ bước xuống xe đánh một tát. Chú kia đánh lại. Hai người đánh nhau…” Gặp lại người anh em đang phục vụ tại Giáo phận Nha Trang, cũng đã lâu bây giờ mới có dịp, không biết bao nhiêu chuyện, thượng vàng hạ cám, nhưng đến chuyện này khi kể xong thì không muốn nghe nữa, vì có cái gì đó thật xót xa! Tạm tóm tắt câu chuyện như sau: “Cha xứ có xích mích với một người giáo dân. Nghe đâu ngài lên toà giảng nói mấy lần về người đó. Tình hình ngày càng căng, sợ có chuyện chẳng lành, ông Hội đồng vào nhà xứ can ngăn. Cha nỗi giận đấm liền. Thế là cả xứ dậy lên, xã không giải quyết được, họ kéo nhau lên huyện…” Còn ở Thái Bình, giáo dân “biểu tình” chóng cha xứ nên Đức Giám Mục phải chuyển đi. Nghe nói nguyên nhân là do dân lấy tiền bồi thường đất góp vào xứ để cha làm nhà thờ. Làm hoài không xong, vì thiếu tiền trong khi cha sắm xe hơi tiền tỷ… Cũng chỉ nghe kể chứ không biết chính xác thế nào, lỗi phải ra sao, mức độ nghiêm trọng có đúng như chính nội dung được kể hay không? Nhưng những mẫu chuyện trên góp thêm vào nhận định: đã có dấu hiệu thay đổi trong cách cư xử của người giáo dân đối với linh mục, không còn vâng phục, đôi lúc “cam chịu”, nhưng là phản kháng thô bạo, không còn “lấy lời lành an ủi nhau”, trái lại, hùa nhau làm tới.

Chuyện giáo dân thay đổi là thật. Nhìn lại các giáo xứ toàn tòng hiện nay thì dễ dàng nhận thấy không còn được như xưa: tệ nạn có, các gia đình ly dị cũng nhiều. Điều đó dễ hiểu vì ta đang sống trong một thời đại nhập nhằng văn hoá, đánh mất bản sắc, qua phương tiện truyền thông, nền văn hoá Phương Tây thống lĩnh. Cái khổ là những giá trị đích thực của họ như trật tự, sạch sẻ, tinh thần trách nhiệm cộng đồng, bác ái, làm việc chung, dấn thân… thì ta chỉ xem phớt qua rồi bỏ nhưng rác rến bẩn thỉu như tự do tình dục, lối sống loã lồ, bạo lực… lại thu gom. Ta đang sống trong một xã hội băng hoại nhiều phương diện, đặc biệt không có sự thật, dối trá là cách để tồn tại, phát triển, vinh thân. Ngày xưa Chúa nói: “Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỉ” (Mt 5,37). Ngày nay nhiều người Công Giáo hồn nhiên nói dối, vì cho rằng dối không hại ai, đôi khi được lợi cho cộng đoàn hay đẹp lòng nhau thì không có tội. Quyền lợi là trên hết, tổ quốc, gia đình, giá trị bản thân đều ở hàng thứ yếu. Chuyện gì cũng được nhưng đụng đến quyền lợi: “cha – con” đời hay đạo đều có thể mất nhau. Không chỉ giáo dân bị ảnh hưởng mà cả linh mục cũng bị, vì “tha nhân làm nên ta”, xã hội ảnh hưởng, khuôn đúc nên con người trong nó là đương nhiên. Nghĩ mà thương cho người, thương cho mình, thương cho cả chúng ta, vì chẳng có ai ở ngoài cuộc này đâu!

Hôm nay ta được sai “chiếu toả niềm tin”, một sứ mạng chưa sai đã có từ Bí tích Rửa tội và Bí tích Truyền Chức thánh, nên “lệnh truyền” này có sức bật rất cao. Ta đi vào môi trường xứ đạo có thể chớm màu thay đổi với sức mạnh của Chúa. Người linh mục không chỉ có sức mạnh nhờ ơn Chúa ban cho cộng đoàn khi ngài cử hành bí tích, mà còn trong toàn bộ ơn Chúa ban cho cuộc sống con người. Chỉ có điều tính hiệu năng của ơn Chúa trong bí tích thì luôn luôn hiện thể, tức là nếu linh mục cử hành bí tích hợp luật tất nhiên thành sự, còn ơn thánh nói chung thường ở dạng tiềm năng. Chính vì vậy, giáo dân không chỉ chạy đến với cha để được ban bí tích; những lúc con đau, mùa màng thất bát, gia đình lục đục họ đến xin cha khấn giúp để vượt qua. Linh mục, người của Chúa, có dư sức mạnh để vui tươi trên con đường sứ vụ nhiều thử thách, chông gai.

Ngày xưa Chúa Giêsu “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10,38). Trước khi Chúa đòi người ta phải làm những gì cần thiết để qua cửa hẹp mà vào Nước Trời, thì Ngài đã cho người ta vô vàn ơn phúc quá sứ vụ chữa lành, trừ quỉ. Hôm nay linh mục, một Kitô khác (Alter Christus) đến coi xứ, ngài có gì để giáng phúc thi ân? Có. Ngoài ơn Bí tích, đó chính là niềm vui, sự bình an ngài đem về cho giáo xứ. Ta cứ nhẫm lại xem, các linh mục đi qua trong đời mình, khi các ngài đến làm nhiệm vụ quản xứ. Trong số các vị ấy, bản thân ta cũng như những người giáo dân trong xứ trãi nghiệm, vị đem bình an và niềm vui vẫn là hơn hết. Thật ra, đem bình an và niềm vui về cho giáo xứ không ngoài tầm tay của người linh mục, vì các ngài có ưu thế là chưa thể hiện mình đã được quí trọng, kính yêu. Các linh mục luôn được đón nhận nên một nụ cười, một cử chỉ thân thương dù nhỏ vẫn có tác động lớn. Thằng cu Tí mừng rỡ chạy vội về nhà khoe với mẹ, chỉ vì cha xứ gặp nó trên đường gọi tên. Bà cụ nâng niu tấm ảnh Đức Mẹ, đem khoe cả xóm, vì đích thân cha xứ đến nhà thăm cho bà. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, ngày Ngài đăng quang, tại quảng trường thánh Phêrô trước khi chia tay đoàn người đông đảo từ khắp nơi đổ về, Ngài nhắn nhủ những người cha, người mẹ tối về nhà nhớ hôn con nhỏ của mình và nói với chúng đó là nụ hôn của Giáo Hoàng. Chỉ vậy thôi, nhưng sáng hôm sau tất cả các tờ báo đều chạy tít lớn, xôn xao bàn luận, thế giới ngạc nhiên thích thú… Dường như điểm sáng nơi người của Chúa bao giờ cũng sáng hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Giáo Hội không là nơi trú ngụ của những con người buồn phiền, Giáo Hội là nhà của niềm vui.” Vậy chiếu toả niềm tin bằng chứng từ niềm vui cần biết bao để xây dựng giáo xứ vui tươi, bình an sống động. Chỉ tội thực tế không là lý thuyết, cuộc sống nhiều gía trị lắm khi muốn có điều này đành phải mất điều kia. Ta vẫn thường quan tâm đến trật tự, nề nếp, đúng luật, đó là chọn lựa ưu tiên. Kinh nghiệm cho thấy đôi lúc đạt được những điều đó, rất đẹp mắt nhưng cuộc sống giữa “cha – con” lại quá nặng nề. Phải chăng ta bằng lòng vì nghĩ linh mục cử hành Bí tích, Chúa đến với dân, chính là linh mục đã “thi ân giáng phúc”, bây giờ không còn “cho”, chỉ còn “luật”?! Tuy nhiên, nhìn kỹ cách Chúa làm thì thấy: Chúa không cứu độ bằng cách từ trời thả dây cho con người nắm lấy leo lên, mà Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người để trong chốn thế gian, Ngài đưa con người về Thiên giới. Như thế, cách Chúa làm là từ tự nhiên đến siêu nhiên. Trước khi gọi bốn môn đệ đầu tiên theo Chúa, Chúa cho các ông thấy mẻ cá lạ lùng (x. Lc 5,1-11); trước khi lên núi giảng các mối phúc và những điều phải làm hay phải bỏ (x. Mt 5 – 7), thì Ngài đã “chữa hết các tật nguyền bệnh hoạn của dân” (Mt 4,23); trước khi bước lên thập giá, Chúa cho các môn đệ thân tín thấy Chúa biến hình và nghe rõ tiếng Chúa Cha (x Lc 9,28-36); trước khi sai môn đệ đi rao giảng Tin mừng Phục sinh, Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài (x. Ga 20,20). Từ tự nhiên đến siêu nhiên, ta không có bạc vàng, chức tước để cho nhưng niềm vui sự bình an cho cộng đoàn là vốn ta luôn có thể…….

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho con “cần phải nổ lực để giữ gìn trong tâm hồn các tín hữu niềm vui và niềm tự hào thánh thiện phát xuất từ tư cách là thành viên của Hội Thánh.”

Xin cho con luôn nhớ, “không có niềm vui và niềm tự hào này, ở một bình diện tâm lý, thì khó mà giữ gìn phát triển đời sống đức tin...”

Và lạy Chúa của con, xin cho con có: chứng từ niềm vui./.


Giáo Xứ Lý Sơn, ngày 03 tháng 12 năm 2014
Lễ Thánh Phanxicô Xavie
Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt