Anton Pavlovich Chekhov, người Nga (29 tháng 1 năm 1860 - 15 tháng 7 năm 1904), là một là bác sĩ và cũng là một trong những nhà văn vĩ đại nhất trong lịch sử truyện ngắn cuả thế giới.

Câu chuyện 'Muà Giáng Sinh (At Christmas Time),' viết năm 1900, là chuyện ngắn cuối cùng cuả Chekhov, 3 năm trước khi ông qua đời.

Câu chuyện có hai phần, phần nhất kể về một bà già mù chữ thuê một người địa phương viết thư chúc mừng Giáng sinh cho cô con gái đi lấy chồng xa, bà chỉ chủ động phần đầu cuả bức thư, phần sau, người viết tự ý vẽ hươu vẽ vượn theo ý riêng. Trong phần thứ hai, thư đến tay người con gái, đang sống một cuộc sống khác xa với những gì cô ước mơ, cô cũng chỉ đọc được có phần đầu, rồi, tràn đầy nước mắt, miên man suy tư về quê nhà theo ký ức.

Dù câu chuyện không tươi mát như những câu chuyện truyền thống về Giáng sinh khác, 'At Christmas Time' của Chekhov đã làm say đắm độc giả và được công nhận là một câu chuyện Giáng sinh cổ điển vì làm thức tỉnh lòng thương xót cuả con người. Chỉ trong vài trang giấy , ông thành công trong việc mô tả 6 nhân vật khác nhau sống trong 6 tình huống dị biệt cuả xã hội Nga lúc bấy giờ.

Giống như chuyện 'Con bé bán diêm quẹt' cuả Andersen, chuyện 'At Christmas Time' lột trần một góc cạnh đen tối cuả xã hội Nga, mô tả thân phận những người phụ nữ quê muà, phải sống trong vòng kềm kẹp cuả chế độ 'chồng chúa vợ tôi', chiụ cảnh thờ ơ, lạm dụng, không lối thoát. Chỉ biết đau khổ âm thầm trong cảnh cô đơn.

Đọc Chekhov và Andersen, chúng ta thấy rõ là lúc bấy giờ các xã hội phương Tây nói chung có đầy dẫy những bất công giống nhau. Nhưng sự cải tiến đã phần nào tuỳ thuộc vào căn tính văn hoá cuả từng dân tộc.

Khác với những nước Tây Âu, nước Nga chọn một con đường cách mạng gấp rút, đắt đỏ về sinh mạng.

Nhưng hình như cả hai bên, Đông và Tây, vẫn chưa xây dựng được cái căn tính đích thực cho xã hội, đó là tinh thần tôn trọng sự sống và nhân phẩm cuả con người, dù người đó là giầu sang hay nghèo hèn, quan quyền hay nô dịch, trí thức hay lao công, chưa sinh ra hay đã về già...Đó mới thực sự là thông điệp cuả biến cố Giáng Sinh.


Muà Giáng Sinh (At Christmas Time) – Anton Chekhov


I
"Bà muốn viết gì?" Tên Yegor vừa hỏi vừa quậy cây bút vào bình mực.

Bà Vasilissa đã không gặp cô con gái từ bốn năm nay. Cô Efimia đã dọn đi St. Petersburg với chồng ngay sau đám cưới, đã từng gửi hai bức thư về nhà, rồi sau đó thì biệt tăm như thể bị đất lấp mất, không một lời hay một chữ trối lại. Vì vậy, bây giờ, dù là có vắt sữa bò trong lúc rạng đông, hoặc mồi lửa ở dưới bếp, hoặc ngủ gà ngủ gật khi trời còn nhá nhem tối, thì lúc nào bà mẹ già cũng lo lắng có một điều duy nhất: "Con Efimia thế nào rồi, sống có khỏe không?" Bà muốn gửi cho cô con gái một lá thư, nhưng mà người cha già thì không biết viết, và không có một người quen nào có thể nhờ vả được.

Nhưng bây giờ thì Giáng sinh đến, và bà Vasilissa không thể chịu được nữa. Bà đi đến quán rượu để gặp tên Yegor, anh vợ của chủ quán, mà suốt ngày chỉ ngồi im lìm bên quầy rượu, chẳng làm gì cả kể từ khi anh ta trở về sau khi thi hành nghĩa vụ quân sự, nhưng mọi người đều nói rằng anh ta mà viết thư thì tuyệt, nếu có ai chịu chi đủ cho anh ta. Bà Vasilissa đã nói chuyện với các đầu bếp tại quán rượu, với vợ của chủ quán, và cuối cùng với chính tên Yegor, cuối cùng họ đồng ý về giá cả là mười lăm copecks.

Do thế, bây giờ, vào ngày thứ hai của lễ Giáng sinh, Yegor ngồi trên một chiếc bàn ở dưới bếp quán trọ với một cây bút trong tay. Bà Vasilissa đứng trước mặt anh, suy nghĩ miên man, với một khuôn mặt lo âu. Ông chồng, Peter, già gầy cao và hói, tóc nâu, cũng đi theo. Ông nhìn lơ ngơ trước mặt như là một người mù; một chảo thịt lợn đang chiên trên bếp, nóng bỏng và sùi bọt, và dường như lêu lên rằng: "Suỵt, Suỵt, Suỵt" nước sôi nước sôi.

"Bà muốn viết gì?" Yegor hỏi một lần nữa.

"Viết gì?" bà Vasilissa hỏi ngược lại, nhìn anh ta cách giận dữ và nghi ngờ. "Đừng hối tôi! Anh viết thư lấy tiền mà, có làm phước đâu! Bây giờ thì, bắt đầu đi. Gửi cho con rể yêu quý, anh Andrei Khrisanfltch, và con gái cưng duy nhất Efimia, bố mẹ thân gửi lời chào và mọi sự thương mến, và chúc phước lành vĩnh cửu của cha mẹ cho chúng con. "

"Khá đấy, bắn nữa đi!" (tên Yegor nói).

"Chúng tôi muốn chúc cho chúng nó một muà Giáng sinh vui vẻ. Chúng tôi vẫn khoẻ và tốt, và chúng tôi mong chúng cũng được như vậy nhân danh Thiên Chúa, Cha chúng ta ở trên trời --Cha chúng ta ở trên trời --"

Bà Vasilissa dừng lại suy nghĩ, và trao đổi ánh mắt với ông chồng.

"Bố mẹ mong các con cũng được như vậy nhân danh Thiên Chúa, Cha chúng ta ở trên trời --" bà lặp lại và bật khóc.

Bà chỉ nói được có thế. Dù rằng, bà đã suy nghĩ rất nhiều, sau nhiều đêm thao thức, cho dù mười lá thư cũng không thể chất chứa tất cả các điều bà muốn nói. Sông nước đã chảy ra biển nhiều biết bao nhiêu từ khi đưá con gái biến mất cùng với thằng chồng, để lại lũ già cả cô đơn như một đám mồ côi, chỉ biết thở dài buồn bã qua đêm, giống như thể đã phải chôn mất đứa con vậy. Bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong làng theo năm tháng! Bao nhiêu người đã kết hôn, bao nhiêu người đã chết! Mùa đông dài như thế nào, và đêm cũng dài là bao nhiêu!

"Trời đất ơi, sao mà nóng thế!" tên Yegor vừa kêu vừa mở nút áo ghi lê ra. "Nhiệt độ phải là bảy mươi! Vâng, rồi gì nữa?" nó hỏi.

Cả hai vợ chồng già không ai có gì để nói.

"Con rể các người làm nghề gì?"

"Anh ấy từng đi lính, anh bạn ạ, anh biết mà," ông già trả lời bằng một giọng yếu ớt. "Anh ấy nhập ngũ cùng một lượt với anh. Anh ấy từng là lính, nhưng bây giờ đang làm ở bệnh viện, chỗ các bác sĩ dùng nước để chữa bệnh. Anh ta là người gác cửa ở đó."

"Xin anh coi lá thư này," bà già nói, và lấy một lá thư ra khỏi chiếc khăn tay. "Chúng tôi nhận được từ Efimia lâu lắm rồi. Chẳng biết nó còn sống hay đã chết."

Yegor suy nghĩ một hồi lâu, rồi bắt đầu viết thật nhanh.

"Số phận đã đưa anh vào nghiệp lính," anh ta viết, "vì vậy chúng tôi khuyên anh nên coi lại những văn bản nói về kỷ luật và hình phạt của bộ quốc phòng, để hiểu rõ những quy tắc hành sử văn minh cuả các thành viên trong quân ngũ."

Viết thế rồi, anh ta đọc lớn tiếng trong khi bà Vasilissa vẫn miên man suy nghĩ phải nói như thế nào cho cô con gái về nạn đói năm ngoái, và thậm chí hũ bột của họ đã không còn đủ cho đến Giáng sinh, vì vậy họ đã phải bán con bò đi rồi; ông già thì thường lên cơn bệnh, và chắc sẽ phải phó linh hồn trong tay Chúa sớm; rằng họ cần tiền - nhưng bà phải đưa tất cả những điều này ra thành lời lẽ như thế nào nhỉ? Bà nên nói cái gì trước và cái gì sau?

"Hãy chú ý vào chương thứ năm của định nghĩa quân sự," Yegor tiếp tục viết. "Danh xưng Lính là một tên gọi chung, một từ ngữ đặc biệt. Từ vị chỉ huy trưởng của một sư đoàn cho tới anh lính bộ binh hạng bét đều được gọi là lính như nhau --"

Đôi môi của ông già di chuyển và nói bằng một giọng thấp:

"Tôi muốn được thấy đứa cháu nhỏ của tôi!"

"Cháu nào?" bà già cáu kỉnh hỏi. "Chắc chẳng có đứa nào."

"Chẳng có đứa nào? Biết đâu đấy! Ai biết được?"

"Và từ đó anh có thể suy ra," Yegor viết tiếp, vội vã , "ai là bạn nội bộ, và ai là kẻ thù bên ngoài. Kẻ thù nội bộ lớn nhất của chúng ta là tên Bacehus--"

Cây bút viết nghệch ngoạc tạo nên tiếng sột soạt, và vẽ những đường nét dài, hoặc cong vút như lưỡi câu trên mảnh giấy. Tên Yegor viết nhanh hết tốc độ và gạch đít mỗi câu hai hoặc ba lần. Hắn ngồi trên ghế, hai chân xạng ra dưới bàn, là một tên béo phì, một con vật đầy sinh lực với một cái gáy đỏ cuồn cuộn và một khuôn mặt của một con chó bun. Hắn là hiện thân của những gì là kệch cỡm, kiêu ngạo, thô tục, và tự hào vì đã được sinh ra và lớn lên trong một quán nhậu, và bà Vasilissa cũng thừa biết tính chất thô tục cuả hắn như thế nào rồi, nhưng không thể dùng từ ngữ nào để diễn tả nó, nên chỉ có thể lườm hắn một cách giận dữ và nghi ngờ. Bà cảm thấy choáng váng vì giọng nói và những lời không thể hiểu được cuả hắn, và cũng vì cái nóng ngột ngạt của căn phòng, và tâm trí của bà trở nên lẫn lộn. Bà không thể suy nghĩ và cũng không thể nói được chuyện gì, và chỉ có thể đứng và chờ đợi cho cái bút của Yegor ngừng gãi. Nhưng ông già thì nhìn vào nhà văn với một ánh mắt tự tin vô biên. Ông tin tưởng vào bà vợ già của ông đã đưa ông vào đây, ông tin cậy tên Yegor, và, vừa rồi khi ông nói về chuyện nhà thương trị bệnh bằng nước, khuôn mặt của ông cho thấy rằng ông tin cậy vào nhà thương, và vào khả năng chữa lành của nước ở đó.

Khi bức thư viết xong, Yegor đứng dậy và đọc to từ đầu đến cuối. Ông già không hiểu một từ nào, nhưng ông gật đầu tin cậy, và nói:

"Rất tốt. Nghe rất trôi chảy. Cảm ơn anh thật tử tế, thật là rất tốt."

Họ đặt ba tờ giấy năm đồng trên bàn và đi ra. Ông già vừa bước vừa nhìn thẳng về phía trước như một người mù, ánh mắt tỏ rõ một sự tự tin tuyệt đối, nhưng bà Vasilissa, khi rời quán rượu, đã đá vào một con chó nằm bên đường và càu nhàu một cách giận dữ:

"Hừ - đám ôn dịch!"

Suốt đêm đó, bà nằm thao thức, đầu óc đầy những suy nghĩ bồn chồn, và lúc bình minh, bà đứng dậy, đọc kinh cầu nguyện, rồi đi bộ mười dặm tới trạm bưu điện để gửi thư.



II
Văn phòng chữa bệnh bằng nước cuả bác sĩ Moselweiser mở cửa vào ngày đầu năm như bình thường; sự khác biệt duy nhất là anh Andrei Khrisaufitch, nhân viên giữ cửa, đi đôi giày sáng bóng một cách bất thường và mặc một bộ đồng phục có gắn nhiều nút vàng mới, và anh chúc mừng từng người khách hàng một năm mới hạnh phúc.

Lúc đó là buổi sáng. Andrei đứng ở cửa đọc báo. Đúng vào 10:00g một vị tướng già đến, ông là một trong những khách thường xuyên. Ngay sau là anh phát thư. Andrei nhận chiếc áo choàng của ông tướng, và nói:

"Chúc Ngài một năm mới hạnh phúc, thưa Ngài!"

"Cảm ơn, anh bạn, cũng chúc anh như thế!"

Và khi ông tướng bước lên cầu thang, ông hất đầu về phía một cánh cửa đóng kín và hỏi, như ông đã làm mỗi ngày, nhưng luôn luôn quên mất câu trả lời:

"Và cái gì ở trong đó hả?"

"Một phòng để đấm bóp, thưa Ngài."

Khi bước chân của vị tướng đã im tiếng, Andrei nhìn qua những bức thư và thấy một địa chỉ đề tên anh. Anh mở thư, đọc vài dòng, và sau đó, vẫn nhìn vào tờ báo, ung dung bước về phía căn phòng nhỏ ở cuối hành lang dưới cầu thang, nơi anh và gia đình sống. Cô vợ Efimia cuả anh đang ngồi trên giường đút cơm cho một đứa con gái, một thằng anh lớn hơn đứng dựa vào đầu gối cuả mẹ, kê cái đầu tóc xoăn vào lòng, và đứa thứ ba đang nằm ngủ trên giường.

Andrei bước vào căn phòng nhỏ và đưa lá thư cho người vợ, nói:

"Chắc là thư từ làng gởi tới."

Rồi anh ta đi ra ngoài, mắt vẫn không rời tờ báo, và dừng lại ở một lối gần cửa. Anh nghe Efimia đọc những dòng đầu tiên với một giọng run run. Cô ta có thể đọc thêm, nhưng tới đó thì đã đủ. Nước mắt trào ra và cô ta vòng tay ôm đứa con trai lớn và bắt đầu vừa nói với nó vừa hôn nó khắp mặt. Thật khó mà biết được cô ta đang cười hay đang khóc.


"Đây là cuả bà ngoại và ông ngoại," cô khóc-- "từ ở làng - o, lạy Nữ Vương Thiên Đàng-!!! O, trời đất hỡi, các mái nhà ở đấy đang chất đầy tuyết - và các cây đều phủ màu trắng, o, ! trắng toát một màu. Mấy đứa con nít đang đi ra ngoài chơi xe trợt tuyết - và ông ngoại yêu quí, với cái đầu hói thân yêu đang ngồi bên chiếc lò sưởi ngày xưa với con chó nhỏ màu nâu - oh, con chó cưng của tôi "

Andrei vừa nghe vừa nhớ lại rằng cô vợ đã đưa cho anh ta ba hoặc bốn bức thư trong những thời điểm khác nhau, và yêu cầu anh gửi về nhà, nhưng những công việc quan trọng đã luôn luôn cản trở anh, và các bức thư vẫn nằm ở đâu đó không được gửi đi.

"Và bây giờ những con thỏ trắng nhỏ đang nhẩy nhót trong những cánh đồng tuyết--" Efimia nức nở khóc, ôm lấy thằng bé, nước mắt tuôn giòng. "ông ngoại thân yêu sao mà hiền lành thế, và bà ngoại sao mà tử tế và đầy lòng thương xót thế. Dân làng lúc nào cũng có tình, hiền hoà và ấm áp -- Có một nhà thờ nhỏ ở làng, và có những đứa con trai hát trong ca đoàn. Oh, xin cứu chúng con ra khỏi nơi đây, lạy Nữ Vương Thiên Đàng! xin cầu bầu cho chúng con, xin Mẹ thương xót! "

Andrei trở về phòng để hút thuốc trước khi có bệnh nhân kế tiếp, và Efimia đột nhiên ngồi thẳng dậy và lau nước mắt; chỉ có đôi môi vẫn còn run rẩy. Cô sợ anh ta, ô, rất sợ! Cô run rẩy và rùng mình trước mỗi cái nhìn và mỗi bước chân của anh, và không bao giờ dám mở miệng khi anh ta có mặt.

Andrei châm một điếu thuốc, nhưng ngay lúc đó có một tiếng chuông reo lên phiá cầu thang. Anh dụi điếu thuốc, và sửa dáng cho thật là long trọng, vội vã đi ra cửa trước.

Ông tướng già, hồng hào và tươi mát sau khi tắm xong, đang bước xuống cầu thang.

"Và cái gì ở trong đó hả?" ông hỏi, chỉ vào một cánh cửa đóng kín.

Andrei đứng thẳng người trong thế nghiêm, và trả lời bằng một giọng nói to:

"Phòng bông sen nước nóng, thưa Ngài."