Ngày 1/1 là ngày hòa bình thế giới, theo sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào năm 1968. Đã gần 50 năm qua đi, hòa bình vẫn chỉ là ước mơ ở một số nơi trên thế giới.

Con người đầu tiên đã phá vỡ kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, gieo rắc bất an và căm hờn vào trong vũ trụ này. Khi Thiên Chúa ban Đấng Cứu độ để ban ơn bình an cho loài người, thì một phần nhân loại hân hoan đón nhận phúc lành bình an ấy.

Tiếc thay, có những con người vẫn theo đuổi giấc mơ gieo rắc căm hờn, thù hận và đau thương cho đồng loại. Lý giải cho thái độ rất vô nhân ấy, nhiều người cho rằng có lẽ những kẻ gieo rắc cái ác tìm thấy niềm vui bệnh hoạn khi nhân loại bất hòa. Thế nhưng niềm vui ghê sợ ấy bắt nguồn từ đâu?

Từ ngày chúng tôi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, ngày nào cũng nghe những “người thầy” một số môn ca ngợi bạo lực, tuyên truyền “phân biệt rõ bạn và thù”, đến nỗi một số bạn bè tôi đến tận bây giờ vẫn còn mở miệng ra là nói đến “bạn và thù”.

Ma quỉ đã thất bại cay đắng khi Đấng Cứu Độ giang tay trên Thánh Giá làm giá chuộc nhân loại. Dĩ nhiên ma quỷ đã run rẩy từ ngày Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu chuộc.

Nhưng mưu chước con rắn xưa vẫn ghê gớm hơn sức tưởng tượng của con người. Nó chui vào tâm trí một số kẻ ganh tị với đồng loại, làm cho những kẻ này đứng lên hô hào bạo lực. Mà kỳ lạ thay, con người vốn thích nghe xúi giục bạo lực hơn là nghe mời gọi yêu thương.

Những “vần thơ” như “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ; Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong” của Tố Hữu đã một thời khiến lòng nhiều người hừng hực hờn căm.

Trong một thế gian quá nhiều bất công và bạo lực, Lời Chúa vang lên nhẹ nhàng mà lay động lòng người: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Bình an ấy được ban xuống như mưa sa “trên người lành kẻ dữ”, nhưng tiếc thay có những tâm hồn chai đá vẫn muốn khép lại, tiếp tục gieo căm hờn.

Từ năm 1968 đến nay, trải qua năm triều đại Giáo Hoàng, bốn mươi mấy chủ đề giá trị đã được nêu lên để kêu gọi long người mở ra đón nhận bình an. Các chủ đề ấy xoay quanh những giá trị cao quý mà Học Thuyết Xã Hội Công Giáo nhắc đến.

Trong triều đại Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, những chủ đề được ngài đưa ra là: nhân quyền, hòa giải, huynh đệ, công lý, bảo vệ sự sống, lên án bạo lực. Đến triều đại Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các chủ đề là giáo dục hòa bình, chân lý, tự do, đối thoại, quả tim mới, tuổi trẻ, tự do tôn giáo, người nghèo, gia đình, phụ nữ, tha thứ, dấn thân, sự thiện v.v… Đức Benedictô XVI thì nhấn mạnh sự thật, nhân vị, bài trừ nghèo đói, môi trường, tự do tôn giáo, giáo dục, kiến tạo hòa bình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn chủ đề tình huynh đệ cho ngày hòa bình năm 2014 và trong sứ điệp ngày Hòa Bình năm nay 2015, ngài cũng nhắc lại: “Không còn nô lệ nữa, nhưng chỉ còn tình huynh đệ với nhau”.

Những chủ đề cao quý ấy quá xa lạ với nền giáo dục ở xã hội này. Do đó người ta không lấy làm lạ khi bạo lực ngày càng đáng báo động, từ đường phố, thôn xóm, vào đến học đường là nơi theo truyền thống dân tộc là không có bạo lực.

Có một số người ngây thơ bảo rằng “xã hội bây giờ bình an quá; hòa bình đang ở ngay đây mà.” Nói như thế là chưa hiểu ý nghĩa hai từ “hòa bình”. Giáo huấn Xã Hội Công Giáo dạy rõ ràng: “Hòa bình không phải là vắng bóng chiến tranh”.

Chúng ta hãy đọc lại chương XI bản tóm lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (công trình do chính Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận), với lời minh định ở số 489: “Theo mạc khải Thánh Kinh, hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh; hoà bình nói lên cuộc sống sung mãn (x. Mch 2,5). Thay vì là công lao của bàn tay con người, hoà bình là một trong những ân huệ cao cả nhất mà Chúa ban cho mọi người, nam cũng như nữ, và vì thế, nó đòi chúng ta phải tùng phục kế hoạch của Thiên Chúa. Hoà bình là kết quả của phúc lành Chúa ban cho dân Ngài: “Đức Chúa đoái nhìn đến các ngươi và ban cho các ngươi sự bình an” (Ds 6,26). Hoà bình sẽ mang lại sự sung túc (x. Is 48,19), an vui (x. Is 48,18), thịnh vượng (x. Is 54,13), hết lo sợ (x. Lv 26,6) và niềm vui sâu xa (x. Tv 12,20)”.

Thiết tưởng không cần diễn giải hay chú thích thêm đoạn văn đầy ý nghĩa ấy.

Nhìn lại một năm qua với những bất an về mọi mặt, từ những xâm phạm con người, tài sản cho đến những cái chết tức tưởi ở mọi lãnh vực và nhiều nơi, người ta tự hỏi hòa bình đang ở nơi đâu, và phải chăng lúc con người đang cố loại trừ Thiên Chúa là chính lúc họ vung gươm chém nhau một cách không nhân nhượng?

Để kiến tạo hòa bình, chỉ có một cách là trả lại cho con người quyền được nhìn nhận và tôn thờ Đấng đã yêu thương tác thành nên con người và ban cho họ nền hòa bình chân chính. Đễ kiến tạo hòa bình, con người cần lắng nghe những người ủng hộ hòa bình, chứ không lắng nghe những người gây chiến.

Lời chúc một năm mới bình an sẽ thật ý nghĩa khi con người nỗ lực đi tìm và xây dựng bình an cho nhau. Gây hấn, gieo rắc bạo lực cuối cùng cũng chẳng được gì ngoải lòng căm hờn cứ chồng chất mãi.

Kính chúc mọi người một năm mới vui hưởng nền hòa bình chân chính từ nơi Hoàng Tử Bình An. Chính Người, khi thiết lập vương quốc vĩnh cửu của Cha Người, thì cũng làm cho những ai đón nhận Vương Quốc ấy cảm nếm tiền vị của Vương Quốc ngay khi họ còn trên thế gian này.