Ngay khi người ta còn chưa hết bỡ ngỡ về sự thành công chớp nhoáng cuả Toà Thánh trong việc làm trung gian hoà giải giữa Hoa Kỳ và Cuba, người ta bắt đầu đặt câu hỏi liệu đang có một khai phá mới nào trong quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Thổ Nhĩ Kỳ, mà Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ cho các vấn đề Trung Đông, và xa hơn nữa là những vấn đề cuả thế giới Hồi Giáo?

Trong khi báo chí trên thế giới đều đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ cho phép xây một nhà thờ sau 90 năm cấm đoán, coi đó là một đột phá cuả chính sách nội trị cuả một chính quyền 'thiên' Hồi Giáo tại quốc gia Hồi Giáo mạnh nhất này, tờ Times of Isreal cuả Do Thái đã kết nối bản tin với sự việc ĐGH viếng thăm quốc gia này vào cuối tháng 11 vừa qua. Tờ báo viết "Quyết định này xảy ra 1 tháng sau khi ĐGH cảnh báo về nạn 'Kỳ Thị Kitô Giáo' (‘Christianophobia’) tại Trung Đông và kết án những người Hồi Giáo cuồng tín "săn lùng" người Kitô hữu nhân dịp viếng thăm quốc gia này"

Việc cho phép cho xây một nhà thờ tự nó đã là một biến cố quan trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta biết rằng nước này, khi còn là đế quốc Ottoman, đã có một dân số Kitô hữu đông đảo, đế đô Istanbul trước Thế Chiến thứ Nhất có một đa số Kitô hữu. Thế mà sau khi đế quốc xụp đổ mở màn cho một gian đoạn nhũng nhiễu kéo dài, những hành động 'diệt Kitô giáo' lộ liễu đã xảy ra, nhiều nhóm bị tàn sát và dân Armenia bị diệt chủng, nhiều cơ sở tôn giáo bị cưỡng đoạt hoặc bị cấm hoạt động. Ngày nay số Kitô hữu chỉ còn khoảng 100 ngàn người trong tổng số 76 triệu người Hồi Giáo (dưới 1 phần trăm.)

Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những nỗ lực để xin gia nhập vào Liên Minh Châu Âu, cho nên Ankara đã phải nới rộng quyền lợi của các nhóm thiểu số và trả lại một số tài sản tịch thu cũng như cho phục hồi một số nhà thờ, tu viện và giáo đường.


Thông báo cho phép xây nhà thờ được đưa ra sau khi Thủ tướng Ahmet Davutoglu gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo của Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul hôm thứ sáu, và ông tuyên bố rằng không một tôn giáo nào đã từng tồn tại ở nước này có thể bị coi là một tôn giáo ngoại lai.

Một nguồn tin cuả chính phủ cho biết "Đây là lần đầu tiên một nhà thờ mới được phép xây cất kể từ khi nước cộng hòa ra đời (năm 1923)."

"Nhiều nhà thờ đã được khôi phục và mở cửa trở lại cho công chúng, nhưng không có nhà thờ mới nào được xây cho đến bây giờ," nguồn tin giấu tên nói thêm.

Thủ tướng Ahmet Davutoglu khẳng định rằng đảng AK cuả ông "không phân biệt đối xử giữa các công dân của chúng tôi... các nguyên tắc bình đẳng giữa mọi công dân tiếp tục là đặc trưng của đảng chúng tôi."

Và tuy không nêu lên ảnh hưởng cuả ĐGH trong việc cho phép xây nhà thờ, nhưng có vẻ như để 'đối trọng' cho những lời cảnh báo trước đây cuả ĐGH về tình trạng thê thảm cuả dân Kitô Giáo ở Thổ Nhỉ Kỳ và ở các nước Hồi Giáo, ông Thủ Tướng lên án các cuộc tấn công vào các đền thờ Hồi Giáo xẩy ra gần đây ở châu Âu và kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo, "cùng nhau nói lên sự chống đối"

Ngôi nhà thờ được phép xây dựng là một nhà thờ cho cộng đồng nhỏ bé cuả người Syria sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ được xây ở ngoại ô Yesilkoy của Istanbul, vùng bờ biển Marmara. Nơi đây hiện đã có nhiều nhà thờ Kitô giáo như Chính Thống Hy Lạp, Công Giáo và Armenia.

Nhóm thiểu số Syria ở đây, với dân số tí hon khoảng 20.000 người, trực thuộc vào hai giáo phái chính là Chính Thống Giáo và Công Giáo.

Nhưng số dân của nhóm này đã bùng nổ lớn lên trong những năm gần đây khi nhiều ngàn người tị nạn từ Syria tìm cách trốn chạy khỏi những cuộc chiến tranh ở Iraq và Syria.

Những người theo nghi lễ Syriac này thuộc về những nhóm Kitô giáo đã có từ lâu đời nhất, họ vẫn sử dụng các kinh lễ bằng tiếng Aramaic, là ngôn ngữ của Chúa Giêsu.

Ngôi nhà thờ mới ở Istanbul sẽ được xây trên một mảnh đất do hội đồng địa phương biếu tặng và chi phí do quĩ cuả cộng đồng Syria.