Đức Thánh Cha Phanxicô cả quyết rằng chỉ có Thánh Thần mới có sức mạnh mở lòng chúng ta ra đối với Thiên Chúa và tình yêu của Ngài chứ không phải hàng ngàn các phương pháp linh đạo, các bài yoga hay các khóa học về thiền định.

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Sáu, 09 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài dựa trên bài Tin Mừng trong ngày kể lại việc các tông đồ khiếp sợ khi thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển. Đức Thánh Cha giải thích rằng lý do khiến các ngài khiếp sợ là vì lòng họ đã ra chai đá.

Trong các bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến một tình trạng tâm lý gọi là “Narcissism” – có thể dịch là “sự tự kiêu”. Trong thần thoại Hy Lạp, Narcissus là một chàng trai trẻ ngày ngày soi mình trong dòng nước cho tới chết vì anh ta quá yêu chính cái hình ảnh phản chiếu của mình đến mức tương tư muốn kết hôn với nó. Sigmund Freud là người đầu tiên dùng từ “Narcissism” để chỉ tình trạng tâm lý trong đó một người gặp khó khăn trong quan hệ xã hội với những người khác vì họ tự đóng kín vào chính mình, coi mình là gương soi, là gương mẫu, xem cái gì thuộc về mình là tiêu chuẩn, còn những cái thuộc về người khác chỉ là thứ yếu, không được bằng mình.

Những con người “soi gương” và những kẻ tự kiêu về tôn giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng trái tim con người ra chai đá vì nhiều lý do, chẳng hạn như vì người đó đã phải qua những kinh nghiệm đau thương trong cuộc đời. Nhưng ngài nói tiếp rằng còn một lý do khác nữa khiến con tim ra chai cứng, đó là vì người đó đã khép kín lòng mình.

“Tạo ra một thế giới khép kín trên chính mình, tất cả khép kín. Khép kín trên chính mình, khép kín trong cộng đoàn, giáo xứ. Và sự khép kín này có thể xoay quanh nhiều thứ. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy đó chính là lòng tự kiêu, tự hài lòng, cho mình hơn người khác, và sự phù phiếm nữa, có phải vậy không anh chị em?

Có những con người ‘soi gương’ (đó là những người kết hôn với hình ảnh của mình trong gương), những người đang khép kín trên bản thân mình và chỉ nhìn thấy mình, phải không? Đó là những tín hữu tự kiêu, phải không? Tâm hồn họ nên chai đá vì họ đang khép kín trên chính mình, họ không mở ra với tha nhân. Và họ tìm cách tự bảo vệ mình với những bức tường mà họ dựng nên xung quanh họ.”

Những con tim khô cứng vì bất an và sợ hãi

Đức Thánh Cha nói rằng con tim con người có thể chai cứng vì bất an, chẳng hạn như những người lập rào chắn cho chính mình bằng những luật lệ và quy tắc, như thể họ đang ở bên trong một nhà tù, để cảm thấy an toàn hơn khi tuân giữ từng câu chữ trong những quy định đó.

“Khi con tim ra chai cứng, nó mất tự do vì người đó không có khả năng yêu thương, đó là số phận của của những người mà Thánh Gioan Tông đồ nhắc đến trong bài đọc I.

Tình yêu hoàn hảo xua tan nỗi sợ: trong tình yêu không có sự sợ hãi, chúng ta sợ hãi vì đang lo bị trừng phạt và một người lo sợ thì không có tình yêu hoàn hảo. Người đó không còn là con người tự do. Họ luôn nơm nớp lo sợ rằng có điều gì đó đau đớn hay buồn khổ sẽ ập đến, và như thế cuộc sống của họ trở nên xấu đi hay có khi phương hại cả đến ơn cứu độ đời đời.

Thật quá đỗi kinh khủng nếu một người không thể yêu ai! Một người không có khả năng yêu thương thì không còn là người tự do. Và con tim ra chai cứng vì họ đã không học được cách yêu thương.

Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta tự do và ngoan ngoãn chứ không phải các phương pháp yoga hay các khóa học về thiền định.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của bằng cách nhấn mạnh rằng chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dạy chúng ta cách thức để yêu thương và giải thoát chúng ta khỏi những con tim chai cứng.

“Anh chị em có thể theo học ngàn bài giáo lý, ngàn khóa linh đạo, ngàn phương pháp yoga hay thiền định nhưng chúng không thể cho anh chị em sự tự do của con cái Chúa. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khơi lên trong lòng ta, để ta thưa lên với Thiên Chúa “Abba!”, “Cha ơi!” Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng xua tan, phá vỡ sự chai cứng trong lòng và làm cho nó, thế nào nhỉ … ‘mềm’ ra, phải không? Không, tôi không thích cái từ ấy… ‘ngoan ngoãn’ mới đúng. Ngoan ngoãn với Thiên Chúa. Ngoan ngoãn trong tự do để yêu thương ”