VATICAN. Sáng ngày 30-1-2015, ĐTC Phanxicô tái liên tiếng bày tỏ tình liên đới và kêu gọi cầu nguyện cho các tín hữu Kitô bị bách hại tại Trung Đông, nhất là tại Siria và Irak.

Ngài trình bày lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến 30 thành viên Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương nhóm họp tại Roma trong một tuần qua. ĐTC nói:
”Trong lúc này, chúng ta đặc biệt chia sẻ nỗi kinh hoàng và đau khổ vì những gì xảy ra tại Trung Đông, đặc biệt tại Irak và Siria. Tôi nhớ đến tất cả mọi người dân trong vùng, trong đó có các anh chị em Kitô chúng ta và nhiều nhóm thiểu số, đang phải chịu những hậu quả của cuộc xung đột cam go. Cùng với anh em, tôi cầu nguyện hằng ngày để sớm có một giải pháp thương thuyết, và khẩn cầu lòng từ nhân thương xót của Thiên Chúa đối với những người bị thương tổn vì thảm trạng bao la này.”

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Tất cả các tín hữu Kitô đều được mời gọi cộng tác với nhau trong sự chấp nhận và tín nhiệm nhau để phục vụ chính nghĩa hòa bình và công lý. Ước gì nhờ lời chuyển cầu và tấm gương của nhiều vị tử đạo và các thánh, đã can đảm làm chứng tá cho Chúa Kitô trong tất cả các Giáo Hội chúng ta, nâng đỡ và củng cố anh em cùng với các cộng đoàn của anh em”.

Trước đó trong phần đầu bài diễn văn, ĐTC nhắc đến quá trình hoạt động từ năm 2003 của Ủy ban hỗn hợp đối thoại gồm đại diện của Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất Kitô và các Giáo Hội Chính Thống Đông phương. Trong 10 năm đầu, Ủy ban đã nhìn lại quá khứ và cứu xét sự hiệp thông của các Giáo Hội với nhau trong những thế kỷ đầu tiên, và trong cuộc gặp gỡ lần này, Ủy ban đã nghiên cứu sâu rộng về bạn chất của các bí tích, nhất là bí tích Rửa Tội.

ĐTC nói: ”Tôi cầu mong công việc mà anh em đã khởi sự có thể mang lại thành quả dồi dào cho việc nghiên cứu chung về thần học và giúp chúng ta ngày càng sống tình thân hữu huynh đệ sâu xa hơn”.

Trong Ủy ban hỗn hợp đối thoại thần học này, ngoài Công Giáo còn có đại diện của 7 Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, như Giáo Hội Copte Ai Cập, Giáo Hội Arméni Tông truyền (Arméni, Liban), Giáo Hội Chính Thống Ethiopia, Eritrea, Siro Malankara (Ấn độ).

Ngoài ra cũng có Ủy Ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và 14 Giáo Hội Chính Thống, đông đảo hơn với gần 60 thành viên (SD 30-1-2015)