Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chiều Chúa Nhật 8 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm giáo xứ thánh Micae Tổng lãnh thiên thần ở khu vực Pietralata phía đông bắc Roma. Đây là giáo xứ thứ 8 thuộc giáo phận Roma được ngài viếng thăm trong vòng 2 năm qua.
Trước khi đến giáo xứ chừng 300 mét, Đức Thánh Cha đã bất ngờ yêu cầu xe dừng lại để ngài thăm một khu trại của người du mục, trong đó cũng có những người di dân Phi châu và Mỹ châu la tinh. Mọi người tại đó đều xúc động mạnh vì cử chỉ quan tâm bất ngờ của Đức Thánh Cha. Với các tín hữu Nam Mỹ có mặt tại đây, ngài đã đọc kinh Lạy Cha với họ bằng tiếng Tây Ban Nha và chúc lành cho họ.
Đến giáo xứ lúc gần 4 giờ, Đức Thánh Cha đã lần lượt gặp các bệnh nhân và những người không có gia cư nhất định, được cộng đồng thánh Egidio trợ giúp. Tiếp đến ngài gặp các trẻ em được rửa tội trong 12 tháng qua cùng với cha mẹ các em.
Khi Đức Thánh Cha gặp các thiếu niên và hướng đạo sinh ở sân nhà thờ, các em đã tặng Đức Thánh Cha 5 túi ngủ để ngài tặng lại cho những người vô gia cư sống ở khu vực nhà ga trung ương Termini ở Roma.
Tiếp đến, ngài giải tội cho một số người, trước khi bắt đầu thánh lễ lúc 6 giờ chiều cùng với Đức Hồng Y Giám quản, Đức Cha phụ tá khu vực, và khoảng 8 linh mục khác.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Marco kể lại hoạt động của Chúa Giêsu, ban ngày rao giảng, chiều tối Chúa chữa bệnh cho dân chúng.
Từ đó, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu hãy mang sách Phúc Âm trong người và mỗi ngày đọc một đoạn, suy gẫm để cho chính Chúa Giêsu giảng cho mình.
Ngài cũng mời gọi các tín hữu hãy để cho Chúa Giêsu chữa lành và nói: “Tất cả chúng ta đều có những vết thương, vết thương tinh thần, tội lỗi, hận thù, ghen tương. Có lẽ chúng ta không chào một người nào đó và tự nhủ: 'À, nó đã làm khổ tôi điều này, tôi không thèm chào nó nữa!'. Trong trường hợp như thế, anh chị em hãy cầu nguyện và xin Chúa Giêsu chữa họ. Thật là buồn khi trong một gia đình anh chị em không nói chuyện với nhau vì vì một điều không đâu; ma quỷ lợi dụng những điều không đâu ấy để thổi phòng lên. Rồi những hận thù đố kỵ tiếp tục, nhiều khi kéo dài lâu năm, và phá hủy gia đình ấy. Cha mẹ đau khổ vì con cái không nói với nhau nữa, hoặc con dâu không nói với người khác, và cứ thế, ghen tương, ghen tị tiếp tục kéo dài.. Đó là điều do ma quỷ reo rắc. Vị duy nhất trừ quỷ là Chúa Giêsu. Vì thế tôi nói với mỗi người anh chị em: hãy để cho Chúa Giêsu chữa”.
Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại giáo xứ Thánh Micae Tổng Lãnh Thiên Thần kéo dài 3 tiếng rưỡi đồng hồ. Trước khi lên đường trở về Vatican, Đức Thánh Cha còn đứng cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ đặt cạnh bàn thờ và dâng lên Mẹ bó hoa ngài mới nhận được từ một em bé.
2. Đức Thánh Cha cổ võ tông đồ giáo dân tại thành thị
Đức Thánh Cha cổ võ việc huấn giáo dân để họ có thể dấn thân làm tông đồ trong môi trường thành thị.
Đây là nội dung bài huấn dụ của ngài trong buổi tiếp kiến thứ Bẩy 7 tháng 2, dành cho các Hồng Y, Giám Mục, linh mục và giáo dân tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, tiến hành tại Rôma từ ngày 5 đến 7-2-2015 về chủ đề “Gặp gỡ Thiên Chúa giữa lòng thành thị. Những cảnh loan báo Tin Mừng trong Ngàn năm thứ ba”.
Trong số các tham dự viên có 14 Hồng Y và Giám Mục, cùng với 20 giáo dân nam nữ thành viên của Hội đồng.
Tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha kêu gọi đừng có thái độ bi quan và chủ bại đứng trước tình trạng trong các thành phố người ta sống vội vã và đãng trí, trái lại cần có cái nhìn đức tin về thành thị, một cái nhìn chiêm niệm, “khám phá Thiên Chúa đang ở trong các gia cư, trên các đường phố, nơi các quảng trường” (E. Gaudium 71)... “Nhất là các tín hữu giáo dân được kêu gọi đi ra ngoài mà không sợ sệt, để gặp gỡ con người thành thị, trong các hoạt động thường nhật của họ, trong công việc của họ - cá nhân cũng như gia đình, - cùng với giáo xứ hoặc trong các phong trào Giáo Hội mà họ tham gia.
Trong các môi trường ấy giáo dân có thể phá vỡ bức tường của sự vô danh và dửng dưng, thường thấy trong các thành thị. Vấn đề ở đây là tìm được can đảm, đi bước đầu xích lại gần người khác, để trở thành tông đồ trong khu phố của mình”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Khi trở thành những người hân hoan loan báo Tin Mừng cho đồng bào của mình, các tín hữu giáo dân khám phá rằng có nhiều tâm hồn mà Chúa Thánh Linh đã chuẩn bị đón nhận chứng tá của họ, sự gần gũi và quan tâm của họ. Trong thành thị thường có một môi trường tông đồ rất phong phú, vượt quá mức tưởng tượng của chúng ta. Vì thế, điều quan trọng là chăm sóc việc huấn luyện giáo dân: giáo dục giúp họ có cái nhìn đức tin, đầy hy vọng, biết nhìn thành thị với đôi mắt của Thiên Chúa, khuyến khích họ sống Tin Mừng, vì biết rằng mỗi cuộc sống theo tinh thần Kitô luôn có một ảnh hưởng lớn trong xã hội. Đồng thời cần nuôi dưỡng nơi giáo dân ước muốn làm chứng ta, để có thể trao tặng những người khác trong tình yêu thương hồng ân đức tin đã nhận lãnh, với lòng quí mến tháp tùng những anh chị em đang chập chững trong đời sống đức tin. Nói tóm lại, giáo dân được mời gọi nắm giữ vai chính trong Giáo Hội với tinh thần khiêm tốn và trở thành men đời sống Kitô cho toàn thể thành thị”
3. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 7 tháng 2 dành cho Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, Đức Thánh Cha tố giác nạn bạo hành phụ nữ, đồng thời kêu gọi tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong cộng đoàn Giáo Hội, cũng như trong lãnh vực công cộng.
Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa vừa kết thúc 4 ngày đại hội, từ mùng 4 đến mùng 7 tháng 2 với chủ đề “Các nền văn hóa phụ nữ: bình đẳng và khác biệt”.
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “thân thể phụ nữ nhiều khi bị bạo hành, làm nhục, kể cả từ phía những người lẽ ra phải bảo vệ, giữ gìn và là người đồng hành với phụ nữ trong cuộc sống..”
“Bao nhiêu hình thức nô lệ, coi phụ nữ như món hàng, cắt chặt thân thể phụ nữ, đòi chúng ta phải dấn thân làm việc để đánh bại hình thức hạ giá phụ nữ, biến họ thành đồ vật để bán trên các thị trường khác nhau. Trong bối cảnh này, tôi muốn lưu ý tình trạng đau thương của bao nhiêu phụ nữ nghèo, bó buộc phải sống trong những hoàn cảnh nguy hiểm, bị bóc lột, gạt ra ngoài lề xã hội, và trở thành nạn nhân của nền văn hóa gạt bỏ”.
Đề cập tới một tiểu đề khác trong đại hội là “Phụ nữ và tôn giáo: trốn chạy hay tìm cách tham gia vào đời sống xã hội?, Đức Thánh Cha nói: “Ở đây các tín hữu được gọi hỏi một cách đặc biệt. Tôi xác tín rằng cần cấp thiết cống hiến không gian cho phụ nữ trong đời sống Giáo Hội, đón nhận họ, để ý đến những những sự nhạy cảm đặc thù và thay đổi về văn hóa và xã hội. Vì thế, điều đáng mong ước là một sự hiện diện của phụ nữ sâu rộng và có tính chất quyết định hơn trong các cộng đoàn, đến độ chúng ta có thể thấy nhiều phụ nữ can dự vào các trách nhiệm mục vụ, tháp tùng con người, các gia đình và các nhóm cũng như trong việc suy tư thần học”.
Đức Thánh Cha đề cao vai trò của phụ nữ trong lãnh vực gia đình, chức phận làm mẹ của phụ nữ, và ngài kêu gọi đừng để phụ nữ phải một mình mang gánh nặng gia đình. Ngài cũng cổ võ sự hiện diện hữu hiệu của phụ nữ trong các lãnh vực công cộng, trong thế giới lao động và trong các nơi đề ra những quyết định quan trọng.
4. Dachau, nghĩa trang khổng lồ của các linh mục Công Giáo trên thế giới
Ngày 22 tháng 3 năm 1933, chỉ vài tuần sau khi Hitler trở thành quốc trưởng của nước Đức, một trại tập trung khổng lồ của Đức Quốc Xã đã được hình thành tại Dachau, cách thành phố Munich chỉ có 16km về phía Tây Bắc.
Một cuốn sách vừa cho biết 2,579 linh mục, chủng sinh, và nam tu sĩ Công Giáo đã bị trục xuất từ khắp châu Âu đến trại tập trung này. Trong số đó có 1,034 vị là người Ba Lan và 868 vị đã chết tại đây.
Cuốn La Baraque des prêtres, Dachau, 1938-1945 của Guillaume Zeller cho biết các tù nhân bị đưa đến trại này gồm các linh mục người Đức đã lên tiếng chống lại việc chích thuốc hay các phòng hơi ngạt để giết chết người Do Thái, các linh mục người Ba Lan được coi là một phần của giới tinh hoa của Ba Lan, các linh mục người Pháp chống lại Đức quốc xã, và một giám mục người Pháp đã giúp những người Do Thái.
"Trại Dachau là nghĩa trang lớn nhất của các linh mục Công Giáo trên thế giới," Zeller cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Figaro. Ông cho biết trong thời gian bị giam giữ các linh mục "vẫn duy trì lòng nhân bản của mình", họ cử hành các bí tích, hỗ trợ người bệnh, và bí mật đào tạo thần học và phong chức linh mục.
141 linh mục Chính Thống Giáo và các mục sư Tin Lành cũng đã bị giam tại Dachau.
5. Đức Thánh Cha cảnh giác các Giám Mục Phi Châu về nguy cơ của các hình thức thực dân mới
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảnh báo các giám mục châu Phi chống lại các hình thức “thực dân” mới và vô luân như theo đuổi thành công, giàu có, quyền lực bằng mọi giá; đồng thời ngài cũng cảnh báo về sự gia tăng các trào lưu tôn giáo cực đoan xuyên tạc và lèo lái tôn giáo, và những hệ tư tưởng mới đang phá huỷ bản sắc cá nhân và gia đình.
Ngài đã phát biểu như trên với đại diện của Hội Đồng Giám Mục Phi Châu và Madagascar, gọi tắt là SECAM.
Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh rằng người trẻ là tương lai của châu Phi, và họ cần chứng tá của các vị mục tử. Ngài nói rằng cách hiệu quả nhất để vượt qua cám dỗ đầu hàng trước những lối sống có hại là đầu tư vào giáo dục.
"Giáo dục cũng sẽ giúp khắc phục được những não trạng đang lan tràn trong đó đề cao bất công, bạo lực, cũng như những chia rẽ sắc tộc".
Ngài nói: "Nhu cầu lớn nhất là một mô hình giáo dục dạy trẻ biết suy nghĩ có phê phán chứ đừng nhắm mắt chấp nhận và khuyến khích sự phát triển các giá trị đạo đức."
Đức Thánh Cha cũng cảnh báo chống lại sự đổ vỡ của các gia đình ở châu Phi, và cho biết Giáo Hội được mời gọi để đánh giá và khuyến khích mọi sáng kiến nhằm tăng cường các gia đình vì "đó là nguồn gốc thực sự của tất cả các hình thức tình anh em và là nền tảng chính yếu của hòa bình. "
Đức Thánh Cha cũng đã ca ngợi công việc của các nhà truyền giáo và nhân viên Giáo Hội trong việc giúp đỡ người già và đau khổ trên lục địa. Ngài đặc biệt nhắc đến những người đã quảng đại hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng Ebola gần đây ở Tây Phi.
Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi SECAM vì những cố gắng để cung cấp "một phản ứng tổng quát với những thách thức mới mà lục địa này đang phải đối mặt ", cho phép Giáo Hội "nói với một tiếng nói đồng nhất và đưa ra những chứng tá cho ơn gọi của mình như là một dấu chỉ và khí cụ của ơn cứu rỗi, hòa bình, đối thoại và hòa giải. "
Ngài cho biết để hoàn thành nhiệm vụ này, điều quan trọng là SECAM vẫn trung thành với bản sắc của mình là "một trải nghiệm sống động của tình hiệp thông và sự phục vụ cho những người nghèo nhất trong những người nghèo."
6. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà lãnh đạo kinh doanh: Hãy dành ưu tiên cho phẩm giá con người
Hôm thứ Bẩy 7 tháng 2, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thúc giục các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dành ưu tiên cho phẩm giá con người, và đề nghị ba cách để làm điều này: Thứ nhất, hướng đến các ưu tiên thực sự chứ đừng dậm chân ở những gì là khẩn cấp. Thứ hai hãy là những chứng nhân của tình bác ái. Thứ ba, hãy đóng vai trò là những người quản lý chứ không phải là các chủ nhân ông của hành tinh chúng ta.
Nhận xét của Đức Thánh Cha đã được ra trong một thông điệp video được phát trong cuộc gặp gỡ của 500 vị đại diện cho các tổ chức chính trị và kinh doanh quốc tế đang nhóm họp tại thành phố Milan của Ý để thảo luận về các chủ đề: Nuôi sống hành tinh của chúng ta, Năng lượng cho cuộc sống. Đây là chủ đề được chọn cho cuộc triển lãm quốc tế Expo 2015 sẽ khai mở vào tháng Năm tại thành phố này.
Đề cập đến bài phát biểu của ngài hồi cuối tháng Mười Một năm ngoái tại hội nghị Lương thực Thế giới và các Tổ chức Nông nghiệp, Đức Giáo Hoàng cho biết mối quan tâm đầu tiên cho tất cả chúng ta khi xem xét các vấn đề của nông nghiệp và sản xuất lương thực là con người và tất cả những người đang bị đói. Một lần nữa, ngài lên tiếng than phiền cái nghịch lý của xã hội hiện đại trong đó kẻ ăn không hết người lần không ra, hành tinh này là nơi có đủ thực phẩm cho tất cả mọi người, nhưng không phải tất cả cư dân của hành tinh này đều có thực phẩm cần thiết hàng ngày. Nhiều nơi người ta tiêu thụ quá mức và lãng phí thực phẩm và dùng thực phẩm cho các mục đích khác. Trong khi, không thiếu những nơi người ta đang chết vì đói.
Đức Thánh Cha cũng ghi nhận rằng có vài vấn đề khác như nạn đói là những vấn đề dễ bị thao túng bởi các chính phủ và các cơ quan chức năng cho những mục đích chính trị của mình. Trong Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình, các nghị phụ châu Phi đã tố giác rằng các quốc gia và các tổ chức phương Tây thường áp đặt những ý thức hệ phò phá thai như điều kiện tiên quyết cho những viện trợ nhân đạo.
7. Đại sứ quán Hung Gia Lợi cạnh Vatican tổ chức cuộc gặp gỡ vinh danh người đã cứu hàng ngàn người Do Thái trong thế chiến thứ Hai
Hôm thứ Tư 4 tháng 2, đại sứ quán Hung Gia Lợi cạnh Vatican đã tổ chức một cuộc gặp gỡ nhằm vinh danh Đức Tổng Giám Mục Angelo Rotta và Đức Ông Gennaro Verolino, là những người đã cứu hàng chục ngàn người Do Thái trong Thế chiến thứ Hai.
Đức Tổng Giám mục Rotta là sứ thần Tòa Thánh tại Hung Gia Lợi vào thời điểm đó, trong khi Đức ÔngVerolino là trợ lý của ngài. Đức Ông Verolino sau này đã trở thành một vị Tổng Giám Mục và là một sứ thần Tòa Thánh.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y Đoàn nói:
"Công việc của hai vị tuyệt vời này đã được ghi nhận bởi một số nhà sử học. Họ đã đưa ra thực hành những lời kêu gọi được lặp đi lặp lại của Đức Giáo Hoàng Piô XII”.
Một nhà viết sử người Hung Gia Lợi, ông Jeno Levai, trưng ra những sử liệu lấy từ văn khố Tòa Thánh và các quốc gia để chứng minh rằng Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Hung và các Đức Giám Mục "đã can thiệp đi can thiệp lại theo những chỉ thị của Đức Piô XII" và nhờ những nỗ lực này "trong mùa thu và mùa đông 1944, không có một nhà thờ Công Giáo nào tại Budapest lại không mở rộng vòng tay chứa chấp những người Do Thái đang trốn chạy".
8. Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero sẽ được phong Chân Phước
Hôm Thứ Hai 3 Tháng Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh trong một buổi triều yết riêng. Trong dịp này Đức Thánh Cha đã ban hành các nghị định sau:
Công nhận Tôi Tớ Chúa Oscar Romero Arnolfo Galdámez, Tổng Giám Mục San Salvador; sinh ngày 15 Tháng Tám năm 1917 ở Ciudad Barrios, El Salvador đã bị giết vì hận thù đức tin vào ngày 24 tháng 3 năm 1980, tại San Salvador.
Công nhận các Tôi tớ Chúa là Michele Tomaszek và Sbigneo Strzałkowski, các linh mục của Dòng Anh Em Hèn Mọn, và Alessandro Dordi, linh mục triều, bị giết vì hận thù đức tin vào ngày 9 và ngày 25 tháng tám 1991, tại Pariacoto và Rinconada, gần thành phố Santa Peru
Công nhận các nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Giovanni Bacile, linh mục trưởng của Bisacquino; sinh tại Bisacquino, Ý ngày 12 tháng Tám năm 1880 và qua đời tại đó ngày 20 tháng Tám năm 1941.
9. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Cộng hòa Kiribati
Hôm thứ Năm 5 tháng 2, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tổng thống nước Cộng hòa Kiribati, ông Anote Tong, trước khi ông gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul R. Gallagher, Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh.
Kiribati là một đảo quốc ở trung tâm Thái Bình Dương với dân số khoảng 100,000 người.
Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã ra một thông cáo báo chí mô tả cuộc đàm phán giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Tong là "thân mật", đồng thời cho biết hai vị đã bàn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và các vấn đề về biến đổi khí hậu, đang có những tác động tiêu cực đối với đất nước này, cũng như nhiều nước khác trong vùng Thái Bình Dương. Hai vị bày tỏ hy vọng rằng tại cuộc họp COP-21 được tổ chức tại Paris vào tháng tới, cộng đồng quốc tế có thể đưa ra các biện pháp phối hợp và hiệu quả để đối diện với thách thức này.
10. Đức Thánh Cha gặp gỡ các tỉnh trưởng Italia
Hôm thứ Sáu mùng 6 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các vị tỉnh trưởng của Italia, cám ơn họ đặc biệt vì họ đã phối hợp tiếp nhận rất nhiều người di cư, là những người gần đây đã đổ bộ lên bờ biển Ý.
Trong cuộc gặp gỡ với các quan chức chính quyền địa phương, Đức Giáo Hoàng cũng nói rằng họ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự gắn kết giữa các cộng đồng địa phương và chính quyền quốc gia Ý. Ngài đề cao cung cách họ hành xử trong các trường hợp khẩn cấp về di dân mà đất nước đã trải qua, sự cân bằng tinh tế giữa việc áp dụng pháp luật và sự tôn trọng các quyền con người của mỗi cá nhân.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về sự hợp tác tuyệt vời của chính quyền địa phương với các giáo phận và giáo xứ, trong việc tìm cách thúc đẩy sự phát triển con người và phục vụ lợi ích chung của đất nước thông qua giáo dục và các dịch vụ xã hội khác.
Đức Thánh Cha ghi nhận cách thức các tỉnh trưởng đã phải cố gắng để cân bằng nhu cầu của sự thăng tiến con người và lòng trung thành với tổ chức của mình, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các quan chức hãy ghi nhớ rằng không phải họ đang đối phó với những câu hỏi trừu tượng, nhưng là với hy vọng cụ thể của mỗi người người nam nữ, trong bối cảnh những bất ổn kinh tế kéo dài.
11. Sứ thần Tòa Thánh tại Bosnia-Herzegovina hoan nghênh tin tức về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàn
Đức Tổng Giám mục Luigi Pezzuto, Sứ thần Tòa Thánh tại Bosnia-Herzegovina, đã hoan nghênh tin tức về chuyến thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Sarajevo.
Phát biểu với Đài phát thanh Vatican ngay sau tuyên bố của Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm quốc gia này vào ngày 06 tháng 6 tới đây, Đức Tổng Giám Mục mô tả chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng không chỉ là hữu ích, mà phải nói là rất cần thiết.
"Chúng tôi rất hài lòng với tin tức về chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến Sarajevo và tất cả mọi người đang chờ đợi", ngài nói.
Đức Tổng Giám mục Pezzuto giải thích rằng quốc gia này, và đặc biệt là thành phố Sarajevo, "Jerusalem của châu Âu” là một nơi mà rất nhiều nền văn hóa, tôn giáo và các Giáo Hội Kitô tụ tập lại với nhau.
Ngài chỉ ra rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha xảy ra trong bối cảnh quốc gia này vừa thoát ra khỏi một cuộc chiến tranh bi thảm, do đó, "thông điệp của Đức Giáo Hoàng liên quan đến hòa bình và tái xây dựng một xã hội" là rất thời sự.
Đức Tổng Giám Mục nói thêm: "Trong bối cảnh này tôi chắc chắn rằng, chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, sẽ không chỉ là có ích, nhưng còn cần thiết cho Giáo Hội Công Giáo địa phương và cho tất cả những tôn giáo đang ở đây".
12. Boko Haram giết chết hơn 100 người tại một thị trấn của Cameroon
Quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã giết chết hơn 100 người ở thị trấn Fotokol phía bắc Cameroon gần biên giới với Nigeria. Cuộc tấn công diễn ra khi lực lượng Chad xua quân vào các căn cứ quân sự của Boko Haram và nói rằng họ đã giết chết khoảng 200 chiến binh Hồi Giáo trong hai ngày qua.
Cư dân tại Fotokol đã là mục tiêu tàn sát của Boko Haram hôm thứ Tư 4 tháng 2 khi chúng tiến vào thị trấn này giết chết hơn 100 người trong một nhà thờ Hồi giáo và trong các gia cư trước khi nổi lửa đốt nhiều căn nhà.
Các tử thi cho thấy nhiều người đã bị cắt cổ họng trước khi chết.
Cuộc tàn sát này xảy ra chỉ một ngày sau khi một lực lượng Cameroon cho biết họ đã đẩy lui quân khủng bố Hồi Giáo tại một thị trấn biên giới gần Fotokol.
Trong khi đó, quân Chad cho biết họ đã "hoàn toàn xóa sổ" các căn cứ Boko Haram tại Gambaru và Ngala ở miền bắc Nigeria hôm thứ Ba, giết chết hơn 200 chiến binh Hồi Giáo.
13. Ấn Độ đưa ra lời xin lỗi đã từ chối chiếu khán nhập cảnh của các viên chức Tòa Thánh
Một phát ngôn viên của chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một lời xin lỗi về việc từ chối thị thực chiếu khán vào giờ chót cho hai viên chức Vatican đã được dự trù tham dự một hội nghị về phụng vụ.
Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, thư ký của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích và Đức Tổng Giám mục Portase Rugambwa, chủ tịch Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, đã buộc phải hủy bỏ chuyến thăm dự kiến của mình đột ngột sau khi thị thực nhập cảnh của hai vị đã bị từ chối. Tuy nhiên, nhờ Internet, Đức Tổng Giám mục Roache đã có thể tham gia vào các cuộc họp qua một liên kết video.
Đức Hồng Y Oswald Gracias của Mumbai nói với Catholic News Service rằng ngài đã nhận được một cú điện thoại từ Bộ Ngoại giao, xin lỗi vì sự từ chối thị thực và hứa hẹn một cuộc điều tra về vụ việc này.
Sự từ chối thị thực là một cú sốc bởi vì nó đưa ra sau một sự chậm trễ bất thường. Vụ này xảy ra sau hàng loạt các vụ tấn công vào các nhà thờ Công Giáo và chương trình bắt buộc cải đạo sang Ấn Giáo đang được thực hiện trong cả nước dưới sự ngầm ủng hộ của thủ tướng Narendra Modi.
14. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Giám Mục Hy Lạp
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 5 tháng 2, dành cho 8 Giám Mục Hy Lạp về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội tại nước này tiếp tục giúp mọi người tin tưởng nơi tương lai bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài tại nước này.
Trong bài huấn dụ trao cho các vị tại buổi tiếp, Đức Thánh Cha viết:
“Đứng trước sự kéo dài cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh xảy ra trầm trọng tại đất nước anh em, anh em đừng mỏi mệt trong việc khuyên nhủ tất cả mọi người hãy tin tưởng nơi tương lai, chống lại cái gọi là nền văn hóa bi quan. Tinh thần liên đới mà mỗi Kitô hữu được kêu gọi làm chứng cụ thể trong đời sống thường nhật tạo nên một men hy vọng”.
Đức Thánh Cha cũng khích lệ các Giám Mục Hy Lạp săn sóc những tín hữu Công Giáo nhập cư, kể cả những người ở trong tình trạng bất hợp pháp. “Tôi thành tâm khuyến khích anh em hãy tiếp tục tiến bước với một đà tiến truyền giáo mới, đặc biệt đưa người trẻ tham gia vào công trình này, vì họ chính là tương lai của đất nước”.
Tiếp đến là tiếp tục những cuộc đối thoại giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, để nuôi dưỡng hành trình đại kết cần thiết”. Ngài kêu gọi các Giám Mục đặc biệt chăm sóc việc mục vụ ơn gọi để đối phó với tình trạng thiếu linh mục, nhất là kiên trì theo đuổi các chương trình chuẩn bị hôn nhân, đứng trước sự suy yếu gia đình, do trào lưu tục hóa. Cũng đừng quên những già, nhiều khi phải sống trong cô đơn và bị bỏ rơi vì nền văn hóa gạt bỏ đang lan tràn.
Hy Lạp rộng 132 ngàn cây số vuông với 11 triệu 300 ngàn dân cư, trong đó hơn 90% là tín hữu Chính Thống giáo, và chỉ có 141 ngàn tín hữu Công Giáo tương đương với 1,2% dân số. Các tôn giáo thiểu số tại nước này vẫn còn phải chịu nhiều thiệt thòi và kỳ thị. Ví dụ nếu một Giám Mục Công Giáo muốn sửa chữa một thánh đường của mình thì phải xin sự đồng ý của vị Giám Mục Chính Thống tại địa phương.
15. Thư của Đức Thánh Cha về Ủy ban Tòa Thánh chống lạm dụng tính dục
Đức Thánh Cha đã gửi thư đến các Hội Đồng Giám Mục và các Bề trên dòng tu để giới thiệu Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên, đồng thời kêu gọi cộng tác với cơ quan này.
Trong thư, Đức Thánh Cha cho biết Ủy ban này mới được thành lập hồi tháng 3 năm 2014, với mục đích đưa ra những đề nghị và sáng kiến nhắm cải tiến các qui luật và thủ tục bảo vệ tất cả các trẻ thành viên và những người lớn dễ bị tổn thương. Hồi tháng 7-2014, ngài đã gặp một số nạn nhân đã bị các linh mục lạm dụng tính dục và nghe chứng từ của họ. Điều này càng làm cho ngài xác tín cần phải tiếp tục làm tất cả những gì có thể để bài trừ khỏi Giáo Hội nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và mở ra một con đường hòa giải và chữa lành cho những người đã bị lạm dụng.
Đức Thánh Cha cho biết các thành viên của Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thánh niên đã được bổ nhiệm trong thời gian qua và sắp sửa nhóm họp lần đầu tiên tại Roma. Trong dịp này, ngài khẳng định rằng: Ủy ban có thể là một dụng cụ mới mẻ, có giá trị và hữu hiệu để giúp ngài linh hoạt và thăng tiến sự dấn thân của toàn thể Giáo Hội, trên bình diện Hội Đồng Giám Mục, các giáo phận, dòng tu, để thực thi những hoạt động cần thiết hầu bảo đảm sự bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương, cũng như mang lại câu trả lời theo công lý và lòng từ bi.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Các gia đình phải biết rằng Giáo Hội không từ khước một cố gắng nào để bảo vệ con cái của họ và họ có quyền được tìm đến với Giáo Hội với lòng tín nhiệm hoàn toàn, vì Giáo Hội là một nhà an toàn. Vì thế, không thể dành ưu tiên cho một nhận xét nào khác, thuộc bất kỳ loại nào, chẳng hạn ước muốn tránh gương mù, vì tuyệt đối không có chỗ trong thừa tác vụ của Giáo Hội những kẻ nào lạm dụng trẻ vị thành niên”.
Đức Thánh Cha nhắc nhở các Hội Đồng Giám Mục hoàn toàn thực thi lá thư của Bộ giáo lý đức tin ngày 3-5-2011, soạn thảo các đường hướng chỉ đạo để đối phó với những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Điều quan trọng là các Hội Đồng Giám Mục đề ra phương thế để theo định kỳ duyệt lại các qui luật và kiểm chứng việc áp dụng các qui luật ấy”.
Giám Mục giáo phận và Bề trên cấp cao của các dòng tu có nhiệm vụ kiểm chứng xem trong các giáo xứ và các tổ chức của Giáo Hội có bảo đảm an toàn cho các trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương hay không.. Ngoài ra cần đề ra những chương trình trợ giúp mục vụ cho các nạn nhân, để họ có thể được hưởng các dịch vụ tâm lý và tinh thần. Các vị mục tử và các vị trách nhiệm các cộng đoàn dòng tu hãy săn sàng gặp các nạn nhân và thân nhân của họ. Đó là những cơ hội quí giá để lắng nghe và xin lỗi những người đã chịu đau khổ nhiều”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha yêu cầu các Hội Đồng Giám Mục và các Bề trên dòng cộng tác hoàn toàn và lưu tâm với Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên.
Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên do Đức Hồng Y Sean O'Malley, dòng Capuchino, Tổng Giám Mục Boston, làm chủ tịch. Vị Tổng thư ký là Đức Ông Robert Oliver, người Mỹ, nguyên là chưởng tín (promotore di giustizia) của Bộ giáo lý đức tin. Các thành viên Ủy ban được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm 2 đợt, tổng cộng là 17 người, trong đó có 8 phụ nữ. Trong số các thành viên có hai người, một nam và một nữ, đã là nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng khi còn nhỏ.
16. Đức Thánh Cha sẽ thăm Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ ngày 24 tháng 9
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ phát biểu tại quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ ngày 24 tháng 9 năm nay. Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng đọc diễn văn trong một phiên nhóm chung của lưỡng viện quốc hội Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Ông John Boehner, tuyên bố như trên hôm 5 tháng 2 và Phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận tin này.
Tổng giáo phận thủ đô Washington cũng ra thông cáo bày tỏ “niềm vinh dự và vui mừng rất lớn được đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Tổng giáo phận này, trong chương trình viếng thăm của ngài tại Hoa Kỳ vào tháng 9 năm nay.
“Chúng tôi vui mừng vì lời loan báo hôm nay (5 tháng 2) của Chủ tịch Hạ nghị viện Hoa Kỳ, Ông John Boehner, cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phát biểu trong phiên nhóm chung của Quốc hội, ngày 24 tháng 9. Biến cố lịch sử này sẽ là một thời điểm ân phúc cho tất cả chúng ta. Chúng tôi cũng chờ đợi loan báo chính thức với nhiều chi tiết hơn về cuộc viếng thăm”
Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại trụ sở quốc hội Hoa Kỳ diễn ra trong khuôn khổ cuộc viếng thăm của ngài tại nước này, nhân dịp Đại hội các Gia đình Công Giáo thế giới lần thứ 8, diễn ra tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania từ ngày 22 đến 25 tháng 9.
Tuy chưa có chương trình chính thức, nhưng giới báo chí cho rằng Đức Thánh Cha cũng sẽ viếng thăm và phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, viếng thăm giáo phận địa phương, và tại Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Washington, ngài sẽ chủ lễ phong Hiển thánh cho chân phước Junipero Serra thuộc dòng Phanxicô, trước khi đến Đại hội gia đình Công Giáo thế giới ở Philadelphia.
17. Đức Thánh Cha nói chuyện với các học sinh khuyết tật
Chiều 5 tháng 2, Đức Thánh Cha đã nói chuyện với các học sinh khuyết tật qua Video viễn liên và khích lệ các em vượt thắng những khó khăn do tình trạng tật nguyền của mình.
Cuộc gặp gỡ được tổ chức tại Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Vatican nhân dịp kết thúc Hội nghị quốc tế lần thứ tư của tổ chức “Scholas Occurentes” (Liên trường), một mạng quốc tế các trường học, được thành lập tại Buenos Aires, Á Căn Đình, do ý muốn của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục sở tại hồi đó là Jorge Bergolio, nay là Đức đương kim Giáo Hoàng. Ngày nay Liên trường lớn mạnh và bao gồm 400 ngàn trường học rải rác tại 5 châu. Cuộc gặp gỡ với sự tham dự của Đại học Công Giáo Lumsa ở Roma và được nối qua Video với 260 người khác, cùng với các trẻ em khuyết tật tại nhiều nước Mỹ, Phi, Australia, Trung Đông..
Các học sinh đã kể cho Đức Thánh Cha những khó khăn của họ do tình trạng tật nguyền. Ngài nhắn nhủ các em: “Trong tất cả các con có một cái hộp đựng đồ quí giá, đựng khó tàng. Công tác của các con là mở hộp ấy và rút ra kho tàng, làm cho nó tăng trường, trao tặng người khác và cũng nhận những điều quí giá từ người khác. Mỗi người chúng ta đều có một kho tàng trong nội tâm. Nếu chúng ta khép kín nó trong mình, thì nó vẫn nằm tiềm ẩn, nếu chúng ta chia sẻ với người khác thì kho tàng ấy được gia tăng nhờ những kho tàng đến từ những người khác nữa”.
Trong cuộc nói chuyện, Đức Thánh Cha cũng nhận xét tình trạng “hiệp ước giáo dục” ngày nay, trong gia đình, tại trường học, nơi quê hương và trong nền văn hóa, đã bị phá vỡ, nghĩa là: xã hội, cũng như gia đình và các tổ chức khác ủy thác việc giáo dục cho những nhân viên lo về giáo dục, cho các giáo chức, thường không được trả lương ít, nhưng lại mang trách nhiệm này trên vai...” Theo Đức Thánh Cha, hiệp ước giáo dục cần được mọi người đón nhận và thi hành để đánh bại cuộc khủng hoảng của nền văn minh.
Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với các giáo chức trong công tác khó khăn này và ngài đề cao kinh nghiệm của tổ chức Scholas Occurentes, kinh nghiệm này làm nổi bật cố gắng muốn tái tạo hiệp ước giáo dục một cách hòa hợp và đề cao con đường văn hóa, thể thao và khoa học để kiến tạo những nhịp cầu. Tổ chức Liên trường muốn hợp ngôn ngữ của trí tuệ với ngôn ngữ của con tim và ngôn ngữ của đôi tay”.